Điểm tin ngân hàng tuần qua: Ngân hàng Nhà nước lý giải nguyên nhân giá vàng tăng mạnh

16:28 | 20/04/2025

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Chủ động dự liệu an toàn khi thành lập Trung tâm tài chính quốc tế; Sun Life Việt Nam bị xử phạt, lỗ lũy kế hơn 6.300 tỷ đồng; TCBS hoàn tất nộp bổ sung thuế, duy trì tăng trưởng ấn tượng; Tỷ giá USD trong nước tăng vọt bất chấp đà suy yếu toàn cầu…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật tuần qua.

Ngân hàng Nhà nước lý giải nguyên nhân giá vàng tăng mạnh

Trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước đã đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024 và triển khai nhiệm vụ đầu năm 2025, trong đó đặc biệt đề cập đến diễn biến nóng của thị trường vàng.

Điểm tin ngân hàng tuần qua: Ngân hàng Nhà nước lý giải nguyên nhân giá vàng tăng mạnh
Ảnh minh họa

Theo báo cáo, đến cuối năm 2024, nhờ các biện pháp điều hành, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã được thu hẹp từ mức cao 18 triệu đồng/lượng xuống còn khoảng 3–5 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, bước sang quý I/2025, giá vàng thế giới liên tục tăng mạnh, đạt đỉnh hơn 3.360 USD/ounce vào giữa tháng 4, kéo theo giá vàng trong nước cũng leo thang.

Ngân hàng Nhà nước chỉ ra ba nguyên nhân chính khiến giá vàng toàn cầu tăng vọt: căng thẳng địa chính trị toàn cầu, đặc biệt là các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông; xu hướng các ngân hàng trung ương và quỹ đầu tư tăng cường dự trữ vàng; cùng với chính sách thương mại cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tại Việt Nam, giá vàng miếng SJC đã tăng mạnh, từ 84 triệu đồng/lượng đầu năm lên gần 120 triệu đồng/lượng vào giữa tháng 4/2025. Dù vậy, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn tiếp tục được thu hẹp so với năm 2024.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để quản lý hiệu quả thị trường vàng. Đồng thời, cơ quan này cũng sẽ rà soát, sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP nhằm hoàn thiện khung pháp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Chủ động dự liệu an toàn khi thành lập Trung tâm tài chính quốc tế

Tại phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế và Tài chính ngày 19-4, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm dự liệu các biện pháp ngăn ngừa và hạn chế rủi ro để bảo đảm an toàn cho hệ thống tài chính quốc gia, trong bối cảnh Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam đang được đề xuất thành lập.

Thẩm tra dự thảo nghị quyết về TTTCQT, các ý kiến trong cơ quan thẩm tra đều thống nhất về sự cần thiết ban hành nghị quyết, song đề nghị đánh giá cụ thể hơn về các mặt tích cực, thách thức và mức độ rủi ro. Về chính sách thuế, cần rà soát các ưu đãi để vừa đảm bảo tính cạnh tranh, thu hút đầu tư nhưng không gây thất thoát ngân sách hay vi phạm cam kết quốc tế. Cơ chế thủ tục phải đơn giản, minh bạch và có hướng dẫn rõ ràng.

Đối với mô hình Trung tâm trọng tài quốc tế thuộc TTTCQT, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ cơ cấu tổ chức, mối liên kết với Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam và hiệu lực các phán quyết.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đây là nội dung rất mới, đóng vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững. Ông đề nghị các cơ quan liên quan cần hoàn thiện hồ sơ, giải trình rõ những điểm mới và nghiên cứu các cơ chế đặc thù nhằm tăng sức cạnh tranh, thu hút nguồn lực quốc tế. Đồng thời, cần cân nhắc thời điểm có hiệu lực để đảm bảo nghị quyết được thực hiện hiệu quả, đồng bộ trong thực tế.

Sun Life Việt Nam bị xử phạt, lỗ lũy kế hơn 6.300 tỷ đồng

Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Sun Life Việt Nam vừa bị Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) xử phạt vi phạm hành chính do cung cấp tài liệu minh họa không rõ ràng, không đầy đủ và không đúng quy tắc, điều khoản sản phẩm bảo hiểm. Tổng mức xử phạt là 130 triệu đồng, kèm theo hình thức cảnh cáo và yêu cầu khắc phục hậu quả.

Điểm tin ngân hàng tuần qua: Ngân hàng Nhà nước lý giải nguyên nhân giá vàng tăng mạnh
Sun Life Việt Nam bị xử phạt, lỗ lũy kế hơn 6.300 tỷ đồng

Theo quyết định xử phạt ngày 12/12/2024, Sun Life đã vi phạm trong việc cung cấp thông tin minh họa bán hàng cho sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (đóng phí 3 năm, bảo vệ 10 năm). Công ty cũng không tuân thủ đúng quy định về biểu phí và điều khoản đã được Bộ Tài chính phê duyệt.

