Dồn dập chia cổ tức, hơn 3 tỷ cổ phiếu ngân hàng sắp đổ bộ thị trường chứng khoán

10:51 | 06/07/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Dồn dập trả cổ tức, từ đầu năm đến nay có khoảng 2 tỷ cổ phiếu ngân hàng đã được "bơm" vào thị trường chứng khoán. Dự kiến, sắp tới sẽ có hơn 3 tỷ cổ phiếu tiếp tục đổ bộ thị trường chứng khoán.
Phát Đạt liên tục khất nợ trái phiếu, muốn chào bán cổ phiếu riêng lẻ để nhanh chóng trả nợPhát Đạt liên tục khất nợ trái phiếu, muốn chào bán cổ phiếu riêng lẻ để nhanh chóng trả nợ
LPBank liên tục có biến động về nhân sự cấp caoLPBank liên tục có biến động về nhân sự cấp cao
Dồn dập chia cổ tức, hơn 3 tỷ cổ phiếu ngân hàng sắp đổ bộ thị trường chứng khoán
Hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng mới được phát hành đổ bộ thị trường chứng khoán vì nhiều ngân hàng chọn trả cổ tức bằng cổ phiếu/Ảnh minh hoạ/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng được bơm thêm vào thị trường từ đầu năm đến nay

Kể từ đầu năm, các ngân hàng đã bơm vào thị trường hàng tỷ cổ phiếu mới để trả cổ tức, cổ phiếu thưởng cho cổ đông.

Hồi tháng 6/2023, TPBank đã phát hành gần 620 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông, với tỷ lệ 39,19%, tăng vốn điều lệ thêm tối đa 6.198 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành việc phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của TPBank tăng từ 15.817 tỷ đồng lên 22.016 tỷ đồng.

Ngày 23/6, ngân hàng VIB chốt danh sách cổ đông để phát hành hơn 412,5 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20% và 7,6 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ, nhân viên (ESOP) với tỷ lệ là 0,36%.

Do đó, vốn điều lệ của VIB tăng từ 21.077 tỷ đồng lên 25.368 tỷ đồng. Với số vốn điều lệ tăng thêm, VIB dự kiến dùng 4.091 tỷ đồng để cấp tín dụng và đầu tư tài sản thanh khoản, 100 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ và 100 tỷ đồng đầu tư nâng cấp mạng lưới chi nhánh.

Đầu tháng 6/2023, ngân hàng ACB đã hoàn tất phát hành 506,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông với tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới), tăng vốn điều lệ thêm tương ứng 5.066 tỷ đồng lên mức 38.840 tỷ đồng.

Ngoài cổ tức bằng cổ phiếu, ACB cũng tiến hành chia cổ tức bằng tiền mặt tỉ lệ 10% với ngày dự kiến thanh toán là 12/6(1.000 đồng cho mỗi cổ phiếu). Đáng chú ý, đây là lần chia cổ tức tiền mặt trở lại sau 8 năm. Lần gần nhất ACB chi tiền mặt là vào giữa năm 2015 với tỷ lệ 7% (700 đồng cho mỗi cổ phiếu), tổng số tiền đã thanh toán thời điểm đó là 627 tỷ đồng.

Tương tự, SeABank cũng đã phát hành 295,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022, tỷ lệ xấp xỉ 14,5%. Nguồn vốn thực hiện được lấy từ khoản lợi nhuận sau thuế 3.469 tỷ đồng chưa phân phối luỹ kế đến hết 31/12/2022 theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán .

Đồng thời, ngân hàng thông tin sẽ phát hành hơn 118,2 triệu cổ phiếu để tăng vốn. Nguồn vốn thực hiện phát hành từ thặng dư vốn cổ phần tại thời điểm 31/12/2022 theo báo cáo tài chính riêng đã kiểm toán 1.204 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu trên, vốn điều lệ của SeABank sẽ tăng hơn 4.134 tỷ đồng, từ gần 20.403 tỷ đồng lên 24.537 tỷ đồng.

