Một số thông tin về Cuba và quan hệ ngoại giao với Việt Nam

16:08 | 26/09/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Việt Nam và Cuba chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra trang sử mới cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Trải qua hơn nửa thế kỷ, mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, hai nước không ngừng được vun đắp, củng cố, phát triển lên các tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân và sự phát triển thịnh vượng của mỗi nước.
Một số thông tin về Cuba và quan hệ ngoại giao với Việt Nam
Quốc kỳ Việt Nam và Quốc kỳ Cuba, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

I. Tình hình Cuba:

1. Về chính trị:

Ngày 24/2/2019, Cuba tổ chức Trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến pháp mới được đại đa số nhân dân đồng tình ủng hộ và được Quốc hội thông qua ngày 19/4/2019 (6.816.169 phiếu đồng ý, chiếm 86,85%). Hiến pháp mới thay thế cho bản Hiến Pháp 1976, trở thành bản Hiến pháp thứ 3 kể từ khi Cách mạng Cuba thành công năm 1959, tiếp tục khẳng định một số nguyên tắc cơ bản của Nhà nước Cuba, gồm: Tính chất xã hội chủ nghĩa không thể đảo ngược của cách mạng và đất nước Cuba, hướng tới xây dựng chủ nghĩa cộng sản; Đảng Cộng sản Cuba là đảng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội, trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, Marti và Fidel; vai trò của Nhà nước trong kiểm soát, điều tiết thị trường nội địa và kinh tế đối ngoại thông qua kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa; duy trì sở hữu xã hội chủ nghĩa đối với các phương tiện sản xuất cơ bản và phương tiện truyền thông; doanh nghiệp nhà nước là thành phần kinh tế trụ cột chính của nền kinh tế; khẳng định nhà nước cung cấp miễn phí dịch vụ y tế cho toàn dân và miễn phí giáo dục đến bậc đại học.

Ngày 10/10/2019, Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba khóa IX đã họp Phiên Bất thường thứ IV để bầu chọn các Lãnh đạo Nhà nước và Quốc hội nhiệm kỳ 2020 – 2025 theo quy định của Hiến pháp mới 2019, qua đó bầu ra: (i) Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Esteban Lazo Hernandez; Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Ana María Machado; Thư ký Quốc hội, Thư ký Hội đồng Nhà nước Homero Acosta Álvarez; (ii) Chủ tịch nước Miguel Díaz-Canel Bermúdez và Phó Chủ tịch nước Salvador Valdés Mesa. Tiếp theo đó, ngày 21/12/2019, trong khuôn khổ kỳ họp thứ IV, Quốc hội khóa IX, Quốc hội Cuba đã bầu chức danh Thủ tướng đối với đồng chí Manuel Marrero Cruz, nắm quyền điều hành Hội đồng Bộ trưởng và Ủy ban thường vụ của hội đồng này, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chủ tịch nước về công tác của mình.

Từ ngày 16 - 19/4/2021, Cuba đã tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII với chủ đề “Sự tiếp nối lịch sử của Cách mạng Cuba”; bầu ban Lãnh đạo khóa VIII: (i) Bộ Chính trị gồm 14 Ủy viên (giảm 3 so với Đại hội VII), đồng chí Miguel Díaz-Canel được bầu làm Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành TW, kiêm Chủ tịch nước Cuba; (ii) Ban Chấp hành Trung ương có 114 Ủy viên (giảm 28 so với Đại hội VII); thông qua 5 văn kiện chính trị gồm: (i) Báo cáo Chính trị; (ii) Báo cáo về tình hình phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2021; (iii) Kế hoạch phát triển KT-XH đến năm 2030; (iv) Đề xuất bổ sung, điều chỉnh của tiến trình Cập nhật hóa đường lối KT-XH giai đoạn 2021-2026; (v) Những cập nhật, hướng dẫn Khái niệm hóa về mô hình KT-XH của Cuba cho giai đoạn tiếp theo.

