Ngân hàng "thừa tiền", huy động bằng chứng chỉ tiền gửi vẫn tăng

14:39 | 22/09/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Giữa thời điểm lãi suất tiết kiệm hạ nhiệt, ngân hàng bị bệnh "thừa tiền" thì chỉ tiêu huy động vốn bằng chứng chỉ tiền gửi tại nhiều ngân hàng vẫn có xu hướng tăng.

Ngân hàng hút cả chục nghìn tỷ đồng nhờ chứng chỉ tiền gửi

Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 của nhiều ngân hàng cho thấy chỉ tiêu huy động bằng chứng chỉ tiền gửi tăng so với đầu năm. Diễn biến này trùng thời điểm lãi suất tiết kiệm hạ nhiệt.

Như tại LPBank, tính đến 30/6/2023, ngân hàng đã huy động được 23.549 tỷ chứng chỉ tiền gửi, tăng 74% so với đầu năm, tương đương tăng thêm 10.000 tỷ đồng. Đây cũng là chỉ tiêu chiếm tỷ trọng lớn nhất (55%) trong tổng lượng giấy tờ có giá của ngân hàng.

Chứng chỉ tiền gửi tại LPBank dưới 12 tháng có lãi suất lên tới 10,5%; còn từ 12 tháng đến 5 năm cao nhất là 6,05%.

Với ngân hàng lớn như MB, tính đến 30/6/2023 có hơn 87.032 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi, tăng 23% so với đầu năm, chiếm tới 77% trong tổng lượng giấy tờ có giá đã phát hành. Theo thông tin MB chú thích, số chứng chỉ tiền gửi này được hưởng lãi suất từ 3,2%/năm đến 9,9%/năm.

Hay ở ông lớn BIDV, tính đến 30/6/2023, ngân hàng có hơn 156.000 tỷ giấy tờ có giá. Trong đó, riêng chứng chỉ tiền gửi là hơn 105.374 tỷ.

Ngân hàng

Nếu như trước đây, gửi tiết kiệm ngân hàng vốn là lựa chọn của nhiều người do những ưu điểm như tính thanh khoản cao, kỳ hạn linh hoạt, ít rủi ro, nhiều loại sản phẩm với hình thức đa dạng... Tuy nhiên, trong khi gửi tiết kiệm đã "hạ nhiệt", người dân cũng tìm đến các sản phẩm khác. Một số ngân hàng đã đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi, nhằm thu hút nguồn vốn dài hạn.

Mới đây nhất, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) triển khai chương trình chứng chỉ tiền gửi “Đầu tư thảnh thơi - Sinh lời vượt trội” với lãi suất hấp dẫn lên đến 7,9%/năm - cao hơn nhiều so với mức lãi suất tiết kiệm hiện nay.

Theo đó, từ ngày 20/9/2023 - 19/12/2023, LPBank phát hành chứng chỉ tiền gửi trung và dài hạn bằng tiền VND cho cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Việt Nam.

Theo đó, khi khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng sẽ được hưởng lãi suất lên đến 7,9%/năm, cố định trong suốt kỳ hạn. Giá trị chứng chỉ tiền gửi phát hành tối thiểu là 10.000.000 VND và phải là bội số của 1.000.000 VND. Khách hàng có thể mua với số tiền không hạn chế, lựa chọn hình thức lĩnh lãi linh hoạt (hàng tháng, hàng quý, cuối kỳ), phù hợp với nhu cầu.

Với chứng chỉ tiền gửi của LPBank, khách hàng có thể tất toán, rút tiền gửi trước hạn hoặc chuyển quyền sở hữu cho bên thứ ba trong suốt thời hạn của chứng chỉ tiền gửi.

Chứng chỉ tiền gửi không tự động tái tục gốc và lãi. Trường hợp chứng chỉ tiền gửi đáo hạn nhưng khách hàng chưa đến lĩnh thì toàn bộ số tiền gốc và tiền lãi (nếu có) sẽ được chuyển vào tài khoản trung gian giữ hộ. Ngay sau khi thực hiện thủ tục tất toán, khách hàng được lĩnh toàn bộ số tiền gốc và lãi.

Trước đó, một số ngân hàng quy mô nhỏ cũng thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất hấp dẫn hơn cả lãi suất tiết kiệm.

Bản chất của chứng chỉ tiền gửi

Chứng chỉ tiền gửi là một loại tài sản tài chính được phát hành bởi ngân hàng, chứng nhận về một số tiền nhất định được ký gửi tại tổ chức phát hành. Các ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi để huy động vốn tài trợ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Các loại chứng chỉ tiền gửi có quy định ngày đáo hạn, lãi suất cụ thể và có thể được phát hành ở các mệnh giá khác nhau. Loại giấy tờ có giá này giúp các ngân hàng có thể chủ động huy động vốn với khối lượng, kỳ hạn mong muốn, mà không cần phải quá phụ thuộc vào khách hàng.

