Điểm tin ngân hàng ngày 19/4: Ngân hàng dùng gần nửa nguồn dự phòng để xử lý nợ xấu

07:56 | 19/04/2025

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Thu ngân sách nhà nước vượt 800 nghìn tỷ đồng trong quý 1/2025; TPBank trình chia cổ tức tiền mặt 10%, nâng vốn điều lệ lên hơn 27.700 tỷ đồng; VietABank bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Trọng giữ chức Tổng Giám đốc; TP HCM nhận 2,4 tỉ USD kiều hối trong quý I/2025, tăng gần 20%...là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật

Ngân hàng dùng gần nửa nguồn dự phòng để xử lý nợ xấu

Tại tọa đàm góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) ngày 18/4, ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam – cho biết các ngân hàng đang đối mặt với áp lực lớn trong xử lý nợ xấu khi phải sử dụng tới 48% nguồn dự phòng rủi ro.

Điểm tin ngân hàng ngày 19/4: Ngân hàng dùng gần nửa nguồn dự phòng để xử lý nợ xấu
Ảnh minh họa

Trong 2 tháng đầu năm 2025, nợ xấu toàn hệ thống tăng khoảng 34.000 tỷ đồng, trong khi chỉ xử lý được 15.000 tỷ đồng. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống, bao gồm cả nợ bán cho VAMC và nợ tiềm ẩn, đạt 5,36%. Nếu loại trừ 5 ngân hàng yếu kém đang tái cấu trúc, tỷ lệ này vẫn ở mức đáng lo ngại 1,93%, tăng 0,2% so với năm trước.

Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do hành lang pháp lý thiếu đồng bộ, đặc biệt sau khi Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu hết hiệu lực. Luật Các TCTD sửa đổi năm 2024 không quy định quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ), khiến các ngân hàng gặp khó trong thu hồi nợ. Trong khi đó, việc khách hàng chủ động trả nợ chiếm chưa đến 40%, còn lại phụ thuộc nhiều vào xử lý TSBĐ hoặc thông qua VAMC.

Hiệp hội Ngân hàng đề xuất Quốc hội cần luật hóa quyền thu giữ, kê biên và hoàn trả TSBĐ trong các vụ án hình sự, hành chính vào dự thảo Luật sửa đổi, nhằm tháo gỡ vướng mắc và bảo vệ quyền lợi ngân hàng cũng như người gửi tiền.

Chuyên gia Cấn Văn Lực nhấn mạnh, việc sửa luật lần này cần hướng đến đồng bộ pháp lý, khơi thông nguồn lực và nâng cao hiệu quả quản lý nợ trong bối cảnh nợ xấu đang gia tăng nhanh.

Thu ngân sách nhà nước vượt 800 nghìn tỷ đồng trong quý 1/2025

Chiều 18/4, tại cuộc họp giao ban công tác tháng 4 và quý 1/2025, Bộ Tài chính cho biết tổng thu ngân sách nhà nước tính đến ngày 15/4 đạt 801,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 40,77% dự toán. Trong đó, thu ngân sách Trung ương đạt 407,2 nghìn tỷ đồng, còn ngân sách địa phương là 394,7 nghìn tỷ đồng.

Thu nội địa đạt kết quả tích cực với 646,3 nghìn tỷ đồng, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2024. Kết quả này có được nhờ đà tăng trưởng kinh tế từ cuối năm 2024 tiếp tục duy trì, cùng với việc ngành Thuế đẩy mạnh chuyển đổi số, quản lý chặt nguồn thu, xử lý nợ đọng và đôn đốc nộp thuế kịp thời.

Đáng chú ý, thu từ ba khu vực kinh tế chính đạt 317,1 nghìn tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng gần 20%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 36%, trong khi khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 7,6%.

