Doanh nghiệp bất động sản cần ngành thuế tiếp sức để "vượt bão" Covid-19
Doanh nghiệp bất động sản "tiêu điều" vì dịch Covid -19
Nửa cuối năm 2019 và đầu năm 2020, thị trường bất động sản gặp những khó khăn nhất định và có dấu hiệu giảm sút mạnh, ảnh hưởng liên đới đến nhiều ngành, nghề khác. Ngay cả những doanh nghiệp lớn có thương hiệu trên thị trường cũng "lung lay", nhất là khi tình trạng mất thanh khoản tại nhiều dự án kéo dài và việc triển khai dự án mới bị đình trệ.
Chưa qua “cơn nguy kịch” do những khó khăn về thủ tục hành chính gây tắc nghẽn dự án, các doanh nghiệp bất động sản lại phải đối mặt với khó khăn chung của nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, không ít doanh nghiệp rơi vào cảnh lao đao, hoạt động cầm chừng.
Tại buổi gặp mặt với Thủ tướng diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG đã công bố những con số đáng kinh ngạc khi mà chỉ tính từ cuối tháng 1 đến nay, ước tính thiệt hại ở mảng kinh doanh khách sạn của Tập đoàn này lên tới 100 tỷ đồng với 12.000 phòng đã bị hủy, thiệt hại ở mảng kinh doanh sân golf là 11 tỷ đồng.
Trong khi đó, tập đoàn Sun Group đang phải đối mặt với tình trạng hàng loạt khu nghỉ dưỡng, công viên giải trí “vắng như chùa bà đanh”, khách du lịch giảm tới 2 triệu lượt và có thể sau nửa đầu năm, lượng khách giảm sẽ lên tới con số 7 triệu. Với việc mảng kinh doanh này chiếm tới 70% doanh thu, thiệt hại dự kiến của Sun Group trong 2020 là khoảng 1.200 tỷ đồng.
Cụ thể, đại diện Sun Group cho hay, tỷ lệ lấp đầy phòng cho phân khúc khách sạn cấp cao của Tập đoàn này đã giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 10% đến 20%. Khách từ thị trường Hàn Quốc sụt giảm 100%, các thị trường khác giảm từ 60 - 80%, song song với đó thị trường trong nước cũng sụt giảm nghiêm trọng. Thêm vào đó, các điểm kinh doanh của Sun Group ở Quảng Ninh cũng đã phải đóng cửa do lệnh đóng cửa của UBND tỉnh, điều này làm tăng thêm con số âm về doanh thu của Tập đoàn.
Nhiều khách sạn nghỉ dưỡng đóng cửa tạm thời vì dịch Covid -19. |
Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản lớn tại Hà Nội và TP.HCM đã hoãn kế hoạch mở bán hoặc triển khai dự án mới trong năm nay. Một số doanh nghiệp chọn cách "cầm hơi" bằng các hoạt động chào bán giai đoạn tiếp theo của dự án cũ hoặc mua đi bán lại.
Bên cạnh các doanh nghiệp phát triển dự án, các sàn môi giới, với đặc thù gặp mặt, tư vấn trực tiếp khách hàng, tổ chức bán hàng tập trung đông người cũng đang gặp không ít khó khăn trong mùa dịch. Thực tế hàng loạt sàn môi giới đã phải dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.
Cần ngành thuế “tiếp sức”
Trước những thiệt hại do Covid – 19 “đóng băng” thị trường, các doanh nghiệp nói chung , đặc biệt là các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản nói riêng cho biết đang rất cần sự “tiếp sức” từ phía Chính phủ để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trong đó doanh nghiệp cần hỗ trợ nhiều nhất liên quan đến các nghĩa vụ thuế và tiền thuê đất khi đây là một trong những chi phí rất lớn mà doanh nghiệp phải bỏ ra.
Thực hiện Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ thị trường và các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, Bộ Tài chính cho biết sẽ gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2020 của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm và sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh thuộc các ngành kinh tế thuộc lĩnh vực được gia hạn. Thời gian gia hạn là 05 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp tiền thuê đất theo quy định của pháp luật. Thời hạn nộp tiền thuê đất được gia hạn chậm nhất là ngày 31 tháng 10 năm 2020.
Đánh giá về mức hỗ trợ của ngành thuế, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho rằng Bộ Tài chính đang dự thảo cho doanh nghiệp chậm nộp thuế 5 tháng là “rất quý”, nhưng đề nghị nếu tăng thêm thời gian giãn thuế thì sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp. Cụ thể, Chủ tịch BRG đề xuất tăng thời gian chậm nộp thuế lên 9 tháng hoặc 1 năm, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, gia hạn việc nộp các khoản thuế khác từ tháng 2 đến tháng 6. Về thời gian gia hạn nộp tiền thuê đất, đại diện BRG cũng kiến nghị tăng từ 5 tháng lên 12 tháng để giúp doanh nghiệp có thời gian phục hồi.
