Mức thu thuế TNCN tăng gần gấp đôi tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người
![]() |
Cần rà soát lại quy định về mức miễn thu và giảm trừ gia cảnh của Luật Thuế TNCN |
Hiện nay thuế TNCN của Việt Nam là một trong 9 loại thuế đóng góp hơn 198 nghìn tỷ trong tổng thu hơn 1,9 triệu tỷ đồng (ước tính) năm 2024 chiếm khoảng 10% trên tổng thu ngân sách nhà nước.
PGS.TS Phan Hữu Nghị, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân) so sánh tốc độ tăng thu thuế với tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người và lạm phát giai đoạn 2020 - 2024 cho thấy mức thu thuế tăng nhanh hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người.
Tổng thu từ thuế TNCN giai đoạn 2020 - 2024 tăng 72%, từ 115 nghìn tỷ đồng lên 198 nghìn tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người trong cùng kỳ chỉ tăng 30,2%, từ 3548 USD/năm lên 4622 USD/năm. Lạm phát trung bình hàng năm dao động từ 0,81% - 4,16%, với mức cao nhất vào năm 2023 (4,16%) và thấp nhất vào năm 2021 (0,81%).
“Khi tính đến yếu tố lạm phát, mức tăng thực tế của thu nhập bình quân đầu người có thể thấp hơn so với con số danh nghĩa. Cụ thể: Giai đoạn 2020 - 2024, tổng lạm phát cộng dồn khoảng 12,58% nếu so với kỳ gốc 2020 mức tăng khoảng 28%. Điều này có nghĩa là dù thu nhập bình quân đầu người có tăng tới 30,2% nhưng sức mua thực tế có thể không tăng tương ứng”, PGS.TS Phan Hữu Nghị phân tích.
Đảm bảo người nộp thuế có đủ thu nhập để trang trải cuộc sống
Mức tăng thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng gần ½ tổng thu thuế TNCN đặt ra yêu cầu cấp thiết sửa đổi Luật Thuế TNCN cho phù hợp thực tiễn, vừa bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Nhiều ý kiến cho rằng cần nâng mức giảm trừ gia cảnh để chính sách tăng tiền lương phát huy hiệu quả theo kỳ vọng.
![]() |
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam |
Đồng tình với ý kiến trên, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng cần tăng mức này lên để người dân được chi tiêu “thoải mái” hơn.
Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Luật Thuế TNCN từ năm 2020 đến nay quy định mức miễn thu đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, còn mức giảm trừ gia cảnh đối với những người phụ thuộc như cha, mẹ, con là 4,4 triệu đồng/người/tháng. Có thể nói rằng với giá cả sinh hoạt hiện nay, nhất là ở khu vực đô thị, dư luận đa số đều cho rằng các mức ấn định cho việc miễn thu thuế quá thấp, hay nói cách khác đã trở nên lỗi thời về mặt chính sách thuế, xét từ góc độ bảo đảm đời sống của người dân.
“Lấy mức chi phí sinh hoạt tối thiểu của một cá nhân hay gia đình trong một tháng làm điểm xuất phát. Theo quan sát của tôi, tại các đô thị lớn, chi phí cơ bản của một cá nhân sẽ bao gồm 2 triệu đồng thuê nhà, 1 triệu đồng xăng xe và đi lại, 4,5 triệu đồng tiền ăn và 0,5 triệu đồng cho liên lạc và internet. Vậy là chỉ còn lại 3 triệu đồng cho tất cả các nhu cầu còn lại như chăm sóc sức khoẻ, thăm hỏi, giao tiếp xã hội, học tập, sinh hoạt văn hoá và giải trí. Tính toán đơn giản như thế. mức thu nhập 11 triệu đồng/tháng chắc chắn sẽ không đủ, hay chỉ để tồn tại mà không phải sống theo đúng nghĩa gọi là tử tế. Vậy, với một gia đình tiêu chuẩn gồm 4 người, nếu mỗi bố, mẹ chỉ có thu nhập đủ nuôi mình, cộng khoản có thêm 4,4 triệu đồng cho mỗi trẻ em đi học, trong điều kiện phải trả học phí và tiền học thêm nữa, thì liệu có đủ không”, ông Lập đặt câu hỏi tính toán.
Trong khi đó, từ khi đánh thuế TNCN, pháp luật buộc người có thu nhập chỉ cần trên các mức quy định thì đã phải nộp thuế, nói cách khác là họ phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách nhà nước để phục vụ các mục tiêu công ích. Trong điều kiện người lao động chưa tự nuôi đủ cho mình, hay cho gia đình, tức chưa bảo đảm khả năng tồn tại một cách chắc chắn, thì liệu có thật sự chính đáng khi yêu cầu người đó phải chăm lo cho người khác.
Cho nên, Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng đã đến lúc và không thể muộn hơn, các đại biểu Quốc hội cần rà soát lại quy định về mức miễn thu và giảm trừ gia cảnh của Luật Thuế TNCN, theo hướng nâng cao một cách cơ bản các mức này. Chúng ta cần thiết kế các định mức, tiêu chuẩn khác nhau cho các vùng miền khác nhau một cách khoa học, hợp lý và công bằng.
