Tập đoàn Bảo Việt: Lợi nhuận khiêm tốn, sử dụng đòn bẩy nợ cao

07:38 | 11/05/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Trong nhiều năm liên tiếp, lợi nhuận tại Tập đoàn Bảo Việt (mã: BVH) rất khiêm tốn. Chưa dừng lại, doanh nghiệp này sử dụng đòn bẩy nợ rất cao, hầu hết tài sản được tài trợ bởi nợ. Đáng nói, nợ dài hạn tại BVH vượt qua tài sản dài hạn suốt 4 năm qua.
Chi phí lãi vay ‘ăn mòn’ lợi nhuận tại Chứng khoán Bảo ViệtChi phí lãi vay ‘ăn mòn’ lợi nhuận tại Chứng khoán Bảo Việt

Lợi nhuận sau thuế tại BVH 'giậm chân tại chỗ'

Quý 1/2022, BVH ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm gốc hơn 10.014 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí nhượng tái bảo hiểm giảm 34% còn gần 576 tỷ đồng, nên doanh thu bảo hiểm thuần tăng 11%, đạt hơn 9.438 tỷ đồng .

Tuy nhiên, chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm bất ngờ tăng vọt 131% so với cùng kỳ, gần 9.389 tỷ đồng, tăng cao hơn cả doanh thu khiến hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại BVH giảm 20%, chỉ mang về 339 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, lợi nhuận từ hoạt động tài chính chỉ tăng nhẹ 5%, gần 2.027 tỷ đồng trong khi đó chi phí quản lý tăng 7% lên hơn 1.225 tỷ đồng; chi phí hoạt động tài chính cũng tăng tới 17% lên hơn 324 tỷ đồng.

Do đó, lợi nhuận sau thuế tại BVH đi ngang, ở mức hơn 500,5 tỷ đồng do hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm. Tổng doanh thu hợp nhất đạt 13.158 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Tập đoàn Bảo Việt: Lợi nhuận khiêm tốn, sử dụng đòn bẩy nợ cao

Trong đó, tổng doanh thu công ty mẹ đạt 382 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 283 tỷ đồng, tăng trưởng 2,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng tài sản công ty mẹ tại ngày 31/3/2022 đạt 19.103 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 18.789 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm trước.

Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu khả quan với 9,4% đạt 9.666 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 265 tỷ đồng, tăng trưởng 5,2% so với cùng kỳ.

Trong mảng phi nhân thọ, tổng doanh thu của Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt đạt 2.975 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 80,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Tập đoàn cho biết lĩnh vực kinh doanh chứng khoán tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với tổng doanh thu quý I của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đạt 249,5 tỷ đồng, tăng trưởng 15,7% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 48,7 tỷ đồng.

Công ty Quản lý Quỹ Bảo Việt (BVF) ghi nhận tăng trưởng tổng tài sản quản lý 21,78% so với cuối năm trước đạt 117.274 tỷ đồng, tương đương 5 tỷ USD. Tổng doanh thu quý I/2022 của BVF đạt 35,6 tỷ đồng, Lợi nhuận sau thuế đạt 18 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 20,3% và 34,6% so với cùng kỳ.

Tập đoàn Bảo Việt: Lợi nhuận khiêm tốn, sử dụng đòn bẩy nợ cao

Đáng chú ý, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC, mã: BVS) ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 49 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ do gánh nặng chi phí, đặc biệt là khoản chi phí lãi vay tăng mạnh hơn doanh thu.

Tiếp tục sử dụng đòn bẩy nợ cao

Tập đoàn Bảo Việt trước đây là một doanh nghiệp nhà nước, sau đó đã được cổ phần hóa và trở thành doanh nghiệp cổ phần từ năm 2007.

Trước đây, khi nhắc đến Tập đoàn Bảo Việt, người ta nghĩ ngay đến một tập đoàn bảo hiểm hàng đầu Việt Nam nhưng nhiều năm gần đây, Tập đoàn này đã mở rộng đầu tư đa ngành với các dịch vụ tài chính như bảo hiểm, ngân hàng, đầu tư, môi giới, quản lý quỹ, bất động sản… và mảng chính bảo hiểm đang mất dần "ngôi vương". Điều đáng nói, hầu hết các lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn này cho đến nay đều có kết quả không mấy khả quan, lợi nhuận khiêm tốn.

Quý đầu năm, ngoài kết quả kinh doanh không mấy khả quan, tình hình tài chính tại BVH tiếp tục trong tình trạng "kém sáng".

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022 cho thấy, tính đến 31/3/2022, tổng tài sản tại BVH ghi nhận hơn 183.778 tỷ đồng, tăng nhẹ 8% so với đầu năm được hình thành từ 161.251 tỷ đồng nợ phải trả, tương đương tỷ số nợ phải trả trên tổng tài sản là 88% và chỉ có 22.527 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Do đó, nợ phải trả đang cao gấp 7 lần vốn chủ sở hữu.

Các con số trên cho thấy BVH sử dụng đòn bẩy nợ cao, hầu hết tài sản của doanh nghiệp này được tài trợ bởi nợ.

