Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 9/5: Rà soát quy định đất đai khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp

10:55 | 09/05/2025

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Thanh Hóa quy hoạch khu đô thị sân golf hơn 314ha gần sân bay; Huế thu hồi đất dự án sân golf 1.800 tỷ đồng do chậm tiến độ; Bộ Công an yêu cầu Bạc Liêu cung cấp hồ sơ 29 dự án cây xanh; Hòa Bình mời gọi đầu tư hàng loạt dự án khu đô thị sinh thái quy mô nghìn tỷ đồng…là những tin tức xây dựng - bất động sản đáng chú ý

Rà soát quy định đất đai khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp

Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ban hành Công văn số 1680/BNNMT-QLĐĐ do Bộ trưởng Đỗ Đức Duy ký, yêu cầu các địa phương thực hiện sáp nhập theo Đề án tổ chức chính quyền địa phương hai cấp chủ động rà soát, điều chỉnh các quy định trong lĩnh vực đất đai.

Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 9/5: Rà soát quy định đất đai khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp
Rà soát quy định đất đai khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp /Ảnh minh họa

Công văn nhằm triển khai Nghị quyết số 60-NQ/TW của Trung ương và Quyết định 759/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, theo đó cả nước sẽ còn lại 34 tỉnh, thành sau sáp nhập. Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh, sau sáp nhập có thể xuất hiện tình trạng không đồng bộ giữa các quy định về đất đai trong cùng một tỉnh mới, như: thời gian giải quyết thủ tục hành chính, mức bồi thường, hỗ trợ tái định cư, hạn mức giao đất, điều kiện tách thửa, nghĩa vụ tài chính,...

Những khác biệt này có thể gây khó khăn trong quản lý và dẫn đến sự so bì giữa các địa phương hợp nhất. Do đó, các tỉnh, thành được yêu cầu khẩn trương rà soát, sửa đổi, thống nhất quy định thi hành Luật Đất đai năm 2024, bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch và không gây xáo trộn quyền lợi của người dân.

Bộ cũng đề nghị các địa phương quy định cơ chế chuyển tiếp phù hợp để việc áp dụng chính sách đất đai không bị gián đoạn trong giai đoạn chuyển đổi mô hình hành chính. Trường hợp phát sinh vướng mắc, cần kịp thời báo cáo về Bộ để được hướng dẫn xử lý.

Thanh Hóa quy hoạch khu đô thị sân golf hơn 314ha gần sân bay

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị dịch vụ và sân golf có quy mô hơn 314ha tại huyện Thọ Xuân, mở ra triển vọng hình thành một tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp gần sân bay Thọ Xuân.

Dự án nằm trên địa bàn ba xã Xuân Phú, Thọ Lâm và Thọ Xương (huyện Thọ Xuân), với vị trí tiếp giáp nhiều tuyến giao thông huyết mạch và khu đô thị trung tâm hành chính mới. Theo quy hoạch, điểm nhấn của dự án là tổ hợp sân golf sinh thái gắn với địa hình núi Chì và núi Chẩu – khu vực được đánh giá có tiềm năng lớn để phát triển loại hình sân golf kết hợp nghỉ dưỡng.

Bên cạnh sân golf, khu đô thị còn bao gồm các hạng mục nhà ở, dịch vụ thương mại, vui chơi giải trí và không gian xanh, với quy mô dân số dự kiến khoảng 11.600 người.

Không chỉ dừng lại ở Thọ Xuân, Thanh Hóa hiện đang đẩy mạnh quy hoạch và thu hút đầu tư vào nhiều dự án sân golf quy mô lớn khác như: sân golf quốc tế tại Khu du lịch sinh thái Quảng Nham (huyện Quảng Xương) rộng 250ha do Tập đoàn T&T đề xuất; sân golf tại xã Quảng Thái; và một sân golf trong khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp tại xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa. Ngoài ra, một số địa phương có địa hình đồi núi như Như Thanh, Thường Xuân cũng đang được nghiên cứu quy hoạch sân golf.