Về hoạt động tài chính, Sun Life tiếp tục ghi nhận năm thứ 11 liên tiếp thua lỗ. Tính đến 31/12/2024, lỗ lũy kế của công ty lên tới gần 6.365 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu đạt hơn 11.580 tỷ đồng. Trong năm 2024, doanh thu phí bảo hiểm đạt gần 3.400 tỷ đồng, giảm gần 19% so với năm trước. Ngược lại, tổng chi phí hoạt động duy trì ở mức cao, đặc biệt chi phí dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng gấp đôi lên hơn 1.218 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp từ kinh doanh bảo hiểm giảm 66%, còn 1.295 tỷ đồng.

Lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm 2024 lên tới 874 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 805 tỷ của năm 2023. Cùng năm, công ty đã đóng cửa 5 văn phòng tổng đại lý, dù số lượng nhân viên vẫn tăng lên 590 người với mức lương trung bình gần 60 triệu đồng/tháng.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã công bố kết luận thanh tra về việc bán bảo hiểm qua ngân hàng giai đoạn năm 2021. Trong đó, tỷ lệ hủy hợp đồng sau thời gian cân nhắc lên tới 73% tại TPBank và 39% tại ACB, phản ánh chất lượng khai thác hợp đồng còn nhiều bất cập.

TCBS hoàn tất nộp bổ sung thuế, duy trì tăng trưởng ấn tượng

Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) vừa hoàn tất việc nộp bổ sung 209 triệu đồng tiền thuế vào ngân sách nhà nước theo quyết định của Tổng cục Thuế ban hành ngày 16/4/2025. Tính chung trong năm 2023, tổng số thuế TCBS nộp lên tới hơn 1.283 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng từng 3 năm liên tiếp (2020–2022) nằm trong Top 50 công ty nộp thuế lớn nhất cả nước (V1000) theo công bố của Tổng cục Thuế.

Báo cáo tài chính quý I/2025 của TCBS cho thấy, lợi nhuận trước thuế đạt 1.310 tỷ đồng, tăng 40% so với quý IV/2024 và tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đến từ chiến lược đa dạng hóa nguồn thu và các sản phẩm đầu tư. Tháng 3/2025, TCBS đã giải ngân thành công khoản vay hợp vốn tín chấp kỷ lục 230 triệu USD. Đây là khoản vay nước ngoài lớn nhất từng được cấp cho một công ty chứng khoán Việt Nam, nâng tổng giá trị vay quốc tế của TCBS từ 2020 đến nay lên hơn 991 triệu USD.

TCBS tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu khi miễn phí giao dịch không giới hạn thời gian và áp dụng chính sách vay ký quỹ hấp dẫn. Công ty cũng đặt mục tiêu đạt lợi nhuận 5.765 tỷ đồng trong năm 2025 – cao nhất ngành chứng khoán.

Trong năm nay, TCBS tập trung phát triển hệ thống giao dịch tương thích với KRX, hệ thống giao dịch chứng quyền và đặc biệt là nền tảng Blockchain toàn diện. Việc ứng dụng công nghệ mới nhằm tạo ra hệ sinh thái tài chính số minh bạch, bảo mật và bền vững, phù hợp với Chiến lược Blockchain quốc gia đến năm 2030.

Tỷ giá USD trong nước tăng vọt bất chấp đà suy yếu toàn cầu

Dù đồng USD suy yếu trên thị trường quốc tế, tỷ giá USD trong nước lại bất ngờ tăng mạnh trong những ngày gần đây.

Điểm tin ngân hàng tuần qua: Ngân hàng Nhà nước lý giải nguyên nhân giá vàng tăng mạnh
Tỷ giá USD trong nước tăng vọt bất chấp đà suy yếu toàn cầu

Sáng 19/4, nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt điều chỉnh tăng tỷ giá mua – bán USD. Cụ thể, Vietcombank nâng tỷ giá thêm 60 đồng lên 25.730 – 26.120 VND/USD; BIDV cũng tăng tương ứng lên 25.760 – 26.120 VND/USD.

Diễn biến này gây chú ý trong bối cảnh chỉ số DXY – thước đo sức mạnh của đồng USD so với rổ các tiền tệ chủ chốt – đang suy yếu rõ rệt, giảm xuống mức 99,31 điểm, mức thấp nhất trong gần 3 năm qua.

Trong tuần giao dịch từ 14 - 18/4, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố ghi nhận mức giảm tổng cộng 25 đồng sau khi tăng liên tục suốt 5 tuần trước đó.

Trên thị trường quốc tế, bất chấp việc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khẳng định chưa vội cắt giảm lãi suất, đồng USD vẫn chịu áp lực giảm giá. Giới đầu tư đang mất dần niềm tin vào USD như một tài sản trú ẩn an toàn, đặc biệt khi căng thẳng thương mại quốc tế làm gia tăng tâm lý lo ngại rủi ro.

Dòng tiền vì vậy đang chuyển hướng sang các tài sản khác như đồng Franc Thụy Sĩ (CHF) và Yên Nhật (JPY). Tỷ giá USD/CHF hiện giảm còn khoảng 0,81 – mức thấp nhất trong vòng 15 năm. Trong khi đó, tỷ giá USD/JPY cũng đang lùi dần, tiến sát mốc 142,33.

Sự chênh lệch giữa diễn biến quốc tế và trong nước khiến thị trường ngoại hối trong nước trở nên khó lường, buộc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và nhà đầu tư phải thận trọng trong các kế hoạch giao dịch ngoại tệ.

Huy Tùng (T/h)