Thông thường, nhà đầu tư lựa chọn loại tài sản này vì một số điểm gồm: 1) đây là một sản phẩm được phát hành và bảo đảm của ngân hàng 2) có thể giao dịch được trên thị trường thứ cấp, chuyển nhượng dễ dàng khi có nhu cầu.

Hiện tại, một số ngân hàng cũng đã phát triển hệ thống giao dịch giúp nhà đầu tư có thể tiến hành trao đổi, mua bán sản phẩm này một cách nhanh chóng và tiện lợi. 3) lãi suất chứng chỉ tiền gửi thường sẽ cao hơn so với tiết kiệm truyền thống. Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm như hiện tại, chứng chỉ tiền gửi đang là sự lựa chọn của không ít nhà đầu tư.

Ngân hàng

Về bản chất, cả chứng chỉ tiền gửi và tiền gửi có kỳ hạn đều là sản phẩm huy động vốn của ngân hàng, giúp khách hàng sinh lời khi gửi một khoản tiền với thời gian và lãi suất cố định.

Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn lĩnh lãi cuối kỳ là hình thức phổ biến nhất hiện nay, được tất cả các ngân hàng áp dụng để huy động nguồn tiền nhàn rỗi của khách hàng. Kỳ hạn đa dạng từ 1 tuần đến 48 tháng hoặc dài hơn.

Còn với chứng chỉ tiền gửi, về bản chất là một loại giấy tờ có giá tương tự như sổ tiết kiệm, được ngân hàng phát hành để chứng nhận quyền sở hữu của khách hàng đối với một khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng. Tuy nhiên chứng chỉ tiền gửi không được phát hành thường xuyên quanh năm mà chỉ được đưa ra thành từng đợt tùy thuộc mỗi ngân hàng. Chứng chỉ tiền gửi cũng chỉ có được phát hành với một số kỳ hạn và thường là kỳ hạn.

Khách hàng tham gia chứng chỉ tiền gửi sẽ được hưởng mức lãi suất cạnh tranh, đi kèm một số điều kiện chặt chẽ hơn. Ngân hàng sẽ có quy định về số tiền tham gia chứng chỉ tiền gửi tối thiểu. Đồng thời, việc tất toán, rút tiền trước hạn đối với sản phẩm này cũng có những quy định cụ thể, tùy ngân hàng.

Đây là kênh đầu tư phù hợp nếu khách hàng có tiền nhàn rỗi trong thời gian dài. Lãi suất cao hơn tiết kiệm nhưng điều kiện rút, tất toán chứng chỉ tiền gửi cũng phức tạp hơn. Khi có nhu cầu rút vốn trước hạn, người mua chỉ có thể chuyển nhượng và cầm cố để vay vốn với lãi suất phải trả cao hơn lãi suất nhận được từ chứng chỉ tiền gửi.

Chưa kể, khi cầm cố, khách sẽ chịu thiệt vì phải bỏ thêm chi phí vay. Việc chuyển nhượng cũng khó khăn do thanh khoản kém. Ngoài ra, khách hàng cũng thận trọng bởi tại một số nhà băng, lãi suất cao chỉ được áp dụng trong năm đầu tiên, các năm tiếp theo lãi suất sẽ được thả nổi theo thị trường.

Ngân hàng đang bị bệnh "thừa tiền"

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho hay, hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, thì các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền.

Báo cáo cụ thể của NHNN cho biết, đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%). Trước đó, trong tháng 7, tín dụng quay đầu giảm, mức tăng trưởng chỉ đạt 4,56% thấp hơn con số vào cuối tháng 6.

Trong 3 năm gần đây, tín dụng toàn hệ thống tăng thêm bình quân khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm. Thực tế doanh số cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng ra nền kinh tế trong năm lớn hơn rất nhiều lần. Cụ thể, năm 2021 là 17,4 triệu tỷ đồng; năm 2022 là 19,7 triệu tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 gần 10,2 triệu tỷ đồng.

Theo NHNN, thời gian qua, trước bối cảnh các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn đang tồn tại một số vấn đề, đã khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng.

Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020. Tuy có dấu hiệu chậm lại trong năm 2022 nhưng tỷ lệ này vẫn trong xu hướng tăng, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).

NHNN cũng cho biết thanh khoản hệ thống TCTD đang dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng (toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng).

Lãi suất cho vay có xu hướng giảm, từ đó TCTD có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn tín dụng đối với nền kinh tế. Do vậy, NHNN khẳng định tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không xuất phát từ nguyên nhân thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Theo NHNN, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ do những yếu tố như: tác động của đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; một số nhóm khách hàng có nhu cầu như chưa đủ điều kiện vay, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; khả năng hấp thụ vốn của nhóm bất động sản. Ngoài ra, việc triển khai một số chương trình tín dụng (gói 120.000 tỷ đồng, chương trình hỗ trợ lãi suất) cũng gặp khó khăn, vướng mắc.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Lê Thanh - Huy Tùng