Tiến tới kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021)

Ký ức về cuộc hành trình tìm đường ra Bắc

14:10 | 15/10/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Theo nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Chí Nhân, bà Nguyễn Thị Định, tức cô Ba Định có lần chia sẻ về chuyến vượt biển đầu tiên ra miền Bắc: “Tôi đang say sưa đi thăm hỏi bộ đội ở mặt trận thì có lệnh của Tỉnh ủy gọi về. Tôi không ngờ vì Tỉnh ủy giao nhiệm vụ rất đặc biệt, đó là tôi được cử đi trong phái đoàn ra miền Bắc để báo cáo với Bác Hồ và Chính phủ về tình hình sau Hiệp định sơ bộ 6-3 và xin chi viện cho Nam Bộ. Đoàn có anh Đào Văn Trường - Tư lệnh Quân khu 8, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp - đại biểu tỉnh Mỹ Tho, Giáo sư Ca Văn Thỉnh và tôi - đại biểu tỉnh Bến Tre”.
Ký ức về cuộc hành trình tìm đường ra Bắc
Tàu không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. (Ảnh tư liệu)/https://dulich.petrotimes.vn

Hành trình ra Bắc

Câu chuyện của chị Ba Định tiếp diễn: Ngày ấy vào khoảng cuối tháng 3-1946, đoàn xuất phát từ cồn Lợi, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, theo đường biển tới tỉnh Phú Yên. Từ sáng sớm, đoàn khởi hành với tinh thần cảnh giác tránh xa tàu chiến của Pháp ở Vũng Tàu tuần tra, thuyền bung ra xa Biển Đông rồi hướng về Tây Bắc. Nhìn được dãy núi, có người đoán là Phan Rý, cửa biển Phan Thiết. Bỗng gió chướng thổi quá mạnh, buồm bị hỏng. Hổng lẽ quay về cồn Lợi, chúng tôi bàn bạc với nhau xuôi theo cửa Kê Gà nhưng chỉ ngại không biết có đồn bót của Pháp hay không. Thuyền vào Kê Gà êm ái, cửa biển có đèn rọi. Trụ lại nơi đây hai hôm, gió Đông Bắc vẫn thổi mạnh nên chúng tôi định cho thuyền quay về cồn Lợi lần nữa, còn người thì tiếp tục đi bằng đường bộ.

Buổi chiều ngày thứ hai, đoàn rời Kê Gà, mỗi người vai mang ba lô, bươn trên đồi cát, vượt qua đồn giặc khá vất vả. Đến đỉnh đồi lúc bấy giờ là 3 giờ khuya, đoàn dừng lại lo cơm nước, định sáng ngày sau tiếp tục di chuyển lên phía Bắc. Bỗng mọi người cùng nhìn hướng gió rồi không ai bảo ai, tất cả cùng reo lên “gió nồm”, có gió nồm rồi. Vậy là thuận buồm xuôi gió. Đoàn hoãn lại Kê Gà và tiếp tục dùng thuyền vượt biển.

Chị Ba Định kể tiếp: Lần đầu tiên lênh đênh trên mặt biển bao la, nhiều người say sóng, ói tới mật xanh, mệt nằm la liệt. Nặng nhất là bác sĩ Nghiệp. Chỉ có tôi và anh Tư Thành là khá nhất, nhờ nhịn ăn và không nằm. Đến Phú Yên, còn là vùng tự do ở Nam Trung Bộ, chúng tôi mừng quá. Từ Phú Yên, chúng tôi ngồi xe lửa ra tận Hà Nội. Bước chân xuống Thủ đô, được tới Thủ đô của cả nước, lòng tôi nôn nao, rạo rực. Tôi là con gái ở vườn, được tới Thủ đô của cả nước, tôi bỡ ngỡ đủ điều. Chỉ có một điều làm tôi quen ngay là tình cảm đầm ấm ruột thịt của đồng bào miền Bắc.

Cảm xúc khi gặp Bác

Chúng tôi vừa mới đến Hà Nội hôm trước thì hôm sau được Bác Hồ đến thăm. Bác đến đột ngột, chúng tôi không ngờ được gặp Bác quá sớm. Chúng tôi đang ngồi trò chuyện thân mật tại nhà ông Đặng Thai Mai - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì nghe tiếng ô tô đậu trước cổng. Một cụ già phúc hậu, dong dỏng cao, tay chống gậy, thoăn thoắt bước vào làm tôi suýt reo lên, đúng là Bác Hồ rồi! Bác giống như trong ảnh mà tôi đã thấy, Bác niềm nở bắt tay từng người. Khi chưa gặp Bác tôi nghĩ chắc Bác nghiêm nghị lắm, nhưng khi gần Bác thì bao nỗi lo âu đều tan biến.

