Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang tham dự Hội nghị CICA lần thứ 6

22:12 | 12/10/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Ngày 12/10/2021, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang đã tham dự và phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 6 của Hội nghị phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) với chủ đề “An ninh và phát triển bền vững tại châu Á trong thực tế mới của thế giới hậu đại dịch” do Bộ trưởng Ngoại giao Kazakhstan Mukhtar Tileuberdi chủ trì tổ chức.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Đại sứ Indonesia Denny Abdi chào xã giaoBộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Đại sứ Indonesia Denny Abdi chào xã giao
Đẩy mạnh trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng giữa Việt Nam - CubaĐẩy mạnh trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng giữa Việt Nam - Cuba
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang tham dự Hội nghị CICA lần thứ 6
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang tham dự Hội nghị CICA lần thứ 6 theo hình thức trực tuyến.

Tham dự Hội nghị có 15 Bộ trưởng, 05 Thứ trưởng và đại diện của 27 nước thành viên CICA, 09 nước quan sát viên CICA và các tổ chức quốc tế.

Trong thảo luận, các nước nhận định châu Á tiếp tục giữ vai trò quan trọng trên bản đồ kinh tế-chính trị thế giới, tuy nhiên châu lục này đang đứng trước nhiều thách thức lớn như các tác động đa chiều của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, xung đột vũ trang… Trong bối cảnh nhiều thách thức đó, các nước đánh giá cao vai trò của CICA đối với hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở châu Á, cho rằng CICA cần phát huy mạnh mẽ vai trò của một tổ chức khu vực để thích ứng với những thay đổi tại châu Á và trên thế giới thông qua việc ủng hộ chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin và đoàn kết giữa các quốc gia vì lợi ích chung của khu vực.

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang tham dự Hội nghị CICA lần thứ 6

Phát biểu trực tuyến tại Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang đánh giá thế giới và châu Á đang trong giai đoạn đầy khó khăn khi cùng lúc đối mặt với nhiều khủng hoảng; mặt khác châu Á có vị trí đặc biệt, là xung lực cho tăng trưởng kinh tế thế giới, là nguồn đổi mới, sáng tạo và nhân lực cho thế giới, qua đó đóng góp quan trọng trong ứng phó với các thách thức chung, tái thiết và thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững toàn cầu.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang nhận định CICA là một cơ chế quan trọng để tăng cường hợp tác khu vực và cho rằng diễn đàn này cần tiếp tục duy trì trọng tâm thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin giữa các quốc gia châu Á để cùng giải quyết những các thách thức khu vực và toàn cầu. Thứ trưởng nhấn mạnh lòng tin là điều kiện quan trọng để thích ứng với thực tế mới trong một thế giới hậu COVID-19, là nền tảng cho tăng cường hợp tác, nỗ lực chung duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu, triển khai các kế hoạch phục hồi và biến các thách thức thành cơ hội cho phát triển bền vững, thông qua chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong các hoạt động sản xuất và kinh doanh, sử dụng công nghệ mới, thúc đẩy thương mại và đầu tư.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng khẳng định cam kết của Việt Nam đối với tiến trình và các mục tiêu của CICA, quyết tâm cùng các nước tăng cường đoàn kết, lòng tin, hợp tác vì hoà bình và phát triển của châu Á và trên thế giới. Nhân dịp này, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực; chia sẻ những nỗ lực tích cực của ASEAN trong ứng phó với đại dịch COVID-19, thực hiện Đồng thuận 5 điểm về Myanmar, triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm kết thúc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

CICA được thành lập vào năm 1992 theo sáng kiến của cựu Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev nhằm phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng ở châu Á và phát triển hợp tác giữa các nước thành viên trên những lĩnh vực như an ninh, kinh tế-tài chính, phát triển ban vững, môi trường, y tế, năng lượng, công nghệ thông tin, nhân đạo, chống khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia... Đây là diễn đàn liên chính phủ khu vực để đối thoại, tham vấn, xây dựng lòng tin và thông qua các quyết định, biện pháp về các vấn đề an ninh ở châu Á trên cơ sở đồng thuận. Hiện CICA có 27 nước thành viên và 8 quan sát viên, trong đó Việt Nam là thành viên CICA từ năm 2010.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Vân Anh

vietinbank
ajinomoto