Đường Man của đại gia Đường "bia" chậm trả lãi trái phiếu, lỗ hai năm liên tiếp

14:28 | 06/06/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Công ty cổ phần Đường Man của đại gia Đường "bia" lại báo lỗ hai năm liên tiếp với gần 144 tỷ đồng, nợ gấp 8,4 lần vốn. Đồng thời, chậm trả lãi lô trái phiếu với mệnh giá 200 tỷ đồng.

Tháng 5 vừa qua, Công ty cổ phần Đường Man công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Theo đó, Đường Man có lô trái phiếu đang lưu hành mã DMBOND2017, được Công ty phát hành ngày 20/11/2017. Lô trái phiếu có kỳ hạn 7 năm, đáo hạn ngày 20/11/2024, và gồm 200 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tương ứng giá trị 200 tỷ đồng, lãi suất 10,75%/năm.

Tại thời điểm phát hành, tài sản thế chấp của lô trái phiếu là hệ thống dây chuyền mạ vàng của Đường Man với tổng giá trị gần 160 tỷ đồng. Tuy nhiên, nghĩa vụ đảm bảo đã được thay đổi vào năm 2018 với tài sản là máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và thiết bị văn phòng.

Cũng liên quan lô trái phiếu DMBOND2017, ngày 18/05/2023, Đường Man công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Cụ thể, ngày 30/11/2021 là ngày thanh toán của trái phiếu DMBOND2017 với giá trị tiền lãi là 5,48 tỷ đồng và tiền chậm thanh toán là 13,39 tỷ đồng. Nhưng phải đến ngày 09/12/2022, Đường Man mới thanh toán được 5,5 tỷ đồng và đến ngày 18/05/2023 mới công bố thông tin lên HNX.

Lý do chậm thanh toán được đưa ra là Công ty chưa thu xếp đủ nguồn tiền để thanh toán theo kế hoạch.

Đường Man của đại gia Đường
Nguồn: HNX/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Ở một diễn biến có liên quan, mới đây, Đường Man vừa có văn bản báo cáo tình hình tài chính lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với khoản lỗ sau thuế hơn 51,5 tỷ đồng trong năm 2021, cùng kỳ năm trước lỗ gần 92 tỷ đồng. Tổng cộng trong 2 năm công bố thông tin tài chính kể trên, Đường Man lỗ gần 144 tỷ đồng.

Với khoản thua lỗ kể trên, vốn chủ sở hữu của nhà sản xuất malt bia này cũng giảm từ gần 210 tỷ đồng năm 2020 xuống còn 158,3 tỷ đồng năm 2021.

Tính đến thời điểm ngày 31/12/2021, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Đường Man là 8,42 lần, tương đương nợ phải trả của doanh nghiệp vào khoảng hơn 1.330 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 1,26 lần, tương đương số dư trái phiếu cùng thời điểm là gần 200 tỷ đồng. Trong khi đó, tại thời điểm 1/1/2021, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Đường Man là 6,09 lần và dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 0,96 lần.

Đường Man của đại gia Đường
Nguồn: HNX/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Đường Man được thành lập ngày 04/02/2002 hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột. Đến cuối năm 2014, vốn điều lệ của Đường Man được nâng lên 277,5 tỷ đồng; trong đó ông Nguyễn Hữu Đường (đại gia Đường "bia") sở hữu tới 88% vốn điều lệ, tương đương góp 244,2 tỷ đồng. Tới tháng 9/2021, ông Đường đã nhường lại vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện của công ty này sang cho ông Trần Minh Thông.

Đường Man là thành viên của Công ty TNHH Hòa Bình (Hòa Bình Group) và đại gia Đường "bia" cũng chính là Chủ tịch của Hòa Bình Group - người gây xôn xao dư luận hồi đầu tháng 3 vừa qua khi chào bán khách sạn dát vàng Dolce Hanoi Golden Lake với mức giá khởi điểm 250 triệu USD.

Hoà Bình Group đã triển khai nhiều công trình quy mô như khách sạn dát vàng Dolce By Wyndham Hanoi Golden Lake, dự án dát vàng Hội An Golden Sea, tháp đôi Hòa Bình (diện tích xây dựng 23,845.2 m2), khách sạn Hòa Bình Palace 3 sao (3.000 m2); tòa nhà căn hộ 4 sao Hòa Bình Green (25.000 m2); chung cư cao cấp (6 sao) Hoa Binh Green City;…

Năm 2014, CTCP Bia và Nước giải khát Hòa Bình được thành lập với vốn điều lệ ban đầu 350 tỷ đồng, trong đó Hòa Bình Group chiếm 50%, Đường Man 45% vốn và CTCP Xây dựng và Sản xuất Thép Hòa Bình 5%. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia.

Đường Man của đại gia Đường
Khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng. Hai đơn vị thực hiện dự án là Công ty Đầu tư kinh doanh bất động sản và thương mại Vĩnh Hưng, Công ty TNHH Hòa Bình đều thuộc sở hữu của đại gia "Đường bia".

Hòa Bình Group lớn cỡ nào?

Công ty TNHH Hòa Bình có tiền thân là Tổ hợp Hòa Bình thành lập năm 1987. Đến ngày 21/04/1993, Công ty được thành lập theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh 040970 do Sở Kế hoạch & Đầu tư TP. Hà Nội cấp.

Công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bia, rượu, nước giải khát, nguyên liệu làm bia, sản xuất các sản phẩm cơ khí ngành công nghiệp thực phẩm, xây dựng dân dụng và xây dựng công nghiệp, kinh doanh nhà, khách sạn, bất động sản. Trong đó, người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Hữu Đường (Tổng Giám đốc).

Tại thời điểm tháng 4/2021, Hòa Bình có quy mô vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng, gồm 9 cổ đông, trong đó hai cổ đông lớn là ông Nguyễn Hữu Đường nắm 47,68%; bà Vũ Thị Tuyết Nhung sở hữu 44,82%. Đến năm 2022, quy mô vốn của Công ty giảm xuống còn 600 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông giữ nguyên.

Cùng thời gian Hòa Bình giảm vốn điều lệ, Công ty thành lập CTCP Hồ vàng Hà Nội (Hà Nội Golden Lake) vào ngày 18/10/2022 với vốn 500 tỷ đồng. Hà Nội Golden Lake hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú ngắn ngày.

Đến tháng 02/2022, ông Nguyễn Hữu Đường tiếp tục góp vốn thành lập CTCP Đầu tư và Xây dựng Nhà ở Xã hội Hòa Bình (Hòa Bình Social House), vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, trong đó ông Đường nắm 70% và giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật tại đây.

Ngoài ra, các công ty thành viên thuộc Hòa Bình còn có CTCP Bia và Nước giải khát Hòa; CTCP Xây dựng và Sản xuất Thép Hòa Bình; CTCP Quốc tế Inox Hòa Bình, CTCP Trung tâm thương mại V+ Hòa Bình, CTCP Kết Thành, Công ty Liên doanh Rượu Việt - Pháp.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng - Hà Phương