Thủ tướng: Đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục giảm thuế VAT trong 2025 và 2026

11:38 | 08/04/2025

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% sẽ có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế, người dân và hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nhất là trong bối cảnh Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam.
Thủ tướng: Đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục giảm thuế VAT trong 2025 và 2026
Thủ tướng cho biết sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2025 và cả năm 2026, nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân

Chiều tối 7/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị với các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội và doanh nghiệp để chủ động thích ứng với tình hình mới về thương mại quốc tế.

Sau khi nghe ý kiến của Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng cho rằng những phản ứng và giải pháp ứng phó của các nước đối với chính sách thuế mới, đặc biệt là thuế đối ứng, đa dạng và khác nhau, tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng đối với nền kinh tế.

Liên quan đột phá thể chế, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó, năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh.

Cùng với đó, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước có phương án chuẩn bị hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp khó khăn. Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược.

Về chính sách tài khóa, Thủ tướng cho biết sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2025 và cả năm 2026, nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân.

Gần đây, Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT nhằm kích cầu tiêu dùng. Theo dự thảo, việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).

Thời gian áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng 2% quy định nêu trên từ ngày 1 tháng 7 năm 2025 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2026.

Đánh giá tác động của dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính cho biết, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 tương đương khoảng 121,74 nghìn tỷ đồng (trong đó: 6 tháng cuối năm 2025 giảm khoảng 39,54 nghìn tỷ đồng, năm 2026 giảm khoảng 82,2 nghìn tỷ đồng).

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế cho rằng việc VAT thời điểm này sẽ là một “liều doping” cực mạnh giúp doanh nghiệp khơi thông đầu ra và hồi phục nền kinh tế vĩ mô.

Tác động đến tăng trưởng kinh tế, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2025.

Đối với người dân, đây là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm 2% mức thuế GTGT sẽ góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.

Đối với doanh nghiệp, việc giảm 2% mức thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm thông qua doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ được giảm thuế GTGT dẫn đến giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, từ đó giúp sản phẩm của doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Diệu Phương