Điểm tin ngân hàng ngày 23/5: OCB sắp phát hành hơn 197 triệu cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ

07:29 | 23/05/2025

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
ACB có thêm quỹ ngoại sở hữu trên 1% vốn;Bảo hiểm DBV thu hàng trăm tỷ đồng từ xe máy, bồi thường chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp; Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến sửa đổi Thông tư về hoạt động tái cấp vốn; Hơn 108 triệu hồ sơ ngân hàng đã được xác thực sinh trắc học…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật

OCB sắp phát hành hơn 197 triệu cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB – HoSE) vừa công bố kế hoạch phát hành 197,2 triệu cổ phiếu thưởng nhằm tăng vốn điều lệ, tương đương tỷ lệ 8%. Cụ thể, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 8 cổ phiếu mới. Nguồn vốn thực hiện phát hành được trích từ lợi nhuận lũy kế, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và thặng dư vốn cổ phần với tổng giá trị hơn 1.972 tỷ đồng.

Điểm tin ngân hàng ngày 23/5: OCB sắp phát hành hơn 197 triệu cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ
OCB sắp phát hành hơn 197 triệu cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ

Sau phát hành, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng từ 24.657,8 tỷ đồng lên 26.630,5 tỷ đồng. Số vốn tăng thêm dự kiến được ngân hàng sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất và bổ sung nguồn vốn kinh doanh, cho vay.

Phương án này đã được thông qua tại Đại hội cổ đông thường niên 2025. Năm nay, OCB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 316.779 tỷ đồng, tăng 13%; huy động thị trường 1 đạt 218.842 tỷ đồng, tăng 14%; dư nợ thị trường 1 đạt 208.472 tỷ đồng, tăng 16%. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 5.338 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2024, đồng thời kiểm soát nợ xấu dưới 3%.

Năm 2024, OCB đạt lợi nhuận trước thuế 4.006 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến chi trả cổ tức tiền mặt 7% với tổng số tiền 1.726 tỷ đồng, phần còn lại gần 1.980 tỷ đồng tiếp tục giữ lại làm nguồn vốn.

Trong một diễn biến liên quan, bà Nguyễn Việt Triều – vợ ông Ngô Hà Bắc, Thành viên HĐQT OCB – thông báo không bán thành công 200.000 cổ phiếu do giá không đạt kỳ vọng, đồng thời đăng ký bán tiếp 350.000 cổ phiếu từ 26/5 đến 24/6/2025. Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của bà Triều sẽ giảm xuống còn 0,188%.

ACB có thêm quỹ ngoại sở hữu trên 1% vốn

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ tính đến ngày 21/5/2025, ghi nhận sự xuất hiện mới của quỹ hưu trí đến từ Malaysia – Employees Provident Fund Board (EPF), với hơn 45,6 triệu cổ phiếu, tương đương 1,021% vốn điều lệ.

Việc EPF gia nhập danh sách cổ đông lớn diễn ra trong bối cảnh CVC Capital Partners – cổ đông lớn của ACB từ năm 2017 – được cho là đang cân nhắc thoái vốn, theo nguồn tin từ Reuters. Với room ngoại tại ACB đã kín (30%), sự xuất hiện của EPF nhiều khả năng là kết quả của việc một nhà đầu tư nước ngoài khác rút bớt vốn để “nhường chỗ”.

Đáng chú ý, nhóm cổ đông liên quan đến bà Ngô Thu Thuý – Chủ tịch CTCP Âu Lạc – cũng vừa nâng sở hữu tại ACB lên 7,825%, trong đó riêng hai người con là bà Nguyễn Thiên Hương và ông Nguyễn Đức Hiếu nắm tổng cộng 2,558%.

Về hoạt động kinh doanh, ACB đặt mục tiêu năm 2025 đạt lợi nhuận trước thuế 23.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2024. Tổng tài sản dự kiến gần 985.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay ước đạt 674.000 tỷ đồng, tăng 16%, với tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Kết thúc quý I/2025, ACB đạt lợi nhuận 4.600 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ do triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất. Tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ còn 1,48%, trong khi các chỉ số an toàn vốn như CAR duy trì ở mức tốt trên 11%. Vốn điều lệ hiện tại đạt 44.667 tỷ đồng, giúp ACB duy trì vị trí thứ 6 trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Bảo hiểm DBV thu hàng trăm tỷ đồng từ xe máy, bồi thường chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp

Công ty CP Tập đoàn Bảo hiểm DBV (trước đây là Bảo hiểm Hàng không - VNI) đang gây tranh cãi khi doanh thu từ bảo hiểm xe máy tăng mạnh, nhưng mức bồi thường lại rất thấp. Theo báo cáo tài chính quý I/2025, DBV đạt doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới 505 tỷ đồng, chiếm 67% tổng doanh thu. Tuy nhiên, phần lớn lợi nhuận đến từ bảo hiểm ô tô, trong khi bảo hiểm xe máy chiếm tỷ lệ bồi thường cực kỳ thấp.