Đáng chú ý, mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa và Tập đoàn Sun Group đã tổ chức lễ khởi công dự án Khu dịch vụ thương mại và Cáp treo Am Tiên tại huyện Triệu Sơn – hạng mục đầu tiên trong Quần thể du lịch tâm linh và di tích lịch sử Am Tiên. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 35.000 tỷ đồng.

Điểm nhấn nổi bật của quần thể là tượng Phật tại dự án “Huyền tích Am Tiên”, dự kiến cao 167,5m, đặt trên đỉnh núi Nưa – nếu hoàn thành, đây sẽ là tượng Phật lớn nhất thế giới, hứa hẹn trở thành điểm nhấn du lịch tâm linh tầm cỡ quốc tế của Thanh Hóa.

Huế thu hồi đất dự án sân golf 1.800 tỷ đồng do chậm tiến độ

UBND TP Huế vừa ban hành Thông báo số 169/TB-UBND về việc thu hồi đất đối với Dự án Khu quần thể sân golf Huế tại phường Thủy Dương (thị xã Hương Thủy), do Công ty Cổ phần Thiên An làm chủ đầu tư. Theo đó, doanh nghiệp được tiếp tục sử dụng đất thêm 24 tháng kể từ ngày 18/4/2025 – thời điểm dự án bị chấm dứt hoạt động theo quy định pháp luật – để xử lý tài sản gắn liền với đất. Nếu sau thời hạn trên không hoàn tất, Nhà nước sẽ thu hồi đất và không bồi thường.

Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 9/5: Rà soát quy định đất đai khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp
Ảnh minh họa

Dự án có tổng diện tích 78,32 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.885 tỷ đồng, được cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu từ năm 2007 và điều chỉnh tiến độ nhiều lần, gần nhất là vào tháng 12/2021. Theo kế hoạch, toàn bộ dự án gồm sân golf 18 lỗ, khu biệt thự nghỉ dưỡng, các công trình dịch vụ phụ trợ… phải hoàn thành trước cuối năm 2023. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được đưa vào hoạt động.

Trong diện tích đất của dự án, 58,75 ha đã được bàn giao và ký hợp đồng thuê đất, còn lại 19,57 ha vừa hoàn thành giải phóng mặt bằng và đang chờ hoàn thiện thủ tục cho thuê. UBND TP Huế yêu cầu Công ty Thiên An thực hiện đầy đủ nghĩa vụ xử lý tài sản, đồng thời giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chịu trách nhiệm toàn diện về hồ sơ, thủ tục tham mưu UBND thành phố trong quá trình xử lý dự án.

Đây là một trong những dự án kéo dài nhiều năm, chậm tiến độ và bị thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai và pháp luật về đầu tư.

Bộ Công an yêu cầu Bạc Liêu cung cấp hồ sơ 29 dự án cây xanh

Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, yêu cầu cung cấp hồ sơ 29 dự án trồng, chăm sóc cây xanh và chỉnh trang đô thị được triển khai từ năm 2019 đến 2023 để phục vụ công tác điều tra.

Theo rà soát của UBND tỉnh, trong giai đoạn 5 năm qua, Bạc Liêu đã triển khai 66 công trình, dự án cây xanh với tổng giá trị hơn 117 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Trong số này, 29 dự án thuộc diện phải cung cấp hồ sơ theo yêu cầu của Bộ Công an.

Trước yêu cầu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các chủ đầu tư liên quan nhanh chóng tổng hợp và gửi toàn bộ hồ sơ pháp lý của các dự án nói trên, bao gồm các văn bản phê duyệt, hồ sơ dự thầu, hợp đồng tư vấn – thi công, hồ sơ thanh quyết toán, chứng từ chi trả,... về Sở Tài chính trước ngày 13/5/2025.

