Nhiều doanh nghiệp xin lùi ngày trả cổ tức vì kinh doanh gặp khó
Vài tháng trở lại đây, nhiều doanh nghiệp thông báo lùi thời gian trả cổ tức lên tới 2 năm, thậm chí xin hủy ngang phương án chia cổ tức cho cổ đông.
![]() |
Trong thông báo công bố vào tháng 6/2023, CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà - Sudico (SJS) cho biết sẽ lùi thời gian thanh toán cổ tức bằng tiền các năm 2016 - 2017 từ 30/6/2023 sang 31/12/2024 với lý do chưa thu xếp được nguồn tiền. Trong trường hợp thu xếp được nguồn vốn đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty sẽ thực hiện thanh toán cổ tức cho cổ đông sớm hơn.
Lần thay đổi gần nhất, Sudico thông báo thay đổi thời gian chi trả cổ tức năm 2016 từ 30/12/2022 sang 30/6/2023. Thời gian thanh toán cổ tức năm 2017 từ 30/12/2022 sang 30/6/2023.
Nếu tính cả lần thay đổi này, tổng cộng Sudico đã thay đổi thời gian trả cổ tức năm 2016 lần thứ 9 và cổ tức năm 2017 lần thứ 5.
Một tin không mấy vui với những cổ đông của CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (Becamex IJC - Mã: IJC) là lùi ngày chi trả cổ tức năm 2022 trễ hơn hai tháng so với kế hoạch ban đầu.
Theo đó, HĐQT Becamex IJC vừa thông qua việc thay đổi thời gian thanh toán cổ tức năm 2022 sang ngày 20/12. Nguyên nhân là do tình hình kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, thu hồi nợ chậm nên công ty chưa đủ nguồn tiền để trả cổ tức vào ngày 6/10.
Trước đó, Becamex IJC chốt ngày 30/6 là ngày đăng ký cuối để trả cổ tức năm 2022 bằng tiền, tỷ lệ 14% (1 cổ phiếu nhận được 1.400 đồng). Với hơn 251 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty cần chi hơn 352 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông.
6 tháng đầu năm 2023, Becamex IJC ghi nhận 1.041 tỷ đồng doanh thu giảm 16%, 250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế giảm 31% so với cùng kỳ. Như vậy, công ty đã hoàn thành 64% kế hoạch doanh thu, 50% mục tiêu lợi nhuận sau hai quý.
![]() |
Cùng hoàn cảnh, CTCP Licogi Quảng Ngãi (Mã: LQN) cũng đã thông báo việc điều chỉnh thời gian tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2015 bằng tiền đến 30/9/2025, thay vì ngày chi trả là 29/9/2023, tức dời hơn 2 năm.
Theo kế hoạch ban đầu, ngày thanh toán tạm ứng cổ tức đợt 2/2015 tỷ lệ 5% bằng tiền của Licogi Quảng Ngãi là 20/6/2019 nhưng việc chi trả đã bị lùi đến 6 lần. Lần 1 bị lùi đến ngày 30/9/2019, lần 2 đến 30/6/2020, lần 3 đến 31/12/2020, lần 4 đến 30/9/2021 và lần 5 đến 29/9/2023. Lần điều chỉnh sang năm 2025 là lần thay đổi thứ 6 của công ty đối với đợt cổ tức trên.
Phía doanh nghiệp cho biết đã cố gắng làm việc với đối tác để có nguồn tiền, tuy nhiên, do tình hình khó khăn kéo dài, các khoản phải thu dự kiến từ đối tác không đúng như kỳ vọng, cần có thêm nhiều thời gian để cân đối nguồn tiền mặt.
Kết quả kinh doanh của công ty ảm đạm, thua lỗ ba năm liên tiếp từ năm 2020 đến 2022. Tính đến hết 31/12/2022, lỗ lũy kế của Licogi Quảng Ngãi hơn 29 tỷ đồng, khiến vốn góp chủ sở hữu âm hơn 7 tỷ đồng.
![]() |
CTCP Đầu tư và Xây lắp Constrexim số 8 (Mã: CX8) cũng thông báo lùi thời gian trả cổ tức năm 2022 bằng tiền. Thời gian thay đổi từ 29/9 sang ngày 26/10.
