Điểm tin ngân hàng ngày 2/9: Ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng ô tô xanh
Ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng ô tô xanh
Cầu vốn sản xuất, kinh doanh xe điện và trạm sạc tăng nhanh, song theo ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc điều hành Hệ thống trạm sạc EV One, việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng rất khó khăn, do đây là lĩnh vực còn khá mới.
Ảnh minh họa |
Sản xuất, kinh doanh xe điện và hạ tầng trạm sạc đòi hỏi vốn lớn, thời gian cho vay dài, trong khi thị trường lại rất cạnh tranh, nhiều rủi ro, nên nhiều ngân hàng không dám đầu tư. Tuy nhiên, thay vì đầu tư cho các dự án sản xuất xe điện, hạ tầng trạm sạc…, nhiều ngân hàng đang mạnh tay cho vay ưu đãi với tiêu dùng ô tô điện.
Một số ngân hàng tung ra các gói tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi dành cho các dự án phát triển bền vững, bao gồm cả các dự án liên quan đến ô tô động cơ hybrid, xe ô tô điện… Ngoài ra, một số ngân hàng cũng triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi cho vay ô tô điện và ô tô hybrid, lãi suất cho vay giảm 0,1% so với lãi vay ô tô thông thường. Riêng BIDV, trong năm 2023 đã dành gói tín dụng 3.500 tỷ đồng cho ô tô điện với lãi suất ưu đãi.
Thực tế, nhờ sự tăng trưởng của mảng ô tô điện, doanh số cho vay của nhiều ngân hàng tăng vọt trong vài năm trở lại đây. Tại Techcombank, nếu năm 2021 và 2022, dư nợ cho vay mua ô tô, xe máy chỉ ở mức hơn 34.000 tỷ đồng, thì sang năm 2023, dư nợ tăng vọt 31,4%. Tính từ đầu năm 2024 đến ngày 30/6, dư nợ cho vay mảng ô tô, xe máy của ngân hàng này cũng tăng tới 15,6%.
Với MB, năm 2023, tín dụng lĩnh vực ô tô, xe máy tăng 45% và trở thành một trong 2 lĩnh vực cho vay chủ chốt của Ngân hàng. Nửa đầu năm nay, mức tăng trưởng tín dụng của lĩnh vực này tại MB đạt gần 15%.
Nguồn vốn vay tiêu dùng ưu đãi của các ngân hàng đã bổ trợ cho sự phát triển của ngành ô tô xanh. Tuy vậy, ngoài nguồn vốn tín dụng, vốn nước ngoài, các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy chuyển đổi ngành ô tô sang hướng “xanh hóa”, cần có thêm trợ lực của Chính phủ, bao gồm cả vốn và cơ chế, môi trường đầu tư.
Riêng với doanh nghiệp, ngoài nguồn tài trợ vốn từ nước ngoài, cần nghiên cứu tới hướng phát hành trái phiếu xanh để huy động vốn.
Tốc độ cho vay của các ngân hàng ở TP HCM tăng trưởng chậm
Số liệu của Cục Thống kê TP HCM vừa công bố cho thấy đến cuối tháng 8/2024, dư nợ tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng trên địa bàn mới đạt 4,5% so với cuối năm ngoái. Con số này thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng của cả nước tới ngày 26-8 là 6,63%.
Đáng chú ý, tốc độ cho vay của hệ thống ngân hàng ở TP HCM có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại trong 2 tháng qua, khi tháng 6 tăng 4%, tháng 7 tăng 3,9% và tháng 8 tăng 4,5% so với cuối năm ngoái.
Tăng trưởng tín dụng chậm dù lãi suất cho vay giảm. Số liệu thống kê tại TP HCM đến hết tháng 8, lãi suất cho vay bằng VNĐ thấp hơn 0,9 điểm % đến 1 điểm % đối với các kỳ ngắn hạn so với cuối năm ngoái, bất chấp lãi suất huy động đang nhích lên.
Theo Cục Thống kê TP HCM, những con số trên cho thấy khả năng hấp thụ vốn của kinh tế TP HCM vẫn chưa cải thiện nhiều và mục tiêu tín dụng tăng trưởng cả năm 15% sẽ gặp nhiều thách thức nếu không có giải pháp tháo gỡ.