Ngày 11/7/2021, trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội hết sức khó khăn do bao vây cấm vận của Mỹ cùng với tác động nghiêm trọng của Covid-19, hàng trăm người Cuba đã tụ tập biểu tình với các khẩu hiệu chống đối Chính phủ tại tỉnh Artemisa (cách La Habana 30 km về phía Tây Nam) và sau đó lan rộng ra một số tỉnh thành khác cũng như thủ đô. Ngay trong ngày 11/7, Bí thư thứ Nhất, Chủ tịch Cuba đã trực tiếp thị sát, đối thoại với nhân dân, tố cáo Mỹ đứng sau kích động gây bất ổn; huy động Đảng viên và quần chúng xuống đường biểu thị ủng hộ Cách mạng, phản đối và lấn át các lực lượng chống đối. Các lực lượng an ninh đã bắt giữ một số đối tượng cầm đầu tổ chức các hoạt động chống phá và nhanh chóng kiểm soát tình hình. Nhiều nước khu vực và trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã lên tiếng ủng hộ Chính phủ Cuba, đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ chấm dứt chính sách thù địch và lệnh cấm vận đơn phương về kinh tế và tài chính chống Cuba.

Về tình hình phòng chống Covid-19 tại Cuba: Ngày 9/7, Cuba công bố ứng viên Soberana 02 đạt 91,2% hiệu quả với 3 liều tiêm, ứng viên Abdala đạt 92,28% sau 3 liều tiêm Vào ngày 10/10/2021, Cuba thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với vắc-xin Abdala dành cho trẻ em (từ 2-18 tuổi) đạt hiệu quả 98%. Đến hết 2021, khoảng 86,5% người dân đã được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng Covid-19. Cho đến nay, Cuba chỉ ghi nhận dưới 100 ca nhiễm một ngày.

2. Về kinh tế-xã hội:

Từ năm 2009, Cuba bắt đầu áp dụng một số chính sách, mô hình kinh tế - xã hội mới, bước đầu phi tập trung hóa sản xuất nông nghiệp, cho phép tư nhân kinh doanh một số ngành dịch vụ và bán lẻ, giảm bao cấp đi đôi với cải thiện các cơ sở dịch vụ xã hội công, giảm biên chế… Từ năm 2012, Cuba chính thức bắt đầu quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế. Quốc hội Cuba đã ban hành hơn 40 văn bản pháp luật mới phù hợp với quá trình “Cập nhật hóa mô hình kinh tế” như về thuế, đầu tư nước ngoài… Để thu hút đầu tư nước ngoài, năm 2014, Cuba thông qua Luật đầu tư nước ngoài mới, công bố khánh thành Đặc khu phát triển kinh tế Ma-ri-ên là tổ hợp rộng 465 km² gồm cảng biển nước sâu, kho ngoại quan, khu chế xuất, khu dịch vụ, với nhiều chính sách ưu đãi về đầu tư, thương mại, thuế, phí hải quan…

Giai đoạn 5 năm đầu thực hiện cập nhật hóa đem lại được một số kết quả tích cực. Tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 đạt trung bình 2,8%/năm. Tuy nhiên giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng chậm lại đáng kể do nhiều yếu tố. Quá trình cập nhật hóa diễn ra thận trọng, thiếu đồng bộ nên chưa có bước đột phá. Kinh tế Cuba còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là chính sách của Mỹ đối với Cuba. Nhìn chung quản lý và điều hành kinh tế còn bất cập, năng suất lao động vẫn còn thấp, đời sống nhân dân tiếp tục khó khăn, phần nào gây tâm lý nghi ngại về đường lối và tính khả thi triển khai đường lối của Đảng.

Xuất khẩu dịch vụ y tế là ngành kinh tế lớn nhất, mang về cho Cuba khoảng 6 tỷ USD/năm, kiều hối đạt 3,4 tỷ USD năm 2017 và thứ ba là du lịch (2017: đạt trên 4,7 triệu khách quốc tế). Cơ cấu kinh tế gồm nông nghiệp: 3,9%, công nghiệp 23%, dịch vụ 72,2%, xuất – nhập khẩu đạt 15,8 tỷ (2016).

