Điểm tin ngân hàng ngày 27/12: Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý thị trường vàng

15:47 | 27/12/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Ngân hàng, ví điện tử không cho chuyển online nếu chưa sinh trắc học; Đề nghị truy tố đường dây tiêu thụ tiền giả liên tỉnh tại Bình Thuận và Đồng Nai; Gần 67 triệu khách hàng ngân hàng đã hoàn tất xác thực sinh trắc học; MB chốt ngày nhận cổ tức 15% bằng cổ phiếu vào đầu năm 2025…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.

Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý thị trường vàng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đang hoàn thiện báo cáo đề xuất sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng, nhằm điều chỉnh và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động kinh doanh vàng miếng. Đây là một trong các biện pháp để kiểm soát tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng cao.

Điểm tin ngân hàng ngày 27/12: Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý thị trường vàng
Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý thị trường vàng

Theo NHNN, giá vàng quốc tế đã lập đỉnh lịch sử vào cuối tháng 9/2024, lên tới 2.700 USD/ounce, chủ yếu do vàng là tài sản dự trữ được ưa chuộng trong thời kỳ kinh tế và địa chính trị bất ổn. Tuy nhiên, từ cuối năm 2021 đến nay, giá vàng miếng trong nước đã liên tục tăng và có lúc chênh lệch lên đến 18 triệu đồng/lượng, gấp đôi so với giai đoạn trước, gây lo ngại về tác động tới ổn định kinh tế vĩ mô.

Để xử lý tình trạng này, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan chức năng, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh vàng miếng, đặc biệt là các hành vi vi phạm như buôn lậu vàng qua biên giới và thao túng giá vàng. NHNN cũng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Công thương, và Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.

Đặc biệt, NHNN đang hoàn thiện đề xuất sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý sản xuất vàng miếng, qua đó tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và đảm bảo hoạt động kinh doanh vàng phù hợp với thực tiễn. Cũng theo yêu cầu của Quốc hội, việc tổng kết và đề xuất sửa đổi Nghị định này phải hoàn thành trước tháng 6/2025.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp kiểm soát chênh lệch giá vàng và phối hợp với các cơ quan chức năng để ổn định thị trường vàng, góp phần đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô.

Ngân hàng, ví điện tử không cho chuyển online nếu chưa sinh trắc học

Một số ngân hàng và ví điện tử đang yêu cầu khách hàng hoàn thành xác thực sinh trắc học trước ngày 1/1/2025 để đảm bảo không gián đoạn khi thực hiện giao dịch trực tuyến. Đây là yêu cầu bắt buộc theo các thông tư mới của Ngân hàng Nhà nước nhằm tăng cường bảo mật giao dịch điện tử.

Cụ thể, Thông tư 17 yêu cầu chủ tài khoản phải hoàn tất đối chiếu giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học (do công an cấp hoặc qua hệ thống VNeID) trước khi rút tiền hoặc thanh toán qua phương tiện điện tử. Thông tư 18 cũng quy định các giao dịch thẻ online chỉ được thực hiện khi chủ thẻ đã xác thực sinh trắc học, trong khi giao dịch trực tiếp tại các điểm bán lẻ (POS) không yêu cầu.

Để tránh gián đoạn giao dịch, nhiều ngân hàng và ví điện tử đã chủ động "giục" khách hàng cập nhật thông tin sinh trắc học trước thời hạn. Ví dụ, MoMo và VietinBank đều yêu cầu người dùng xác thực sinh trắc học trước khi thực hiện giao dịch online. Đặc biệt, VietinBank đã yêu cầu khách hàng hoàn tất cập nhật sinh trắc học trước 1 tuần nhằm tránh bất tiện trong dịp nghỉ Tết Dương lịch, đồng thời mở cửa hỗ trợ khách hàng vào cuối tuần. Tính đến tháng 12, gần 86% khách hàng của VietinBank đã hoàn thành việc xác thực.

Ngoài ra, một số ngân hàng như Vietcombank cũng kéo dài giờ làm việc và mở cửa các chi nhánh vào cuối tuần để hỗ trợ khách hàng. Hầu hết khách hàng giao dịch online thường xuyên đã hoàn tất việc cập nhật sinh trắc học. Các ngân hàng khuyến cáo rằng nếu không cập nhật trước hạn, khách hàng sẽ gặp gián đoạn trong việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng.

Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, việc xác thực sinh trắc học sẽ gặp khó khăn nếu không có căn cước công dân gắn chip. Những người này sẽ phải về nước để cập nhật sinh trắc học nếu không có đầy đủ dữ liệu.

Các ngân hàng hiện đã tích hợp tính năng xác thực sinh trắc học trực tuyến thông qua ứng dụng di động, giúp khách hàng dễ dàng cập nhật thông tin chỉ với một chiếc thẻ căn cước công dân gắn chip.

Đề nghị truy tố đường dây tiêu thụ tiền giả liên tỉnh tại Bình Thuận và Đồng Nai

Ngày 26/12, Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bình Thuận, đề nghị truy tố hai đối tượng Phạm Minh Trung (30 tuổi, trú tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) và Trần Hoàng Thái Quang (22 tuổi, trú tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) về tội "Tàng trữ, lưu hành tiền giả".