Danh sách các địa phương có dự án thuộc diện rà soát gồm:

Huyện Đông Hải có 5 dự án (giai đoạn 2019, 2020, 2022), do các nhà thầu như Công ty TNHH Cây xanh Tây Nguyên, Công ty TNHH Môi trường đô thị Phú Quốc và Công ty TNHH Minh Thành Phát Kiên Giang thực hiện.

Thị xã Giá Rai có 9 dự án do Trung tâm Dịch vụ huyện Giá Rai làm chủ đầu tư, với các nhà thầu gồm: Công ty TNHH Công Minh Cây xanh, Công ty TNHH Môi trường đô thị Công Minh Vĩnh Long, Công ty TNHH Minh Thành Phát Kiên Giang, Công ty TNHH Dịch vụ và Môi trường Cà Mau...

TP. Bạc Liêu và huyện Phước Long mỗi địa phương có 2 dự án, đều có sự tham gia của Công ty TNHH Cây xanh Tây Nguyên.

Huyện Hòa Bình có 8 dự án, trong đó Công ty TNHH Công Minh Cây xanh và Công ty TNHH Dịch vụ đô thị Bình Dương là nhà thầu chính của 4 dự án.

Huyện Vĩnh Lợi có 3 dự án, do Công ty TNHH Công Minh Cây xanh và Công ty TNHH Cây xanh Tây Nguyên thi công.

Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu Sở Tài chính chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện đúng thời hạn, đồng thời tổng hợp toàn bộ hồ sơ gửi về UBND tỉnh trước ngày 14/5/2025, để báo cáo Bộ Công an theo yêu cầu điều tra.

Hòa Bình mời gọi đầu tư hàng loạt dự án khu đô thị sinh thái quy mô nghìn tỷ đồng

Tỉnh Hòa Bình – địa phương giáp ranh Hà Nội – đang tích cực thu hút đầu tư vào loạt dự án khu đô thị sinh thái có tổng vốn hàng nghìn tỷ đồng, kỳ vọng hình thành các tổ hợp nhà ở, nghỉ dưỡng hiện đại, đáp ứng chỗ ở cho gần 10.000 người dân.

Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 9/5: Rà soát quy định đất đai khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp
Hòa Bình mời gọi đầu tư hàng loạt dự án khu đô thị sinh thái quy mô nghìn tỷ đồng/Ảnh minh họa

Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình công bố kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư cho dự án Khu đô thị sinh thái số 3 tại xã Thịnh Minh, TP Hòa Bình. Dự án có quy mô 85,11 ha, vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng, dự kiến triển khai từ năm 2026 đến 2036 và phục vụ khoảng 3.155 cư dân. Trước đó, tại cùng địa bàn, tỉnh cũng mời gọi đầu tư vào Khu đô thị sinh thái Phú Minh rộng 87,33 ha, vốn 1.675 tỷ đồng, với gần 500 lô nhà ở các loại, trong đó có cả khu nhà ở xã hội và tái định cư.

Ngoài ra, Hòa Bình đang mời đầu tư vào Khu đô thị sinh thái số 4 cũng tại xã Thịnh Minh, diện tích gần 65 ha, tổng vốn gần 1.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào vận hành từ quý III/2030. Dự án tích hợp nhà ở, dịch vụ, cảnh quan và tiện ích sức khỏe, với gần 300 căn biệt thự, liền kề và nhà ở xã hội.

Cùng với đó, UBND tỉnh Hòa Bình cũng vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị Hợp Thành tại xã Hợp Thành, TP Hòa Bình, với vốn hơn 866 tỷ đồng, quy mô hơn 26 ha, gồm 186 căn biệt thự và khu dịch vụ du lịch cao cấp. Dự án sẽ được triển khai từ tháng 9/2025, hoàn thiện và đi vào khai thác từ cuối năm 2029, định hướng trở thành khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao.

Huy Tùng (T/h)