Ngân hàng Nhà nước cho hay dù tăng trưởng tín dụng cả hệ thống trong 8 tháng đạt 6,63% nhưng có sự phân hóa giữa các ngân hàng, có ngân hàng tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong khi một số đơn vị khác tăng sát chỉ tiêu được cấp trước đó.
Thống kê của Công ty chứng khoán VPBank (VPBankS) cho thấy một số ngân hàng tăng trưởng tín dụng dưới 5% trong nửa đầu năm như Sacombank, TPBank, BVBank, PGBank, SeABank, ABBank…
Ngân hàng phản hồi vụ lộ thông tin thẻ tín dụng qua nền tảng Agoda
Ngày 30/8, đại diện ngân hàng phát hành thẻ tín dụng đã lên tiếng về việc thông tin thẻ tín dụng của khách hàng bị lộ khi đặt phòng qua nền tảng trực tuyến Agoda. Trước đó, Anh P.N.H, cư dân Hà Nội, đã gặp phải sự cố khi đặt phòng tại một khách sạn ở TP. Phan Thiết qua Agoda, nơi thông tin thẻ tín dụng, bao gồm mã số bí mật CVV, bị công khai trên Booking.com (Agoda là công ty con của Booking.com).
Ngân hàng phản hồi vụ lộ thông tin thẻ tín dụng qua nền tảng Agoda |
Ngân hàng cho biết sự việc xảy ra do Booking không tuân thủ quy định bảo mật PCI DSS về mã hóa thẻ. Ngân hàng cam kết sẽ làm việc với tổ chức thẻ và đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán để giải quyết vấn đề. Trong khi đó, ngân hàng sẽ phát hành lại thẻ cho khách hàng để đảm bảo an toàn.
Phía Agoda khẳng định rằng nền tảng này áp dụng các biện pháp bảo mật cao nhất và không có rò rỉ dữ liệu từ hệ thống của mình. Agoda cho biết đã liên hệ với khách sạn để đảm bảo sự cố không tái diễn và sẽ hỗ trợ khách hàng trong việc giải quyết vấn đề. Agoda cũng thông báo rằng thông tin thẻ tín dụng được mã hóa và không có lỗi từ hệ thống của họ.
Theo các chuyên gia cảnh báo, việc lộ thông tin thẻ tín dụng, bao gồm mã CVV, có thể dẫn đến nguy cơ bị trục lợi hoặc mất tiền oan. Họ khuyên người dùng nên đặt hạn mức chi tiêu cho thẻ tín dụng quốc tế khi thanh toán trực tuyến và khóa chức năng thanh toán trực tuyến khi không sử dụng để bảo vệ thông tin cá nhân.
Giá vàng miếng “lặng sóng” tuần qua
Giá vàng miếng vẫn tiếp tục duy trì trạng thái cố định trong nhiều ngày qua với giá bán ra của các ngân hàng thương mại và Công ty SJC phổ biến ở mức 81 triệu đồng/lượng bán ra. Ở chiều mua, giá vàng các thương hiệu được niêm yết ở mức 79 triệu đồng/lượng. Với mốc giá trên, vàng miếng của SJC đang cao hơn giá vàng thế giới là 5,028 triệu đồng/lượng.
Tuần trước, khi thị trường vàng tăng giá khá mạnh, NHNN đã điều chỉnh tăng giá bán trực tiếp cho 4 ngân hàng và Công ty SJC với giá 80 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng so với lần điều chỉnh gần nhất vào tuần trước. Trên cơ sở đó, các ngân hàng thương mại và Công ty SJC bán vàng miếng SJC ra thị trường ở mức giá phổ biến là 81 triệu đồng/lượng.
Tuy không “đứng im” nhiều phiên như vàng miếng, giá vàng nhẫn vẫn có diễn biến dao động tăng, giảm trong tuần, nhưng biên độ biến động cũng không lớn, phổ biến ở mức bán ra 77,4 triệu đồng/lượng với vàng 9999. Tại thời điểm chiều ngày 30/8, giá vàng nhẫn SJC 9999 ghi nhận mức 77,46 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 78,66 triệu đồng/lượng.
