Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023:

Ngành Ngân hàng uyển chuyển vượt sóng gió, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam"

08:00 | 16/11/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Ngành Ngân hàng đã trải qua lịch sử phát triển vẻ vang, anh hùng, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước. Trong quá trình đó, tư duy uyển chuyển linh hoạt, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam" đã giúp ngành Ngân hàng vượt qua mọi sóng gió, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước như ngày nay.

Gìn giữ Gốc vững, Thân chắc, Cành uyển chuyển

Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào ngày 14/12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lấy hình ảnh cây tre để định hướng cho trường phái ngoại giao riêng, đặc sắc và độc đáo của đất nước Việt Nam.

Ngành Ngân hàng uyển chuyển vượt sóng gió, mang đậm bản sắc

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam (06/5/1951-06/5/2021) (ảnh VGP).

Tổng Bí thư đã khái quát: Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hoá dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển" ("Thân gầy guộc, lá mong manh, mà sao nên luỹ, nên thành tre ơi!"), thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Theo nội hàm của “Ngoại giao cây tre” Việt Nam mà Tổng Bí thư nói đến là: (1) Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; (2) Linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân; (3) Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; (4) Biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, "tuỳ cơ ứng biến", "lạt mềm buộc chặt"!

Luận điểm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến không chỉ là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt hoạt động đối ngoại của đất nước nói chung mà còn là “kim chỉ nam” cho sự phát triển của ngành Ngân hàng nói riêng, nhất là trong giai đoạn phát triển nền kinh tế xanh bền vững như hiện nay.

Bàn về Gốc vững: Gốc có vững thì thân, cành mới tốt tươi, xum xuê, uyển chuyển. Gốc tre luôn đan xen, bền chặt, tầng tầng lớp lớp các thế hệ, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó, hợp tác của các cán bộ trong ngành vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thách thức. Có thể nói, trải qua hơn 70 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15/SL, ngày 06/5/1951 thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Ngân hàng đã luôn luôn cố gắng, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không quản ngại gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc nền tiền tệ độc lập, tự chủ của quốc gia; thực hiện tốt sứ mệnh cung cấp nguồn lực tài chính, tín dụng, dịch vụ ngân hàng phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và sự nghiệp đổi mới, hội nhập, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển đất nước nhanh và bền vững, góp phần quan trọng cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước như ngày nay.

Luận về Thân chắc: Cây tre Việt Nam dù “thân gầy guộc” nhưng phát triển xanh tốt ở mọi vùng đất, trong mọi điều kiện. Đó là sự chủ động, tích cực, kiên định mục tiêu của ngành Ngân hàng trong mọi hoàn cảnh mới. Điều đó được chứng minh sau khi đất nước thống nhất, ngành Ngân hàng đã luôn luôn phát huy tốt vai trò là hệ thống huyết mạch cung cấp vốn tín dụng cho nền kinh tế quốc dân, có nhiều đóng góp quan trọng vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh, huy động và phân bổ nguồn lực tài chính để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Trong suốt quá trình 37 năm đổi mới, ngành Ngân hàng đã luôn chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, chuyển đổi từng bước vững chắc từ hệ thống ngân hàng một cấp sang hai cấp, ngày càng phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng; từng bước phát triển lớn mạnh, tách bạch rõ ràng chức năng quản lý, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước với chức năng cung ứng vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm ngày càng phù hợp hơn với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò huyết mạch của nền kinh tế.

Đối với Cành uyển chuyển: Cây tre có đặc tính của sự dẻo dai, giàu sức sống, dễ thích nghi với môi trường mới. Hàm ý với ngành Ngân hàng là sự đổi mới, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, bắt nhịp kịp thời trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, tiếp đến là thời kỳ số hóa và nay là thời kỳ phát triển xanh, bền vững. Trong 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, ngành Ngân hàng đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách, biện pháp phù hợp với thực tế tình hình, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng: Điều hành chủ động, linh hoạt hơn các công cụ chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các nhu cầu thanh khoản, ổn định và thông suốt các thị trường tiền tệ, ngoại hối, giảm mặt bằng lãi suất thị trường, cung cấp đầy đủ, kịp thời nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau đại dịch...

Linh hoạt phát triển trong một nền kinh tế xanh

Trong những năm gần đây, trước những xu thế phát triển mới của thế giới, ngành Ngân hàng tiếp tục bền bỉ nỗ lực, linh hoạt, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Theo đó, ngành Ngân hàng đã luôn chủ động, tích cực thúc đẩy nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững theo chỉ đạo của Ðảng và Nhà nước.

Ngành Ngân hàng uyển chuyển vượt sóng gió, mang đậm bản sắc

Hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam – Chung tay kiến tạo kinh tế xanh” (tháng 7/2023) do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức tại Đà Nẵng (ảnh BIDV).