Tập đoàn Bảo Việt: Lợi nhuận khiêm tốn, sử dụng đòn bẩy nợ cao

Về nguyên tắc, hệ số nợ phải trả càng nhỏ, có nghĩa là nợ phải trả chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng tài sản hay tổng nguồn vốn thì doanh nghiệp ít gặp khó khăn hơn trong tài chính. Hệ số này càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn.

Đáng chú ý, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng tới 15% lên hơn 2.871 tỷ đồng và nợ vay dài hạn gần 231 tỷ đồng, giảm so với đầu năm.

Trong đó, có 100 tỷ đồng là trái phiếu dài hạn do Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) phát hành. Đây là trái phiếu không chuyển đổi có kỳ hạn 2 năm với lãi suất quy định trong phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ của BVSC.

Tại bảng cân đối kế toán, nợ dài hạn tại BVH lại tiếp tục vượt qua tài sản dài hạn. Cụ thể, tại ngày 31/3/2022, nợ dài hạn ghi nhận hơn 131.039 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong khi đó, chủ yếu là dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm (hơn 130.530 tỷ đồng) và phải trả dài hạn khác (hơn 274 tỷ đồng). Trong khi đó, tài sản dài hạn tại thời điểm này chỉ có 73.843 tỷ đồng. Như vậy, nợ dài hạn cao gấp gần 2 lần tài sản dài hạn tại BVH.

Thực tế, tình trạng nợ dài hạn tại BVH vượt qua tài sản dài hạn kéo dài suốt 4 năm qua. Nếu phần tài sản dài hạn liên tục nhỏ hơn nợ dài hạn chứng tỏ một phần nợ dài hạn đã chuyển vào tài trợ tài sản ngắn hạn. Điều này thực sự vừa làm lãng phí chi phí lãi vay nợ dài hạn vừa thể hiện sử dụng sai mục đích nợ dài hạn. Tương lai, nếu BVH tiếp tục để tình trạng này kéo dài chắc chắn sẽ khiến lợi nhuận kinh doanh giảm hoặc xảy ra những rối loạn tài chính doanh nghiệp nghiêm trọng.

Lợi nhuận tại Tập đoàn Bảo Việt ước tính vẫn còn khiêm tốn trong năm 2022

Theo báo cáo phân tích mới đây, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) đánh giá trong những năm gần đây, Bảo Việt đã trải qua giai đoạn kém thuận lợi khi mảng nhân thọ chịu ảnh hưởng từ môi trường lãi suất giảm dần và tỷ lệ bồi thường cao kỷ lục của mảng phi nhân thọ cùng động thái mở rộng mạnh thị phần năm 2017-2018.

SSI Research dự báo mảng kinh doanh bảo hiểm từ năm 2022 sẽ dần tốt hơn khi lãi suất đã chạm đáy và Bảo Việt sẽ có giai đoạn kinh doanh thuận lợi hơn . Tuy nhiên, tác động đến tăng trưởng lợi nhuận ước tính vẫn còn khiêm tốn trong 2022 do mảng dịch vụ môi giới chứng khoán giảm tốc và thị trường chứng khoán hạ nhiệt.

Các chuyên gia phân tích ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Tập đoàn Bảo Việt đạt 2.700 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Trong đó lợi nhuận trước thuế mảng bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ dự kiến tăng lần lượt 46% và 17% so với cùng kỳ, đạt 1.500 tỷ đồng và 308 tỷ đồng.

Với mảng bảo hiểm nhân thọ, SSI Research giả định hoạt động bán hàng sẽ hồi phục trở lại trong 2022 với việc tập trung vào một sản phẩm bảo hiểm liên kết chung khác như An Phát Cát Tường.

Song, tăng trưởng doanh thu phí khai thác mới của Bảo Việt ước tính khiêm tốn ở mức 12% so với 20% trong 2015-2020 do cạnh tranh gay gắt với các công ty bảo hiểm nhân thọ khác như Manulife, AIA, Sunlife,... Những công ty này đang mở rộng thị phần mạnh mẽ thông qua các hợp đồng bancassurance độc quyền.

Tập đoàn Bảo Việt: Lợi nhuận khiêm tốn, sử dụng đòn bẩy nợ cao

Nhóm phân tích cũng giả định tỷ lệ hủy hợp đồng vẫn ổn định trong 2022, do lãi suất tăng ở mức độ ít và có thể không ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của các sản phẩm bảo hiểm hiện tại.

Theo đó, tổng doanh thu phí của tập đoàn ước tính tăng 10,5% trong 2022. Lỗ kinh doanh bảo hiểm ước tính là 5.100 tỷ đồng so với con số 5.200 tỷ đồng trong 2021.

Với mảng bảo hiểm phi nhân thọ, chuyên gia ước tính tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc khiêm tốn ở mức 7% so với cùng kỳ do doanh nghiệp theo đuổi chiến lược hiệu quả hơn là doanh thu.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hoàng Long