Doanh nghiệp kiến nghị gia hạn thời gian nôp tiền thuê đất. Ảnh: Vietnambiz. |
Sự hỗ trợ của Thủ tướng và ngành thuế là tin mừng cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn cơ quan thuế nên sớm đánh giá mức độ thiệt hại của doanh nghiệp, trên cơ sở đó đề xuất các chính sách, loại thuế nào cần giảm, phương án giảm cụ thể, phù hợp... nhằm hỗ trợ kịp thời. Không nên chờ hết 6 tháng mới đánh giá lại, bởi nhiều doanh nghiệp như đang “ngồi trên đống lửa” vì doanh thu sụt giảm nghiêm trọng do tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, trong khi áp lực về đủ các loại thuế là rất lớn.
“Mỗi ngành nghề sẽ cần sự hỗ trợ khác nhau và những định hướng khác nhau trong giai đoạn này cũng như giai đoạn phát triển sau khi hết dịch. Về dự thảo của Bộ Tài chính, chúng tôi cho rằng dự thảo này ra đời khi tầm ảnh hưởng của Covid-19 với Việt Nam chưa lớn so với hiện tại, do đó, đề nghị Bộ Tài chính tổ chức họp, nghe ý kiến doanh nghiệp và sàng lọc ý kiến để nhanh chóng thực hiện”, đại diện FLC kiến nghị.
Theo vị này, bất động sản là ngành chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch, bởi vậy, cần sớm giải quyết các vấn đề vướng mắc, chưa thống nhất giữa Trung ương và địa phương. Đồng thời, hy vọng Chính phủ có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các doanh nghiệp bất động sản.
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group cũng nêu ý kiến, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ để vượt qua được khủng hoảng. Cụ thể, doanh nghiệp này cũng kiến nghị Chính phủ cho phép giảm 50% thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020; chậm nộp thuế VAT quý IV/2019 và thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2019 sang quý III hoặc quý IV/2020.
Trước đó, ông Nguyễn Trần Nam,Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, tình hình dịch bệnh đã dẫn đến bức tranh ảm đạm của ngành du lịch nói chung và lưu trú khách sạn, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh các sản phẩm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch… của tất cả doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.
Do đó, ông Nam cho rằng, Chính phủ nên xem xét các giải pháp về chính sách thuế hỗ trợ ngành kinh doanh như: giãn thời gian nộp các nghĩa vụ thuế vào ngân sách 6 tháng đối với mỗi kỳ nộp sau 1 năm dịch bệnh được kiểm soát; miễn tiền phạt chậm nộp khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế; giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát, giảm thuế GTGT và lùi thời gian nộp thuế… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản nói riêng và thị trường bất động sản nói chung phát triển
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, UBND TP.HCM cũng vừa có kiến nghị lên Chính phủ, đề xuất xem xét, hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong 2 năm 2020 - 2021; hoãn nộp tiền thuê đất (miễn lãi suất) sang đầu năm 2021.
Các chuyên gia đánh giá, việc hỗ trợ doanh nghiệp giữa đại dịch Covid - 19 là cần thiết và phải làm nhưng cần quy định các tiêu chí cụ thể để có thể thực hiện thống nhất, có giám sát nhằm đảm bảo các doanh nghiệp bị thiệt hại được hỗ trợ để vượt qua khó khăn, tránh trường hợp công bố nhiều nhưng hỗ trợ không được bao nhiêu.
https://batdongsan.petrotimes.vn/
Reatimes.vn
- Bóng bàn CAND - T&T nhất toàn đoàn với 14 huy chương vàng giải trẻ quốc gia
- VCCI đề xuất rút ngắn thời hạn xử lý thủ tục hỗ trợ nông dân do thiên tai
- "Vua hầm" Đèo Cả lãi trăm tỷ, đang gánh nợ hơn 33.000 tỷ đồng
- Phở "treo": Hình thức thiện nguyện kiểu mới làm ấm lòng giữa phố cổ Hà Nội
- Tập đoàn Bamboo Capital thành lập BCG Eco để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững
- Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long phát hành 950 tỷ đồng trái phiếu để trả nợ
- Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động bị xử phạt
- 63 cổng dịch vụ công đều không đáp ứng đầy đủ tính thuận tiện, dễ tiếp cận
- Đóng góp hiệu quả cho thể thao công an nhân dân, Tập đoàn T&T Group được vinh danh
- Kita Land bị tố cáo vi phạm hợp đồng vay vốn và trốn thuế