Loạt sai phạm tại Công ty Hải Hà Petro và Thiên Minh Đức

13:30 | 11/01/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Mới đây, Bộ Công Thương có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc xử lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó có hai doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã được Thanh tra Chính phủ xác định có vi phạm trong việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà và Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức.
Thái Bình công khai hơn 100 doanh nghiệp “chây ì” nợ thuế với số tiền gần 2.200 tỷ đồngThái Bình công khai hơn 100 doanh nghiệp “chây ì” nợ thuế với số tiền gần 2.200 tỷ đồng
Thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm tại Công ty Xăng dầu Lai ChâuThanh tra chỉ ra nhiều sai phạm tại Công ty Xăng dầu Lai Châu

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) và Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức sử dụng sai quỹ bình ổn, không kết chuyển về tài khoản quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp. Hai đơn vị này cũng khai thiếu, nợ thuế bảo vệ môi trường hàng nghìn tỷ đồng.

Loạt sai phạm tại Công ty Hải Hà Petro và Thiên Minh Đức
Hải Hà Petro vi phạm quỹ bình ổn xăng dầu/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Liên quan tới trường hợp của hai doanh nghiệp đầu mối xăng dầu này, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính vẫn chưa thống nhất với nhau về quan điểm, cơ quan nào có trách nhiệm trong chốt số dư Quỹ.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Tài chính cho ý kiến xử lý về số dư quỹ đang để tại hai doanh nghiệp này, trước khi tiến hành thu hồi giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu.

Tuy nhiên, trả lời của Bộ Tài chính với trường hợp Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, cơ quan này lại cho rằng, Bộ Công Thương là cơ quan cấp phép cho doanh nghiệp, cùng với việc xác lập và hình thành quỹ bình ổn giá xăng dầu, chủ trì điều hành giá xăng dầu nên "phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình".

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương thực hiện thu hồi giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu thì phải chủ động thực hiện đồng bộ việc xử lý quỹ bình ổn giá xăng dầu, tức là gồm cả việc chốt số dư quỹ bình ổn với doanh nghiệp này.

Với Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương xác định số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại nơi thương nhân mở tài khoản quỹ bình ổn, thực hiện việc thu hồi quỹ về ngân sách, trước khi doanh nghiệp bị chấm dứt vai trò là thương nhân đầu mối.

Để rút giấy phép kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối, trước tiên phải hoàn tất việc xử lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu hình thành tại doanh nghiệp đầu mối, tránh thất thu ngân sách nhà nước. Do chưa thể xử lý vấn đề liên quan đến Quỹ bình ổn nên đến thời điểm hiện tại, cả hai doanh nghiệp nêu trên vẫn chưa bị rút giấy phép hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Hiện hồ sơ của hai doanh nghiệp này đã được Thanh tra Chính phủ chuyển sang công an để xem xét điều tra, xử lý. Trong đó xem xét hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, sử dụng quỹ bình ổn giá tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức; Công ty TNHH thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.

Trước đó, cuối tháng 10/2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình đã "bêu tên" Hải Hà Petro vì nợ thuế lớn nhất tỉnh với tổng số nợ trên 1.781 tỷ đồng. Sau đó , Cục Thuế tỉnh Thái Bình có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an về việc đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Trần Tuyết Mai, người đại diện theo pháp luật của Hải Hà Petro.

Lý do tạm hoãn xuất cảnh là do doanh nghiệp này thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Thời gian tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 30/8/2023 đến khi Hải Hà Petro hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Tính đến ngày 31/12/2022, thuế và các khoản phí phải nộp ngân sách Nhà nước của của doanh nghiệp này đã là 1.375 tỷ đồng. Trong đó, có 1.141 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế khác, đứng sau là thuế giá trị gia tăng phải nộp (163 tỷ đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt (37,4 tỷ đồng), thuế xuất nhập khẩu (34 tỷ đồng).

Vào năm 2019, Hải Hà Petro cũng đã bị Tổng cục thuế “bêu tên” là doanh nghiệp nợ 1.221 tỷ đồng tiền thuế.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (t/h)

vietinbank
thaco