Trong năm 2020, Cuba phải đương đầu với tình trạng thiếu hụt ngân sách do Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nguồn thu từ ngành du lịch mũi nhọn, xuất khẩu dịch vụ y tế suy yếu, nguồn dầu mỏ từ đồng minh Venezuela giảm sút và Chính quyền Donald Trump thắt chặt chính sách bao vây - cấm vận kinh tế, tài chính, trong đó có biện pháp ngăn chặn Venezuela vận chuyển dầu đến Cuba; tăng trưởng GDP năm 2020 suy giảm -11%, mức thấp kỷ lục kể từ năm 1994 (-14%). Gần đây Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Cuba đã thông qua “Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030” (7/2020) với các nội dung chỉ đạo theo hướng cởi mở hơn nhằm phát huy nội lực, kết hợp thu hút nguồn lực từ bên ngoài để phục hồi; đồng thời Cuba đang tích cực xây dựng hành lang pháp lý mang tính lâu dài, ban hành một số văn bản với thành tố kinh tế thị trường như sắc lệnh về “Cầm cố và thế chấp”, sắc lệnh về “Ủy thác bảo lãnh”, sắc lệnh về “Hợp tác Quốc tế”. Kể từ đầu tháng 1/2021, Chính phủ Cuba thực hiện lộ trình thống nhất tiền tệ, bỏ chế độ đồng tiền “kép”.

Năm 2021, tăng trưởng kinh tế đạt mức 2%, thấp hơn kết hoạch đề ra là 6% và năm 2022 dự kiến sẽ quay trở lại mức tăng trưởng ở giai đoạn trước đại dịch vào năm 2022 đạt 4%. Báo cáo trong kỳ họp của Quốc hội Khóa IX vào tháng 5/2022, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế Alejandro Gil khẳng định Cuba đang trải qua giai đoạn phục hồi từng bước kể từ khi triển khai Kế hoạch Kinh tế 2022 được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2021. Tính đến quý I/2022 xuất khẩu đạt 590 triệu USD (tăng 162 triệu USD so với cùng kỳ năm 2021), nhập khẩu 2,4 tỷ USD (vượt 138 triệu USD so với kế hoạch); tổng thu ngoại tệ đạt 493 triệu USD tương đương so với quý I/2021 nhưng vẫn thấp hơn các năm trước Covid-19; lạm phát tích lũy cả năm cho đến tháng 4/2022 là 6,57% nhưng tăng 52,79% so với cùng kỳ năm ngoái; du lịch đạt 450 nghìn khách đến tháng 4/2022, tăng 7 lần cùng kỳ 2021 và mục tiêu đề ra là đón 2,5 triệu khách trong năm 2022. Gần đây Cuba tiếp tục ban hành một số đạo luật về doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, khuyến khích sản xuất nông nghiệp, liên doanh tư-công, cải cách thuế thu nhập, cho phép doanh nghiệp tham gia thị trường bán buôn, nới lỏng điều chỉnh tỷ giá… nhằm cải thiện tình hình kinh tế.

Một số khó khăn được chỉ ra: (i) Lĩnh vực dịch vụ của Cuba tiếp tục suy giảm mạnh, chưa có dấu hiệu phục hồi; (ii) Lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Cuba giảm so với năm 2020 do áp lực từ các lệnh cấm vận của Mỹ; (iii) Sản lượng thực phẩm thiết yếu rất thấp so với nhu cầu; (iv) Khan hiếm gay gắt về nhiên liệu, điện; (iv) Mất khả năng thanh khoản. Để giải quyết các khó khăn trên, Chính phủ yêu cầu: (i) Tiếp tục nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục vai trò của đồng nội tệ, ổn định giá cả hàng hóa và dịch vụ phục vụ nhu cầu cơ bản người dân; (ii) Đảm bảo ổn định hệ thống điện lưới quốc gia và khí đốt; (iii) Cải thiện và nâng cao chất lượng các thành phần kinh tế; (iv) Tăng cường thực hiện chính sách phát triển liên vùng, lãnh thổ; (v) Kiểm soát lạm phát.

