Những thông tin cơ bản về New Zealand

22:06 | 10/11/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
New Zealand là một đảo quốc có chủ quyền tại khu vực phía tây nam của Thái Bình Dương. Trên phương diện địa lý, New Zealand bao gồm hai vùng lãnh thổ chính là đảo Bắc và đảo Nam.
Những thông tin cơ bản về New Zealand
Quốc kỳ New Zealand, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

I. KHÁI QUÁT CHUNG:

1. Tên nước: New Zealand

2. Thủ đô: Wellington

3. Vị trí địa lý: Nằm cách Australia khoảng 2.000 km về phía đông nam, qua biển Tasman; và gần với các quốc đảo Nam Thái Bình Dương như Fiji, Tonga và New Caledonia.

4. Diện tích: 271.000 km2

5. Khí hậu: New Zealand có khí hậu ôn đới với mùa đông lạnh và ẩm ướt và mùa hè ấm và khô. Mùa hè từ tháng 12 đến tháng 2, mùa thu từ tháng 3 đến tháng 5, mùa đông từ tháng 6 đến tháng 8 và mùa xuân từ tháng 9 đến tháng 11. Nhiệt độ trung bình từ 7-16 độ C. Lượng mưa trung bình hàng năm là 400-5.000 mm.

6. Tài nguyên thiên nhiên: Khí đốt tự nhiên, than đá, vàng, đá vôi, thủy điện.

7. Kinh tế:

Tổng thu nhập quốc nội (GDP): 249,99 tỷ USD năm 2021.

Thu nhập bình quân đầu người (GDP per Capita): 48,801 USD năm 2021.

8. Đơn vị tiền tệ: NZD hoặc NZ$ (Đô-la New Zealand).

9. Dân số: 5,1 triệu người (8/2022).

10. Dân tộc: Dân cư phần lớn gốc người Châu Âu chiếm 74%; người Maori 14,9% (598.605 người), tăng 5,9%; người Châu Á chiếm 11,9% (so với 9,2% năm 2006), 471.711 người; người các nước đảo Nam Thái Bình Dương chiếm 7,4%. Còn lại là các dân tộc khác.

11. Tôn giáo: 55,6% dân cư theo đạo Cơ đốc và số người không theo đạo nào là 34,7%; đạo Hindu chiếm 1,5%, Phật giáo 1,3%; Hồi giáo 0,8%.

12. Ngôn ngữ: Ngôn ngữ chính là tiếng Anh và tiếng Maori.

13. Ngày Quốc khánh: 06/02/1840 (Ngày ký Hiệp định Waitangi)

14. New Zealand được phân thành 16 khu vực lớn đứng đầu là các Hội đồng khu vực (Regional Councils) và là cơ quan địa phương có quyền lực lớn nhất. Dưới đó là các chính quyền địa phương (territorial authorities) được tổ chức thành chính quyền thành phố (City Council) hoặc chính quyền huyện (District Council). Ngoài ra ở cấp cơ sở còn có bộ máy địa phương (community boards). Chính quyền địa phương các cấp do người dân ở đây bầu chọn một cách dân chủ.

II. Khái quát lịch sử:

Cư dân bản địa là người Maori, được cho là chủng tộc người Polynesia từ các đảo nhỏ Nam Thái Bình Dương đã đến New Zealand khoảng 1000 năm trước đây. Năm 1642, nhà thám hiểm người Hà Lan Abel Janszoon Tasman là người Châu Âu đầu tiên đã phát hiện ra New Zealand. Năm 1769, Thuyền trưởng người Anh James Cook đã đến New Zealand và tuyên bố chủ quyền cho Chính quyền Anh. Từ đó, người Anh bắt đầu đến New Zealand định cư và đã xảy ra xung đột kéo dài một thập kỷ giữa người bản địa Maori và người Anh định cư. Cuối cùng, hai bên đã thỏa hiệp với việc ký Hiệp ước Waitangi ngày 06/02/1840 giữa 500 tộc trưởng Maori với Chính quyền Anh, theo đó người Mao-ri đồng ý để cho Anh cai quản New Zealand và đưa người đến định cư, còn Anh cam kết bảo vệ đầy đủ quyền và lợi ích của người Maori, nhất là về sở hữu đất đai-tài nguyên. Hiệp ước Waitangi được coi là văn bản lập quốc và ngày ký Hiệp ước được xem là ngày Quốc khánh của New Zealand.

