Lạng Sơn nâng cao đời sống đồng bào thiểu số với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau

23:23 | 28/11/2020

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Thông báo 383/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ thể hiện, kinh tế Lạng Sơn dịch chuyển tích cực, xã hội có nhiều tiến bộ. Lạng Sơn phấn đấu xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số góp phần thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.

Kinh tế dịch chuyển tích cực, xã hội có nhiều tiến bộ

Cụ thể, Thông báo 383/TB-VPCP về Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn khẳng định, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh Lạng Sơn ước đạt 5,45%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và tích cực. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 44,5 triệu đồng (gấp 1,44 lần so với năm 2015). Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, năng lực sản xuất, kinh doanh ngày càng được nâng lên; nông, lâm nghiệp có nhiều mô hình sản xuất mới hiệu quả; thương mại, dịch vụ tiếp tục phát huy được vai trò kinh tế mũi nhọn, tạo động lực tăng trưởng và đổi mới cơ cấu kinh tế của tỉnh: môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện.

Lạng Sơn nâng cao đời sống đồng bào thiểu số với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau

Khánh thành công trình đường đến trung tâm xã Tân Yên, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: langson.gov.vn

Ở lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Hoạt động đối ngoại ngày càng hiệu quả, năng lực hội nhập quốc tế được nâng lên. Tỉnh Lạng Sơn đã làm tốt công tác phòng chống dịch Covid- 19 đồng thời phối hợp tốt với phía Trung Quốc trong phòng, chống dịch và tạo điều kiện thông thương hàng hóa giữa hai nước góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của nước ta trong 10 tháng đầu năm 2020.

Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng, quy định của Trung ương và đề ra một số chính sách đặc thù của địa phương để phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược và Chương trình hành động của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Chiến lực công tác dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; phê duyệt Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017- 2020; chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện công tác dân tộc gắn với triển khai kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hàng năm.

Tỉnh Lạng Sơn đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế, đổi mới, sáng tạo, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, đã thực hiện đạt và vượt 18 trong tổng số 20 chỉ tiêu chủ yếu của giai đoạn 2016 - 2020; tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn tới và đóng góp vào kết quả chung của cả nước.

Diện mạo nông thôn nhiều khởi sắc

Về xây dựng hạ tầng, Lạng Sơn đã đạt nhiều kết quả trong xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số (giao thông, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, cấp điện, xây dựng trường học, trạm y tế xã…); trong đó có những kết quả nổi bật như 100% xã có điện lưới quốc gia, 100% xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu có trạm y tế. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực, diện mạo các vùng nông thôn có nhiều khởi sắc, có nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả. Chương trình 135 và Chương trình 30a được triển khai đồng bộ đạt kết quả khá toàn diện (đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…). Đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn vốn tín dụng để tổ chức phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, tạo việc làm, cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Lạng Sơn nâng cao đời sống đồng bào thiểu số với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau

Ông Hồ Tiến Thiệu- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 11/2020 chỉ đạo triển khai trọng tâm nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội tháng 12 (Ảnh: langson.gov.vn). Nhờ những quyết sách đúng đắn, tỉnh Lạng Sơn đã đạt nhiều thành tựu phát triển kinh tế- xã hội.

Công tác giáo dục, đào tạo nghề, y tế, chăm sóc sức khỏe ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn được quan tâm thực hiện với nhiều chính sách ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi đối với hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số và đạt được những kết quả tích cực (cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại xã khó khăn, đặc biệt khó khăn đạt 100% kế hoạch; trên 97% trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin; người nghèo được hỗ trợ 1005 chi phí khám, chữa bệnh…).

Tỉnh đã thực hiện tuyên truyền nội dung Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030 đến toàn thể các tầng lớp cán bộ, công viên chức, nhân dân, nhất là dân cư nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giúp cấp ủy, chính quyền, người dân biết, chuẩn bị tâm thế tiếp nhận, tổ chức thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc gắn với Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030. Đã rà soát, đề xuất với Ủy ban Dân tộc các nội dung phục vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025.

Tuy nhiên, kinh tế của tỉnh phát triển chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn nhiều hạn chế. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tuy đã được đầu tư xây dựng đáng kể, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế, việc huy động nguồn lực từ cộng đồng gặp nhiều khó khăn. Kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh còn thấp so với vùng miền núi phía Bắc và mặt bằng chung của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững...

Nâng cao đời sống đồng bào thiểu số với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau

Thông báo cũng khuyến nghị, để đạt được mục tiêu phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, tỉnh Lạng Sơn cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tập trung thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và cả hệ thống chính trị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa bằng hành động Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, ban hành Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành hoặc Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2020 - 2025.

Lạng Sơn nâng cao đời sống đồng bào thiểu số với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau

Người dân thôn Hợp Tân, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn chung sức thực hiện các tiêu chí khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: Báo Lạng Sơn Điện tử.

Mặt khác, triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (theo Nghị quyết 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 và Nghị quyết 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội) trên địa bàn tỉnh, phấn đấu thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu: Phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, góp phần thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau. Giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn, thu hẹp khoảng cách so với vùng phát triển; Khắc phục những hạn chế, bất cập của chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra trong báo cáo tổng kết chính sách giai đoạn 2016-2019. Tăng cường niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước; bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Đồng thời, tỉnh Lạng Sơn cũng cần kiện toàn, nâng cao năng lực của Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Dân tộc các huyện thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia nói trên; thực hiện trách nhiệm của các cấp, hệ thống chính trị phát triển toàn diện kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng vững chắc thế trận toàn dân, an ninh nhân dân, kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng, chủ động ngăn chặn từ xa các hoạt động chống phá khối đại đoàn kết dân tộc. Và, tổ chức Đoàn đại biểu tỉnh tham dự đầy đủ, chất lượng góp phần vào thành công của Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II.

Những năm qua, Lạng Sơn chú trọng bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc. Thực hiện tốt công tác quản lý biên giới, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không để nảy sinh các “điểm nóng” về dân tộc, tôn giáo trên địa bàn. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với các chương trình dự án chính sách có nội dung liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số và việc chấp hành pháp luật về công tác dân số.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Đăng Trình