F88 không còn là “chuỗi cầm đồ”

06:30 | 27/02/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Kể từ khi được hai quỹ Mekong Capital và Granite Oak đầu tư, F88 bước vào một sân chơi lớn, sau 5 năm đã trở thành chuỗi cửa hàng tài chính tiện ích với hơn 830 phòng giao dịch trên toàn quốc.
Chuỗi cầm đồ F88 nâng tổng nợ trái phiếu lên hơn 1.000 tỷ đồngChuỗi cầm đồ F88 nâng tổng nợ trái phiếu lên hơn 1.000 tỷ đồng
Câu chuyện “Đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng”Câu chuyện “Đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng”

Hai năm qua, trên biển hiệu hàng trăm điểm giao dịch của F88 đã không còn dòng chữ "Hệ thống cầm đồ toàn quốc". Trả lời báo chí đầu năm 2023, doanh nhân Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty cổ phần F88 cho biết, doanh nghiệp đã hoàn thành sứ mệnh giai đoạn đầu - Thay đổi định kiến xã hội về dịch vụ cầm đồ - và sứ mệnh tiếp theo của F88 đến năm 2025 là “Thay đổi cách tiếp cận tài chính để giúp người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn bằng dịch vụ nhanh chóng, dễ dàng và minh bạch".

Hơn 830 phòng giao dịch của F88 không còn định vị là chuỗi cầm đồ mà trở thành chuỗi cửa hàng tài chính tiện ích "full dịch vụ", vừa cung cấp các khoản vay cầm cố tài sản, vừa hỗ trợ khách hàng thanh toán trực tuyến các loại hóa đơn thiết yếu như điện, nước, internet, truyền hình cáp, học phí... cung cấp các dịch vụ tài chính tiện ích như chuyển tiền, nạp rút tiền ví điện tử, nạp tiền tài xế công nghệ... phân phối các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, con người, bảo hiểm ô tô, xe máy, bảo hiểm tai nạn với mức giá bình dân. Sắp tới, F88 sẽ tích hợp nhiều hơn các dịch vụ tài chính tiện ích khác trên nguyên tắc “đa dịch vụ, một điểm đến”.

Nhóm khách hàng mà dịch vụ của F88 nhắm đến là nhóm không thể chứng minh được năng lực tài chính với ngân hàng hay công ty tài chính để vay vốn. Họ là những cá nhân không có tài khoản ngân hàng hoặc những người có tài khoản ngân hàng nhưng không đủ điều kiện để tiếp cận với các dịch vụ tài chính của ngân hàng và các công ty tài chính (unbanked và underbanked), không thể dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ tài chính phổ thông.

Được biết, các cuộc điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho thấy, có tới 65% tiểu thương cho rằng khó khăn lớn nhất mà họ gặp phải là không thể tiếp cận nguồn vốn, chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn hoặc phải chịu chi phí vay đắt đỏ cho những món vay nhỏ. Đáng chú ý, tiểu thương sẽ không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp, thủ tục phức tạp, giải ngân chậm... Mặc dù quy mô không lớn, nhưng mô hình kinh doanh của các tiểu thương đã mang lại nguồn thu nhập tốt cho các hộ gia đình, tạo thêm việc làm cho lao động tại địa phương. Rào cản về thủ tục và tài sản thế chấp “bịt lối” tiếp cận vốn của nhiều người.

Xuất phát từ một cách nghĩ khác, được các nhà đầu tư lớn ủng hộ, F88 căn cứ trên 2 yếu tố, một là tài sản, hai là năng lực trả nợ để nhìn nhận vấn đề của khách hàng. Trăn trở với câu hỏi: Vì sao khách hàng không chứng minh được với ngân hàng là họ có thu nhập, công ăn việc làm ổn định? Bởi nếu làm công việc văn phòng thì dễ, nhưng phần đông họ là lao động tự do. Một cô có sạp bán ngoài chợ hay một chị bán tạp hóa có nguồn thu, có nghề nghiệp, nhưng không thể chứng minh được năng lực tài chính với ngân hàng. Từ đó, những người lãnh đạo quản lý F88 có cách đánh giá khác, biết họ có năng lực trả nợ, thu nhập thế nào, F88 có thể xác nhận và kết hợp được với ngân hàng cùng hỗ trợ họ tiếp cận các dịch vụ tài chính, vay vốn làm ăn.