3. Về an ninh-quốc phòng:

Cuba tiếp tục dành ưu tiên cao cho việc củng cố, tăng cường an ninh quốc phòng, nâng cao sức mạnh của quân đội nhằm sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Tuy khó khăn về kinh tế, nhưng Cuba gần đây vẫn tiến hành diễn tập quân sự “Thành trì” quy mô lớn, phối hợp hiệp đồng quân binh chủng và phòng vệ dân sự theo mô hình “chiến tranh nhân dân” thực hiện từ năm 1980.

4. Về đối ngoại:

Cuba tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ (20/7/2015), bình thường hóa và ký Thỏa thuận Đối thoại chính trị và Hợp tác với Liên minh Châu Âu (11/3/2016) và đón Tổng thống Mỹ B. Obama (20-23/3/2016). Tuy nhiên, dưới Chính quyền Tổng thống D.Trump, quan hệ hai nước căng thẳng và ngày càng xấu đi. Ngày 16/4/2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố áp dụng Điều 3, Luật Helms-Burton kể từ ngày 2/5/2019 đi kèm là một loạt các biện pháp trừng phạt mới đối với Cuba, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp, cá nhân liên quan tới các lực lượng vũ trang, an ninh Cuba (kiểm soát hơn 60% kinh tế Cuba). Dưới Chính quyền của Tổng thống J.Biden, quan hệ Cuba-Mỹ tiếp tục diến biến phức tạp, Mỹ áp đặt thêm các biện phạt trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức thuộc các lực lượng vũ trang Cuba với cáo buộc vi phạm nhân quyền khi chấn áp cuộc biểu tình 11/7/2021, đồng thời tuyến bố xem xét áp dụng một số biện pháp ủng hộ người dân, tổ chức xã hội dân sự Cuba tiếp cận internet, kiều hối và dịch vụ lãnh sự.

Cuba tiếp tục coi trọng phát triển quan hệ với các nước Mỹ Latinh, đặc biệt là với Venezuela và các nước trong Liên minh Bô-li-va dành cho châu Mỹ (ALBA), Cộng đồng Ca-ri-bê (CARICOM); tích cực thúc đẩy liên kết và giải quyết các vấn đề khu vực: tham gia sáng lập Cộng đồng các nước Mỹ Latinh - Ca-ri-bê không có Mỹ và Canada (CELAC - 2/2012), quá trình đàm phán hòa bình giữa Chính phủ và các lực lượng du kích ở Colombia (FARC, ELN). Cuba đóng vai trò quan trọng và tích cực tại Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết.

II. Quan hệ với Việt Nam:

Việt Nam và Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 2/12/1960, hai năm sau khi Cách mạng Cuba thành công (1/1/1959). Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cuba là nước luôn đi đầu trong phong trào quốc tế ủng hộ Việt Nam, là nước đầu tiên trên thế giới công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và chấp thuận Phái đoàn Đại diện thường trú của Mặt trận (7/1962), thành lập Ủy ban Đoàn kết với Miền Nam Việt Nam (25/9/1963), công nhận về mặt ngoại giao Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1965); cử Đại sứ bên cạnh Ủy ban trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng (3/1969)… Cuba cũng dành nhiều sự giúp đỡ về kinh tế, quân sự cho Việt Nam vào những thời khắc quan trọng của cuộc chiến tranh.

Những năm gần đây, quan hệ đoàn kết truyền thống, ủng hộ và hợp tác toàn diện anh em Việt Nam - Cuba không ngừng được quan tâm củng cố, thúc đẩy và phát triển trên mọi lĩnh vực, chính trị, kinh tế - thương mại, an ninh – quốc phòng, nông nghiệp, xây dựng, giáo dục, y tế, công nghệ sinh học, giao thông, thể dục-thể thao...

