Ecuador chìm trong khủng hoảng thiếu điện

13:30 | 14/10/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Cuộc sống thiếu điện đang gây sức ép lên người dân Ecuador, gây tổn hại đến nền kinh tế vốn đã yếu kém của họ và đặt ra câu hỏi về tương lai chính trị của quốc gia này.

Tình trạng mất điện hàng ngày kéo dài 10 tiếng mỗi lần, và có thể trở nên tồi tệ hơn trong những tháng tới khi đợt khô hạn tiếp tục thử thách đất nước phụ thuộc vào thủy điện. Đèn giao thông thường xuyên tắt, dịch vụ internet bị gián đoạn và quản lý tòa nhà yêu cầu cư dân không giặt và sấy quần áo trong khi máy phát điện dự phòng đang hoạt động.

Ước tính của Ngân hàng Trung ương Ecuador về mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 0,9% trong năm nay gần như chắc chắn nằm ngoài tầm với, làm tăng thêm áp lực cho Tổng thống Daniel Noboa. Nhà lãnh đạo 36 tuổi này thậm chí còn chưa chào đời khi một số quyết định được đưa ra làm tê liệt nguồn cung cấp điện của Ecuador, nhưng việc giải quyết cuộc khủng hoảng sẽ là chìa khóa cho cơ hội tái đắc cử của ông vào tháng 2/2025.

Ecuador chìm trong khủng hoảng thiếu điện
Tình trạng mất điện hàng ngày ở Ecuador kéo dài tới 10 tiếng mỗi lần.

“Bối cảnh căng thẳng mà đất nước đang trải qua buộc chúng tôi phải quyết định xem chúng tôi muốn sống trong mô hình nhà nước nào”, Maria Paz Jervis, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp bảo trợ CEE của Ecuador, cho biết. Đồng thời lưu ý rằng, chính quyền hiện tại không cung cấp đủ các dịch vụ cơ bản.

Tuần này, giá trái phiếu của Ecuador đáo hạn vào năm 2035 đã giảm gần 0,02 đô la, cho thấy sự lo lắng của các nhà đầu tư rằng cuộc khủng hoảng có thể tạo cơ hội cho một ứng cử viên tổng thống cánh tả có ít nguyên tắc tài chính hơn.

Mặc dù Ecuador có nguồn tài nguyên năng lượng dồi dào - từ ánh nắng nhiệt đới đến những dòng sông chảy xiết đổ xuống các sườn dốc của dãy Andes, cũng như trữ lượng dầu lớn hơn Mexico, nhưng nước này đang phải chịu tình trạng thiếu đầu tư nhiều năm và một loạt các quyết sách yếu kém.

Hiến pháp mới năm 2008 đặt điện dưới sự kiểm soát của chính phủ, ngăn chặn hầu hết các khoản đầu tư tư nhân vào ngành này. Ecuador đặt cược rất lớn vào thủy điện, dựa vào nó để tạo ra hơn 70% điện năng, khiến nước này dễ bị tổn thương khi thời tiết khô hạn.

Tổng thống Noboa đã bổ nhiệm một bộ trưởng năng lượng mới, là bộ trưởng thứ tư ông bổ nhiệm kể từ khi nhậm chức vào tháng 11 năm ngoái. Và giao cho người này nhiệm vụ giảm sự phụ thuộc của đất nước vào thủy điện bằng cách chuyển sang các loại năng lượng tái tạo khác.

Ông cũng yêu cầu quốc hội tăng gấp 10 lần mức trần đầu tư tư nhân vào lĩnh vực điện - hiện ở mức tối đa là 10 megawatt và đã xóa bỏ thuế nhập khẩu máy phát điện vào thứ Năm (10/10). Hiện tại, chỉ có khoảng 30% hộ gia đình có máy phát điện.

Thay đổi cơ cấu nhà nước thực sự sẽ cần thời gian, điều mà chính phủ của ông Noboa chưa từng làm. Ông được bầu làm Tổng thống vào tháng 11 năm ngoái với nhiệm kỳ rút ngắn sau một cuộc khủng hoảng chính trị dẫn đến việc người tiền nhiệm của ông phải rời ghế trước hạn. Phần lớn nhiệm kỳ tổng thống của ông tiêu tốn vào cuộc chiến chống lại các băng đảng ma túy, tuy nhiên an ninh vẫn là một vấn đề lớn. Chỉ trong tuần này, những tay súng đã tấn công một đoàn xe bọc thép của ngân hàng trung ương trên xa lộ giữa Cuenca và Guayaquil.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng mới Ines Manzano đã có một khởi đầu không mấy suôn sẻ. Cơ quan của bà đã đưa ra một tuyên bố rằng sẽ không có tình trạng cắt điện vào chiều thứ Năm (10/10) trong trận đấu vòng loại World Cup giữa Ecuador và Paraguay, nhưng sau đó nhanh chóng xóa bỏ tuyên bố đó. Trận đấu, với tỷ số hòa, đã diễn ra ở Quito, với ánh đèn sân vận động, nhưng các hoạt động khác đã bị hủy bỏ.

