Luật sư Trương Anh Tú: Dự thảo luật về hoàn thuế GTGT phải đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp

07:00 | 01/11/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Trao đổi với PetroTimes, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm cho rằng, Dự thảo sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) quy định chỉ hoàn thuế cho doanh nghiệp có một mức thuế suất 5%, đây là quy định sẽ gây thiệt thòi cho các doanh nghiệp kinh doanh đa ngành. Vì vậy, khi xây dựng luật phải đảm bảo tính công bằng cho mọi loại hình doanh nghiệp.
Luật sư Trương Anh Tú: Dự thảo luật về hoàn thuế GTGT phải đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm

Liên quan đến nội dung sửa đổi quy định về hoàn thuế GTGT tại dự án sửa đổi Luật Thuế GTGT được nêu trong Tờ trình của Bộ Tài chính gửi đến Chính phủ. Theo đó, tại Khoản 3, Điều 15 của Dự thảo - Các trường hợp hoàn thuế: "... Cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng 5%, trừ hoạt động thanh lý tài sản nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên sau 12 tháng liên tục hoặc 4 quý liên tiếp thì được hoàn thuế giá trị gia tăng".

Với quy định này, nếu doanh nghiệp chỉ có 01 loại thuế suất thuế GTGT là 5% thì mới được hoàn thuế, còn những doanh nghiệp có từ 02 loại thuế suất thuế GTGT trở lên thì không được hoàn thuế. Quy định này, ảnh hưởng như thế nào đến các doanh nghiệp hoạt động đa ngành? Để làm rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên PetroTimes có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm.

PV: Thưa Luật sư Trương Anh Tú, ông có quan điểm như thế nào về quy định hoàn thuế chỉ áp dụng cho doanh nghiệp có một mức thuế suất GTGT là 5%?

Luật sư Trương Anh Tú: Theo tôi, quy định này không công bằng và có thể tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có từ hai mức thuế suất trở lên thường là các công ty lớn, hoạt động đa ngành và đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước. Khi quy định chỉ hoàn thuế cho các doanh nghiệp có một mức thuế suất GTGT là 5%, doanh nghiệp đa ngành bị loại ra khỏi quyền lợi này, mặc dù họ vẫn đóng thuế đầy đủ và thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước.

Sự hạn chế này có thể khiến các doanh nghiệp lớn chịu thêm chi phí và khó duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Việc không được hoàn thuế trong trường hợp doanh nghiệp áp dụng nhiều mức thuế suất sẽ tạo ra thêm gánh nặng tài chính, làm tăng giá thành sản phẩm và giảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

PV: Vậy theo ông, những tác động cụ thể nào sẽ xảy ra nếu quy định này được thông qua đối với doanh nghiệp có từ hai mức thuế suất trở lên?

Luật sư Trương Anh Tú: Nếu quy định này đi vào thực tế, doanh nghiệp có nhiều mức thuế suất sẽ mất đi khả năng khấu trừ thuế đầu vào. Điều này sẽ khiến chi phí sản xuất của họ tăng lên đáng kể và có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận. Ngoài ra, vì không thể khấu trừ thuế, giá thành sản phẩm sẽ phải tăng để bù đắp chi phí, dẫn đến việc sản phẩm của các doanh nghiệp này khó cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trên thị trường trong và ngoài nước.

Luật sư Trương Anh Tú: Dự thảo luật về hoàn thuế GTGT phải đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp
Để đảm bảo tính công bằng và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nên mở rộng quyền hoàn thuế cho tất cả các doanh nghiệp có số thuế đầu vào chưa khấu trừ vượt mức quy định 300 triệu đồng. (Ảnh minh họa)

Một hệ quả nữa là việc giảm sức cạnh tranh không chỉ ảnh hưởng đến chính các doanh nghiệp mà còn có thể tác động đến cả chuỗi cung ứng và người tiêu dùng. Khi chi phí sản xuất và giá thành tăng, các sản phẩm sẽ khó duy trì được sức cạnh tranh trên thị trường, từ đó có thể làm giảm cả nhu cầu tiêu thụ và thị phần.

PV: Nếu được đóng góp ý kiến, ông có đề xuất gì để sửa đổi Khoản 3, Điều 15 của dự thảo về hoàn thuế GTGT?

Luật sư Trương Anh Tú: Tôi cho rằng, để đảm bảo tính công bằng và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nên mở rộng quyền hoàn thuế cho tất cả các doanh nghiệp có số thuế đầu vào chưa khấu trừ vượt mức quy định 300 triệu đồng, bất kể số lượng mức thuế suất mà doanh nghiệp áp dụng. Việc này sẽ tạo ra một môi trường pháp lý bình đẳng hơn, đảm bảo rằng tất cả các doanh nghiệp đều có cơ hội hưởng lợi hợp pháp liên quan đến hoàn thuế, không bị phân biệt dựa trên số lượng mức thuế suất.

Cụ thể hơn, chúng ta có thể bổ sung quy định cho phép hoàn thuế đầu vào đối với mọi doanh nghiệp nếu họ chứng minh được rằng số thuế đầu vào chưa khấu trừ đã vượt ngưỡng 300 triệu đồng, thay vì giới hạn ở doanh nghiệp có một mức thuế suất. Quy định này sẽ giúp tất cả các doanh nghiệp có thể tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh, và đóng góp tích cực hơn vào nền kinh tế quốc gia.

PV: Ông có lưu ý nào thêm về cách triển khai và áp dụng hoàn thuế nếu quy định này được sửa đổi?

Luật sư Trương Anh Tú: Chúng ta cũng cần có cơ chế giám sát chặt chẽ việc hoàn thuế, tránh các trường hợp gian lận. Để làm được điều này, cơ quan thuế cần thiết lập một quy trình rõ ràng, minh bạch và dễ kiểm tra. Khi quyền lợi được mở rộng cho các doanh nghiệp đa ngành, cần áp dụng công nghệ và hệ thống quản lý dữ liệu để đảm bảo giám sát và quản lý chặt chẽ việc hoàn thuế. Điều này không chỉ ngăn chặn các vi phạm mà còn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và củng cố niềm tin trong hệ thống thuế của chúng ta.

PV: Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!

Mạnh Tưởng ( thực hiện)

vietinbank
thaco