Hai bên duy trì trao đổi thường xuyên đoàn các cấp thăm lẫn nhau, nổi bật có các chuyến thăm Cuba của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (4/2012 và tháng 3/2018), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (3/2014), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (9/2015), Chủ tịch nước Trần Đại Quang (11/2016), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (9/2021), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự tang lễ Lãnh tụ Fidel Castro Ruz (11/2016), Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (7/2019), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh (5/2019), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng (2/2017), Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (6/2017), Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải (9/2019), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai (2/2020); và các chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Fidel Castro (2/2003), Chủ tịch Raul Castro (7/2012), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Díaz-Canel (11/2018), Chủ tịch Quốc hội Esteban Lazo Hernandez (6/2017), các Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Díaz-Canel (6/2013) và Salvador Valdés Mesa (9/2018); Bộ trưởng các Lực lượng Vũ trang Cách mạng Cuba Leopoldo Cintras Frías (3/2017); đ/c Roberto Morales Ojeda, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng và đ/c Olga Lidia Tapia Iglesias, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Khoa học, Giáo dục và Thể thao sang Việt Nam lần lượt sang Việt Nam dự Lễ viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang (9/2018) và nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười (10/2018).

Trước tác động của đại dịch Covid-19, Lãnh đạo Cấp cao và các Bộ, ngành hai nước tiếp tục duy trì trao đổi qua hình thức trực tuyến, trong năm 2021 là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Thứ nhất Raúl Castro (9/2); Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Thứ nhất BCH TW ĐCS Cuba, Chủ tịch Miguel Díaz-Canel (5/5 và 27/7); Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Thứ nhất BCH TW ĐCS Cuba, Chủ tịch D. Canel (23/8); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Manuel Marrero Cruz (1/7); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh với Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez Parrilla (Bru-nô Rô-đri-ghết Pa-ri-da) (16/3); Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Cuba B. R. Parrilla (7/5); Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung và Trưởng Ban Khoa học, Giáo dục, Thể thao Trung ương Cuba Jorge Luis Broche nhằm thông báo kết quả Đại hội XIII của Đảng ta và Đại hội VIII Đảng Cộng sản Cuba (28/5); Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long với Bộ trưởng Y tế Cuba José Angel Portal trao đổi về cung ứng vắc-xin phòng Covid-19 do Cuba sản xuất (16/6); Bộ trưởng Công an Tô Lâm với Bộ trưởng Nội vụ Alvaro Alberto Alvares (23/6). Gần đây nhất, ngày 25/3/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez.

Hai bên triển khai hiệu quả các cơ chế Ủy ban hợp tác liên Chính phủ (Phiên 38 trực tuyến ngày 30/12/2020 và phiên 39 trực tuyến ngày 28/12/2021); Hội thảo lý luận lần IV giữa hai Đảng (La Habana, 11/2018), Đối thoại Chính sách Quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng (Đối thoại lần III vào tháng 9/2019); Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao (Phiên V tổ chức tại La Habana, 9/2019; Phiên VI tổ chức trực tuyến, 3/2021; Phiên VII tại Hà Nội, 8/2022) và Vụ trưởng Chính sách đối ngoại (Phiên họp lần I tổ chức tại Cuba tháng 10/2015).

Về trao đổi thương mại, năm 2020 ở mức 178,5 triệu USD, giảm 21,3% so với năm 2019 (226,8 triệu USD) do tác động của dịch Covid-19, trong đó xuất khẩu sang Cuba đạt 175,6 triệu USD, giảm 20,7% so với 2019 (221,6 triệu USD) và nhập khẩu từ Cuba đạt 2,9 triệu USD, giảm 44,2% so với 2019 (5,2 triệu USD). Năm 2021 kim ngạch song phương đạt 261,7 triệu USD, tăng 46,6% so với năm 2020; 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch đạt 106 triệu USD, giảm khoảng 20% so với năm trước. Cuba nhập từ Việt Nam khoảng 300.000 - 400.000 tấn gạo/năm… Vào ngày 1/4/2020, Hiệp định thương mại Việt Nam – Cuba (ký ngày 9/11/2018) chính thức đi vào hiệu lực, với nhiều cam kết ưu đãi thương mại mới, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp hai nước và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa song phương.

