Hệ sinh thái của đại gia Lê Văn Kiểm kinh doanh ra sao?

13:45 | 27/09/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Hệ sinh thái KN Investments của đại gia Lê Văn Kiểm, trong đó có Golf Long Thành, KN Cam Ranh lợi nhuận èo uột, nợ phải trả hàng chục nghìn tỷ đồng.

Hệ sinh thái của doanh nhân Lê Văn Kiểm

CTCP Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành (Golf Long Thành) được thành lập vào tháng 1/2005, đóng vai trò hạt nhân trong hệ sinh thái KN Investmets Group - tập đoàn của gia đình ông Lê Văn Kiểm hoạt động trong bốn mảng chính: Sân golf, bất động sản, khoáng sản và năng lượng mặt trời.

Thông tin trên giấy phép ĐKKD (thay đổi lần thứ 21 vào tháng 4/2023) ghi nhận CTCP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành thành lập năm 2005, có vốn điều lệ gần 6.380 tỷ đồng, do bà Trần Cẩm Nhung làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty. Còn thông tin ký dưới bản công bố thông tin tình hình tài chính ký ngày 31/3/2023 thì chức danh Chủ tịch HĐQT là ông Lê Văn Kiểm. Bà Cẩm Nhung là vợ ông Lê Văn Kiểm.

Hệ sinh thái của đại gia Lê Văn Kiểm kinh doanh ra sao?
Người sáng lập CTCP Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành - ông Lê Văn Kiểm.

Golf Long Thành là chủ đầu tư một số dự án trọng điểm của KN Investment Group, như: khu đô thị, sân golf, thể thao và du lịch sinh thái Long Thành có quy mô hơn 334ha, tọa lạc ở xã Phước Tân - Tam Phước, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; dự án khu đô thị du lịch sinh thái hơn 843ha, cũng nằm trong thành phố Biên Hòa, thuộc xã Tâm Phước - Phước Tân - Tam An, huyện Long Thành.

Ngoài ra, Golf Long Thành cũng là chủ đầu tư của "siêu dự án" quy mô gần 795ha tại tỉnh Khánh Hòa, là dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí KN Paradise (KN Paradise), tổng chi phí đầu tư lên đến 46.000 tỷ đồng.

Bên cạnh địa ốc, những năm qua, KN Investment Group còn lấn sân lĩnh vực năng lượng tái tạo. Theo đó, năm 2017, một thành viên khác trong hệ sinh thái là Công ty TNHH KN Cam Ranh (KN Cam Ranh) góp vốn thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển điện mặt trời KN Vạn Ninh (KN Vạn Ninh). KN Cam Ranh được biết đến là chủ đầu tư siêu dự án 2 tỷ USD - KN Paradise Cam Ranh (Khánh Hòa). Công ty này có vốn điều lệ 1.970 tỷ đồng, ông Kiểm góp 10% và Golf Long Thành góp 90% còn lại.

Hệ sinh thái của đại gia Lê Văn Kiểm kinh doanh ra sao?
Một góc dự án KN Paradise. (Ảnh: KN Paradise).

KN Vạn Ninh là chủ đầu tư Dự án Nhà máy Điện mặt trời KN Vạn Ninh tại xã Vạn Hưng, Vạn Ninh, Khánh Hòa, với công suất thiết kế 100 MW, quy mô 120 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến gần 2.500 tỷ đồng.

Đến năm 2018, doanh nghiệp của đại gia Lê Văn Kiểm tiếp tục đầu tư vào hai dự án điện mặt trời khác, gồm Nhà máy Điện mặt trời KN Cam Lâm do Công ty Cổ phần Điện mặt trời KN Cam Lâm (KN Cam Lâm) làm chủ đầu tư, và Nhà máy Điện mặt trời Cam Lâm VN do CTCP Cam Lâm Solar (Cam Lâm Solar) làm chủ đầu tư.

Cả 2 dự án trên cùng có công suất 50 MW, được khởi công xây dựng vào tháng 12/2018, và phát điện vận hành vào tháng 6/2019. Nhà máy Điện mặt trời KN Cam Lâm có quy mô khoảng 70 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng trong khi Nhà máy Điện mặt trời Cam Lâm VN có quy mô 75 ha, tổng vốn đầu tư 1.150 tỷ đồng. Dù vậy, cả hai dự án này sau đó đã được đổi chủ ngay trước ngày đưa vào vận hành chính thức.

