Giá xăng dầu, giá gạo và giá nhà ở thuê tăng đẩy CPI tháng 8 tăng 0,88%

11:20 | 31/08/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Theo Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê được công bố vào ngày 29/8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,88% so với tháng trước. Nguyên nhân chính được xác định là do giá xăng dầu, giá gạo tăng theo giá thế giới và giá thuê nhà ở tăng theo giá nhu cầu.
Giá xăng dầu, giá gạo và giá nhà ở thuê tăng đẩy CPI tháng 8 tăng 0,88%
Tốc độ tăng giảm CPI của tháng 8 và 8 tháng quá các năm 2019 - 2023 (Nguồn GSO)https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

So với tháng 12/2022, CPI tháng 8/2023 tăng 2,02% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,96%. Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,57%. Trong số các nhóm ngành làm gia tăng chỉ số giá tiêu dùng phải kể đến là:

Nhóm Giao thông với chỉ số tăng cao nhất là 3,85%. Nguyên nhân được xác định chủ yếu là do giá xăng tăng 9,85%; giá dầu diezen tăng 15,9%; giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,79%. Kể từ kỳ điều hành giá ngày 11/7 đến nay, giá xăng dầu tăng liên tiếp 5 lần, tương ứng với mức tăng gần 3.000-3.200 đồng tuỳ loại.

Bên cạnh đó, giá gạo liên tục lập đỉnh cũng đóng góp và vào con số 0,88% trong mức gia tăng chỉ số CPI. Sự thay đổi trong chính sách thương mại xuất khẩu gạo của Ấn Độ chính là đòn bẩy khiến giá gạo Việt Nam tăng bật trong thời gian vừa qua. Sự gia tăng dữ dội này dự báo sẽ là một “cơn bão hoàn hảo” khiến cho lạm phát ở khu vực châu Á nói chung có thể “bốc đầu”. Riêng với Việt Nam, giá gạo trong nước tăng theo giá quốc tế đã có những “cú hích” đầu tiên vào cán cân giá cả trong nước. Xuất khẩu tăng khiến giá lúa gạo trong nước tăng nhanh theo từng ngày (trung bình mỗi ngày tăng từ 100 - 200 đồng/kg). Hiện giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương đã tăng từ 1.000 - 1.500 đồng/kg so với thời điểm ngày 20/7/2023 (Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Ðộ có hiệu lực), thậm chí tăng hơn 2.000 đồng/kg. Giá gạo xuất khẩu tăng đẩy giá gạo tiêu dùng ở Cần Thơ, Hậu Giang tăng thêm 10% so với tháng trước.

Giá xăng dầu, giá gạo và giá nhà ở thuê tăng đẩy CPI tháng 8 tăng 0,88%
Giá gạo tăng mạnh trong thời gian qua (Nguồn: Internet)/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Nhân tố thứ 3 được cho là nguyên nhân chính gây ra sự gia tăng chỉ số CPI là giá thuê nhà ở. Trên thực tế, giá nhà thuê ở đã rục rịch tăng từ đầu năm 2022. Sau hai năm đóng băng do đại dịch Covid-19, giá nhà thuê ở đã có “cú bật” ngoạn mục từ đáy cho đến đỉnh và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Giá thuê từ mức 10-11 triệu đồng/tháng giai đoạn 2021-2022, tăng lên hơn 13 triệu đồng/tháng trong 4 tháng đầu năm 2023. Ngay cả 2 phân khúc vốn “kén” khách thuê là căn hộ dịch vụ dài ngày có giá thuê 7-12 triệu đồng/tháng, phòng trọ ngắn ngày giá thuê 300-400 nghìn đồng/ngày cũng đang có tốc độ phục hồi tốt. Giá thuê cũng đã tăng 10-30% so với trong dịch Covid-19. Ngay cả giá nhà trọ bình dân cũng có xu hướng tăng 5 - 15% so với cùng kỳ năm trước. Giá thuê nhà ở tăng khiến cho nhiều người ở trọ gặp khó khăn, bên cạnh đó cũng làm tình hình lạm phát trở nên “nghẹt thở”.

Ngoài 3 “gương mặt” tiêu biểu làm gia tăng chỉ số CPI đã kể trên, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 8/2023 so với tháng trước có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Trong đó phải kể đến nhóm Giáo dục với chỉ số tăng 0,96%, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,85%, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,78% trong đó: Lương thực tăng 3,28%; thực phẩm tăng 0,48%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,47%.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Duyên Bùi