Cuối tháng 5/2023, ABBank cũng đã phát hành 94 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 10%, vốn điều lệ của ngân hàng tăng từ 9.409 tỷ đồng lên trên 10.350 tỷ đồng.

Tháng 2/2023, Eximbank cũng đã phát hành gần 245,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 20%. Đây là lần đầu tiên trả cổ tức cho cổ đông của Eximbank trong gần 1 thập kỷ, kể từ năm 2014. Lần chia cổ tức gần đây nhất là 4% bằng tiền mặt cho năm 2013 và được thực hiện vào năm 2014.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã ‘bơm” thêm vào thị trường chứng khoán khoảng 2 tỷ cổ phiếu mới để trả cổ tức, cổ phiếu thưởng cho cổ đông.

Hơn 3 tỷ cổ phiếu ngân hàng sắp đổ bộ thị trường chứng khoán

Bên cạnh những ngân hàng đã hoàn tất phát hành cổ phiếu để chia cổ tức thì còn nhiều nhà băng khác cũng đã thông báo ngày chốt quyền chi trả cổ tức, cổ phiếu thưởng.

Đơn cử như HDBank vừa thông báo ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng cổ phiếu năm 2022 là ngày 20/7/2023. Theo đó, HDBank dự kiến phát hành hơn 377 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ 15%. Dự kiến, sau đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng từ 25.303 tỷ đồng lên trên 29.076 tỷ đồng.

Tương tự, Nam A Bank vừa phát đi thông báo về việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Theo đó, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 211,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 25%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 25 cổ phiếu mới. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ phiếu là ngày 7/7/2023, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 6/7. Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ được tăng từ mức 8.464 tỷ đồng lên 10.580 tỷ đồng.

Ngân hàng SHB cũng vừa thông báo chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu. Theo đó, ngân hàng này dự kiến phát hành hơn 552 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành là 18%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 18 cổ phiếu mới với tỷ lệ 18%. Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu năm 2022 là ngày 25/07/2023.

Sau khi thực hiện chia cổ tức lần này, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng thêm hơn 5.520 tỷ đồng, lên mức 36.194 tỷ đồng.

Ngoài những ngân hàng đã chia và thông báo ngày chốt danh sách cổ đông, phía Ngân hàng nhà nước cũng mới thông báo chấp thuận phương án tăng vốn thông qua phát hành hàng trăm triệu cổ phiếu trả cổ tức, thưởng cho Vietcombank, OCB, LPBank.

Cụ thể, tháng 6 vừa qua, NHNN có văn bản chấp thuận cho Ngân hàng OCB tăng vốn điều lệ thêm tối đa 6.849 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, OCB dự kiến phát hành gần 685 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành 50%, tức mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được một quyền, cứ 2 quyền sẽ nhận được 1 cổ phiếu mới.

Ngày 31/5, NHNN có văn bản chấp thuận việc Ngân hàng LPBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 11.385 tỷ đồng. Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành 328,5 triệu cổ phiếu phát hành trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 19%; 500 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu; 300 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và 10 triệu cổ phiếu phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Nếu hoàn thành các đợt phát hành trên, vốn điều lệ của LPBank dự kiến tăng từ 17.291 lên mức 28.676 tỷ đồng.

“Ông lớn” Vietcombank cũng đã có văn bản chấp thuận việc tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng, theo phương án phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 18,1% (từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020).

Như vậy, tính từ đầu năm, ngành ngân hàng đã phát hành tổng cộng khoảng 2 tỷ cổ phiếu mới để trả cổ tức, cổ phiếu thưởng cho cổ đông. Ngoài ra, sẽ có hơn 3 tỷ cổ phiếu chuẩn bị phát hành trong thời gian tới.

Với hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng được bơm vào thị trường, liệu có khiến các nhà đầu tư lo ngại sự pha loãng mạnh của thị trường trong thời gian tới.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hoàng Long - Huy Tùng