Điểm tin ngân hàng ngày 25/4: Tỷ giá USD, thế giới giảm, trong nước tiếp tục tăng
Tỷ giá USD, thế giới giảm, trong nước tiếp tục tăng
Sáng 25/4, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.928 VND/USD, tăng 31 VND so với hôm qua. Trong khi đó, trên thị trường quốc tế, đồng USD lại quay đầu giảm với chỉ số US Dollar Index (DXY) rơi xuống mức 99,29 điểm, giảm 0,56%.
![]() |
Tỷ giá USD, thế giới giảm, “chợ đen” tiếp tục tăng |
Diễn biến trong nước ghi nhận tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng. Vietcombank niêm yết ở mức 25.784 VND/USD (mua vào) và 26.174 VND/USD (bán ra), tăng 33 VND ở cả hai chiều. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN cũng được điều chỉnh tăng lên mức 23.732 – 26.124 VND/USD (mua vào – bán ra). Trong khi đó, tỷ giá EUR và Yên Nhật tại Sở giao dịch NHNN đều giảm nhẹ.
Trên thị trường tự do, tỷ giá USD tiếp tục xu hướng tăng, đạt 26.393 VND/USD ở chiều mua vào và 26.493 VND/USD ở chiều bán ra, tăng lần lượt 73 VND và 35 VND so với ngày 24/4.
Trên thị trường quốc tế, đồng USD chịu áp lực giảm mạnh trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Đồng Yên Nhật tăng mạnh, kéo tỷ giá USD/JPY giảm 0,71% xuống 142,395. Đồng bạc xanh cũng giảm 4,8% trong tháng 4, mức giảm hàng tháng sâu nhất kể từ tháng 11/2022. Đồng Bảng Anh tăng 0,53%, lên mức 1,332 USD, sau khi Bộ trưởng Tài chính Anh bày tỏ lạc quan về một thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Những biến động trên cho thấy đồng USD đang chịu nhiều áp lực cả trong nước và quốc tế, nhất là trước các yếu tố địa chính trị và chính sách thương mại toàn cầu.
BVBank đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 1.300 tỷ đồng
Ngày 24/4/2025, Ngân hàng Bản Việt (BVBank) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 với nhiều nội dung quan trọng được thông qua. Nổi bật là kế hoạch tăng trưởng mạnh mẽ trong năm tới với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 550 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2024, và tăng vốn điều lệ thêm gần 1.300 tỷ đồng, nâng tổng vốn lên 7.676 tỷ đồng.
Năm 2024, BVBank ghi nhận nhiều kết quả tích cực: tổng tài sản vượt 103.500 tỷ đồng (tăng 18%), dư nợ cho vay đạt hơn 68.000 tỷ đồng, huy động vốn đạt 95.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 390 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2,69%. Ngân hàng cũng ghi dấu ấn trong chuyển đổi số khi 92% khách hàng mới đến từ kênh số và tổng số giao dịch tăng 40% so với năm trước.
Định hướng 2025, BVBank tiếp tục phát triển theo mô hình ngân hàng bán lẻ đa năng, hiện đại, chú trọng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số. Mục tiêu tài sản tăng lên 122.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 80.500 tỷ đồng, huy động từ tiền gửi khách hàng đạt 91.400 tỷ đồng, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, BVBank tiếp tục đồng hành cùng khách hàng thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi và tăng cường bảo mật thông tin với sinh trắc học. Trong quý 1/2025, lợi nhuận ước đạt 80 tỷ đồng, hoàn thành 15% kế hoạch năm.
PGBank có Chủ tịch HĐQT mới nhiệm kỳ 2025–2030
Sáng 24/4, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank – mã chứng khoán: PGB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Đại hội đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó đáng chú ý là việc bầu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới 2025–2030.
![]() |
Bà Cao Thị Thuý Nga giữ chức Chủ tịch HĐQT PGBank |
Theo kết quả bầu cử, 5 thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới gồm: bà Cao Thị Thuý Nga, ông Nguyễn Văn Hương, ông Vương Phúc Chính, ông Đinh Thành Nghiệp và ông Nguyễn Văn Tý (thành viên HĐQT độc lập). Ngay sau đại hội, HĐQT đã tổ chức phiên họp đầu tiên và thống nhất bầu bà Cao Thị Thuý Nga giữ chức Chủ tịch HĐQT PGBank.