Điểm tin ngân hàng ngày 27/12: Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý thị trường vàng
Ảnh minh họa

Sự việc bắt đầu vào khoảng 21 giờ 45 ngày 17/1, khi lực lượng Cảnh sát 113 Công an tỉnh Bình Thuận trong quá trình tuần tra tại khu vực khu phố 4, phường Lạc Đạo, TP. Phan Thiết, phát hiện Trần Hoàng Thái Quang có hành vi tiêu thụ tiền giả. Kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ 3 triệu đồng tiền giả. Quang khai nhận đã mua số tiền giả này từ một thanh niên tại tỉnh Đồng Nai, với tỷ lệ 1 triệu đồng tiền thật đổi lấy 4 triệu đồng tiền giả.

Mở rộng điều tra, đến ngày 20/1, tại phường Suối Tre (TP. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), công an đã bắt giữ Phạm Minh Trung và thu giữ 18 triệu đồng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng. Tiến hành khám xét nơi ở của Trung tại phường Xuân An (TP. Long Khánh), công an phát hiện thêm hơn 213 triệu đồng tiền giả, bao gồm 261 tờ tiền mệnh giá 200.000 đồng và 322 tờ mệnh giá 500.000 đồng. Tổng cộng, Trung bị thu giữ 231,2 triệu đồng tiền giả.

Qua điều tra, Phạm Minh Trung khai nhận tất cả số tiền trên đều là tiền giả và được cất giấu với mục đích bán lại để kiếm lời. Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành công tác điều tra và xác minh, tiến hành xử lý các tài liệu, đồ vật liên quan.

Cơ quan công an cũng khuyến cáo người dân cách phân biệt tiền thật, tiền giả, như bóp tờ tiền để kiểm tra tính đàn hồi của giấy hoặc kiểm tra các chi tiết in nổi trên tiền. Ngoài ra, việc sử dụng phương thức thanh toán điện tử như chuyển khoản hoặc ví điện tử là cách hiệu quả để tránh nhận phải tiền giả.

Gần 67 triệu khách hàng ngân hàng đã hoàn tất xác thực sinh trắc học

Tính đến ngày 13/12, hơn 66,6 triệu khách hàng cá nhân đã hoàn tất việc xác thực sinh trắc học, đạt tỷ lệ trên 90% tại nhiều ngân hàng. Đây là một phần trong yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm tăng cường bảo mật và đảm bảo an toàn giao dịch điện tử.

Theo các thông tư mới của NHNN, từ đầu năm 2025, chủ tài khoản ngân hàng chưa hoàn tất xác thực sinh trắc học sẽ không thể thực hiện các giao dịch điện tử như rút tiền, chuyển khoản hay thanh toán thẻ online. Điều này áp dụng cho các giao dịch qua Internet Banking, Mobile Banking và thẻ online. Tuy nhiên, giao dịch thẻ tại các điểm bán lẻ (POS) không yêu cầu xác thực sinh trắc học.

Để hỗ trợ khách hàng hoàn tất việc xác thực, nhiều ngân hàng đã tăng cường thời gian giao dịch và thực hiện các chiến dịch hướng dẫn từ sớm. Tại SHB, khoảng 90% khách hàng đã hoàn thành xác thực sinh trắc học, và ngân hàng này đặt mục tiêu hoàn tất trước ngày 1/1/2025. Ngân hàng Bản Việt (BVBank) cũng đã hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng thực hiện cập nhật từ tháng 11.

Việc xác thực sinh trắc học giúp nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng, bảo vệ thông tin khách hàng và ngăn ngừa tội phạm công nghệ. NHNN cho biết việc áp dụng xác thực sinh trắc học không chỉ giúp đảm bảo an toàn tài khoản cá nhân mà còn hỗ trợ việc phòng chống lừa đảo qua không gian mạng.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu NHNN nghiên cứu và áp dụng các biện pháp để kiểm tra, đối chiếu sinh trắc học đối với tài khoản thanh toán, ví điện tử và các giao dịch có dấu hiệu phạm tội.

MB chốt ngày nhận cổ tức 15% bằng cổ phiếu vào đầu năm 2025

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, Mã: MBB) vừa công bố ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 15% vào ngày 8/1/2025. Nguồn vốn phát hành được lấy từ lợi nhuận lũy kế chưa phân phối của năm 2023 tại MB.

Điểm tin ngân hàng ngày 27/12: Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý thị trường vàng
MB chốt ngày nhận cổ tức 15% bằng cổ phiếu vào đầu năm 2025/Ảnh minh họa

Theo kế hoạch, ngân hàng sẽ phát hành gần 796 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho các cổ đông hiện hữu. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của MB dự kiến sẽ tăng thêm tối đa 7.959 tỷ đồng, từ 53.063 tỷ đồng lên khoảng 61.022 tỷ đồng. Phương án này đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 thông qua.

Trước đó, MB đã hoàn thành việc phát hành 19,2 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), giúp ngân hàng tăng vốn thêm 192,4 tỷ đồng, nâng tổng vốn điều lệ lên 53.063 tỷ đồng.

Ngoài việc tăng vốn qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, MB cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương mức tăng vốn điều lệ 620 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành các đợt phát hành này, tổng vốn điều lệ của MB dự kiến sẽ đạt 61.643 tỷ đồng.

Về diễn biến cổ phiếu MBB trên thị trường, tại phiên giao dịch ngày 26/12, cổ phiếu này đóng cửa ở mức 24.900 đồng/cp, tăng 1,84% so với phiên liền kề. Từ đầu năm đến nay, mã cổ phiếu MBB đã ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 36%.

Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của MB đạt gần 1,029 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 15%, đạt 702.020 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu của MB đã tăng 60%, đẩy tỷ lệ nợ xấu từ 1,6% lên 2,23%.

Huy Tùng (T/h)