Phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 29

07:13 | 19/11/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Việt Nam sẽ phối hợp cùng các thành viên APEC để đẩy nhanh tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế vì một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, mở, năng động và tự cường.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu với các Lãnh đạo kinh tế APEC, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Phiên 1: Tăng trưởng cân bằng, bao trùm và bền vững

Thưa Ngài Chủ toạ,

Thưa Quý vị,

1. Tôi vui mừng gặp lại các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC sau ba năm gián đoạn bởi đại dịch. Tôi chân thành cảm ơn Ngài Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, Chính phủ và nhân dân Thái Lan về sự đón tiếp nồng hậu và công tác chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị.

2.Thế giới của chúng ta đang chứng kiến những biến động sâu sắc, mang tính lịch sử, với nhiều yếu tố bất định, khó lường. Dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt, xung đột địa chính trị, nguy cơ suy thoái kinh tế… khiến các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc về chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh xanh và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ngày càng khó khăn.

Diễn đàn APEC của chúng ta cũng đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Chính vì vậy, những gì chúng ta thống nhất trong nhận thức và hành động hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với APEC và cho nhiều thế hệ mai sau.

3. Một châu Á - Thái Bình Dương (TBD) hoà bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững là mục tiêu, là trách nhiệm chung, đòi hỏi sự chung tay, kề vai sát cánh của tất cả các nền kinh tế APEC, dù lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển. Theo đó, các thành viên APEC cần vượt qua khác biệt, tăng cường đối thoại, phối hợp hành động vì lợi ích chung của cộng đồng, để bảo vệ những thành quả và giá trị của APEC trong ba thập kỷ qua, đồng thời củng cố nền tảng cho hợp tác và phát triển trong tương lai.

Thưa tất cả Quý vị,

4. Châu Á - TBD đang bước vào giai đoạn phát triển mới đòi hỏi cách tiếp cận cân bằng hơn và toàn diện hơn. Tôi hoan nghênh chủ đề APEC 2022 là: “Rộng mở - Kết nối - Cân bằng”. APEC cần đi đầu thúc đẩy mô hình tăng trưởng cân bằng, bao trùm và bền vững, hỗ trợ các nền kinh tế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số thành công. Từ thực tiễn Việt Nam, tôi nhấn mạnh một số yếu tố “cân bằng” trong hợp tác gồm:

- Thứ nhất là coi người dân là trung tâm để tạo sự cân bằng trong mỗi nền kinh tế giữa các lĩnh vực, giữa các thành phần xã hội; và cân bằng về lợi ích và trách nhiệm giữa các nền kinh tế, các khu vực. Mục tiêu là chung, nhưng các biện pháp cụ thể phải được điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù, trình độ phát triển của mỗi nơi.

- Thứ haicân bằng giữa bảo đảm tính tự chủ, tự cường của mỗi nền kinh tế và chủ động mở cửa, hội nhập và liên kết kinh tế để vừa phát huy nội lực, phát huy lợi thế so sánh vừa tăng thêm nguồn lực tạo ra sự phát triển lan tỏa giữa các vùng các miền.

- Thứ bacân bằng giữa đổi mới, chuyển đổi với bảo đảm sự ổn định. Quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh phải được thực hiện sao cho đạt hiệu quả cao về kinh tế nhưng giảm thiểu tác động, xáo trộn đến an sinh xã hội, giữ vững an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh mạng.

- Chúng ta chỉ có thể hợp tác thành công khi cùng nhau mở ra các cơ hội tiếp cận cân bằng và rộng mở các nguồn vốn và công nghệ sạch, hiện đại.

Là thành viên có trách nhiệm, tích cực trong ASEAN, thành viên APEC, Tôi đánh giá cao sáng kiến của Thái Lan về mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh (BCG). Tôi cũng hoan nghênh nhiều sáng kiến mới được các thành viên APEC đưa ra nhằm hỗ trợ tài chính cho phát triển, chuyển đổi năng lượng sạch, thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế số. Đây là minh chứng điển hình cho nỗ lực mạnh mẽ của APEC vì phát triển bền vững, bao trùm tại khu vực là sự phát triển của mọi người, kể cả vật chất, tinh thần, văn hoá, giáo dục, nhất là người yếu thế, người nghèo.

Thưa Quý vị,

5. Trong chiến lược phát triển 10 năm tới, Việt Nam tập trung nguồn lực để chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn với người dân là trung tâm, chủ thể và mục tiêu cao nhất của phát triển. Chúng tôi đang nỗ lực để thực hiện COP26 với mục tiêu 2050 nền kinh tế các-bon bằng 0 và mong nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và các thành viên APEC.

Chúng tôi sẽ phối hợp cùng các thành viên APEC để đẩy nhanh tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế vì một châu Á - TBD hòa bình, ổn định, mở, năng động và tự cường.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Vân Anh

vietinbank
ajinomoto