Ngân hàng nào được nới room tín dụng cao?
Theo báo cáo mới công bố từ VPBank, chính sách nới room tín dụng sẽ kích thích sự cạnh tranh giữa các ngân hàng trong việc mở rộng tín dụng và thị phần. Điều này dự kiến sẽ dẫn đến xu hướng lãi suất ưu đãi hơn cho người vay, mặc dù có thể ảnh hưởng đến thu nhập lãi thuần của các ngân hàng.
Ảnh minh họa |
VPBank cho biết các ngân hàng đã đạt mức sử dụng tín dụng từ 80% trở lên, như ACB, HDBank, LPB và TCB, sẽ được điều chỉnh room tín dụng lên mức từ 18% đến 18,7%. Tính đến cuối tháng 8/2024, tín dụng toàn ngành tăng 6,63% so với cuối năm trước, trong khi mục tiêu tín dụng của ngành ngân hàng và Chính phủ là 15%, tương đương với việc cần đẩy thêm 8,37% đến cuối năm.
Nếu các ngân hàng đạt 90% room tín dụng được giao và Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên lãi suất điều hành, trong khi GDP đạt 6%, tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể đạt 14,83%.
Ngân hàng ACB sẽ được nới room tín dụng khoảng 2% trong lần điều chỉnh này, nâng mức tăng trưởng tín dụng tối đa lên 17% đến 18% cho cả năm. Tổng Giám đốc ACB, ông Từ Tiến Phát, cho rằng đây là một bước đi kịp thời để đáp ứng nhu cầu vốn cao trong mùa kinh doanh cuối năm.
Ngân hàng MB cũng ghi nhận tăng trưởng tín dụng đạt 10,44% đến ngày 28/8, hoàn thành 65,7% chỉ tiêu tăng trưởng được giao. Theo văn bản điều chỉnh chỉ tiêu của Ngân hàng Nhà nước, MB dự kiến sẽ được tăng trưởng thêm 14.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia của MBS cho rằng các ngân hàng thương mại lớn đang dẫn đầu trong tăng trưởng tín dụng, trong khi các ngân hàng quốc doanh tăng trưởng chậm hơn do hoạt động trả trước tăng mạnh nhờ lãi suất thấp. MBS dự báo rằng một số ngân hàng như VPBank, MB, TCB và HDBank có thể giảm lãi suất cho vay để duy trì cạnh tranh, và dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ đạt khoảng 14% trong năm 2024 với GDP dự kiến tăng trưởng 6,5%.
Trong nửa cuối năm 2024, cho vay bán lẻ, đặc biệt là tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng, và cho vay mua ô tô, dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ nhờ lãi suất thấp. Mảng khách hàng doanh nghiệp cũng sẽ chứng kiến sự tăng trưởng nhờ hoạt động nhập khẩu và xây dựng hạ tầng.
Huy Tùng ( T/h)
- Làm sạch biển, nhận quà "Sống Xanh"
- Điểm tin ngân hàng ngày 14/10: Đề xuất lãi suất vay 5%/năm cho người mua nhà, thời hạn 20 năm
- Techcombank - Ngân hàng tư nhân giá trị nhất Việt Nam tiếp tục thăng hạng toàn cầu
- Điểm tin ngân hàng tuần qua: NHNN tiếp tục hút ròng hơn 10 nghìn tỷ đồng trên thị trường mở
- Điểm tin ngân hàng ngày 12/10: Kiều hối về TP HCM đạt gần 5.500 tỷ USD trong 9 tháng
- Điểm tin ngân hàng ngày 11/10: VietinBank dự kiến lợi nhuận 2024 đạt 26.300 tỷ đồng
- Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình làm việc với Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam nhân ngày Doanh nhân Việt Nam
- Điểm tin ngân hàng ngày 10/10: "Big 4" đạt lợi nhuận trước thuế gần 120.000 tỷ đồng
- BIDV ủng hộ 100 tỷ đồng chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Điểm tin ngân hàng ngày 9/10: Agribank niêm yết 10.000 tỷ đồng trái phiếu mới