PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Chuyển đổi kinh tế xanh là yêu cầu bắt buộc

06:00 | 28/06/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, việc chuyển đổi kinh tế xanh là yêu cầu bắt buộc trên thế giới, với công cụ là mô hình kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn không chỉ tập trung vào nền kinh tế xanh, mà còn chú trọng chuyển đổi từ nâu sang xanh và cả kinh tế nâu. Chính vì vậy, đây được coi là mô hình điển hình trên thế giới để có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và rác thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Phát biểu tại Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VIII - năm 2024, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, năm 2020, quy mô nền kinh tế xanh của Việt Nam đạt 6,7 tỷ USD, tương đương với 2% GDP. Trong đó, 41% là từ ngành năng lượng, 28% từ hoạt động nông - lâm nghiệp, 14% từ hoạt động công nghiệp và 17% từ các ngành giao thông vận tải, thông tin liên lạc, xử lý rác thải và xây dựng.

Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế xanh của Việt Nam đã giảm khoảng 10-12%/năm và hiện nay, quy mô ước đạt 4-4,5% trong nền kinh tế quốc dân. Kinh tế nâu vẫn chiếm tới 95% quy mô nền kinh tế.

Việc chuyển đổi kinh tế xanh là yêu cầu bắt buộc trên thế giới, với công cụ là mô hình kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn không chỉ tập trung vào nền kinh tế xanh, mà còn chú trọng chuyển đổi từ nâu sang xanh và cả kinh tế nâu. Chính vì vậy, đây được coi là mô hình điển hình trên thế giới để có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và rác thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Chuyển đổi kinh tế xanh là yêu cầu bắt buộc
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ phát biểu tại Diễn đàn.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho biết thêm, kể từ năm 1997, thế giới đã ký Nghị định thư Kyoto về giảm phát thải khí nhà kính. Đến Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào năm 2015, các nước đã thống nhất thực hiện chương trình Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Theo đó, các nước phát triển và các nước đang phát triển sẽ cùng phải thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, các nước đang phát triển có hai mức: trong điều kiện của quốc gia và có sự hỗ trợ quốc tế.

NDC cập nhật của Việt Nam đã đề ra mục tiêu sẽ giảm 15,8% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường vào năm 2030 và tăng lên 43,5% nếu có sự hỗ trợ quốc tế. Đây là dấu mốc thể hiện cam kết của Việt Nam với toàn cầu, góp phần thực hiện mục tiêu giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ sẽ phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Chúng ta đã đi trước rất nhiều nước như: Brazil, Ukraine, Nga, Trung Quốc, Indonesia... là những nước phát thải nhiều hơn Việt Nam rất nhiều.

Hiện nay, Việt Nam là một trong 3 nước đã ký Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Theo đó, các đối tác phát triển sẽ hỗ trợ 15,5 tỷ USD nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam. Đây là nguồn vốn đầu tiên, dẫn dắt để có thể huy động nguồn lực lớn hơn từ quốc tế thực hiện mục tiêu giảm phát thải trong lĩnh vực năng lượng, chuyển đổi kinh tế từ nâu sang xanh. Đây sẽ là cơ hội lớn về tài chính khí hậu đối với doanh nghiệp.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, từ năm 2017, Việt Nam phải nhận thẻ vàng về thủy, hải sản. Tháng 10/2023, Liên minh châu Âu đã áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon (CBAM), tác động trực tiếp đến sản phẩm xuất khẩu của 4 ngành hàng thép, nhôm, phân bón, xi măng. Sắp tới, từ ngày 1/1/2025, tất cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang châu Âu có nguồn gốc từ phá rừng sau ngày 31/12/2020 sẽ không được thông quan. Mỹ cũng đã đưa ra dự thảo về Luật Cạnh tranh và dự kiến áp dụng quy định tương tự CBAM ở châu Âu. Anh cũng đã thông qua quy định về CBAM riêng.

“Có thể thấy, tất cả những quy định toàn cầu gần đây đã làm thay đổi cấu trúc thương mại, đầu tư toàn cầu. Các yêu cầu đều đã tập trung hướng vào mục tiêu xanh nhằm ứng phó với 3 cuộc khủng hoảng hành tinh, đó là: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học. Trong bối cảnh đó, nếu doanh nghiệp của Việt Nam không chuẩn bị sẵn sàng sẽ không có khả năng đối mặt với tình hình mới”, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nhận định.

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cũng cho biết thêm, theo các tổ chức tài chính trên thế giới thì hiện nay, việc xây dựng báo cáo phát triển bền vững là yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp. Nếu không có báo cáo này, doanh nghiệp có thể bị hạ định mức tín nhiệm. Chúng ta sẽ huy động vốn cao hơn từ 0,5-1% so với thế giới. Các nước trên thế giới sẵn sàng hy sinh 1% thị phần từ Việt Nam để bảo vệ 99% thị phần còn lại của họ.

Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tích cực xây dựng báo cáo ESG và báo cáo phát triển bền vững để đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của châu Âu, cũng như các thị trường giá trị thương mại lớn khác. Khác với trước đây, rủi ro của doanh nghiệp có thể được xác định dựa trên lịch sử hoạt động của doanh nghiệp và tác động diễn ra từ từ. Hiện nay, doanh nghiệp có thể đột ngột bị loại khỏi thị trường nếu không tuân thủ theo quy định. Và như vậy, dòng xuất khẩu và đầu tư cũng sẽ dừng đột ngột.

Các tiêu chuẩn báo cáo phổ biến hiện nay là Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS); Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI). Hai hệ thống tiêu chuẩn này còn đi kèm theo các báo cáo khác, như Công bố tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD)... Đây là những bộ tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp Việt Nam cần hướng tới và thực hiện.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cũng lưu ý doanh nghiệp cần ý thức rằng, nội dung đưa vào báo cáo không chỉ có hoạt động trồng cây, làm từ thiện mà đây là trách nhiệm doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định quốc tế, quy định pháp luật của Việt Nam. Trong Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn, nhận báo cáo phát thải của doanh nghiệp phải đạt tiêu chuẩn ISO 14065 và thực hiện báo cáo phát thải theo ISO 14064.

“Việc phát triển bền vững theo đúng tiêu chuẩn quốc tế là yêu cầu tất yếu để doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp tục tham gia thương mại toàn cầu. Động lực từ doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi kinh tế tuần hoàn, carbon thấp sẽ giúp Việt Nam có thể tiếp tục duy trì vị trí trong 20 nước có quy mô thương mại toàn cầu lớn nhất thế giới”, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh.

Chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanhChuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh
Kinh tế xanh - Trách nhiệm của nhà sản xuấtKinh tế xanh - Trách nhiệm của nhà sản xuất
Petrovietnam khai thác và sử dụng tài nguyên Dầu khí: Trách nhiệm, hiệu quả, hướng tới phát triển bền vữngPetrovietnam khai thác và sử dụng tài nguyên Dầu khí: Trách nhiệm, hiệu quả, hướng tới phát triển bền vững

Huy Tùng

vietinbank
thaco