Điểm tin ngân hàng ngày 2/10: Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tháng 10 tăng nhẹ

08:45 | 02/10/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục bơm ròng thanh khoản vào cuối quý III/2024; SCB điều chỉnh hạn mức chuyển tiền nhanh Napas 247 cho khách hàng cá nhân; Dự báo xu hướng tỷ giá USD/VND trong quý IV/2024; NHNN nghiên cứu lộ trình bỏ room tín dụng... là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tháng 10 tăng nhẹ

Biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND tại các ngân hàng thương mại cổ phần cho thấy mức tăng nhẹ từ 0,1% đến 0,5%. Theo các chuyên gia phân tích, lãi suất huy động của các ngân hàng lớn có khả năng sẽ tiếp tục nhích lên trong những tháng cuối năm.

Điểm tin ngân hàng ngày 2/10: Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tháng 10 tăng nhẹ
Ảnh minh họa

Các ngân hàng như Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, và nhiều ngân hàng khác đã điều chỉnh lãi suất huy động cho các kỳ hạn 6, 9, 12 và 24 tháng với biên độ từ 0,1% đến 0,5%. Trong khi đó, lãi suất tại các ngân hàng có vốn Nhà nước vẫn ổn định so với tháng trước.

Cụ thể, Vietcombank: Lãi suất huy động giữ nguyên, kỳ hạn 6 và 9 tháng ở mức 2,9%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 4,6%/năm; BIDV: Lãi suất kỳ hạn 6 và 9 tháng là 3,0%/năm; kỳ hạn 12 và 24 tháng là 4,7%/năm; VietinBank: Kỳ hạn 6 và 9 tháng là 3,0%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 4,7%/năm.

Ở nhóm ngân hàng cổ phần, VPBank ghi nhận lãi suất tăng 0,2%, kỳ hạn 6 và 9 tháng đạt 4,9%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 5,4%/năm. SHB cũng tăng lãi suất tại kỳ hạn 6 tháng lên 4,7%/năm.

Tính đến đầu tháng 10, lãi suất tiết kiệm cao nhất được ghi nhận là 6,2%/năm cho kỳ hạn 24 tháng tại Indovina. So với tháng 9, có 12 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động, tuy nhiên đây là tháng có ít ngân hàng tăng lãi suất nhất kể từ tháng 4.

Dự báo của MBS Research cho thấy lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng có thể nhích lên 50 điểm cơ bản, đạt khoảng 5,2% đến 5,5% vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, lãi suất cho vay vẫn sẽ duy trì ở mức hiện tại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

NHNN liên tục bơm ròng thanh khoản vào cuối quý 3/2024

Trong những ngày cuối quý III/2024 (23-30/9), NHNN đã thực hiện việc bơm ròng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thông qua thị trường mở, với tổng giá trị bơm ròng đạt 69,147 tỷ đồng.

Cụ thể, vào phiên 30/9, NHNN đã cho 6 ngân hàng thành viên vay tổng cộng hơn 4,823 tỷ đồng qua kênh mua kỳ hạn 7 ngày (OMO) với lãi suất 4%/năm, giảm 25 điểm cơ bản so với phiên 13/9. Sự điều chỉnh này diễn ra trong bối cảnh đồng USD đang giảm giá mạnh trên thị trường quốc tế, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khởi động chu kỳ nới lỏng với việc giảm lãi suất 0,5%.

Trong phiên 30/9, NHNN không chào thầu tín phiếu nhưng đã đáo hạn khoản vay kênh cầm cố, hút khỏi thị trường 1,524 tỷ đồng thanh khoản, dẫn đến việc bơm ròng tổng cộng 3,299 tỷ đồng trong phiên này. Đây cũng là phiên thứ 6 liên tiếp NHNN thực hiện bơm ròng thanh khoản.

Theo SSI Research, NHNN đã sử dụng kênh mua kỳ hạn với khối lượng lớn nhằm cấp thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, giúp mặt bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm duy trì ổn định ở mức 4,23%.

Đáng chú ý, dư nợ tín dụng đã cải thiện, tăng 7,75% vào đầu tháng 9 so với 7,15% vào cuối tháng 8. Để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 (Yagi), ngành ngân hàng đang triển khai các giải pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn giảm lãi vay. NHNN dự kiến sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất trên kênh thị trường mở như một tín hiệu hỗ trợ cho nền kinh tế.

SCB điều chỉnh hạn mức chuyển tiền nhanh Napas 247 cho khách hàng cá nhân

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) vừa thông báo về việc điều chỉnh hạn mức giao dịch Chuyển tiền nhanh Napas 247 dành cho khách hàng cá nhân, có hiệu lực từ 13h00 ngày 30/9/2024.

Điểm tin ngân hàng ngày 2/10: Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tháng 10 tăng nhẹ
SCB điều chỉnh hạn mức chuyển tiền nhanh Napas 247 cho khách hàng cá nhân (Ảnh minh họa)

Theo quy định mới, hạn mức tối đa chuyển tiền nhanh ngoài hệ thống (bao gồm VietQR) cho mỗi khách hàng cá nhân là 100 triệu đồng/lần/ngày. Giao dịch có thể thực hiện qua kênh SCB eBanking hoặc tại quầy giao dịch.

Cụ thể, đối với các giao dịch xác thực qua vân tay hoặc Face ID, khách hàng có thể chuyển tối đa 2 triệu đồng/lần và 100 triệu đồng/ngày. Trong khi đó, đối với các giao dịch xác thực qua SMS OTP, Soft OTP hoặc Token Keypass, hạn mức tối đa là 100 triệu đồng/lần và 100 triệu đồng/ngày.

