Điểm tin ngân hàng tuần qua: Ngân hàng nhà nước bơm ròng gần 24 nghìn tỷ đồng

07:27 | 13/04/2025

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
BIDV tích hợp dịch vụ ngân hàng trên nền tảng Base.vn; Tín dụng, thanh khoản cải thiện nhưng rủi ro vẫn là mối lo của ngành ngân hàng; Ngân hàng đẩy mạnh hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận vốn, phát triển bền vững; Tỷ giá USD bất ngờ "tuột dốc", rời mốc 26.000 đồng…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật tuần qua

Ngân hàng nhà nước bơm ròng gần 24 nghìn tỷ đồng

Hiện ngân hàng nhà nước ( NHNN) vẫn đang đẩy mạnh việc cung ứng thanh khoản cho thị trường thông qua kênh thị trường mở (OMO).

Điểm tin ngân hàng tuần qua: Ngân hàng nhà nước bơm ròng gần 24 nghìn tỷ đồng
Ảnh minh họa

Theo đó, ở kênh cầm cố, phiên ngày 11/4, có 18.939,2 tỷ đồng trúng thầu, gồm 8.323,29 tỷ đồng ở kỳ hạn 7 ngày; 9.586,64 tỷ đồng ở kỳ hạn 14 ngày và 1.029,27 tỷ đồng ở kỳ hạn 35 ngày; lãi suất đều ở mức 4%; có 9.041,47 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN.

Như vậy, NHNN bơm ròng 9.897,73 tỷ đồng từ thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở phiên hôm nay. Có 119.805,52 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố; không có tín phiếu lưu hành trên thị trường.

Tính chung tuần qua (7 - 11/4), ở kênh cầm cố, có 74.054,02 tỷ đồng trúng thầu; trong đó, có 2.481,4 tỷ đồng trúng thầu kỳ hạn 91 ngày. Khối lượng các khoản vay cầm cố đáo hạn là 50.133,77 tỷ đồng. Tính chung tuần qua, lượng tiền bơm thêm vào hệ thống là 23.920,25 tỷ đồng, cao hơn mức bơm ròng tuần trước đó (14.237,55 tỷ đồng).

Trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng, ngày 9/4, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm nhẹ so với phiên trước đó nhưng tăng so với cuối tuần trước ở hầu hết các kỳ hạn. Theo đó, kỳ hạn qua đêm tăng 22 điểm cơ bản lên 4,21%; 1 tuần 4,39% (tăng 31 điểm cơ bản); 2 tuần 4,41% (tăng 1 điểm cơ bản); 1 tháng 4,45% (tăng 36 điểm cơ bản)./.

BIDV tích hợp dịch vụ ngân hàng trên nền tảng Base.vn

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Công ty Cổ phần Base Enterprise (Base.vn) đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm tích hợp các dịch vụ ngân hàng số của BIDV vào nền tảng quản trị doanh nghiệp Base.vn.

Theo nội dung hợp tác, giải pháp BIDV iConnect sẽ được triển khai trên nền tảng Base Finance+, cho phép khách hàng doanh nghiệp thực hiện các giao dịch tài chính trực tiếp trên hệ thống của Base.vn. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong việc mở rộng hệ sinh thái ngân hàng số, hướng tới nâng cao hiệu quả vận hành và quản lý tài chính cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Phát biểu tại lễ ký kết, bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Ban Chính sách Sản phẩm bán buôn BIDV, cho biết: “Sự kết hợp giữa hơn 60 ứng dụng quản trị của Base.vn và các sản phẩm ngân hàng hiện đại của BIDV sẽ tạo ra những giải pháp công nghệ tài chính toàn diện. Các dịch vụ như chuyển tiền, thanh toán lương, quản lý doanh thu, vay online... sẽ được tích hợp trực tiếp vào nền tảng Base.vn, góp phần thúc đẩy tự động hóa và hiệu quả quản trị tài chính kế toán cho doanh nghiệp.”

Ông Nguyễn Thượng Tường Minh, Tổng Giám đốc Base.vn, nhấn mạnh: “Việc hợp tác với BIDV là bước phát triển quan trọng trong chiến lược Open Platform mà Base.vn theo đuổi. Đây cũng là tiền đề để xây dựng hệ sinh thái tài chính số minh bạch, hiệu quả, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng tốc trong hành trình chuyển đổi số.”

Sự kiện đánh dấu giai đoạn hợp tác mới giữa hai bên, đồng thời khẳng định cam kết thúc đẩy ngân hàng mở (Open Banking) tại Việt Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong kỷ nguyên số.

Tín dụng, thanh khoản cải thiện nhưng rủi ro vẫn là mối lo của ngành ngân hàng

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý II/2025 do Ngân hàng Nhà nước thực hiện với toàn bộ tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho thấy triển vọng tích cực trong ngắn hạn, song vẫn tồn tại nhiều yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động ngành ngân hàng.

Điểm tin ngân hàng tuần qua: Ngân hàng nhà nước bơm ròng gần 24 nghìn tỷ đồng
Tín dụng, thanh khoản cải thiện nhưng rủi ro vẫn là mối lo của ngành ngân hàng/Ảnh minh họa

Trong quý I/2025, nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng của khách hàng như gửi tiền, thanh toán, vay vốn… tiếp tục cải thiện nhưng ở mức thấp hơn kỳ vọng. Các TCTD kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong quý II và cả năm 2025, đặc biệt là nhu cầu vay vốn. Thanh khoản toàn hệ thống được đánh giá duy trì trạng thái "tốt" và có triển vọng cải thiện tiếp trong thời gian tới, dù mức độ kỳ vọng có phần thận trọng hơn.

