Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 17/4: Định giá đất vẫn còn nhiều vướng mắc khiến hàng loạt dự án ách tắc
Định giá đất vẫn còn nhiều vướng mắc khiến hàng loạt dự án ách tắc
Dù đã có quy định rõ ràng về trình tự và phương pháp xác định giá đất, công tác định giá tại TP.HCM và nhiều địa phương vẫn đang gặp nhiều vướng mắc, kéo theo hàng loạt dự án bất động sản bị đình trệ. Điển hình là Dự án Khu dân cư Phú Thuận (quận 7, TP.HCM) của Công ty CP Đầu tư Anh Tuấn, dù đã hoàn thành quy hoạch chi tiết và đầu tư hạ tầng, nhưng vẫn chưa thể hoàn tất nghĩa vụ tài chính suốt hơn 5 năm qua do sự thiếu đồng bộ giữa các sở ngành.
![]() |
Định giá đất vẫn còn nhiều vướng mắc khiến hàng loạt dự án ách tắc/Ảnh minh họa |
Doanh nghiệp không thể nộp tiền sử dụng đất vì vướng vòng lặp hành chính giữa Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng. Vấn đề này không chỉ khiến dự án chậm tiến độ mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, khi tài sản đầu tư bị bỏ hoang, trong khi lãi vay vẫn phải trả đều đặn.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hiện có hơn 150 dự án ngừng triển khai, trong đó 60–70% do vướng khâu định giá đất. Khoảng 25.000 căn hộ đã bàn giao cho khách hàng nhưng chưa được cấp sổ hồng vì chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Dù các luật mới như Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng hơn, nhưng bất cập vẫn tồn tại trong việc áp dụng các phương pháp định giá và thu thập dữ liệu thị trường. Bà Giang Đỗ (Savills Việt Nam) cho rằng, thị trường thiếu minh bạch, đặc biệt trong công khai giao dịch, khiến việc định giá thiếu chính xác và khách quan.
Ngoài ra, hiện tượng đẩy giá trong các cuộc đấu giá đất gần đây làm nhiễu loạn mặt bằng giá, tạo áp lực không cần thiết lên cả nhà đầu tư lẫn cơ quan thẩm định.
Các chuyên gia kiến nghị cần công khai, minh bạch dữ liệu, cho doanh nghiệp tham gia phản biện trong quá trình định giá để đảm bảo hài hòa lợi ích và tháo gỡ điểm nghẽn cho thị trường bất động sản.
Hải Phòng công khai thông tin nhà ở xã hội, ngăn đầu cơ, đảm bảo quyền lợi người dân
UBND TP Hải Phòng vừa chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công khai, minh bạch thông tin về các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) nhằm đảm bảo người dân được tiếp cận đúng đối tượng, mua nhà với giá niêm yết, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Thọ yêu cầu Sở Xây dựng xây dựng hệ thống thông tin đầy đủ về các dự án NƠXH đang triển khai như sơ đồ mặt bằng, giá thuê, giá bán, trình tự thủ tục đăng ký mua, thuê mua… và công khai rộng rãi để người dân dễ dàng tiếp cận. Đồng thời, chủ đầu tư phải niêm yết công khai các thông tin trên ngay tại công trình để minh bạch quá trình phân phối.
Sở Xây dựng được giao kiểm tra đột xuất, giám sát việc thực hiện niêm yết tại các dự án, đồng thời tiếp nhận phản ánh, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Công an thành phố được yêu cầu phối hợp kiểm tra, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, đẩy giá nhà ở xã hội, gây mất cân bằng cung cầu.
Sở TN&MT chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai xác nhận điều kiện mua NƠXH cho người dân một cách nhanh chóng, thuận tiện. UBND các quận, huyện và phường, xã được giao nhiệm vụ xác nhận đối tượng đủ điều kiện, đặc biệt là người thu nhập thấp chưa có hợp đồng lao động.
Các quận trung tâm như Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân được yêu cầu hướng dẫn người dân hoàn tất thủ tục mua NƠXH và phối hợp bố trí điểm tiếp nhận hồ sơ, hỗ trợ vay vốn ngân hàng chính sách. Mục tiêu là giúp người dân, đặc biệt các hộ sống tại chung cư cũ, được đăng ký mua nhà trực tiếp, đúng giá, không qua trung gian, không phát sinh chi phí ngoài quy định.
Vì sao dự án quảng trường 400 tỷ đồng tại Đắk Nông lại chậm tiến độ?
Dự án Quảng trường Trung tâm TP Gia Nghĩa – công trình trọng điểm của tỉnh Đắk Nông với tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng – đang thi công chậm do thiếu đất đắp mặt bằng. Dự án do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư, được khởi công từ cuối năm 2022 và dự kiến hoàn thành trước dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh (1/1/2024). Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn dang dở, nhiều hạng mục chưa thể triển khai đúng tiến độ.
![]() |
Ảnh minh họa |
Nguyên nhân chính là do tỉnh chưa có mỏ đất nào được cấp phép phục vụ làm vật liệu san lấp trong thời điểm triển khai, khiến công trình nhiều lần phải tạm dừng. Tổng khối lượng đất đắp cần khoảng 350.000m³.
Hiện tại, nhà thầu – Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) – mới hoàn thành 62% giá trị hợp đồng. Các hạng mục chính như trung tâm hội chợ triển lãm đã đạt khoảng 90-95% tiến độ. Tuy nhiên, phần sân quảng trường với khoảng 140.000m³ đất đắp vẫn chưa thể thi công.
