Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động bị xử phạt
![]() |
Lao động tham gia đào tạo ngoại ngữ trước khi đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa) |
Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và ra quyết định xử phạt đối với nhiều doanh nghiệp có vi phạm. Ngoài bị phạt tiền, một số doanh nghiệp còn bị đình chỉ hoạt động chuẩn bị nguồn lao động.
Cụ thể, Công ty cổ phần Quản lý - Tư vấn đầu tư nhân lực Hoàng Việt (Hà Nội) bị xử phạt 125 triệu đồng do đóng không đúng thời hạn vào quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; không cập nhật đầy đủ thông tin về người lao động trên Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Công ty cổ phần Quản lý - Tư vấn đầu tư nhân lực Hoàng Việt cũng không đăng tải, cập nhật khi có sự thay đổi trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp danh sách nhân viên nghiệp vụ; cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Công ty còn thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không theo quy định của pháp luật.
Trường hợp khác là Công ty TNHH Lâm sản Việt Nam - Newzealand (Bắc Giang) bị xử phạt số tiền 60 triệu đồng. Công ty này bị xử phạt do lỗi không đảm bảo số lượng nhân viên nghiệp vụ thực hiện quy định về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
Công ty cổ phần Vận tải và Đầu tư thương mại An Thái (Hải Phòng) thực hiện chưa đầy đủ một số nội dung trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài về thời giờ làm việc trong ngày, số ngày trong tuần, số ngày nghỉ phép và nghỉ lễ.
Tài liệu giáo dục định hướng cho người lao động chưa đủ một số kỹ năng như chi tiêu, phong tục tập quán, sử dụng phương tiện liên lạc, giao thông mua bán… Công ty cũng đóng không đúng hạn vào quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Với các vi phạm này, Cục Quản lý lao động ngoài nước xử phạt hành chính công ty 12,5 triệu đồng và yêu cầu khắc phục tồn tại.
Vi phạm về đóng không đúng hạn vào quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, Công ty cổ phần Việt Nam Hòa Bình (Hòa Bình) và Công ty cổ phần Nhân lực Kim Minh (Hòa Bình) cùng bị xử phạt 12,5 triệu đồng.
Công ty cổ phần Nhân lực Colecto (Hà Nội) bị xử phạt hành chính 30 triệu đồng do vi phạm ký không đúng mẫu hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với 2 lao động.
Trước đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng xử phạt nhiều công ty xuất khẩu lao động với các lỗi như: Ký không đúng mẫu hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thực hiện không đúng nội dung hợp đồng cung ứng lao động. Ngoài bị phạt tiền, một số doanh nghiệp còn bị đình chỉ hoạt động chuẩn bị nguồn lao động.
Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau 7 tháng, cả nước có gần 90.000 lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, đạt gần 72% kế hoạch năm. Các thị trường tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong nhiều loại hình ngành nghề như: sản xuất, chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp và dịch vụ. |
N.H
- Hà Nội triển khai kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải đến năm 2030
- Hà Nội: Nhiều chung cư, tòa nhà chưa nghiệm thu PCCC vẫn hoạt động
- Chuyển đổi số trở thành yêu cầu tất yếu để phát triển
- Hà Nội tăng cường hậu kiểm mỹ phẩm, siết chặt quản lý các cơ sở tự công bố
- ADB nâng tổng hỗ trợ an ninh lương thực khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lên 40 tỷ USD đến năm 2030
- Một số chỉ đạo quan trọng của Chính phủ về đầu tư, doanh nghiệp trong tháng 4/2025
- T&T Group khởi công xây dựng 2 công trình nhà ở xã hội tại Vĩnh Long
- T&T Group sẽ ra mắt thị trường sản phẩm pin lưu trữ năng lượng vào năm 2026
- ADB đầu tư mạnh mẽ vào các dự án năng lượng và phát triển bền vững
- Đại lễ Vesak LHQ 2025: Quy tụ 1.250 đại biểu đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