FPT kinh doanh ra sao khi tỷ giá đồng USD tăng mạnh?

10:24 | 23/08/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Nhiều doanh nghiệp ôm hàng nghìn tỷ đồng nợ vay bằng USD, trong đó CTCP FPT (Mã: FPT) đang vay hơn 278 triệu USD, tương đương 6.553 tỷ đồng, chiếm 34% tổng nợ vay.

Tỷ giá USD/VND bất ngờ "dậy sóng" tác động như nào tới doanh nghiệp có nợ vay bằng USD?

Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán MBS nhấn mạnh quan điểm thận trọng trước đà tăng của tỷ giá trong thời gian gần đây. Theo đó, tỷ giá VND/USD biến động mạnh trong hai tuần gần đây, tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm sau khi giữ ổn định và đi ngang trong tháng 7.

Về nguyên nhân khiến tỷ giá leo thang, đội ngũ phân tích MBS cho rằng chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện là yếu tố chính khiến VND giảm giá so với USD. Các động thái nới lỏng tiền tệ và thông điệp mạnh mẽ của NHNN đã khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD duy trì ở mức cao, khuyến khích nắm giữ USD qua đó gây sức ép lên VND.

Hiện tại, lãi suất cho vay qua đêm VND ở mức 0,2%. Trong khi đó, lãi suất cho vay qua đêm bằng USD giữa các ngân hàng ở mức trên 5%. Đây là mức chênh lệch lớn và khó có khả năng thu hẹp trong tương lai gần cộng thêm nhu cầu USD cũng thường gia tăng vào cuối năm theo yếu tố mùa vụ khiến cho tỷ giá VND/USD nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Đáng chú ý, tỷ giá tăng cao sẽ tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp có khoản nợ vay bằng đồng USD sẽ chịu chi phí lãi vay tăng, đồng thời khó khăn kép khi chịu thêm khoản lỗ tỷ giá.

Trên thực tế, tác động biến động tỷ giá lên mỗi doanh nghiệp, mỗi khoản vay là hoàn toàn khác nhau. Do đó doanh nghiệp cần nhất là đánh giá mức tác động để có thể chủ động trong các bước tiếp theo. Ở tầm nhìn xa hơn, những doanh nghiệp đang có những khoản vay ngoại tệ bằng đồng USD sẽ chịu chi phí lãi vay và lỗ tỷ giá tăng cao. Tác động lớn nhất là những khoản vay ngắn hạn, lãi suất thả nổi. Đối với những khoản vay dài hạn, áp lực lãi vay và lỗ tỷ giá sẽ đến chậm hơn khi đến kỳ đánh giá tại giá trị khoản vay.

Tập đoàn FPT đang vay hơn 278 triệu USD

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 của Công ty cổ phần FPT (Mã: FPT), quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp cán mốc cao kỷ lục, đạt 60.557 tỷ đồng, tăng 19% sau một quý chủ yếu do tăng mạnh khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn.

Tính đến 30/6/2023, lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân đạt 26.688 tỷ đồng, chiếm 44% tổng tài sản. Lượng tiền này gần bằng mức cao kỷ lục ghi nhận cuối quý II/2022 với 26.741 tỷ đồng.

Dù nắm giữ lượng tiền gửi dồi dào song FPT vẫn vay nợ nhằm tối ưu lợi nhuận khi đem gửi ngân hàng lãi cao và đi vay với lãi suất thấp. Tại ngày 30/6/2023, tổng nợ vay tại FPT là 19.545 tỷ đồng, tăng tới 58% so với đầu năm, chủ yếu là nợ ngắn hạn tăng tới 77%, ghi nhận hơn 19.307 tỷ đồng.