Năm 1907, New Zealand trở thành một lãnh thổ bán tự trị của Anh; và đến năm 1947 là một quốc gia độc lập thuộc Khối Thịnh vượng chung khi Quốc hội New Zealand thông qua Đạo luật Westminster năm 1931. Từ năm 1984, New Zealand tiến hành cải cách kinh tế triệt để theo hướng thị trường tự do và hội nhập quốc tế; từ đó nền kinh tế tăng trưởng mạnh và tính cạnh tranh cao.

New Zealand có quan hệ truyền thống với Anh và Australia; đã gửi quân tham chiến cùng lực lượng đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai. Năm 1987, Quốc hội New Zealand thông qua đạo luật xác lập New Zealand là khu vực phi hạt nhân.

III. Thể chế nhà nước: Theo chế độ Quân chủ lập hiến

- Người đứng đầu Nhà nước New Zealand là Nữ hoàng Anh, được đại diện bởi Toàn quyền New Zealand. Toàn quyền được Nữ hoàng Anh bổ nhiệm trên cơ sở kiến nghị của Thủ tướng, có nhiệm kỳ 5 năm; có quyền hạn mang tính nghi lễ, không tham dự vào chính trị; kiêm chức Tổng tư lệnh danh dự các lực lượng vũ trang.

- Thủ tướng và Nội các nắm quyền hành pháp. Thủ tướng là người có thực quyền cao nhất trong hệ thống cơ quan hành pháp. Chính phủ được hình thành từ đảng chính trị hoặc liên minh đảng giành được đa số ghế tại Quốc hội thông qua tổng tuyển cử.

- Quốc hội nắm quyền lập pháp, chỉ có 01 viện là Viện Dân biểu, gồm 121 ghế (trong đó có 07 ghế dành riêng cho người Maori), được bầu 3 năm một lần. Có nhiều đảng đăng ký hoạt động chính thức, trong đó các đảng chủ chốt hiện tham gia Quốc hội gồm: Đảng Lao động (Đảng cầm quyền hiện nay); Đảng Dân tộc (là đảng đối lập chính); Đảng Xanh; Đảng New Zealand trên hết (New Zealand First); Đảng ACT (Liên minh người tiêu dùng và người đánh thuế) và một số đảng nhỏ khác.

- New Zealand không có Hiến pháp chính thức bằng văn bản (các quy định của Hiến pháp được điển hóa trong nhiều đạo luật khác nhau, nhất là Đạo luật về Hiến pháp năm 1986).

- Hệ thống tư pháp và tòa án là cơ quan quyền lực quan trọng, được chia thành 04 cấp: (i) Tòa án Tối cao (Supreme Court) là cấp cao nhất và cũng là cấp phúc thẩm cuối cùng, chính thức thành lập từ 01/01/2004; (ii) Tòa phúc thẩm (Court of Appeal); (iii) Tòa Thượng thẩm (High Court); (iv) Tòa án Quận (District Courts). Ngoài 4 loại Tòa án có thẩm quyền chung nói trên, còn có các Tòa án chuyên ngành như: Tòa án lao động, Tòa án môi trường, Tòa án Maori và Tòa phúc thẩm Maori, các Tòa án Quân sự và các cơ quan tài phán khác.

- Các lãnh đạo New Zealand hiện nay: Ngày 17/10/2020, New Zealand đã tổ chức thành công tổng tuyển cử với sự tham gia tranh cử của 19 đảng để bầu ra các đại biểu Quốc hội cho nhiệm kỳ 2020 - 2023. Ngày 06/11/2020, Nội các mới đã tuyên thệ nhậm chức.

+ Toàn quyền: Bà Cindy Kiro (Xin-đi Ki-rô)

(từ 21/10/2021, nhiệm kỳ 5 năm).

+ Thủ tướng: Bà Jacinda Ardern (Gia-xin-đa A-đơn), Lãnh tụ Công Đảng

(từ 06/11/2020).

+ Chủ tịch Quốc hội: Ông Adrian Rurawhe (An-đơ-ri-ần Ru-ra-phê)

(từ ngày 24/8/2022).

