Ngân hàng đang tăng tốc kế hoạch tăng vốn điều lệ

10:43 | 07/07/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Trong năm 2022, "cuộc đua" tăng vốn điều lệ của các ngân hàng sẽ còn diễn ra khi yêu cầu an toàn vốn và áp lực tăng trưởng đè nặng lên vai các nhà băng. Tuy nhiên, diễn biến thị trường hiện nay không mấy thuận lợi nên phương án tăng vốn cần phải cân nhắc kỹ.

Ngân hàng lại bùng nổ tăng vốn điều lệ

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – mã: TCB) thêm hơn 63,2 tỷ đồng. Hình thức tăng vốn là phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) đã được đại hội đồng cổ đông ngân hàng Techcombank thông qua.

Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 0,18% số cổ phiếu đang lưu hành với giá phát hành là 10.000 đồng/cp. Trong đó 5,3 triệu cổ phần phát hành cho người lao động Việt Nam và 967.367 cổ phần phát hành cho người lao động nước ngoài.

Đợt phát hành ESOP gần nhất của Techcombank là tháng 9/2021 với 6 triệu cổ phiếu.

Ngân hàng đang tăng tốc kế hoạch tăng vốn điều lệ

Trước đó, đầu tháng 6/2022, NHNN đã có văn bản chấp thuận Ngân hàng Bản Việt tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 1.618 tỷ đồng dưới ba hình thức: phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu (tối đa 550,6 tỷ đồng); phát hành cho cổ đông hiện hữu (tối đa 917,7 tỷ đồng) và phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (tối đa 150 tỷ đồng).

Sau khi hoàn tất việc phát hành, tổng số vốn điều lệ của Ngân hàng Bản Việt sẽ nâng lên mức 5.289 tỷ đồng. Nguồn vốn tăng thêm được ngân hàng phục vụ cho các hoạt động phát triển trung và dài hạn như đầu tư công nghệ, cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới,...

Cùng thời điểm, NHNN cũng chấp thuận việc ngân hàng OCB tăng vốn điều lệ tối đa thêm 58,8 tỷ đồng. Trong đó tăng vốn điều lệ thêm 50 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu ESOP và 8,8 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài (Ngân hàng Aozora, Nhật Bản) theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ thông qua.

Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng lên 17.758 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là 12 tháng kể từ ngày NHNN có văn bản chấp thuận trong OCB tăng vốn điều lệ.

Hồi đầu tháng 5/2022, NHNN chấp thuận việc ACB tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 6.754 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông ACB thông qua tại Nghị quyết số 1513/TCQĐ-ĐHĐCĐ.22 ngày 7/4/2022 và Hội đồng quản trị ACB thống nhất triển khai tại Quyết định số 1552/TCQĐ-HĐQT.22 ngày 12/4/2022.

Sau khi chia cổ tức, vốn điều lệ của ACB dự kiến tăng từ 27.019 tỷ đồng lên 33.774 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành trong quý III/2022.

Tháng 4/2022, ngân hàng VIB cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm hơn 5.545 tỷ đồng. tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng.

Mới đây nhất, ngân hàng LienVietPostBank công bố hoàn tất chào bán 265 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị là 2.650 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ ngân hàng lên 15.035 tỷ đồng.

Ngoài các ngân hàng trên, mùa đại hội cổ đông vừa qua, hầu hết các ngân hàng đều thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 15-35% trong năm 2022, chủ yếu qua hình thức chia cổ tức hoặc chia thưởng bằng cổ phiếu. Nếu thực hiện thành công, vốn điều lệ của các ngân hàng dự kiến có thể tăng lên 100.000 tỷ đồng trong năm nay.

Đáng chú ý, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% tăng chậm hơn rất nhiều so với khối ngân hàng thương mại cổ phần, ảnh hưởng đến vai trò và thị phần trong toàn hệ thống. Để nâng cao năng lực tài chính, NHNN đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng TMCP nhà nước gồm BIDV, Agribank, Vietcombank và Vietinbank.

Điển hình tại ‘ông lớn’ Vietcombank đã lên kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu để giải cơn khát vốn. Theo đó, ngân hàng Vietcombank sẽ phát hành hơn 856 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 18,1% để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020. Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ dự kiến từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng.

Tại phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết tình trạng vốn chung của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tại Việt Nam vẫn thấp so với các nước trong khu vực, tương tự với 4 ngân hàng TMCP Nhà nước.

Theo đó, trong 4 ngân hàng TMCP nhà nước, ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất cũng chỉ vào khoảng 3,8 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với một số nước trong khu vực như Malaysia, Singapore,... khi tại các quốc gia này, mức vốn chủ sở hữu của ngân hàng lớn nhất lên đến 14-19 tỷ USD.

Thống kê sơ bộ năm 2022 có tới hơn 20 ngân hàng đồng loạt lên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn. Vì vậy, từ nay đến cuối năm thị trường sẽ chứng kiến cuộc đua tăng vốn diễn ra dồn dập.

Ngân hàng đang tăng tốc kế hoạch tăng vốn điều lệ

Kế hoạch tăng vốn điều lệ có đạt như kỳ vọng?

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, các ngân hàng tiếp tục chịu áp lực tăng vốn trong giai đoạn tới. Các quy định về an toàn hoạt động kinh doanh ngân hàng trên thế giới đang theo hướng ngày càng thắt chặt và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Sau Basel 3, Basel 3,5 đang hình thành chính thức và Basel 4 đang được nghiên cứu xây dựng. Đối với các tổ chức tín dụng Việt Nam, dù vốn điều lệ của hệ thống tổ chức tín dụng tăng khá tốt trong năm 2021 thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, áp lực tăng vốn vẫn kéo dài từ năm 2019.

Tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025 cũng đặt ra yêu cầu các TCTD phải có biện pháp bảo đảm có số vốn điều lệ tương ứng với từng quy mô đến năm 2025.

Cụ thể, theo Đề án, nhóm Ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn có vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng; nhóm ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình, vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng...

Như vậy, tăng đủ vốn không chỉ là yêu cầu bắt buộc đối với các ngân hàng trong ngắn hạn mà cả trong trung, dài hạn. Nhưng việc các ngân hàng có thực hiện tăng vốn điều lệ được như kế hoạch đặt ra trong năm 2022 hay không, theo giới chuyên môn phụ thuộc vào nhiều biến số từ kinh tế vĩ mô, thị trường chứng khoán...

Bởi hiện nay, diễn biến thị trường chứng khoán không mấy thuận lợi, thanh khoản thấp. Do đó các phương án tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu cần phải cân nhắc kỹ. Các ngân hàng sẽ khó huy động được nguồn lực như kỳ vọng khi thị trường chứng khoán rơi vào downtrend, chưa kể giá trị cổ phiếu bị pha loãng sau khi tăng vốn cũng khiến huy động khó khăn hơn. Ngoài ra, thị trường còn đang chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố khác như lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất cơ bản…

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hoàng Long (t/h)