Ngày 25/9/2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là chiến lược quốc gia đầu tiên, toàn diện về lĩnh vực phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. Theo đó, Chính phủ khẳng định: “Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”. Mục tiêu chung được Chính phủ đặt ra là “Tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội”.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Trong những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động và văn bản chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường, đặc biệt là các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, như: Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Quyết định số 1474/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2020 nhằm hiện thực hóa các nhiệm vụ của Chiến lược; Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Nhằm thực thi có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về kinh tế xanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chú trọng ban hành các văn bản định hướng, chỉ đạo các Tổ chức tín dụng thực hiện ngân hàng xanh và phát triển bền vững như: Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 02/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Kế hoạch hành động số 1552/QĐ-NHNN ngày 06/8/2015 thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020; Đề án số 1640/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 về phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng và mới đây là Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng (Ban hành kèm theo Quyết định số 1408/QĐ-NHNN ngày 26 tháng 7 năm 2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030… Mục đích nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, góp phần tích cực từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng.

Việc triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu được lồng ghép, tích hợp trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển ngành Ngân hàng, trong điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng và trong quá trình xây dựng, triển khai chiến lược, kế hoạch kinh doanh của từng Tổ chức tín dụng nhằm thúc đẩy tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội, hướng tới phát triển mô hình ngân hàng xanh.

Phát triển hơn nữa trong thời đại mới

Tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam (06/5/1951-06/5/2021), ngày 5/5/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự và phát biểu nhấn mạnh một số vấn đề, để ngành Ngân hàng phát triển hơn nữa trong thời đại mới:

Ngành Ngân hàng uyển chuyển vượt sóng gió, mang đậm bản sắc

Ngành Ngân hàng vững bước trong thời đại mới (ảnh SBV).

Một là, ngành Ngân hàng và toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân viên trong Ngành cần nghiêm túc quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và về đổi mới, phát triển ngành Ngân hàng nói riêng. Đặc biệt chú ý "Tiếp tục điều hành đồng bộ, linh hoạt các chính sách vĩ mô. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hoà với các chính sách khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối".

Hai là, nhận thức đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của ngành Ngân hàng: Là kênh cung cấp vốn trọng yếu, huyết mạch của nền kinh tế; rất phức tạp, nhạy cảm; có tác động lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô cũng như an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội. Từ đó, tập trung ưu tiên xây dựng và triển khai thực hiện thật tốt chiến lược, kế hoạch, các chương trình hành động và các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm cụ thể, có tính khả thi cao, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Ba là, tiền tệ, ngân hàng là một lĩnh vực rất quan trọng và cũng rất nhạy cảm, có tính hệ thống và ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, các đồng chí cần đặc biệt quan tâm đến công tác đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách và công tác cán bộ để vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và nâng cao hiệu quả, bảo đảm chất lượng, an toàn hoạt động của toàn hệ thống; vừa nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật của người cán bộ ngân hàng để ngăn ngừa rủi ro, vi phạm trong hoạt động ngân hàng.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, cập nhật, hoàn chỉnh và triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Các tổ chức tín dụng phải không ngừng nỗ lực củng cố, chấn chỉnh và phấn đấu vươn lên, bắt kịp với xu hướng phát triển mới trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu trở thành các tổ chức tín dụng ngang tầm khu vực và từng bước vươn ra thế giới.

Năm là, ngành Ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng nhà nước, cần làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất chính trị và trình độ chuyên môn vững vàng, luôn đi đầu trong công cuộc đổi mới, phát triển của Ngành, của đất nước. Sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và bảo vệ những tổ chức và cá nhân dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Các đề xuất đổi mới phải được cấp uỷ, chính quyền bàn bạc, xem xét kỹ lưỡng, cho làm thí điểm theo thẩm quyền; cái gì đổi mới đúng thì phải được bảo vệ, tiếp tục triển khai; cái gì chưa đúng thì phải kịp thời chấn chỉnh, sửa chữa, rút kinh nghiệm. Tuyệt đối không chủ quan, tự mãn.

Trong bối cảnh mới, kế thừa truyền thống, kinh nghiệm quý báu từ các thế hệ đi trước; thấm nhuần triết lý ngoại giao cây tre; với sự linh hoạt, mềm dẻo, sáng tạo; dưới sự lãnh đạo Đảng và Nhà nước, ngành Ngân hàng đã, đang và sẽ tiếp tục gặt hái được những thành tựu mới, bước tiến mới, vững vàng, bay cao, tỏa sáng; đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Nguồn tham khảo:

https://baochinhphu.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-tai-le-ky-niem-70-nam-thanh-lap-ngan-hang-viet-nam-102291753.htm

https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM221681

https://tapchitaichinh.vn/phat-trien-kinh-te-xanh-o-viet-nam-hien-nay.html

https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/m/menu/trangchu/ttsk/ttsk_chitiet?leftWidth=0%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV454885&rightWidth=0%25¢erWidth=100%25&_afrLoop=36467592057517466#%40%3F_afrLoop%3D36467592057517466%26centerWidth%3D100%2525%26dDocName%3DSBV454885%26leftWidth%3D0%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3D105qyvh9p1_22

Hải Văn