Tác động kép của tình trạng mất điện và hạn hán đang lan rộng khắp nền kinh tế. Những người nông dân chăn nuôi bò sữa đang phải vật lộn để nuôi gia súc. Rodrigo Gomez de la Torre, chủ sở hữu một trang trại bò sữa ở Pintag gần Quito, cho biết sản lượng sữa giảm từ 20 - 40%, tùy thuộc vào từng khu vực và khả năng đối phó với hạn hán của từng hộ sản xuất.

Các vấn đề gặp phải trong dây chuyền sản xuất bao gồm làm thế nào để làm mát và thanh trùng sữa, và chế biến các sản phẩm khác như sữa chua. "Chúng tôi đang vắt sữa bằng động cơ chạy bằng xăng và tìm cách mua đủ nhiên liệu với giới hạn mức bán ở mức 5 gallon/lần", ông nói thêm.

Người tiêu dùng đang hoãn việc mua tủ lạnh, máy giặt và các hàng hóa gia dụng khác. Doanh số bán hàng giảm 50% tại nhà sản xuất thiết bị gia dụng Indurama. "Lợi nhuận ròng thật tệ hại" mặc dù công ty đã xoay xở để chuyển sang sản xuất điện riêng, Luis Fernando Ortiz, một kỹ sư của công ty có trụ sở tại Cuenca cho biết.

Trước khi tình trạng mất điện lan rộng trong tuần này, CEE ước tính rằng tình trạng mất điện sẽ khiến người dân Ecuador thiệt hại 175 USD/người, nhưng con số này có thể sẽ được điều chỉnh cao hơn, bà Jervis cho biết. Jose Hildalgo, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Cordes tại Quito cho biết, tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu và nhập khẩu đều bị ảnh hưởng. Ông cho biết: "Chúng tôi chắc chắn sẽ điều chỉnh giảm", ước tính khoảng 0,3% GDP hàng năm.

Với các nhà máy nhiệt điện xuống cấp, không có cơ sở hạ tầng cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng và Colombia không thể xuất khẩu điện sang Ecuador để bảo vệ nguồn cung của mình, chính quyền ông Noboa đã phải thuê một xà lan Thổ Nhĩ Kỳ để phát điện khẩn cấp. Đây là lựa chọn ngắn hạn duy nhất và xà lan đơn độc này không đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu.

Ecuador cần đầu tư khoảng 3 tỷ USD vào hạ tầng điện cho đến năm 2026 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, Jose Orellana, đối tác tại ngân hàng đầu tư Ahead tại thành phố Guayaquil cho biết. Điều đó thật khó khăn đối với một quốc gia vừa đảm bảo được thỏa thuận cho vay 4 tỷ đô la với Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào tháng 5 để củng cố tài chính của mình.

“Ecuador cần thảo luận về cuộc khủng hoảng theo các thuật ngữ kỹ thuật và tài chính và ngừng cuộc đua chính trị”, ông Orellana nói trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm (10/10).

Câu hỏi đặt ra là liệu ông Noboa có thể thuyết phục cử tri cho ông thêm thời gian để giải quyết vấn đề lâu dài hay không. Sebastian Hurtado, Giám đốc Công ty tư vấn rủi ro chính trị Profitas tại Quito, cho biết tình trạng mất điện sẽ làm tổn hại đến cơ hội của ông.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư không nên loại ông Noboa ra khỏi thế giới chính trị bất ổn của Ecuador. Cuộc chiến chống băng đảng của ông đã khiến ông trở nên nổi tiếng, và tỷ lệ chấp thuận của ông vẫn vững chắc ngay cả sau quyết định tăng thuế và cắt giảm trợ cấp xăng, theo nhà khoa học chính trị Santiago Basabe tại Flacso, một trường đại học ở Quito.

Ông cho biết: “Đến thời điểm chiến dịch tranh cử diễn ra sôi nổi vào tháng 1, vấn đề có thể sẽ được giải quyết”.

D.Q

Bloomberg