Việc điều chỉnh theo công ty là do một số phát sinh ngoài dự kiến, nguồn tiền thu từ các công trình không đúng như kế hoạch thu hồi vốn nên cần thêm thời gian cân đối nguồn vốn để không làm ảnh hưởng đến hoạt động của công ty.
Hồi cuối tháng 5/2023, HĐQT CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco - Mã: HAX) cũng thông qua việc điều chỉnh thời gian phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2022 sang tháng 6. Trước đó, thời gian dự kiến phát hành là ngay sau khi ĐHĐCĐ biểu quyết thông qua.
Theo đó, công ty sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%, tương ứng với việc phát hành hơn 17,9 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 4:1, tức cổ đông sở hữu 40 cổ phiếu sẽ nhận về 10 cổ phiếu mới.
Bên cạnh đó, Haxaco dự kiến chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 5% (500 đồng/cp). Với hơn 71,9 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty cần chi 35,9 tỷ đồng trả cổ tức.
Hoạt động kinh doanh bán xe khó khăn do sức mua yếu khiến doanh nghiệp chuyên phân phối Mercedes này chỉ lãi hơn 6 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2023. Với kết quả này, công ty mới thực hiện được hơn 6% mục tiêu lợi nhuận năm.
Thậm chí có doanh nghiệp còn dừng luôn việc trả cổ tức cho cổ đồng, đó là trường hợp của CTCP Lương thực Bình Định (Bidifood - Mã: BLT). Theo đó, Bidifood vừa công bố nội dung lấy ý kiến cổ đông về việc ngừng chi trả cổ tức còn lại của năm 2022. Theo kế hoạch, công ty còn cần phải trả 140,5% cổ tức tiền mặt (14.050 đồng/cp).
Bidifood cho biết tình hình tài chính của công ty đang rất khó khăn, không có nguồn vốn để chi trả phần cổ tức còn lại. Với mặt hàng kinh doanh chính là nông sản, công ty cần phải dự trữ 3.000 tấn gạo và cần phải huy động vốn cho hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản. Điều này khiến công ty xin cổ đông chấp thuận không chi trả cổ tức còn lại như kế hoạch.
Lương thực Bình Định tiền thân là Sở Lương thực Nghĩa Bình, được thành lập năm 1975 và hoạt động trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng lương thực, nông sản với sản phẩm chính là gạo và sắn lát. Hiện tại cổ đông lớn nhất của Bidifood là Tổng Công ty Lương thực Miền Nam với tỷ lệ nắm giữ 51% vốn điều lệ.
Năm 2022, Bidifood ghi nhận doanh thu thuần 1.158 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 10 tỷ, giảm 33% và tăng 28 so với năm 2021.
https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/
Hoàng Long - Huy Tùng
-
Nhận định thị trường chứng khoán ngày 14/2: Tiếp tục phân hóa, dòng tiền tìm đến các nhóm ngành ngách
-
Tin nhanh chứng khoán ngày 20/12: Sắc xanh trở lại, thanh khoản giảm mạnh
-
Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 16/11: Hà Nội rà soát các dự án “đắp chiếu” để chống lãng phí
-
Tin nhanh chứng khoán ngày 14/11: Bán mạnh trên diện rộng, VN Index giảm sâu
- Phó Chủ tịch HĐQT T&T Group Đỗ Vinh Quang làm Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines
- Thêm ứng dụng đổi giấy phép lái xe trực tuyến
- T&T Group khởi công xây dựng khách sạn 5 sao tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại ĐBSCL
- Vì sao Tiger Việt Nam bị xử phạt 320 triệu đồng?
- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T Group chính thức được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam
- 3 thập kỷ “Nhất Tâm”, vững bước cùng đất nước vươn Tầm
- CTCP Tổng Bách Hóa đóng vai trò lớn trong dự án trở lại của Tân Hoàng Minh
- Rót gần 4.000 tỷ đồng xây siêu dự án KCN tại Thái Nguyên, Viglacera đang toan tính điều gì?
- Cảnh báo về quảng cáo sai sự thật của sản phẩm HIUP
- Báo Nông nghiệp và Môi trường bắt tay DLG: Thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng tầm nông nghiệp Việt