Ban đầu cả hai pháp nhân vận hành hai dự án này đều được góp vốn bởi Golf Long Thành và ông Lê Văn Kiểm với tỷ lệ lần lượt là 20% và 80% vốn.

Đến đầu năm 2019, Hanwha Energy Corporation Singapore Pte Ltd (Hanwha Energy), thành viên của Hanwha Group, đã mua 70% cổ phần của cả hai doanh nghiệp dự án, trong khi nhóm cổ đông Lê Văn Kiểm chỉ giữ 30% còn lại.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị hai doanh nghiệp trên sau đó đã được đổi thành là ông Lee Jonghyeok (SN 1968, quốc tịch Hàn Quốc) còn Tổng Giám đốc là bà Lê Nữ Thuỳ Dương (SN 1976).

Ngoài ra, đại gia Lê Văn Kiểm còn sở hữu một số dự án khác, như Dự án Nhà máy Điện mặt trời nổi trên hồ Suối Dầu do Công ty TNHH KN Floating Suối Dầu làm chủ đầu tư có tổng công suất thiết kế gần 50 MWp, tổng mức đầu tư dự án hơn 1.204 tỷ đồng; Dự án Nhà máy Điện mặt trời nổi trên hồ Cam Ranh do Công ty TNHH KN Floating Cam Thượng làm chủ đầu tư có tổng công suất lắp đặt gần 50 MWp, tổng mức đầu tư của dự án hơn 1.356 tỷ đồng.

Kinh doanh lãi vỏn vẹn hơn chục tỷ, Golf Long Thành nợ phải trả lên tới hàng chục nghìn tỷ

Năm 2022, Golf Long Thành báo lãi sau thuế riêng lẻ 27 tỷ đồng, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại ngày 31/12/2022, quy mô tổng tài sản của Golf Long Thành đạt 20.548 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm, trong đó vốn chủ sở hữu là 6.715 tỷ đồng.

Hoạt động trong lĩnh vực thâm dụng vốn là địa ốc, không lạ khi Golf Long Thành tích cực sử dụng đòn bẩy tài chính, với số dư nợ phải trả tại cuối năm 2022 đạt 13.833 tỷ đồng. Trong đó, số dư nợ vay trái phiếu là 1.500 tỷ đồng.

Trong năm 2022, Golf Long Thành cho biết họ đã chi hơn 149 tỷ đồng để trả lãi trái phiếu.

Lưu ý rằng, các số liệu tài chính nêu trên mới chỉ là báo cáo riêng lẻ của công ty mẹ. Hiện tại, Golf Long Thành sở hữu hệ sinh thái lên tới cả chục công ty thành viên hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản và năng lượng tái tạo.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, Golf Long Thành ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế đạt 16,6 tỷ đồng, tăng gần 14,5% so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 30/6/2023, vốn chủ sở hữu của Golf Long Thành đạt mức 6.731 tỷ đồng, tăng gần 17 tỷ đồng so với cùng kỳ (tương ứng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2023). Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Golf Long Thành là 2,16 lần, tương ứng 14.538 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu ở mức 0,22 lần, tương ứng 1.480 tỷ đồng.

Lợi nhuận èo uột trong nửa đầu năm 2023, khiến tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của Golf Long Thành chỉ ở mức 0,248%.

Đáng nói, trong khi doanh nghiệp báo lãi èo uột suốt thời gian dài, thì nợ phải trả của lại tăng “phi mã”.

Cụ thể, năm tài chính 2021, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Golf Long Thành là 1,82 lần, tương ứng 12.172 tỷ đồng. Đến năm 2022, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đã tăng lên 2,06 lần, tương ứng 13.833 tỷ đồng (tăng hơn 13,6% so với năm 2021). Tính hết ngày 30/6/2023 nợ phải trả đã là hơn 14.538 tỷ đồng

Theo thông tin công bố mới đây, Golf Long Thành hiện còn dư nợ gốc 500 tỷ đồng tại 10 lô trái phiếu phát hành ngày 3/8/2020 và 1.000 tỷ đồng tại lô trái phiếu phát hành ngày 21/12/2021.

Các lô trái phiếu phát hành năm 2020 có tổng giá trị phát hành là 500 tỷ đồng với kỳ hạn 3 năm. Lãi suất các trái phiếu này là 10,5%/năm (theo HNX), kỳ trả lãi mỗi 6 tháng.