Vừa ngồi, Bác hỏi thăm ngay tình hình Nam Bộ thế nào và Bác chỉ tay vào tôi “ưu tiên cho phụ nữ nói trước”. Cô Út nói cho Bác nghe tình hình nhân dân, bộ đội ta ở Nam Bộ bây giờ thiếu thốn những gì. Các cô, các chú muốn yêu cầu gì? Đề nghị gì? Tôi luống cuống đứng lên. Bao nhiêu điều chuẩn bị mong gặp Bác để báo cáo sao chạy mất ráo! Bác cười hỏi tôi: Thiếu súng lắm phải không? Các cô, chú muốn xin bao nhiêu khẩu súng mang về? Thật là kỳ diệu, Bác đã nói đúng điều quan trọng nhất mà các đồng chí lãnh đạo Nam Bộ đã đến dặn đi dặn lại nhiều lần khi chúng tôi chuẩn bị chuyến đi này. Tôi sung sướng báo cáo với Bác: Dạ thưa Bác, thiếu nhiều lắm. Bác nói thong thả: Thế nào Trung ương và Chính phủ cũng có súng gửi về Nam nhưng nước ta còn nghèo, các cô, các chú phải đánh Pháp cho giỏi, cướp lấy súng của nó dùng thì cái vốn đó mới nhiều.

Trong bữa ăn, Bác nói chuyện riêng với từng người, Bác dặn tôi: “Cô ở ngoài này học tập một thời gian rồi lại tiếp tục kháng chiến với bà con”. Tôi nhớ như in trong óc lời dạy bảo của Bác đối với tôi hôm đó. Người cách mạng thì phải học suốt đời, học lý luận, học quần chúng, học thực tế. Người không học thì đi ban đêm như không có đèn, không có gậy, dễ vấp té, có phải thế không...

Ít ngày sau, đoàn cán bộ miền Nam lại được đến mừng thọ Bác nhân ngày sinh nhật của Bác 19-5-1946. Bác triều mến nhìn chúng tôi rồi nói, Bác không thết các cô, các chú gì cả. Vì nhân dân ta ở miền Nam còn đang chịu bao nhiêu đau khổ bởi giặc Pháp gây ra. Bác cháu ta chưa thể nào vui được. Vậy các cô, các chú về báo với đồng bào miền Nam thân yêu rằng “Lòng già Hồ, lòng nhân dân miền Bắc lúc nào cũng bên cạnh đồng bào miền Nam ruột thịt. Cả nước ta một lòng đánh đuổi giặc Pháp. Nhất định chúng ta sẽ thắng lợi, sẽ có ngày đoàn tụ Nam Bắc một nhà. Lúc đó, cả nước ta sẽ liên hoan thắng lợi một thể”. Nói rồi Bác khóc, chúng tôi cũng cùng khóc theo.

Gần cuối năm 1946, tôi được Chính phủ cho người đưa trở lại Phú Yên chịu trách nhiệm điều động một thuyền chở súng về Bến Tre. Các đồng chí Phú Yên sắm thuyền, tổ chức người, gom súng đạn. Tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng thì biển động, gió mạnh, sóng cao không ra khơi được. Đến khi gió đã giảm nhưng còn khá mạnh. Tôi bàn với các đồng chí, gió này có thể đi được vì tàu thuyền giặc không tuần tra, ta lợi dụng lúc này đi là an toàn nhất.

Theo hồi ức của Thượng tướng Trần Văn Trà - Tư lệnh Khu 8: “Tôi gặp chị Ba Định lần đầu tiên trên đất Bến Tre, quê hương của chị vào cuối năm 1946, tại căn cứ kháng chiến của tỉnh đó là rừng Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Chị tiếp tôi trong một chòi lá vừa mới dựng tạm để chứa số vũ khí do Trung ương chi viện cho miền Nam và một số tài liệu mà chị đưa về bằng đường biển trên một chiếc ghe ngụy trang, đi từ miền Trung Nam Bộ. Trên nét mặt chị hiện rõ nét hân hoan khi gặp tôi, chị có trách nhiệm trao lại số vũ khí và tài liệu tận tay theo lệnh trên. Đây là món quà chi viện quá quý. Chị Ba Định còn dặn tôi: “Khi anh điện ra Trung ương đề nghị, anh nhớ báo cáo với Bác rằng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ chuyển giao đầy đủ vũ khí và tài liệu của Trung ương cho các anh để Bác mừng và anh thưa dùm với Bác là con gái của Bác vẫn khỏe mạnh và đang tích cực tham gia kháng chiến!”.

https://dulich.petrotimes.vn

Báo Đồng Khởi