Nhận định thị trường chứng khoán ngày 13/2: Tiếp tục vận động trong biên độ hẹp với xu hướng giằng co?

07:00 | 13/02/2025

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Sau phiên điều chỉnh nhẹ ngày 12/2, thị trường chứng khoán dự kiến tiếp tục vận động trong biên độ hẹp với xu hướng giằng co. Nhóm ngân hàng hạ nhiệt, trong khi nhóm đầu tư công vẫn là điểm sáng nhờ dòng tiền tham gia tích cực. Tuy nhiên, áp lực xả hàng trong nhóm ngành khác có thể khiến thị trường thiếu động lực bứt phá.

Thị trường chứng khoán ngày 12/2 ghi nhận VN Index điều chỉnh nhẹ trước hai phiên giao dịch cuối tuần, khi chỉ số tăng trong phần lớn thời gian nhưng suy yếu vào cuối phiên do thanh khoản thấp. Xu hướng “dễ kéo – dễ đạp” có thể tiếp diễn trong phiên tới khi thị trường chịu tác động từ tâm lý giao dịch phái sinh.

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 13/2: Tiếp tục vận động trong biên độ hẹp với xu hướng giằng co?
Ảnh minh họa

Nhóm ngân hàng – từng đóng vai trò dẫn dắt – đang hạ nhiệt, tạo áp lực giảm điểm lên thị trường. Trong khi đó, nhóm đầu tư công tiếp tục thu hút dòng tiền và đóng vai trò hỗ trợ chỉ số. Tuy nhiên, nhóm bất động sản khu công nghiệp và chứng khoán có dấu hiệu suy yếu do áp lực chốt lời tăng cao. Dòng tiền phòng thủ bắt đầu dịch chuyển sang các nhóm ngành ổn định hơn như bảo hiểm và dầu khí, phản ánh tâm lý dè dặt của nhà đầu tư.

Một yếu tố đáng chú ý là dữ liệu lạm phát (CPI) của Mỹ sẽ được công bố vào tối nay, cùng với biến động tỷ giá có thể ảnh hưởng ngắn hạn đến tâm lý thị trường. Nhà đầu tư trong nước có xu hướng phản ứng theo đám đông, nên trong hai phiên cuối tuần, VN Index có thể kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.260-1.265 điểm.

Xét về kỹ thuật, VN Index vẫn đang trong xu hướng tăng và tiến gần vùng cản 1.280 điểm. Tuy nhiên, ngưỡng 1.280-1.300 điểm là kháng cự mạnh đã tồn tại hơn một năm qua. Nếu không có dòng tiền mới đủ mạnh, thị trường có thể quay lại vùng hỗ trợ 1.240-1.250 điểm trước khi tìm động lực tăng tiếp.

Trong bối cảnh hiện tại, khả năng VN Index công phá mốc 1.300 điểm trong ngắn hạn là khá khó khăn. Thay vì kỳ vọng một đợt tăng chung, nhà đầu tư nên tập trung vào các cơ hội riêng lẻ, đặc biệt là các cổ phiếu có nền tảng kinh doanh vững chắc.

Trong giai đoạn này, nhà đầu tư cần giữ tỷ trọng danh mục an toàn, khoảng 30%, tránh rủi ro khi thị trường vẫn còn rung lắc. Hạn chế mua đuổi, ưu tiên giải ngân vào những cổ phiếu có nội tại tốt, đặc biệt trong nhóm ngân hàng và đầu tư công. Cùng với đó, kiên nhẫn chờ tín hiệu xác nhận (bứt phá kèm thanh khoản cao) trước khi gia tăng tỷ trọng. Theo dõi sát diễn biến thị trường và các tin tức liên quan đến chính sách thuế, thương mại, cũng như biến động từ thị trường quốc tế.

Hoài Nam