Còn lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng cũng có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn ngày 21/12/2024. Lãi suất trái phiếu là 9,5%/năm (theo HNX) với kỳ trả lãi mỗi 6 tháng.

Hệ sinh thái của đại gia Lê Văn Kiểm kinh doanh ra sao?

Thông tin cho biết, tháng 10/2020 Golf Long Thành có giao dịch thế chấp tại Ngân hàng TMCP Quân đội với tài sản thế chấp là quyền lợi và lợi ích phát sinh liên quan phần vốn góp của Golf Long Thành tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển điện mặt trời KN Vạn Ninh. Giá trị phần vốn góp này là 350 tỷ đồng, tương ứng 70% vốn điều lệ của KN Vạn Ninh.

Mới đây nhất, tháng 6/2023 Golf Long Thành lại mang 5,6 triệu cổ phần tại CTCP Cam Lâm Solar thế chấp tại BIDV chi nhánh Hoàng Mai.

Cùng ngày 5/6/2023 Golf Long Thành mang 4,44 triệu cổ phần tại CTCP Điện mặt trở KN Cam Lâm thế chấp tại BIDV chi nhánh Hoàng Mai.

KN Cam Ranh nợ phải trả gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu

Đại gia Lê Văn Kiểm còn là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH KN Cam Ranh (KN Cam Ranh).

KN Cam Ranh được biết đến là chủ đầu tư dự án KN Paradise tại Bãi Dài. Vốn chủ sở hữu của KN Cam Ranh tính đến 31/12/2022 là 6.746 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý, nợ phải trả gia tăng nhanh chóng, từ hơn 12.300 tỷ đồng cuối năm 2021 lên trên 20.600 tỷ đồng, tương ứng tăng 10.300 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Như vậy, nợ phải trả của KN Cam Ranh đã gấp 3 lần vốn chủ sở hữu.

Trong kỳ báo cáo tài chính bán niên 2023, KN Cam Ranh báo lãi hơn 146 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này cũng tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ, đạt mức 7.793 tỷ đồng. Trước đó, trong năm tài chính 2022, doanh nghiệp này cũng báo lãi hơn 206 tỷ đồng. Trong khi năm 2021, doanh nghiệp này báo lỗ hơn 202 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nợ phải trả của KN Cam Ranh lại liên tục tăng mạnh từ mức 12.358 tỷ đồng vào cuối năm 2021 lên mức hơn 21.817 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2023.

Đầu tư không ít tiền của vào lĩnh vực năng lượng tái tạo với nhiều dự án nghìn tỷ đồng, nhưng cho tới nay, các công ty thành viên trong hệ sinh thái của đại gia Lê Văn Kiểm vẫn chưa có gì khởi sắc.

Đơn cử như KN Vạn Ninh, tính đến 31/12/2022 vốn chủ sở hữu đạt hơn 821 tỷ đồng, tổng tài sản của KN Vạn Ninh đạt 2.020 tỷ đồng. Nợ phải trả gần gấp rưỡi vốn chủ sở hữu, lên xấp xỉ 1.200 tỷ đồng, trong đó nợ trái phiếu hơn 1.100 tỷ đồng.

Lô trái phiếu KNVCH2131001 của KN Vạn Ninh phát hành ngày 29/7/2021, đáo hạn vào 23/10/2031 có giá trị 595,2 tỷ đồng nhằm huy động vốn thực hiện dự án điện mặt trời KN Vạn Ninh tại Khánh Hòa. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất, quyền tài sản, tài sản hình thành trong tương lai tại dự án KN Vạn Ninh. Toàn bộ phần vốn góp của các thành viên góp vốn tại KN Vạn Ninh.

Trước đó tháng 10/2020 KN Vạn Ninh cũng đã phát hành 1 lô trái phiếu trị giá 684,8 tỷ đồng. Lô trái phiếu này đã được mua lại 1 phần nhỏ, 55 tỷ đồng. Số còn lại 629,8 tỷ đồng vẫn đang lưu hành, kỳ hạn đáo hạn vào tháng 10/2031.

Ngoài ra, kết quả kinh doanh cũng không mấy khởi sắc khi báo lãi sau thuế năm 2022 đạt 748,6 triệu đồng, giảm tới 98% so với khoản lãi 38,8 tỷ đồng trong năm 2021.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hà Phương - Huy Tùng