Điểm tin ngân hàng ngày 24/5: Loạt hạn chế tại MB Chi nhánh Bắc Sài Gòn
Thanh tra Ngân hàng Nhà nước chỉ ra loạt hạn chế tại MB Chi nhánh Bắc Sài Gòn
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết luận thanh tra số 13/KL-TTRA về hoạt động của Ngân hàng TMCP Quân Đội Chi nhánh Bắc Sài Gòn (MB Bắc Sài Gòn), qua đó chỉ ra nhiều tồn tại trong công tác thẩm định, cho vay và giám sát vốn tín dụng.
![]() |
Nhiều tồn tại trong công tác thẩm định, cho vay và giám sát vốn tín dụng tại MB Bắc Sài Gòn |
Theo kết luận, MB Bắc Sài Gòn nhìn chung có kết quả kinh doanh tích cực, thu nhập vượt chi phí và tuân thủ các quy định về quản trị rủi ro, phòng chống rửa tiền, an toàn kho quỹ và chế độ kế toán. Tuy nhiên, một số sai sót đáng chú ý vẫn còn tồn tại, đặc biệt trong hoạt động cấp tín dụng. Cụ thể, ngân hàng bị đánh giá chưa thực hiện đầy đủ quy trình thẩm định, giám sát vốn vay và quản lý sau giải ngân; một số khách hàng cũng không tuân thủ đầy đủ cam kết tín dụng với ngân hàng.
MB Bắc Sài Gòn là chi nhánh thuộc Ngân hàng Quân đội, được thành lập năm 2005, hiện có trụ sở chính và hai phòng giao dịch trực thuộc. Đơn vị này từng tham gia các thương vụ đầu tư lớn như mua 2.000 tỷ đồng trái phiếu của một tập đoàn lớn, trong đó một nửa số trái phiếu sẽ đáo hạn vào năm 2025 và 2026.
Trong bức tranh toàn ngành, MBBank ghi nhận tăng trưởng tín dụng mạnh trong năm 2024 với mức 24,3% và dư nợ đạt khoảng 811.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức 1,2%. Riêng quý I/2025, MBBank tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tín dụng ở mức 2,31%. Năm 2025, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25%, trong đó ưu tiên 50% room cho bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất.
NHNN lấy ý kiến dự thảo quản lý ngoại hối đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư mới thay thế Thông tư 31/2018/TT-NHNN, nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, phù hợp với quy định tại Nghị định 132/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Dự thảo Thông tư đề xuất nhiều điểm mới, trong đó có việc cho phép nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đăng ký giao dịch ngoại hối qua phương thức điện tử, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Về đồng tiền sử dụng, nhà đầu tư được phép dùng ngoại tệ hợp pháp hoặc đồng Việt Nam nếu quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư có hiệp định song phương, đa phương với Việt Nam cho phép thanh toán bằng VND.
Dự thảo cũng quy định rõ việc mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ trước đầu tư. Mỗi nhà đầu tư phải mở một tài khoản riêng cho từng dự án; trường hợp thay đổi tài khoản phải chuyển toàn bộ số dư về tài khoản mới và đóng tài khoản cũ. Nếu không hình thành dự án đầu tư hoặc không được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư buộc phải chuyển toàn bộ ngoại tệ chưa sử dụng về nước và đóng tài khoản.
Các giao dịch thu, chi trên tài khoản ngoại tệ trước đầu tư cũng được quy định cụ thể, nhằm kiểm soát chặt chẽ dòng tiền trước khi dự án chính thức được cấp phép, đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp dầu khí.
BIDV huy động gần 1.000 tỷ đồng từ kênh trái phiếu trong tháng 5
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – HoSE: BID) vừa thu về 953 tỷ đồng từ hai đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ, mở màn cho hoạt động huy động vốn qua kênh này trong năm 2025. Cụ thể, BIDV phát hành mã trái phiếu BID12501 trị giá 780 tỷ đồng với kỳ hạn 7 năm, lãi suất 5,68%/năm và BID12503 trị giá 173 tỷ đồng với kỳ hạn 8 năm, lãi suất 5,9%/năm. Cả hai lô trái phiếu đều được phát hành ngày 15/5.
![]() |
BIDV huy động gần 1.000 tỷ đồng từ kênh trái phiếu trong tháng 5 |
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, ngân hàng này đã mua lại 4 mã trái phiếu trong tháng 4 và 5 với tổng giá trị 1.709 tỷ đồng. Lô trái phiếu có giá trị mua lại lớn nhất là BIDH2230002, trị giá 1.150 tỷ đồng, phát hành từ năm 2022 với kỳ hạn 8 năm.