Ngày 15/4, UBND tỉnh Đắk Nông đã chính thức cấp phép khai thác đất san lấp tại mỏ Đắk Nút B với trữ lượng thiết kế trên 445.000m³, cho phép CC1 khai thác trong vòng 1 năm 2 tháng. Đây được xem là giải pháp tháo gỡ “nút thắt” lớn nhất để dự án có thể tăng tốc trở lại.
Ông Nguyễn Duy Dũng, Chỉ huy trưởng công trình, cho biết nhà thầu đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để khai thác mỏ đất và sẽ triển khai đồng loạt ba mũi thi công san lấp, phấn đấu hoàn thành nền sân quảng trường trước tháng 7/2025, tận dụng thời tiết thuận lợi trước mùa mưa. Mục tiêu là cơ bản hoàn thành toàn bộ công trình trong năm 2025.
Giá bất động sản dọc tuyến metro tăng mạnh nhờ hạ tầng giao thông
Việc các tuyến metro tại Hà Nội và TP.HCM đi vào vận hành đã tác động rõ rệt đến giá bất động sản, đặc biệt là các dự án nằm gần các nhà ga. Theo khảo sát, nhiều căn hộ và đất nền trong bán kính gần tuyến metro đều ghi nhận mức tăng giá mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Tại Hà Nội, các dự án chung cư gần tuyến metro như Mipec Cầu Giấy, Discovery Complex, Indochina Plaza Hanoi đã tăng giá từ 20-40%, thiết lập mặt bằng giá mới từ 81 đến 115 triệu đồng/m². Tương tự, tại quận Hà Đông, dự án New Sky Line, Westa, Hồ Gươm Plaza cũng ghi nhận mức tăng từ 20-35%.
Không chỉ căn hộ, đất nền quanh metro cũng tăng giá nhanh. Một lô đất 46m² tại Hà Đông hiện rao bán 9,3 tỷ đồng (hơn 200 triệu đồng/m²), tăng gần 20% trong một năm nhờ "hiệu ứng metro". Tại TP.HCM, các dự án như Masteri Thảo Điền, Gateway Thảo Điền, Lavita Charm đều ghi nhận mức tăng từ 28-40% trong năm qua. Đất nền quanh tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên cũng tăng giá nhẹ, khoảng 7% trong vòng một năm.
Đáng chú ý, ngay cả các khu vực chỉ mới nằm trong quy hoạch tuyến metro, như Hòa Lạc (Hà Nội), giá đất cũng đã tăng 50-60% do đón đầu xu hướng.
Các chuyên gia nhận định, metro là yếu tố thúc đẩy giá nhưng không quyết định toàn bộ giá trị bất động sản. Sự phát triển bền vững vẫn phụ thuộc vào hạ tầng đồng bộ, tiện ích đầy đủ và uy tín của chủ đầu tư. Nhà đầu tư được khuyến cáo nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi xuống tiền.
Thái Nguyên: Hơn 1.300 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án KCN Yên Bình 3
Tỉnh Thái Nguyên đang đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để triển khai Khu công nghiệp (KCN) Yên Bình 3 tại huyện Phú Bình, với quy mô gần 300ha. Dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn BMK làm chủ đầu tư, trải rộng trên hai xã Nga My và Điềm Thụy.
![]() |
Hơn 1.300 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án KCN Yên Bình 3 |
Theo thống kê, có khoảng 1.340 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó khoảng 650 hộ có nhu cầu tái định cư. Tính đến ngày 11/4, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Bình đã kiểm đếm được 587 hộ, với tổng diện tích hơn 149ha. Đã có 53 hộ nhận tiền đền bù với tổng giá trị trên 15,3 tỷ đồng.
Đa phần người dân đồng thuận chủ trương, hợp tác kiểm đếm và sẵn sàng bàn giao đất. Tuy nhiên, một số hộ dân kiến nghị điều chỉnh mức bồi thường để sát thực tế. Một số trường hợp đề xuất hỗ trợ tái định cư phù hợp, đặc biệt đối với hộ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Chính quyền địa phương đang tích cực tuyên truyền, kiểm tra trật tự xây dựng, ngăn chặn tình trạng xây cơi nới để trục lợi đền bù. UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các sở, ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ khởi công, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
KCN Yên Bình 3 được kỳ vọng trở thành khu công nghiệp công nghệ cao, thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, công nghiệp hỗ trợ và sản xuất xanh. Dự án sẽ góp phần tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu tại khu vực phía Nam Thái Nguyên giai đoạn 2025–2030.
Huy Tùng (T/h)
-
Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 19/4: Dự án Golden City chưa nghiệm thu, đã bán hơn 500 căn hộ
-
Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 18/4: Thanh Hóa quy hoạch siêu dự án du lịch tâm linh hơn 1.000ha
-
Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 16/4: Giá bán căn hộ tại TP.HCM gần 120 triệu đồng/m², thanh khoản sụt giảm mạnh
-
Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 11/4: Giá bán dự kiến dự án nhà ở xã hội tại Mê Linh hơn 21 triệu đồng/m²
- Người mua chung cư "săn hàng" tại Hanoi Melody Residences
- Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 16/4: Giá bán căn hộ tại TP.HCM gần 120 triệu đồng/m², thanh khoản sụt giảm mạnh
- Giá bất động sản tăng cao thúc đẩy xu hướng thuê nhà trong giới trẻ
- Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 15/4: Vĩnh Long xử phạt một công ty vì bán nhà ở xã hội khi chưa đủ pháp lý
- Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 14/4: Cảnh báo sốt đất ảo, nhà đầu tư cần thận trọng