F88 không còn là “chuỗi cầm đồ”
F88 luôn có mặt ở khắp mọi nơi, thân thiện và thấu hiểu như người hàng xóm lâu năm.

F88 xác định rằng, Việt Nam có khoảng 70 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó, các ngân hàng và công ty tài chính đang hướng tới phân khúc khoảng 20 triệu người phía trên - nhóm khách hàng trong chuẩn. Còn khoảng 50 triệu người là khách hàng dưới chuẩn, chưa có tài khoản ngân hàng hoặc có tài khoản nhưng chưa đủ điều kiện sử dụng dịch vụ tài chính chính thống. Đây chính là nhóm tiềm năng nhất, là khách hàng mục tiêu mà F88 hướng đến. Tuy nhiên, phân khúc này rất rủi ro mà để đánh giá và kiểm soát rủi ro sẽ tốn chi phí rất lớn.

F88 không còn là “chuỗi cầm đồ”
CEO F88 Phùng Anh Tuấn

CEO F88 Phùng Anh Tuấn cho biết: “Giai đoạn đầu, chúng tôi cần định vị F88 là điểm đến của khách hàng mà ở đó họ có thể vay tiền rất nhanh với chất lượng dịch vụ rất tốt. Khi đã xây dựng được thương hiệu, mạng lưới, uy tín, rồi mới đến giai đoạn tiếp theo - đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ. Giai đoạn đầu chính là tầm nhìn 5 năm đầu tiên, đến 2021, cơ bản đã ổn. Từ nay đến năm 2025, chúng tôi định vị F88 trở thành chuỗi cửa hàng tài chính tiện ích. Ngoài dịch vụ cho vay, các cửa hàng F88 nay đa dạng hóa dịch vụ như bảo hiểm, thanh toán, chuyển tiền, sắp tới chúng tôi sẽ hợp tác với tổ chức tài chính làm thêm dịch vụ kiều hối, KYC cho ngân hàng… (KYC - Know Your Customer, có nghĩa là biết về khách hàng của bạn. Đây là quá trình xác định và xác minh danh tính khách hàng đúng với những gì mà họ đã khai báo khi tham gia vào mở tài khoản).

Tôi nghĩ thị trường cung cấp dịch vụ tài chính ở Việt Nam rất tiềm năng. Tuy nhiên cũng có nhiều thách thức, đặc biệt là các dịch vụ cho vay. Tham gia lĩnh vực này, nếu doanh nghiệp hợp tác cùng các tổ chức tài chính chuyên nghiệp sẽ có cơ hội. Nếu có hệ sinh thái, khách hàng sẵn, kết hợp với một bên khác làm chuyên môn cũng có khả năng làm được.

Việc phát hành thẻ đa năng cũng nằm trong chiến lược của chúng tôi - giúp khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ tài chính phổ thông. Để khách hàng không phải dùng tiền mặt khi giao dịch, một trong những giải pháp của chúng tôi là cung cấp cho khách hàng một tấm thẻ có hạn mức mà chúng tôi hợp tác với ngân hàng phát hành. Khi định vị mình là chuỗi cửa hàng tài chính tiện ích, chúng tôi phải tính toán làm sao đa dạng hóa sản phẩm - dịch vụ của mình. Với nhóm khách hàng unbanked và underbanked, họ không có đủ điều kiện được cấp thẻ ngân hàng có hạn mức, vì phải chứng minh thu nhập, nghề nghiệp. Chúng tôi nhìn thấy cơ hội từ nhóm khách hàng đó và có đủ năng lực đánh giá nhóm khách hàng này để cấp hạn mức”.