Lãi suất huy động và cho vay bằng VNĐ ghi nhận mức giảm nhẹ trong quý I và được dự báo tiếp tục ổn định hoặc giảm nhẹ trong quý II/2025. Huy động vốn được kỳ vọng tăng 4,19% trong quý II và 13,1% cả năm, trong khi dư nợ tín dụng dự kiến tăng lần lượt 4,39% và 16,4%, đánh dấu kỳ vọng tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, mặt bằng rủi ro tổng thể lại có xu hướng tăng nhẹ trong quý I và dự kiến tiếp tục tăng trong quý II/2025. Dù tốc độ tăng rủi ro được nhận định sẽ chậm lại so với năm trước, đây vẫn là yếu tố đáng lưu ý. Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng giảm trong quý I và được kỳ vọng giảm mạnh hơn trong quý II/2025, phản ánh nỗ lực kiểm soát chất lượng tín dụng của các TCTD.

Ngân hàng đẩy mạnh hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận vốn, phát triển bền vững

Tại Hội nghị “Hỗ trợ hợp tác xã tiêu biểu nâng cao năng lực tiếp cận vốn vay và kết nối giao thương, chuyển đổi số”, đại diện Agribank và Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã công bố hàng loạt giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể.

Với dư nợ cho vay lĩnh vực “Tam nông” đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng, Agribank khẳng định vai trò dẫn đầu trong hỗ trợ tài chính cho nông nghiệp, nông thôn. Riêng với hợp tác xã (HTX), ngân hàng này đã xây dựng cơ chế tín dụng riêng, cho vay không tài sản bảo đảm lên tới 3 tỷ đồng, đặc biệt ưu tiên HTX tham gia chuỗi giá trị. Tính đến hết quý I/2025, dư nợ cho vay HTX của Agribank đạt gần 1.916 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cuối năm 2024.

Tuy nhiên, tỷ trọng tín dụng HTX còn thấp, do vướng mắc về tài sản bảo đảm, năng lực quản trị yếu và thiếu liên kết sản xuất. Agribank đề xuất bốn nhóm giải pháp gồm: đẩy mạnh tín dụng nông thôn theo chuỗi, triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, thúc đẩy tín dụng xanh và đơn giản hóa thủ tục vay.

Phía NHCSXH hiện triển khai ba chương trình cho vay chính cho HTX, gồm: tạo việc làm, thương nhân vùng khó khăn và phát triển theo chuỗi giá trị, với mức vay ưu đãi tới 2 tỷ đồng, lãi suất từ 3,96–9%/năm. Tổng dư nợ cho HTX và tổ hợp tác đạt 54,74 tỷ đồng.

Các ngân hàng kiến nghị cần hoàn thiện chính sách liên kết chuỗi, xúc tiến thương mại và khuyến khích lao động trẻ vào HTX. Đồng thời, HTX cần nâng cao quản trị, minh bạch tài chính để tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Tỷ giá USD bất ngờ "tuột dốc", rời mốc 26.000 đồng

Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại và thị trường tự do đồng loạt giảm mạnh, đánh dấu sự điều chỉnh đáng kể sau nhiều phiên duy trì ở mức cao. Đây được xem là tín hiệu hạ nhiệt sau giai đoạn căng thẳng tỷ giá gia tăng do biến động chính sách quốc tế.

Điểm tin ngân hàng tuần qua: Ngân hàng nhà nước bơm ròng gần 24 nghìn tỷ đồng
Ảnh minh họa

Cụ thể, Vietcombank niêm yết tỷ giá USD ở mức 25.530 – 25.920 VND/USD (mua vào – bán ra), giảm 50 đồng so với phiên trước. Tại Sacombank, tỷ giá giảm tới 60 đồng, xuống còn 25.550 – 25.910 VND/USD. Như vậy, đồng bạc xanh đã rơi khỏi ngưỡng 26.000 đồng sau nhiều phiên duy trì ở mức cao kỷ lục.

Trên thị trường tự do, tỷ giá USD cũng lao dốc mạnh, hiện giao dịch quanh mức 26.020 – 26.120 VND/USD, giảm tới 140 đồng ở cả hai chiều mua – bán. Dù vẫn cao hơn so với hệ thống ngân hàng, nhưng mức giảm sâu này phản ánh tâm lý thận trọng của giới đầu cơ trước các diễn biến toàn cầu.

Tính chung cả tuần qua (7 – 11/4), tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại giảm khoảng 40 đồng ở chiều bán ra, trái ngược với mức tăng "sốc" 200 đồng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố bảng thuế quan mới hôm 2/4. Trong khi đó, tỷ giá tự do ghi nhận mức tăng 84 đồng, cho thấy sự biến động phức tạp hơn.

Trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY – thước đo sức mạnh đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt – giảm mạnh xuống 99,19 điểm, mất mốc 100 điểm lần đầu tiên trong nhiều tháng, tương đương mức giảm 1,67%.

Giới phân tích nhận định, các chính sách bảo hộ thương mại và lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ đang khiến nhà đầu tư rút vốn khỏi tài sản định giá bằng USD, tạo thêm áp lực giảm giá cho đồng bạc xanh trong thời gian tới.

Huy Tùng (T/h)