Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 12/5: Yêu cầu tháo gỡ hơn 2.200 dự án “treo” với tổng vốn gần 6 triệu tỷ đồng
Yêu cầu tháo gỡ hơn 2.200 dự án “treo” với tổng vốn gần 6 triệu tỷ đồng
Kết luận phiên họp Chính phủ chuyên đề ngày 9/5 về sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho hơn 2.200 dự án đang ách tắc trên cả nước, với tổng vốn gần 6 triệu tỷ đồng và diện tích hơn 300.000 ha đất.
![]() |
Ảnh minh họa |
Thủ tướng nhấn mạnh việc xử lý dứt điểm các dự án chậm triển khai là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt từ 8% năm 2025 và hướng tới hai con số trong các năm tiếp theo. Đây cũng là giải pháp để huy động, khai thác hiệu quả nguồn lực đang bị lãng phí; tạo việc làm, sinh kế cho người dân; cải thiện môi trường sống; và củng cố niềm tin xã hội.
Theo Bộ Tài chính, đến ngày 25/3, cả nước có 1.533 dự án được báo cáo đang gặp vướng mắc, trong đó gồm 338 dự án đầu tư công, 1.126 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 69 dự án PPP. Các vướng mắc được phân loại thành 17 nhóm vấn đề như xử lý tài sản công, chuyển mục đích sử dụng đất, bố trí vốn đầu tư, dừng hoặc chấm dứt hoạt động dự án.
Thủ tướng yêu cầu xử lý xong thủ tục cho các dự án trước ngày 30/5, tinh thần là "rõ tới đâu làm tới đó", vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn nhưng không nóng vội. Với các dự án có tính chất đặc thù, cần đề xuất cơ chế riêng để giải quyết hiệu quả, đúng thẩm quyền, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.
Yêu cầu sớm triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng phục vụ phát triển hạ tầng và công nghệ
Tại phiên họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng nhằm thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng chiến lược, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Ban Chỉ đạo đang theo dõi 37 dự án với tổng vốn đầu tư trên 1 triệu tỷ đồng, trong đó có 35 dự án đường bộ và 2 dự án hàng không. Tính đến nay, 19 dự án đã được đưa vào khai thác, 52 dự án đang thi công đúng tiến độ. Tuy nhiên, một số khó khăn vẫn tồn tại như chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và thiếu nguồn vật liệu cho các tuyến vành đai, cao tốc.
Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của các dự án hạ tầng trong thực hiện ba đột phá chiến lược và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên 8% vào năm 2025. Ông yêu cầu tập trung vào 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như giải quyết dứt điểm vướng mắc mặt bằng, chủ động nguồn vật liệu, huy động nhân lực tại chỗ và thực hiện thi công xuyên suốt "3 ca 4 kíp".
Thủ tướng cũng chỉ đạo các cấp, ngành không đùn đẩy trách nhiệm, xử lý ngay vấn đề phát sinh; thúc đẩy các dự án hợp tác công tư và đề xuất Quốc hội sửa luật nếu cần thiết. Văn phòng Chính phủ được giao phối hợp tổ chức 7 đoàn kiểm tra định kỳ hằng tháng nhằm tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiến độ các dự án trọng điểm.
Phê duyệt khu tái định cư phục vụ dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương
Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi hai dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương, đoạn qua TP Bảo Lộc, với tổng mức đầu tư hơn 15 tỷ đồng.
![]() |
Lâm Đồng phê duyệt khu tái định cư phục vụ dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương/Ảnh minh họa |
Khu tái định cư được quy hoạch tại khu đất thuộc phường Lộc Sơn (TP Bảo Lộc), do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Bảo Lộc làm chủ đầu tư. Dự án bao gồm tuyến đường quy hoạch D3 dài 170m, mặt đường rộng 8m, vỉa hè hai bên và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, chiếu sáng, thông tin liên lạc, hệ thống xử lý nước thải... Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2025, góp phần ổn định đời sống người dân phải di dời phục vụ thi công tuyến cao tốc.
Cùng ngày, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng phê duyệt hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư cho dự án cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương giai đoạn 1, thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), với tổng vốn đầu tư hơn 17.700 tỷ đồng.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã nghiêm khắc nhắc nhở Chủ tịch UBND các huyện Di Linh và Đức Trọng vì chậm trễ trong việc phân bổ ngân sách triển khai dự án. Dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc dài khoảng 67km, còn đoạn Bảo Lộc – Liên Khương dài hơn 73km. Cả hai đều là các tuyến thành phần quan trọng thuộc cao tốc Dầu Giây – Liên Khương dài hơn 200km, kết nối Đồng Nai với Lâm Đồng, góp phần phát triển hạ tầng và thúc đẩy liên kết vùng.
Taseco Land tham gia đấu thầu dự án 2.500 tỷ đồng tại Bắc Ninh
CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land – mã TAL) vừa thông qua nghị quyết HĐQT về việc tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị mới tại phường Hương Mạc và phường Phù Khê, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2.501 tỷ đồng, quy mô 30,47 ha, với mục tiêu đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị và kinh tế - xã hội khu vực.