Về sứ mệnh đến 2025 của F88, CEO Phùng Anh Tuấn giải thích: “Thế nào là thay đổi cách tiếp cận tài chính? Ví dụ, cùng ngân hàng phát hành thẻ hoặc làm sao có thể mang được dịch vụ ngân hàng, những dịch vụ tài chính cơ bản đến được với phân khúc khách hàng dưới chuẩn…, là F88 muốn thay đổi cách tiếp cận tài chính. Làm sao giúp cho người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn? Chúng tôi buộc phải tư duy. Như ngày trước, cho vay chỉ để cho vay, giờ phải quan tâm khách hàng vay tiền của mình thì cuộc sống của họ có tốt hơn? Họ có bị cuốn vào vòng xoáy nợ nần? Mỗi khi khách hàng đến vay tiền, chuyên viên kinh doanh có tư vấn được cho họ vay tiền sao cho phù hợp với nhu cầu không? Tư vấn cho họ có nên vay, vay bao nhiêu là phù hợp thay vì cố gắng cho khách hàng vay tiền nhiều hơn? Hay vế sau là "bằng dịch vụ nhanh chóng, dễ dàng và minh bạch", "nhanh" là bao nhiêu phút có thể giải ngân cho khách? "Dễ dàng" là thủ tục với khách vay có dễ hay không? Họ phải ký bao nhiêu giấy tờ, cung cấp bao nhiêu thông tin? "Minh bạch" là phải tư vấn mọi thông tin trên hợp đồng có, không được phép giấu bất kể cái gì với khách hàng”.

Chia sẻ về những thông tin đồn đoán gần đây, CEO F88 giãi bày: “Hoạt động trong lĩnh vực cầm cố tài sản, suốt 9 năm qua bản thân tôi phải đối mặt với rất nhiều thị phi. Nào nói F88 là xã hội đen, nói F88 rửa tiền… trong khi mình đi vay và huy động vốn để phát triển Công ty rất cực”.

Được biết, mô hình hoạt động của F88 khá đặc thù và rất nhạy cảm. Dù vậy, nhận được sự tin cậy đầu tư bài bản của hai Quỹ lớn là Mekong Capital và Granite Oak, với sự hợp tác rộng rãi với các ngân hàng, tổ chức dịch vụ tài chính, bảo hiểm (Payoo, MOMO, Lazada, Mirae Asset Prevoir, PTI…), F88 hiện đang được quản lý chặt chẽ và hoạt động đúng với pháp luật, nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước, hằng năm được kiểm toán bởi Ernst & Young - một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới. F88 đang đạt được tốc độ tăng trưởng dư nợ và doanh thu trung bình 200%/năm trong 3 năm liên tiếp gần đây, đang dẫn đầu thị trường cung cấp dịch vụ tài chính tiện ích.

Việc F88 ký kết với Ngân hàng CIMB Việt Nam, rồi mới đây là Ngân hàng Kasikornbank khẳng định một bước tiến mới trong việc phát triển mô hình tài chính tiện ích, cũng là ví dụ sinh động về sự hợp tác triển khai sản phẩm cho vay tiêu dùng đa dạng với lãi suất phù hợp, thủ tục đơn giản, hình thức linh hoạt, góp phần thu hẹp khoảng cách và giảm bất bình đẳng trong việc tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính của người dân thu nhập thấp. Khi nhóm lao động phổ thông được tiếp cận với nguồn tài chính hợp pháp và an toàn, tình trạng “tín dụng đen” sẽ được đẩy lùi, đồng thời thúc đẩy tín dụng tiêu dùng qua kênh chính thống, hướng tới Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Với hơn 5000 nhân sự trẻ, nhiệt huyết được đào tạo bài bản cả về kỹ năng giao tiếp lẫn kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tiện ích, F88 đang tập trung hướng tới mục tiêu trở thành một Tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân hàng đầu Việt Nam được mọi người yêu quý và ngưỡng mộ, trước mắt là năm 2023 sẽ sở hữu chuỗi 1000 phòng giao dịch, cung cấp dịch vụ tài chính tiện ích chuyên nghiệp tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc.

Việc huy động thành công nhiều khoản vay hàng chục triệu USD từ các quỹ hay công ty tài chính quốc tế như CLSA Capital Partners, Limited (Lending Ark), Lendable đã giúp F88 có thêm nguồn lực về tài chính để có thể hỗ trợ nhiều người dân tiếp cận với nguồn vốn dễ dàng hơn, nhất là những đối tượng khách hàng dưới chuẩn ngân hàng.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Tuấn Anh