+ Bộ trưởng Ngoại giao: Bà Nanaia Mahuta (Na-nai-a Ma-hu-ta)

(từ 06/11/2020).

IV. TÌNH HÌNH NEW ZEALAND GẦN ĐÂY:

1. Nội trị:

- Chính trị-an ninh: Thời gian gần đây, Chính phủ phải đối phó với rất nhiều khó khăn do hệ quả của các chính sách phòng chống Covid hà khắc (giá cả sinh hoạt tăng cao, bất động sản đóng băng ở mức giá quá cao, ách tắc thủ tục cho lao động nhập cư, phục hồi kinh tế chậm chạp) và việc duy trì an ninh trật tự thiếu hiệu quả (khiến gia tăng bạo lực và thanh toán lẫn nhau giữa các băng đảng tội phạm), chịu nhiều chỉ trích của cả phe đối lập và người dân. Đáng lưu ý, lần đầu tiên trong lịch sử New Zealand đã diễn ra các cuộc biểu tình kéo dài liên tục trong 02 tháng (đầu năm 2022), chiếm giữ và phá hoại khuôn viên trụ sở Quốc hội. Đây là lý do chính khiến uy tín của Chủ tịch Quốc hội Trevor Mallard suy giảm nghiêm trọng, phải xin từ chức và rút khỏi Quốc hội.

Ngày 13/6/2022, Thủ tướng Jacinda Ardern đã công bố một số điều chỉnh trong Nội các: Chủ tịch Quốc hội Trevor Mallard thôi giữ chức vụ này từ giữa tháng 8/2022 và Phó Chủ tịch Quốc hội Adrian Rurawhe (người Maori) lên thay (ngày 24/8/2022); các vị trí được thay mới trong Nội các lần này gồm Bộ trưởng Tư pháp Kiri Allan, Bộ trưởng Nhập cư Michael Wood và Bộ trưởng Cảnh sát Chris Hipkins. Vị trí Bộ trưởng đặc trách về phát triển vùng lãnh thổ không còn trong Nội các; bổ sung thêm 01 thành viên Nội các phụ trách quan hệ công sở và an toàn.

Uy tín của Công đảng cầm quyền giảm đáng kể (34,2% so với 36,8% của đảng Quốc gia đối lập). Đây là lần đầu tiên kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội (2020), Công đảng nhận được tỷ lệ tín nhiệm thấp hơn so với đảng Quốc gia. Bộ trưởng Ngoại giao Nanaia Mahuta cũng bị chí trích do lúng túng, bị động trong triển khai chính sách đối ngoại (đối với cuộc chiến Nga-Ukraine và các quốc đảo Nam Thái Bình Dương-khiến Trung Quốc lấn lướt) cũng như triển khai phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội cho khu vực người Maori sinh sống. New Zealand sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội vào năm 2023.

- Kinh tế: Tăng trưởng GDP New Zealand đạt 4,7% năm 2021, dự đoán sẽ giảm xuống 3,8% trong năm 2022. Lạm phát và giá nhà tăng lên đáng kể; nợ hộ gia đình và chính phủ đều tăng. New Zealand mở cửa hoàn toàn từ 01/8/2022 (sớm 02 tháng so với dự kiến), đồng thời điều chỉnh một loạt các quy định, biện pháp quản lý xuất nhập cảnh để phục hồi kinh tế.

2. Đối ngoại: New Zealand duy trì chính sách đối ngoại nhất quán và khá tự chủ, cân bằng với các nước lớn, tích cực tham gia các sáng kiến toàn cầu về biến đổi khí hậu, chống khủng bố, vũ khí hủy diệt hàng loạt và các vấn đề an ninh chiến lược khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

New Zealand coi trọng và ủng hộ sự can dự của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hai bên chú trọng hợp tác an ninh - quốc phòng. Mỹ là đối tác thương mại thứ 3 của New Zealand với kim ngạch hai chiều năm 2020 đạt 10,8 tỷ USD. Năm 2020, đầu tư của Mỹ vào New Zealand đạt 12,9 tỷ USD; đầu tư của New Zealand vào Mỹ đạt 3,4 tỷ USD.