Về kết quả kinh doanh, kết thúc quý I/2025, BIDV ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt gần 13.946 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế chỉ tăng nhẹ 0,3% lên 7.413 tỷ đồng do chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro tín dụng vẫn ở mức cao.
Cũng trong tháng 5, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cho biết đã phát hành thành công 700 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm với lãi suất 5,7%/năm. Động thái phát hành trái phiếu của các ngân hàng cho thấy nhu cầu huy động vốn dài hạn vẫn duy trì trong bối cảnh thị trường tài chính có nhiều biến động.
Nhiều tín hiệu tích cực trong xử lý nợ xấu ngân hàng
Hoạt động xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng đang ghi nhận những tín hiệu khởi sắc nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản và kỳ vọng vào khung pháp lý mới. Việc luật hóa các quy định trong Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu được đánh giá sẽ tháo gỡ nút thắt pháp lý, giúp các tổ chức tín dụng xử lý tài sản đảm bảo hiệu quả hơn.
Tại VietinBank, năm 2024 thu nợ xử lý rủi ro đạt hơn 8.000 tỷ đồng và đặt mục tiêu lên đến 15.000 tỷ đồng trong năm 2025. Ngân hàng này cũng tăng cường ứng dụng công nghệ để sớm nhận diện và cơ cấu lại khoản vay có rủi ro. Đồng thời, VietinBank đã trích lập dự phòng hơn 27.500 tỷ đồng – được xem là "lợi nhuận tiềm ẩn" nếu việc thu hồi nợ thuận lợi.
Theo báo cáo của các công ty chứng khoán như BSC, VPBankS và SSI, nhiều ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, BIDV, VietinBank đang có nguồn thu đáng kể từ nợ đã xóa sổ nhờ thanh khoản bất động sản cải thiện. Quý I/2025, thu nhập khác từ xử lý nợ xấu của ba ngân hàng này tăng tới 51% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng, sẽ được trình Quốc hội tháng 5/2025, đang thu hút sự quan tâm. Các chuyên gia cho rằng việc luật hóa các quyền thu giữ, xử lý tài sản đảm bảo sẽ giúp giảm chi phí, thời gian xử lý và ngăn chặn tình trạng chây ỳ trong trả nợ. Đây được xem là bước tiến quan trọng để ổn định hệ thống tài chính và nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro tín dụng.
Tỷ giá USD “Chợ đen” lao dốc, đồng bạc xanh suy yếu trên diện rộng
Sáng 24/5, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.960 VND/USD, tăng nhẹ 5 đồng so với phiên trước.
Tuy nhiên, tại thị trường tự do, giá USD lại lao dốc mạnh, giảm tới 56 đồng mỗi chiều, giao dịch phổ biến quanh mức 26.230 - 26.350 VND/USD.
![]() |
Tỷ giá USD “Chợ đen” lao dốc, đồng bạc xanh suy yếu trên diện rộng |
Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD cũng có xu hướng giảm. Cụ thể, Vietcombank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 25.740 - 26.130 VND/USD, giảm 20 đồng ở cả hai chiều. Trong khi đó, Sở giao dịch NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá mua - bán USD lên mức 23.762 - 26.158 VND/USD.
Trái với diễn biến trong nước, thị trường quốc tế ghi nhận đồng USD suy yếu mạnh. Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường sức mạnh đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt, giảm 0,86% còn 99,1 điểm – mức thấp nhất trong ba tuần. Nguyên nhân chính đến từ tâm lý lo ngại của nhà đầu tư sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 50% lên hàng hóa từ Liên minh châu Âu kể từ ngày 1/6, làm gia tăng rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu.
Đồng USD giảm mạnh 1% so với Yên Nhật, về mức 142,48 – mức thấp nhất trong hai tuần, và đã mất tổng cộng 2,2% trong cả tuần. Đồng Euro tăng 0,8%, đạt 1,1363 USD, trong khi đồng Bảng Anh bật tăng 0,9% lên 1,3533 USD – mức cao nhất trong hơn ba năm.
Diễn biến mới cho thấy tâm lý thị trường đang chuyển hướng khỏi đồng USD, tạo áp lực giảm lên tỷ giá tại Việt Nam, nhất là ở khu vực tự do.
Huy Tùng ( T/h)
- Điểm tin ngân hàng ngày 23/5: OCB sắp phát hành hơn 197 triệu cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ
- Agribank “tiếp lửa” cho doanh nghiệp tư nhân phát triển dài hạn
- Điểm tin ngân hàng ngày 22/5: Người dân gửi tiền vào ngân hàng tăng kỷ lục
- Điểm tin ngân hàng ngày 21/5: Mua bán USD trái phép có thể bị phạt tới 100 triệu đồng
- Điểm tin ngân hàng ngày 20/5: Tỷ giá USD thế giới giảm mạnh, “chợ đen” quay đầu tăng