SCB cũng đã thực hiện nhiều lần điều chỉnh hạn mức giao dịch này trong thời gian qua, từ mức tối đa 200 triệu đồng vào ngày 15/8/2024, giảm xuống 50 triệu đồng vào 23/8 và 10 triệu đồng vào 12/9/2024.

Bên cạnh đó, từ ngày 30/9/2024, SCB cũng điều chỉnh hạn mức rút tiền trong nước cho các thẻ thanh toán cá nhân. Cụ thể, hạn mức rút tiền trong nước của thẻ ghi nợ nội địa SCB Napas, thẻ Mastercard Standard, thẻ Visa beYOU và thẻ Visa S-Digital sẽ là 50 triệu đồng/thẻ/ngày, tăng gấp 5 lần so với điều chỉnh gần nhất vào ngày 19/9/2024. Đối với thẻ Mastercard Signature/beGreat, khách hàng có thể rút tối đa 68 triệu đồng/thẻ/ngày.

Ngoài các điều chỉnh hạn mức giao dịch, SCB cũng liên tục đóng cửa các phòng giao dịch. Vào ngày 27/9/2024, ngân hàng đã thông báo đóng thêm 4 phòng giao dịch tại TP Hà Nội. Hạn mức giao dịch thẻ thanh toán hiện tại của khách hàng cá nhân không vượt quá 5 tỷ đồng/ngày theo quy định của SCB.

Dự báo xu hướng tỷ giá USD/VND trong quý IV/2024

Trong quý IV/2024, đồng VNĐ được dự báo sẽ không phải đối mặt với áp lực mất giá lớn nhờ vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất và nguồn cung ngoại tệ trong nước dồi dào.

Theo tìm hiểu, trong hai tháng gần đây, tỷ giá USD/VND đã giảm mạnh, với tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng kết thúc tháng 9 ở mức 24.560 VNĐ/USD, giảm gần 700 đồng so với cuối tháng 7. Lãi suất USD tại các ngân hàng cũng liên tục điều chỉnh giảm, với giá bán USD phổ biến từ 24.750 đến 24.800 VNĐ/USD và giá mua vào trong khoảng 24.350 đến 24.400 VNĐ/USD.

Chứng khoán MB (MBS) dự báo tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong khoảng 24.700 đến 24.900 VNĐ/USD trong quý IV, nhờ vào thặng dư thương mại tích cực và sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch. MBS cho rằng sự ổn định của môi trường vĩ mô sẽ hỗ trợ cho việc ổn định tỷ giá trong năm 2024.

Ngoài ra, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng khẳng định rằng đồng VNĐ sẽ không bị áp lực mất giá đáng kể trong thời gian tới. NHNN có thể tập trung vào việc hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và kích thích đầu tư trong nước.

Ngân hàng UOB nhận định rằng VNĐ đã ghi nhận mức tăng theo quý lớn nhất từ năm 1993, đạt 24.630 VNĐ/USD. Họ dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục dao động quanh mức 24.500 VNĐ/USD trong quý IV/2024, giảm xuống còn 24.300 VNĐ/USD trong quý I/2025.

UOB cũng cho rằng NHNN sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định trong phần còn lại của năm 2024, nhưng áp lực từ việc cắt giảm lãi suất của Fed có thể khiến NHNN xem xét nới lỏng chính sách trong tương lai.

NHNN nghiên cứu lộ trình bỏ room tín dụng

NHNN đang tiến hành nghiên cứu lộ trình dỡ bỏ dần việc áp dụng room tín dụng, theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ. Thông tin này được Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng chia sẻ tại Hội nghị thường trực Chính phủ với các ngân hàng thương mại.

Điểm tin ngân hàng ngày 2/10: Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tháng 10 tăng nhẹ
Ảnh minh họa

NHNN đang thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng một cách chủ động và linh hoạt, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Đồng thời, NHNN tiếp tục giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm cho các tổ chức tín dụng một cách công khai, minh bạch và phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô.

Theo các chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng, việc bãi bỏ room tín dụng sẽ giúp các ngân hàng có khả năng chủ động hơn trong việc lập kế hoạch kinh doanh, đồng thời cơ quan quản lý có thể sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc để kiểm soát tăng trưởng tín dụng.

Trong báo cáo tài chính quý II, một số ngân hàng như NCB, LPBank, HDBank và Techcombank đã ghi nhận tăng trưởng tín dụng trên 10% tính đến 30/6. Cụ thể, LPBank đạt gần 16% và HDBank trên 15%. NHNN cũng đã phân bổ hết room tín dụng 15% cho các ngân hàng ngay từ đầu năm.

Tại Kỳ họp Quốc hội tháng 5/2024, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh rằng việc áp dụng room tín dụng có thể dẫn đến tình trạng xin - cho và đề nghị cần bỏ hoàn toàn chỉ tiêu này. TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, các nước khác đang sử dụng hiệu quả các chỉ tiêu an toàn hệ thống như tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu (CAR) để kiểm soát tín dụng.

Trong quá trình rà soát để từng bước dỡ bỏ hoàn toàn biện pháp này, NHNN nhận thấy vẫn còn một số khó khăn, nhất là áp lực lạm phát đang hiện hữu. Việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng hiện nay nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng và góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.

HUy Tùng (T/h)

vietinbank
thaco