Trung Quốc là đối tác quan trọng của New Zealand, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư (kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 21,3 tỷ USD). New Zealand là nước đầu tiên trong Nhóm các nước OECD ký FTA với Trung Quốc (2008), nước phương Tây đầu tiên trở thành thành viên sáng lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) từ tháng 01/2015. Trung Quốc là nguồn khách du lịch lớn thứ 2 vào New Zealand (sau Australia). Gần đây New Zealand cũng chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc phòng - an ninh với Trung Quốc thông qua hợp tác nhiều bên (Australia, New Zealand, Trung Quốc, Mỹ), tập trung khía cạnh cứu trợ cứu nạn, hoạt động nhân đạo.

EU là đối tác thương mại lớn thứ 4 của New Zealand (sau Trung Quốc, Australia và Mỹ) với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt khoảng 16 tỷ USD. New Zealand và EU vừa đạt được Thỏa thuận thương mại tự do sau 4 năm đàm phán (6/2022).

Quan hệ truyền thống với Australia không ngừng được củng cố. Hai bên duy trì các chuyến thăm, cơ chế đối thoại thường niên giữa Lãnh đạo cấp cao. Australia hiện là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước năm 2019 đạt khoảng 17 tỷ USD. Hai nước đã ký Hiệp định đi lại Trans-Tasman (TTTA), có hiệu lực năm 1973, cho phép công dân có thể tự do đi lại giữa hai nước. Gần đây, Thủ tướng Jacinda Ardern đã thăm Australia (9-10/6/2022) và tân Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong đã thăm New Zealand (16/6/2022). Giữa hai nước vẫn tồn tại vấn đề liên quan đến điều luật 501 của Australia, theo đó Australia có thể trục xuất các công dân New Zealand không có đủ điều kiện cư trú và làm việc tại Australia-một vấn đề nhạy cảm trong dư luận New Zealand.

Các quốc đảo láng giềng khu vực Nam Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của New Zealand, được coi là vùng đệm an ninh cho New Zealand. New Zealand luôn chủ động phát huy vai trò và ảnh hưởng tại khu vực này (hơn 50% viện trợ phát triển của New Zealand là dành cho các nước khu vực Nam Thái Bình Dương). Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta họp trực tuyến với Ngoại trưởng Solomon (5/2022), thông báo sẽ kéo dài thêm 12 tháng thời gian triển khai quân đội New Zealand có mặt tại Solomon để hỗ trợ nước này về trật tự và an ninh. Thủ tướng Jacinda Ardern đã tham dự Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) lần thứ 51 tại Fiji (7/2022).

New Zealand luôn coi trọng vai trò của ASEAN, đặc biệt từ khi hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược (11/2015). New Zealand ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực cũng như sự hình thành Cộng đồng ASEAN, tham gia đầy đủ các cơ chế/diễn đàn khu vực do ASEAN dẫn dắt, chú trọng đẩy mạnh quan hệ với ASEAN thông qua chiến lược kết nối sâu rộng hơn. New Zealand đã mở Đại sứ quán tại 7/10 nước ASEAN, cử Đại diện thường trực bên cạnh ASEAN. New Zealand là đối tác thương mại lớn thứ 11 của ASEAN với kim ngạch hai chiều đạt 11,3 tỷ USD năm 2020; FDI của New Zealand đầu tư cho ASEAN năm 2020 là 371,8 triệu USD. New Zealand cũng chú trọng việc trợ giúp nhân đạo cho các nước trong khu vực. Ngày 14/11/2020, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - New Zealand theo hình thức trực tuyến. New Zealand tích cực triển khai Kế hoạch Hành động ASEAN - New Zealand giai đoạn 2021 - 2025; dành ưu tiên hợp tác ứng phó với Covid-19 và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; nỗ lực hoàn tất đàm phán nâng cấp AANZFTA, thúc đẩy RCEP sớm được thực thi.

III. QUAN HỆ VIỆT NAM - NEW ZEALAND:

1. Chính trị: Việt Nam và New Zealand thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 19/6/1975. Hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện (9/2009); ký Chương trình Hành động giai đoạn 2013-2016 triển khai quan hệ Đối tác Toàn diện (2013), ra Tuyên bố chung về tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Toàn diện hướng tới Đối tác Chiến lược (3/2015); tái khẳng định tinh thần hướng tới Đối tác Chiến lược trong chuyến thăm New Zealand của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (01- 03/12/2016); ký Chương trình Hành động giai đoạn 2017-2020 bên lề Hội nghị Cấp cao APEC 2017; chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược dịp Hội đàm cấp cao trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern (22/7/2020) và ký Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược 2021 - 2024 (12/2021).