Tương tự, PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cũng cho rằng, giảm trừ gia cảnh là số tiền trừ vào thu nhập chịu thuế TNCN khi xác định thu nhập tính thuế dựa trên hoàn cảnh gia đình của người nộp thuế. Quy định giảm trừ xuất phát từ quan điểm đánh thuế TNCN phải đảm bảo sau khi nộp thuế, người nộp thuế có thu nhập để trang trải cuộc sống ở mức trung bình của xã hội. Đồng nghĩa việc xác định mức giảm trừ sao cho sau khi nộp thuế cho nhà nước thì người nộp thuế đảm bảo cuộc sống ở mức cần thiết trung bình xã hội.
![]() |
PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) |
Mức này đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của dân cư và đảm bảo đời sống cho người nộp thuế. Phần thu nhập còn lại để đảm bảo cuộc sống của người nộp thuế là phần giảm trừ gia cảnh cộng với phần thu nhập còn lại sau khi nộp thuế của phần vượt trên mức giảm trừ gia cảnh.
PGS.TS Lê Xuân Trường lấy ví dụ, một người độc thân, có mức thu nhập một tháng là 16 triệu đồng. Sau khi giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng thì thu nhập tính thuế là 5 triệu đồng. Với mức thu nhập này, số thuế thu nhập cá nhân người này phải nộp là 250.000 đồng. Như vậy, thu nhập sau khi nộp thuế của cá nhân này là 15.750.000 đồng.
Theo biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành của Việt Nam, do giảm trừ gia cảnh mà cá nhân đó được giảm thuế phải nộp so với trường hợp không có giảm trừ gia cảnh là: (16 - 10) x 15% + (10 - 5) x 10% + 5 x 5% - 250.000 = 1.400.000 đồng. Nếu không được giảm trừ gia cảnh thì cá nhân này phải nộp 1.650.000 đồng và như vậy, thu nhập còn lại sau khi nộp thuế là 14.350.000 đồng. Do được giảm trừ gia cảnh mà thu nhập còn lại sau thuế là 15.750.000 đồng.
PGS.TS Phan Hữu Nghị cho rằng, khấu trừ thuế là một vấn đề quan trọng trong hệ thống thuế TNCN, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến số đối tượng nộp thuế và số thuế phải nộp. Hiện nay, khi xem xét thu nhập chịu thuế, cần tính đến chi phí cần thiết để tạo ra thu nhập, bao gồm cả chi phí sinh hoạt hàng ngày (đi lại, ăn uống, tái sản xuất sức lao động) và chi phí từ quá khứ như chi phí học hành, đào tạo..., để có công việc và thu nhập ngày hôm nay. Tuy nhiên, hệ thống thuế hiện hành có thể chưa phản ánh đầy đủ những yếu tố này, cần nghiên cứu để có quy định phù hợp.
Vậy xác định mức khấu trừ bao nhiêu? Căn cứ nào để xác định? PGS.TS Phan Hữu Nghị góp ý, nên giảm số bậc thuế từ 7 bậc xuống còn 5 bậc, đồng thời mở rộng khoảng cách giữa các bậc. Ngoài ra, thuế suất cao nhất có thể điều chỉnh về mức hợp lý hơn, khoảng 25%, thay vì 35% như hiện nay.
Phương Thảo
-
Luật thuế thu nhập cá nhân cần phải sớm thay đổi tiêu chí giảm trừ gia cảnh
-
Đề xuất cá nhân nợ thuế 10 triệu, doanh nghiệp nợ 100 triệu trở lên bị tạm hoãn xuất cảnh
-
Nghiên cứu sửa đổi thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản
-
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật quan trọng
- Điểm tin ngân hàng ngày 19/4: Ngân hàng dùng gần nửa nguồn dự phòng để xử lý nợ xấu
- Tin nhanh chứng khoán ngày 18/4: Thị trường "hụt hơi" cuối phiên, nhóm cổ phiếu nhỏ vẫn duy trì sức nóng
- Điểm tin ngân hàng ngày 18/4: Sacombank hạ giá bán khoản nợ gần 6.000 lượng vàng SJC của APT
- Nhận định thị trường chứng khoán ngày 18/4: Dòng tiền yếu, thận trọng vẫn cần thiết
- TPBank bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán
- Tin nhanh chứng khoán ngày 17/4: Thị trường đảo chiều trong ngày đáo hạn phái sinh, VIC chịu áp lực bán ròng lịch sử
- Nhận định thị trường chứng khoán ngày 17/4: Xu hướng giảm chưa dừng lại?
- Điểm tin ngân hàng ngày 17/4: Lãi suất vay mua nhà giảm, ngân hàng đẩy mạnh hỗ trợ người mua ở thực
- Tin nhanh chứng khoán ngày 16/4: VN Index lùi về mốc 1.210 điểm, cổ phiếu FPT giảm sàn
- Nhận định thị trường chứng khoán ngày 16/4: Thận trọng quan sát vùng hỗ trợ quanh mốc 1.220 điểm