Về hợp tác nông nghiệp, Dự án hợp tác hỗ trợ Cuba phát triển sản xuất lúa gạo quy mô hộ gia đình giai đoạn 2011 - 2015 với tổng số vốn đầu tư 43 triệu USD đạt kết quả tích cực; các dự án hỗ trợ Cuba sản xuất ngô, đậu tương và nuôi trồng thủy sản giai đoạn I và II đã đạt kết quả tốt đẹp; hai bên đang tiếp tục nghiên cứu và triển khai các dự án nông nghiệp – thủy sản khác, trong đó Chính phủ ta đã phê duyệt Dự án “Hợp tác Việt Nam – Cuba phát triển sản xuất lúa gạo giai đoạn 2019-2023” và đang triển khai; Bộ Quốc phòng và Bộ Nông nghiệp ta cũng đang hỗ trợ kỹ thuật giúp bạn phát triển cây ngô cao sản. Hai bên cũng đã thống nhất nội dung triển khai Dự án hỗ trợ Cuba nuôi trông thủy sản giai đoạn 3 (2022-2025).

Về hợp tác vắc-xin, nhân chuyến thăm chính thức Cuba của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (18-20/9/2021), hai bên đã ký hợp đồng mua 5 triệu liều Abdala và tiếp nhận 900 nghìn liều đầu tiên trong chuyến thăm này; đồng thời, tiếp nhận 150.000 liều Abdala do Bộ các Lực lượng vũ trang Cách mạng Cuba tặng Bộ Quốc phòng ta. Cuba đã chuyển tiếp 4,1 triệu liều vắc-xin Abdala còn lại trong tháng 10/2021. Tháng 1/ 2022, Thủ tướng Cuba thông báo sẵn sàng trao tặng Việt Nam 180.000 liều vắc-xin Cuba dành cho trẻ em; sẵn sàng cử Đoàn Y tế Henry Reeve gồm 300 người sang Việt Nam hỗ trợ chống dịch Covid-19. Ngày 11/5, Lãnh đạo BNG đã gặp Đại sứ bạn chuyển thông điệp của Thủ tướng Chính phủ cảm ơn nghĩa cử của Cuba, chia sẻ về số lượng vắc-xin đã tiếp nhận của Việt Nam, tình hình dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát nên trước mắt chưa yêu cầu sự hỗ trợ của Đoàn Y tế Henry Reeve cũng như khả năng tiếp nhận, mua vắc-xin mới; đồng thời, trao Đại sứ bạn thư đề ngày 30/4 của Thủ tướng Chính phủ mời Thủ tướng Cuba thăm chính thức Việt Nam trong năm 2022.

Trong các lĩnh vực đầu tư, một số doanh nghiệp ta đang triển khai các dự án đầu tư về xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất bột giặt và tã lót tại Đặc khu Phát triển Mariel, San Miguel, Santa Cruz. Trước những thay đổi về chính sách quản lý kinh tế, môi trường đầu tư của bạn, doanh nghiệp ta ngày càng quan tâm mở rộng hợp tác đầu tư tại Cuba.

Trong lĩnh vực ngoại giao đa phương, hai bên duy trì quan hệ hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc. Gần đây ta ủng hộ Cuba ứng cử vào HĐNQ nhiệm kỳ 2021-2023; tích cực thúc đẩy, hỗ trợ Cuba ký kết TAC/ASEAN (10/11/2020); Cuba đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào HĐBA/LHQ nhiệm kỳ 2020-2021...; Việt Nam nhất quán ủng hộ chấm dứt chính sách bao vây, cấm vận kinh tế-tài chính của Mỹ chống Cuba.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Vân Anh