New Zealand luôn khẳng định coi trọng quan hệ với Việt Nam; coi Việt Nam là nhân tố quan trọng trong chính sách đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ngày 10/11/2020, New Zealand công bố khoản cứu trợ khẩn cấp trị giá 170.000 NZD cho đồng bào chịu ảnh hưởng lũ lụt tại miền Trung nước ta.

Trao đổi đoàn gần đây: Về phía New Zealand có: Toàn quyền Jerry Mateparae (8/2013); Thủ tướng John Key (7/2010 và 11/2015); Thủ tướng Jacinda Ardern (dự HNCC APEC 11/2017); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Bill English thăm làm việc (9/2013); Bộ trưởng Ngoại giao Murray McCully thăm làm việc (2010, 2012, 2014, 4/2017); Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Damien O’Connor (8/2018); Thứ trưởng Ngoại giao và Thương mại Vangelis Vitalis (10/2018). Thủ tướng Jacinda Ardern có kế hoạch thăm chính thức Việt Nam kết hợp dự Cấp cao ASEAN - New Zealand (06-08/4/2020), tuy nhiên, chuyến thăm bị hoãn vì tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Về phía Việt Nam có: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (9/2009), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (4/2012), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (3/2015); Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (3/2018); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (11/2016); Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (11/2019); Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (9/2022).

Các cơ chế song phương: Tham khảo Chính trị (lần thứ 12, ngày 13/5/2021), Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại, Đối thoại Chính sách Quốc phòng, Đối thoại nông nghiệp được tổ chức đều, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (9/2022).

2. Kinh tế, thương mại, đầu tư: Việt Nam là đối tác lớn thứ 16 của New Zealand. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều qua các năm, từ 300 triệu USD năm 2009 tới 750 triệu USD năm 2013 (tốc độ tăng bình quân khoảng 20%/năm). Năm 2021 đạt xấp xỉ 1,3 tỷ USD, tăng 26,7% so với năm 2020. 9 tháng đầu năm 2022 đạt 1,1 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021. Hai bên đã tổ chức thành công kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế - Thương mại Việt Nam - New Zealand theo hình thức trực tuyến (10/2020).

Về đầu tư, tính đến tháng 10/2022, New Zealand có 49 dự án đầu tư với tổng số vốn 210,18 triệu USD, đứng thứ 39/139 quốc gia và lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Việt Nam có 11 dự án đầu tư tại New Zealand với tổng vốn đăng ký 38,4 triệu USD.

Về ODA: New Zealand dành cho Việt Nam nguồn ODA ổn định và tăng dần theo từng năm, từ 3,2 triệu NZD (tương đương 2,3 triệu USD) năm tài khóa 2003-2004 lên tới 10,5 triệu NZD (khoảng 7,4 triệu USD) năm tài khóa 2012-2013; 26,66 triệu NZD (tương đương 18,6 triệu USD) giai đoạn 2015-2018; tập trung vào các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo, phát triển nông nghiệp-nông thôn bền vững. New Zealand cam kết dành cho Việt Nam 26,7 triệu NZD ODA không hoàn lại cho giai đoạn 0/1/7/2021-30/6/2024 (tương tự giai đoạn 2018-2021).

3. An ninh, quốc phòng: Hai bên duy trì trao đổi đoàn, hợp tác chia sẻ thông tin trong khuôn khổ Thỏa thuận song phương. New Zealand hỗ trợ Việt Nam tổ chức các khóa tập huấn về chống khủng bố, kỹ thuật hình sự và điều tra, phòng chống tội phạm rửa tiền, tội phạm công nghệ cao, y tế cứu thương chiến thuật. Hai bên hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ Interpol cũng như Tuyên bố chung ASEAN - New Zealand năm 2005 về hợp tác chống khủng bố quốc tế. Hai bên tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ đào tạo, nhất là tiếng Anh chuyên ngành gìn giữ hoà bình, duy trì các chuyến thăm của tàu hải quân và cơ chế Đối thoại Quốc phòng song phương.