Trong đó, FPT vay hơn 278,6 triệu USD, tương đương 6.553 tỷ đồng, chiếm 34% tổng vay nợ; vay hơn 21,79 triệu JPY, tương ứng khoảng 3.816 tỷ đồng bằng yen Nhật và hơn 9.152 tỷ đồng bằng VND. Khoản vay ngoại tệ bằng đồng USD và cả JPY của FPT đã gia tăng nhanh chóng trong năm 2023 vừa qua. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2023, dư nợ vay USD đã tăng từ 81,3 triệu đầu năm lên 278,6 triệu USD và vay bằng yen Nhật tăng từ 17,16 triệu JPY lên 21,79 triệu JPY.

FPT kinh doanh ra sao khi tỷ giá đồng USD tăng mạnh?
FPT kinh doanh ra sao khi tỷ giá đồng USD tăng mạnh?
Nguồn: Báo cáo tài chính Hợp nhất Soát xét 6 tháng đầu năm 2023 tại FPT/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trong 6 tháng, tập đoàn đi vay tổng cộng 18.314 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 11.135 tỷ. Tổng chi phí lãi vay nửa đầu năm của FPT là 360 tỷ, tăng 12% so với cùng kỳ.

Công ty cổ phần FPT hiện có 8 công ty con trực thuộc. Trong đó, cá biệt FPT đang sở hữu 45,66% phần vốn và nắm giữ 45,66% quyền biểu quyết tại CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom - mã: FOX). Tuy nhiên, FPT có quyền bỏ đa số phiếu tại các cuộc họp của Hội đồng Quản trị hoặc cấp quản lý tương đương của FOX và có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động của FPT Telecom. Do đó, FPT có quyền kiểm soát đối với FPT Telecom và ghi nhận FPT Telecom là công ty con của mình.

Tính đến 30/6/2023, tổng nợ vay tại FPT Telecom hơn 9.054 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn. Trong đó, công ty con này vay nợ hơn 211 triệu USD, tương đương hơn 4.952 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng nợ vay (trong khi hồi đầu năm chỉ vay hơn 73 triệu USD, tương đương 1.705 tỷ đồng).

FPT kinh doanh ra sao khi tỷ giá đồng USD tăng mạnh?
Nguồn: Báo cáo tài chính Hợp nhất Soát xét 6 tháng đầu năm 2023 tại FPT Telecom

Đáng lưu ý, FPT có nguồn thu từ các hợp đồng cung cấp dịch vụ thu bằng tiền USD và JPY để có thể chi trả cho các khoản vay. Do vậy với FPT, dù tỷ trọng vay ngoại tệ là lớn so với tổng nợ vay, tuy vậy lợi thế giao dịch 2 chiều sẽ giúp tập đoàn này giảm thiểu được rủi ro khi tỷ giá tăng mạnh.

Ngoài Công ty cổ phần FPT, còn rất nhiều doanh nghiệp đang vay lượng lớn ngoại tệ như CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL); Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã: ACV); Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG)…

Thực tế, dù doanh nghiệp có khoản vay với lãi suất cố định hay thả nổi, kỳ hạn ngắn hay dài cũng sẽ chịu tác động khi tỷ giá biến đổi tăng mạnh, chủ yếu là áp lực sẽ đến trong khoảng thời gian nào, doanh nghiệp có những động thái gì để chuẩn bị.

Mới đây, FPT vừa công bố kết quả 7 tháng đầu năm với doanh thu 28.429 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.069 tỷ đồng, tăng lần lượt 22% và 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng đạt 3.496 tỷ đồng tăng 20%. Nếu tính riêng tháng 7/2023, FPT ghi nhận 4.263 tỷ đồng doanh thu, lãi ròng 493 tỷ đồng.

FPT kinh doanh ra sao khi tỷ giá đồng USD tăng mạnh?
Nguồn: FPT/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Năm nay, FPT lên kế hoạch tổng doanh thu 52.289 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9.055 tỷ đồng. Với kết quả trên, tập đoàn đã thực hiện được 54% chỉ tiêu doanh thu và 56% mục tiêu lợi nhuận năm.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Lê Minh - Huy Tùng