Điểm tin ngân hàng ngày 23/5: OCB sắp phát hành hơn 197 triệu cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ
Ảnh minh họa

Cụ thể, trong năm 2023, DBV thu 625 tỷ đồng từ bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) xe cơ giới, trong đó xe máy đóng góp 110 tỷ nhưng chỉ có 66 hồ sơ được bồi thường với tổng số tiền 4,4 tỷ đồng – tương đương chưa đến 4% doanh thu từ mảng này. Con số này phản ánh tình trạng chung trên toàn thị trường, khi tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc xe máy trong 11 tháng năm 2024 chỉ đạt 3,8%.

Chuyên gia cho rằng đây là mức chi trả “quá thấp”, không tương xứng với doanh thu và so với tỷ lệ bồi thường ở các loại hình bảo hiểm phi nhân thọ khác, có thể lên tới 60%.

Dù doanh thu bảo hiểm DBV tăng 23% trong quý I/2025, đạt 614 tỷ đồng, chi phí bồi thường cũng tăng mạnh lên 352 tỷ đồng, khiến lợi nhuận trước thuế chỉ đạt hơn 11 tỷ đồng.

Ngoài ra, DBV vừa bị Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm xử phạt hành chính 260 triệu đồng vì vi phạm trong trích lập dự phòng, chậm bồi thường và sai sót trong báo cáo. Quyết định này yêu cầu người đại diện pháp luật của DBV, ông Nghiêm Xuân Thái, chịu trách nhiệm thi hành.

Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến sửa đổi Thông tư về hoạt động tái cấp vốn

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2022/TT-NHNN quy định về tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC). Việc sửa đổi nhằm phù hợp với cơ cấu tổ chức mới của NHNN và quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.

Theo NHNN, một số quy định trong Thông tư 15 không còn phù hợp do sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị nội bộ như Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và NHNN chi nhánh địa phương. Dự thảo đề xuất thay thế các đơn vị này bằng Cục Quản lý, giám sát tổ chức tín dụng và Thanh tra NHNN; đồng thời, cụm từ “NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố” được thay bằng “NHNN chi nhánh tại Khu vực”.

Đáng chú ý, Dự thảo cập nhật điều kiện tái cấp vốn theo Luật TCTD mới, thay đổi căn cứ từ khoản 1 Điều 130 sang khoản 1 Điều 138. Ngoài ra, quy trình tái cấp vốn cũng được bổ sung quy định rõ hơn về trách nhiệm của Thanh tra NHNN trong việc xem xét, đánh giá, đưa ra ý kiến và xử lý vi phạm của tổ chức tín dụng.

Với việc sửa đổi Thông tư 15 theo hướng chặt chẽ, đồng bộ và rõ ràng hơn, NHNN kỳ vọng sẽ tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, giám sát và hỗ trợ các ngân hàng thương mại tiếp cận nguồn tái cấp vốn thuận lợi hơn, phục vụ tốt hơn cho công tác xử lý nợ xấu và đảm bảo an toàn hệ thống.

Hơn 108 triệu hồ sơ ngân hàng đã được xác thực sinh trắc học

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, tính đến ngày 11/4/2025, đã có hơn 108 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân và hơn 530 nghìn hồ sơ khách hàng tổ chức được xác thực sinh trắc học qua căn cước công dân gắn chip hoặc VNeID. Đây là kết quả sau gần 10 tháng triển khai theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN, góp phần đảm bảo an toàn giao dịch và giảm đáng kể các vụ lừa đảo, mất tiền trong thanh toán trực tuyến.

Điểm tin ngân hàng ngày 23/5: OCB sắp phát hành hơn 197 triệu cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ
Hơn 108 triệu hồ sơ ngân hàng đã được xác thực sinh trắc học/Ảnh minh họa

Cùng với việc triển khai xác thực sinh trắc học, hệ sinh thái số trong ngành ngân hàng cũng phát triển mạnh mẽ. Trong năm 2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng 56,68% về số lượng và 32,79% về giá trị so với năm trước. Đáng chú ý, giao dịch qua QR Code tăng đột biến tới 104,65% về số lượng và 97,14% về giá trị. Riêng hai tháng đầu năm 2025, giao dịch TTKDTM tiếp tục tăng mạnh 41,28% về số lượng và 21,91% về giá trị.

Tổng số tài khoản Mobile-Money đạt 10,2 triệu, trong đó hơn 72% được mở tại vùng nông thôn, miền núi. Trong khi đó, giao dịch qua ATM tiếp tục giảm, phản ánh rõ xu hướng người dân chuyển sang thanh toán số.

Nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, NHNN đã ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP về TTKDTM và Thông tư 50/2024/TT-NHNN về bảo mật dịch vụ trực tuyến, đồng thời đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 về ứng dụng dữ liệu dân cư trong chuyển đổi số.

Việc triển khai xác thực sinh trắc học và thanh toán không dùng tiền mặt đang góp phần định hình một hệ sinh thái tài chính hiện đại, an toàn và minh bạch tại Việt Nam.

Huy Tùng ( T/h)