4. Giáo dục đào tạo: Hiện nay, có khoảng 2.700 học sinh, sinh viên Việt Nam đang theo học tại New Zealand. Mỗi năm khoảng 25 cán bộ các bộ, ngành Việt Nam thụ hưởng học bổng ELTO, ELTSO và ASEAN do Chính phủ New Zealand đài thọ. Hai nước đã ký Thỏa thuận Hợp tác giáo dục giai đoạn 2015-2020 (8/2015), Kế hoạch hợp tác chiến lược Việt Nam - New Zealand về giáo dục giai đoạn 2018-2020 (11/2018). New Zealand tiếp tục cấp học bổng cho Việt Nam với 30 suất học bổng/năm cho các chương trình đào tạo Thạc sỹ và Tiến sỹ, duy trì Chương trình đào tạo tiếng Anh cho cán bộ, quan chức cao cấp Việt Nam. Nhân dịp Hội đàm cấp cao trực tuyến (7/2020), hai bên đã ký Kế hoạch hợp tác chiến lược về giáo dục giai đoạn 2020-2023.

5. Lao động: Hai nước đã ký Thỏa thuận về Chương trình Lao động Kỳ nghỉ (12/2011), chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2012, theo đó mỗi năm sẽ có tối đa 200 công dân Việt Nam sang New Zealand và 200 công dân New Zealand sang Việt Nam du lịch kết hợp tìm việc làm. Nhân dịp Hội đàm cấp cao trực tuyến và nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược (22/7/2020), hai bên đã ký Thỏa thuận giữa Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Cơ quan hợp tác liên chính phủ New Zealand về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng.

6. Giao thông vận tải: Hai nước ký Hiệp định Vận tải Hàng không song phương ngày 17/10/2003, có hiệu lực năm 2004, được sửa đổi vào tháng 3/2015 nhằm tăng cường an ninh, an toàn hàng không theo tiêu chuẩn mới của ICAO và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác hàng không hai nước. Trên cơ sở Hiệp định và Nghị định thư sửa đổi đã ký, từ tháng 6/2016, hãng hàng không Air New Zealand đã khai trương đường bay thẳng Auckland - TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, từ năm 2019 phía New Zealand đã tạm dừng khai thác do thiếu máy bay. Các hãng hàng không của Việt Nam chưa có kế hoạch khai thác đường bay trực tiếp giữa hai nước.

7. Nông nghiệp: Hai bên nhất trí ưu tiên xem xét các yêu cầu tiếp cận thị trường đối với khoai tây (củ tươi dùng làm thương phẩm, củ giống), vẹm xanh của New Zealand và hoa cúc, hoa hồng, hoa huệ, bưởi, chanh, vú sữa, nhãn của Việt Nam. Cho đến nay, xoài, thanh long, chôm chôm, và cá tra/basa của Việt Nam đã được xuất vào thị trường New Zealand. Việt Nam đang đề nghị New Zealand tiếp tục cấp phép nhập khẩu cho quả chanh và bưởi. Nhân dịp Hội đàm cấp cao trực tuyến (7/2020), hai bên đã ký kết Thỏa thuận về tạo thuận lợi thông quan sản phẩm nông lâm nghiệp và thủy sản thông qua việc sử dụng chứng nhận điện tử.

8. Hợp tác đa phương: Việt Nam và New Zealand là thành viên của các tổ chức, diễn đàn khu vực, quốc tế quan trọng: Liên hợp quốc, WTO, APEC, ASEM và một số cơ chế hợp tác của ASEAN; ủng hộ, phối hợp chặt chẽ trong thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

9. Việt kiều: Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand có khoảng 7.000 người, chủ yếu sinh sống ở Auckland, Christchurch và Wellington. Đại bộ phận kiều bào có cuộc sống ổn định và tinh thần hướng về quê hương đất nước.

10. Hợp tác phòng chống Covid-19: New Zealand cung cấp cho Việt Nam 30.000 liều vắc xin AstraZeneca (9/2021). Tháng 5/2022, New Zealand hỗ trợ Việt Nam 2 triệu NZD để phục hồi sau đại dịch.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Vân Anh