Phát triển quỹ đất tiếp tục là chiến lược trọng tâm của Taseco Land trong năm 2025. Tại ĐHĐCĐ thường niên cuối tháng 4/2025, ông Nguyễn Minh Hải – Phó Chủ tịch HĐQT – cho biết công ty sẽ bổ sung thêm 4 dự án mới với tổng diện tích khoảng 350 ha. Cụ thể, quý II sẽ đấu giá một dự án rộng 6,6 ha, quý III dự kiến thầu dự án 30 ha và trở thành chủ đầu tư khu công nghiệp 248 ha tại TP Hải Phòng, còn quý IV sẽ tiếp tục tham gia đấu thầu một dự án diện tích 62,5 ha. Dự kiến đến cuối năm 2025, tổng quỹ đất của Taseco Land sẽ tiệm cận mốc 1.000 ha.
Được thành lập năm 2009 với vốn điều lệ ban đầu 6 tỷ đồng, Taseco Land là công ty thành viên của Tập đoàn Taseco từ năm 2013. TAL chính thức giao dịch trên sàn UPCOM từ tháng 1/2024 và đã nộp hồ sơ niêm yết lên HOSE đầu tháng 5/2025.
Kết quả kinh doanh quý I/2025 cho thấy sự tăng trưởng tích cực, với doanh thu thuần hợp nhất đạt 376 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ. Nhờ giá vốn giảm nhẹ, lợi nhuận gộp tăng 125%, đạt 130 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 22,3 tỷ đồng, tăng 118,6%.
Giá bất động sản Việt Nam tăng gần 60% sau 6 năm
Theo số liệu công bố tại sự kiện của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), giá bất động sản (BĐS) tại Việt Nam đã tăng tới 59% trong giai đoạn 2019–2024, cao hơn cả Mỹ (54%), Australia (49%), Nhật Bản (41%) và Singapore (37%). TS Cấn Văn Lực nhận định, tình trạng "thổi giá, làm giá" và đầu cơ ngắn hạn là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến giá nhà tăng vọt.
![]() |
Ảnh minh họa |
Mặc dù thị trường đang trên đà phục hồi, tốc độ vẫn còn chậm. GDP ngành kinh doanh BĐS năm 2024 tăng 3,34%, cải thiện so với 0,24% năm 2023. Tuy nhiên, các chỉ số vẫn chưa thực sự đột phá. Quý I/2025, nguồn cung nhà ở thương mại tăng gấp ba lần so với cùng kỳ, nhưng chỉ bằng một nửa quý trước đó. Giao dịch chung cư, nhà liền kề và đất nền tăng về lượng nhưng quy mô còn hạn chế.
Tín dụng BĐS năm 2024 tăng khoảng 12%, trong đó tín dụng cho kinh doanh BĐS tăng 18%, còn nhà ở tăng 6,5%. Cùng năm, có 4.580 doanh nghiệp BĐS thành lập mới, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Trong 4 tháng đầu năm 2025, số doanh nghiệp mới tăng 15,1%, doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng 42%, cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực.
Về vốn FDI, năm 2024, lĩnh vực BĐS thu hút 6,3 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng FDI đăng ký; 4 tháng đầu năm 2025, FDI vào BĐS đạt 1,5 tỷ USD, chiếm gần 27%. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu đầu năm 2025 chưa ghi nhận doanh nghiệp BĐS nào phát hành mới.
TS Cấn Văn Lực chỉ ra 6 nguyên nhân chính khiến giá nhà bị đẩy cao: vướng mắc pháp lý, chi phí đầu vào tăng, mất cân đối cung – cầu, thao túng giá, đầu cơ ngắn hạn và thiếu chính sách thuế kiểm soát tài sản. Ông cho rằng cần chính sách nhất quán và minh bạch hơn để thị trường BĐS phát triển lành mạnh và bền vững.
Huy Tùng ( T/h)
-
Điểm tin xây dựng - bất động sản tuần qua: Nhiều dự án sử dụng vốn ADB ở Quảng Trị nguy cơ chậm tiến độ
-
Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 10/5: Giá nhà phố tại Hà Nội vọt lên mức kỷ lục, có nơi vượt 700 triệu đồng/m2
-
Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 9/5: Rà soát quy định đất đai khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp
-
TP.HCM thu hơn 95.000 tỷ đồng từ kinh doanh bất động sản trong 4 tháng
- Điểm tin xây dựng - bất động sản tuần qua: Nhiều dự án sử dụng vốn ADB ở Quảng Trị nguy cơ chậm tiến độ
- Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 10/5: Giá nhà phố tại Hà Nội vọt lên mức kỷ lục, có nơi vượt 700 triệu đồng/m2
- Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 9/5: Rà soát quy định đất đai khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp
- TP.HCM thu hơn 95.000 tỷ đồng từ kinh doanh bất động sản trong 4 tháng
- Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 8/5: Vi phạm kinh doanh bất động sản, một công ty bị phạt 500 triệu đồng