Hoàn thành việc chi trả đất dịch vụ cho người dân Vĩnh Phúc

10:51 | 27/09/2019

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết đất dịch vụ được gần 105 ha, đạt hơn 80% tổng số đất dịch vụ cần chi trả.
Hoàn thành việc chi trả đất dịch vụ cho người dân Vĩnh Phúc

Năm 2019, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan chủ động cân đối nguồn ngân sách hàng năm ưu tiên giải quyết đất dịch vụ trước cho một số công trình, dự án cần thiết đồng thời sử dụng linh hoạt các quỹ đất đã có cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng để giải quyết đất dịch vụ ở những nơi có bức xúc, kéo dài. Để hoàn thành mục tiêu, tiến độ đề ra, các địa phương trong tỉnh từng bước kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện chính sách đất dịch vụ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân; tích cực phối hợp trong quá trình thực hiện thống kê, kiểm đếm, xen ghép, giao nhận đất dịch vụ theo quy định của Nhà nước..

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh yêu cầu 5 đơn vị phải chi trả đất dịch vụ xong trong năm 2018 (Yên Lạc, Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Sông Lô, Lập Thạch) và 4 đơn vị còn lại đến hết năm 2018 phải chi trả đất dịch vụ cho người dân đạt tỷ lệ khoảng 75% và phải thực hiện xong trong năm 2019. Song cho đến nay huyện Yên Lạc là địa phương đầu tiên trong tỉnh hoàn thành việc chi trả đất dịch vụ cho người dân. Tam Đảo và huyện Tam Dương là 2 địa phương có tỷ lệ chi trả thấp nhất, với tỷ lệ lần lượt là hơn 45% và hơn 53%.

Về nguyên nhân chậm hoàn thành giao đất dịch vụ cho dân tại một số địa phương, Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc phân tích, do còn vướng nhiều khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng, hồ sơ thủ tục. Toàn tỉnh còn hơn 600 trường hợp đã thu tiền nhưng chưa có đất để giao. Trong đó, huyện Tam Dương với gần 300 trường hợp, huyện Bình Xuyên 66 trường hợp, huyện Tam Đảo 55 trường hợp.

Nhằm tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo, Tỉnh ủy đã ban hành quyết định thành lập Đoàn kiểm tra để kiểm tra việc lãnh, chỉ đạo thực hiện chính sách đất dịch vụ và thu tiền sử dụng đất của nhân dân. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành hệ thống các văn bản chỉ đạo nhằm định hướng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác này.

Tại nhiều địa phương, nguồn lực đầu tư cho công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Một số hộ dân ở khu vực có giá đất cao muốn được chi trả bằng tiền mặt nhưng nguồn kinh phí chi trả chưa thể bố trí kịp thời. Một số địa phương, nhất là chính quyền cấp xã chưa thực sự quyết liệt, còn tồn tại tâm lý phó mặc cho cấp huyện, tỉnh hỗ trợ về nguồn vốn. Một số đơn vị gặp khó khăn trong công tác quy hoạch, đấu giá đất, xen ghép đất dịch vụ cho các hộ dân. Nhiều diện tích đất tồn tại từ nhiều năm trước khó khăn trong quá trình thẩm định, thu thập hồ sơ liên quan...

Vì vậy, để giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhanh chóng kiểm tra, rà soát kỹ công tác thống kê, quy hoạch bảo đảm tính chuẩn xác; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng. Việc đền bù bằng đất hoặc tiền mặt cho người dân phải thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Đối với các khu vực đã có mặt bằng và đầu tư hạ tầng, tỉnh cho phép sử dụng linh hoạt các loại quỹ đất trong khu vực để bố trí, giải quyết đất dịch vụ. Rà soát lại toàn bộ các khu vực quy hoạch đất dịch vụ để có phương án giải quyết kịp thời.

https://batdongsan.petrotimes.vn/

Thúy An (t/h)