Bà Cao Thị Thuý Nga sinh năm 1958, là một trong những nhân sự giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng với 42 năm công tác. Bà bắt đầu sự nghiệp tại Ngân hàng BIDV từ năm 1980, từng tham gia sáng lập ngân hàng liên doanh VID Public Bank – nay là Public Bank Việt Nam. Bà cũng có thời gian dài giữ các vị trí lãnh đạo cao cấp tại Ngân hàng MB như Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT MBS và Trưởng Ban kiểm soát Chứng khoán MB.
Trước khi giữ vị trí Chủ tịch HĐQT PGBank, bà Nga từng là Thành viên HĐQT độc lập ngân hàng nhiệm kỳ 2020–2025, được bầu tại Đại hội cổ đông năm 2024. Việc bà được tín nhiệm bầu giữ vị trí Chủ tịch HĐQT được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển và tái cấu trúc chiến lược của PGBank trong giai đoạn tới.
Đã sẵn sàng gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho hạ tầng và công nghệ số
Chiều 24/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức buổi làm việc với các bộ, ngành và bốn ngân hàng thương mại nhà nước nhằm triển khai gói tín dụng ưu đãi trị giá 500.000 tỷ đồng, phục vụ doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng chiến lược và công nghệ số.
Tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số, nhu cầu vốn cho phát triển hạ tầng và đổi mới sáng tạo là rất lớn. Mặc dù có nhiều nguồn vốn như ngân sách nhà nước và FDI, tín dụng ngân hàng vẫn đóng vai trò chủ lực. Gói tín dụng 500.000 tỷ đồng được triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng đến hỗ trợ các dự án khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng, điện...
Phó Thống đốc cho biết, các ngân hàng tham gia đã sẵn sàng về nguồn lực và cam kết cung cấp các ưu đãi như lãi suất thấp, cho vay trung và dài hạn. Tuy nhiên, để gói tín dụng phát huy hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong việc lập kế hoạch và xác định nhu cầu vốn cụ thể cho từng giai đoạn.
Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh việc tháo gỡ các khó khăn còn tồn đọng trong quá trình triển khai, đặc biệt đối với các dự án lớn trong lĩnh vực hạ tầng giao thông và năng lượng. Sự vào cuộc đồng bộ và kịp thời của các bộ, ngành sẽ là yếu tố then chốt giúp dòng vốn tín dụng này đi vào thực tiễn, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
Hơn 108 triệu tài khoản ngân hàng đã được đối chiếu sinh trắc học
Tính đến ngày 11/4/2025, toàn ngành ngân hàng Việt Nam đã hoàn tất đối chiếu sinh trắc học cho hơn 108,1 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân thông qua thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip hoặc ứng dụng VNeID. Đây là kết quả nổi bật trong tiến trình chuyển đổi số ngành ngân hàng, nhằm tăng cường bảo mật, minh bạch và hiệu quả trong giao dịch.
![]() |
Ảnh minh họa |
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện có 60 tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai đối chiếu CCCD tại quầy và 56 TCTD cùng 39 tổ chức trung gian thanh toán ứng dụng CCCD qua điện thoại. Những bước tiến này nằm trong khuôn khổ Đề án 06 của Chính phủ về phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đồng thời thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và toàn hệ thống thực hiện đồng bộ các giải pháp về dữ liệu dân cư, ứng dụng CCCD và tài khoản VNeID trong hoạt động nghiệp vụ. Ngày 23/4, NHNN chính thức thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc về chuyển đổi số, khoa học – công nghệ và thực hiện Đề án 06.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh yêu cầu các đơn vị cần chủ động nâng cao năng lực công nghệ, đẩy mạnh học tập, nghiên cứu, cập nhật xu hướng toàn cầu, tăng cường hợp tác quốc tế về chuyển đổi số và an toàn thông tin. Đồng thời, các TCTD cần hoàn tất xác thực sinh trắc học cho các tài khoản, ví điện tử; đầu tư hạ tầng công nghệ và triển khai các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đảm bảo an toàn trong cung ứng dịch vụ ngân hàng số.
Huy Tùng (T/h)
- Điểm tin ngân hàng ngày 24/4: Lợi nhuận ACB giảm do thu nhập lãi thuần và lỗ từ chứng khoán
- Techcombank tiếp tục ra mắt chi nhánh thế hệ mới tại Bình Dương
- Điểm tin ngân hàng ngày 23/4: Tiền gửi vào ngân hàng đạt 14,62 triệu tỷ đồng, giảm 0,75%
- Ngân hàng Lộc Phát (LPBank) bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Hải làm Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Vận hành
- Điểm tin ngân hàng ngày 22/4: MSB báo lãi hơn 1.600 tỷ đồng trong quý 1