Thời đại 'sao đổi ngôi' của kinh tế tư nhân để hợp lực bứt phá
![]() |
Bà Bùi Thị Phương Chi, Giám đốc VTTV khai mạc tọa đàm |
Doanh nghiệp “hốt hoảng” trước những biến động, đâu là cơ hội?
Năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu tăng trưởng năm phải đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để tăng trưởng hai con số từ năm 2026 trở đi. Để thực hiện điều này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng một nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân, gồm hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn có khả năng dẫn dắt.
Nhận diện thách thức và cơ hội trong bối cảnh vĩ mô hiện nay, tại phiên thảo luận đầu tiên do bà Bùi Thị Phương Chi, Giám đốc VTTV điều phối với chủ đề “Bối cảnh kinh tế & cơ hội bứt phá giai đoạn 2025 - 2030”, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV cho rằng bối cảnh vĩ mô hiện nay đang đặt ra cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam yêu cầu “bứt phá” và “tăng tốc” để nắm bắt cơ hội.
Là doanh nghiệp tư nhân trực tiếp tham gia phiên tọa đàm, TS. Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái cho rằng doanh nghiệp đang “hốt hoảng” trước những biến động của kinh tế thế giới, bởi “chỉ cần chậm 1 ngày có nguy cơ mất ngay 3 ngày cơ hội”. Ông Đoàn nhìn nhận biến động của thị trường đang diễn ra quá nhanh và không thể lường trước hay dự báo được, đây là áp lực buộc doanh nghiệp phải thích nghi.
![]() |
Phiên thảo luận đầu tiên “Bối cảnh kinh tế & cơ hội bứt phá giai đoạn 2025 - 2030” |
“Thời điểm này là cuộc chơi mới, sự cạnh tranh mới, là thế kỷ của ‘sao đổi ngôi’, doanh nghiệp cần hợp lực đóng góp cho công cuộc phát triển kinh tế đất nước thông qua việc làm ăn bài bản, chuyên nghiệp, tận dụng các hiệp định đã ký để thâm nhập sâu hơn rộng hơn vào thị trường thế giới. Những nỗ lực đó sẽ góp phần tạo nên kỳ tích Việt Nam tăng trưởng hai con số”, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng thời điểm này về mặt lịch sử là rất đặc biệt, bởi theo ông Thiên thế giới đang ‘bất thường’ và Việt Nam cũng có những chuyển biển ‘khác thường’. Bối cảnh thế giới càng toàn cầu hóa cao càng khắc nghiệt trong câu chuyện cạnh tranh, xung đột. Trước biến động của thế giới, Việt Nam cũng đang chứng kiến một giai đoạn lịch sử đổi mới, chuẩn bị cho bước chuyển sang thời đại khác cùng với nhân loại.
“Do vậy, sự bứt phá của tư nhân thời điểm này là đáng quý vô cùng. Rủi ro là không tránh khỏi, nhưng quan trọng nhất là khí thế bứt phá là minh chứng cho khí thế yêu nước, trong đó việc cần làm nhất là đóng góp tiếng nói hoàn thiện thể chế chính sách phát triển kinh tế tư nhân trong thời đại mới”, vị chuyên gia nhìn nhận.
Doanh nghiệp tư nhân đang đối mặt với những khó khăn gì?
Từ những nhận định bối cảnh vĩ mô, Tọa đàm bước sang phiên thảo luận thứ hai “Giải pháp & chiến lược phát triển cho doanh nghiệp tư nhân” do ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV điều phối. Các diễn giả trong phiên này đã có các chia sẻ về khó khăn mà doanh nghiệp tư nhân đang đối mặt trong bối cảnh hiện nay.
![]() |
Các diễn giả tham dự phiên thảo luận thứ 2 |
TS. Đinh Minh, Chủ tịch sáng lập Hệ thống thế giới ẩm thực Miresto cho rằng nhân sự là nguồn lực lớn nhất nhưng cũng là thách thức lớn nhất của doanh nghiệp và mỗi người lãnh đạo cần trở thành tấm gương trong hệ thống. Còn bà Đinh Thị Hà, Giám đốc Công ty Thẩm định giá VNG chia sẻ khó khăn về tâm lý thị trường đã không ít tác động tới hoạt động doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam nhìn nhận, giai đoạn này đã thấy nhiều tên tuổi tư nhân chiếm lĩnh thị trường bất động sản mạnh mẽ, đóng góp giá trị lớn vào phát triển hạ tầng, đô thị. Tuy nhiên, giai đoạn qua đã đo lường, cho thấy những khó khăn lớn, có các doanh nghiệp bất động sản phải rời thị trường.
“Các doanh nghiệp bất động sản vấp phải những khó khăn từ thể chế, tư duy, nhưng chúng tôi rất yên tâm vì Chính phủ, Quốc hội đã vào cuộc rất nhanh để tháo gỡ khó khăn này một cách quyết liệt, gấp rút, cụ thể cho từng vướng mắc”, ông Đính nhấn mạnh.
Tuy nhiên, làm thế nào để thị trường bền vững và bứt phá mạnh hơn thời gian tới, ông Đính cho rằng các doanh nghiệp tư nhân bất động sản cần có sự thay đổi về tư duy, nhận thức, tự tạo sự chuyển biến trong chính mình, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam nhấn mạnh vào chính sách thuế hợp lý sẽ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển, hạn chế rủi ro. Quốc hội đang sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập cá nhân và các bộ Luật khác về thuế, theo bà Cúc, đây là việc rất cần thiết lúc này để tạo động lực giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể lớn mạnh, tạo sức sống mới cho khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Ngày 15/3/2009, VITV chính thức phát sóng, đặt những viên gạch đầu tiên cho một nền tảng truyền thông chuyên sâu về kinh tế, tài chính, doanh nghiệp. Từ những ngày đầu tiên ấy, VITV đã xác định rõ sứ mệnh của mình: đồng hành cùng doanh nghiệp, mang đến những bản tin cập nhật nhanh chóng, chính xác về biến động của thị trường, giúp nhà đầu tư và doanh nghiệp có cái nhìn sâu sắc hơn về bức tranh kinh tế Việt Nam và thế giới. |
Phương Thảo
- CTCP Tổng Bách Hóa đóng vai trò lớn trong dự án trở lại của Tân Hoàng Minh
- Rót gần 4.000 tỷ đồng xây siêu dự án KCN tại Thái Nguyên, Viglacera đang toan tính điều gì?
- Vi phạm pháp luật về môi trường, Công ty Cadivi Đồng Nai bị phạt 320 triệu đồng
- Đẩy mạnh hoạt động thanh tra các ngân hàng có "sân sau" là doanh nghiệp bất động sản
- Vietcombank công bố quyết định chuẩn y Phó Bí thư Đảng ủy và bổ nhiệm Tổng Giám đốc