Cả nước có 35/63 địa phương thu nội địa đạt trên 30% dự toán, và 53 địa phương có mức thu tăng so với cùng kỳ. Ở chiều chi, ngân sách nhà nước đã chi 428,2 nghìn tỷ đồng, đạt 16,8% dự toán, tập trung vào đầu tư phát triển, chi thường xuyên và trả nợ lãi. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã xuất cấp hơn 6.000 tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đánh giá kết quả thu ngân sách quý 1 là điểm sáng, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời khẳng định Bộ sẽ tiếp tục chủ động ứng phó và tham mưu hiệu quả trong thời gian tới.

TPBank công bố chia cổ tức tiền mặt 10%, nâng vốn điều lệ lên hơn 27.700 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – HOSE: TPB) vừa công bố tài liệu bổ sung cho Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025. Theo đó, ngân hàng bổ sung thêm tờ trình về phương án chi trả cổ tức tiền mặt và phương án tăng vốn điều lệ năm 2025.

Điểm tin ngân hàng ngày 19/4: Ngân hàng dùng gần nửa nguồn dự phòng để xử lý nợ xấu
TPBank trình chia cổ tức tiền mặt 10%, nâng vốn điều lệ lên hơn 27.700 tỷ đồng

Cụ thể, Hội đồng Quản trị TPBank trình phương án chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10% (1.000 đồng/cổ phiếu), từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ đến hết ngày 31/12/2024, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 đã kiểm toán. Thời gian chi trả sẽ do HĐQT quyết định, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.

Song song, TPBank dự kiến phát hành thêm hơn 132 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 5%. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm khoảng 1.320 tỷ đồng, từ mức 26.420 tỷ đồng lên hơn 27.740 tỷ đồng.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp TPBank thực hiện chi trả cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Năm 2024, ngân hàng đã chia cổ tức tiền mặt 5%, chi hơn 1.100 tỷ đồng, đồng thời phát hành thêm hơn 440 triệu cổ phiếu, nâng vốn điều lệ từ 22.016 tỷ đồng lên 26.420 tỷ đồng. Trước đó năm 2023, TPBank cũng chi tới 4.000 tỷ đồng chia cổ tức tiền mặt và phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 39,19%.

Tại ĐHĐCĐ sắp tới, TPBank dự kiến trình kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 9.000 tỷ đồng (tăng 18,4% so với 2024), tổng tài sản đạt 450.000 tỷ đồng, huy động vốn 420.000 tỷ đồng và dư nợ cho vay cùng trái phiếu tổ chức kinh tế đạt 313.750 tỷ đồng.

VietABank bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Trọng giữ chức Tổng Giám đốc

Mới đây, Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank – mã chứng khoán: VAB) đã chính thức bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Trọng giữ chức vụ Tổng Giám đốc, sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt.

Ông Nguyễn Văn Trọng sinh năm 1970, có bằng Thạc sĩ Kinh tế và sở hữu hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính – ngân hàng. Ông từng giữ nhiều vị trí quản lý cấp cao tại các tổ chức lớn trong nước. Tại VietABank, ông Trọng đã có hơn 5 năm gắn bó và từng đảm nhiệm các vị trí quan trọng như Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính và điều hành, quyền Tổng Giám đốc từ tháng 9/2021 đến nay. Ông được đánh giá cao về năng lực điều hành và đóng góp lớn vào sự phát triển ổn định của ngân hàng.

Phát biểu tại lễ bổ nhiệm, ông Trọng cam kết tiếp tục phát huy năng lực để cùng VietABank triển khai hiệu quả các chiến lược đã đề ra, tập trung vào tăng trưởng quy mô, mở rộng mạng lưới, hiện đại hóa quản trị và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

Trong năm 2024, VietABank đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu tài chính quan trọng. Đồng thời, ngân hàng tiếp tục được Moody’s xếp hạng tín nhiệm ở mức B2 với triển vọng ổn định – năm thứ 4 liên tiếp giữ vững mức xếp hạng này.

Năm 2025, VietABank đặt trọng tâm vào chuyển đổi số, phát triển bền vững và tối ưu vận hành. Mục tiêu là tổng tài sản đạt trên 128.000 tỷ đồng, huy động vốn trên 101.000 tỷ, tín dụng vượt 88.000 tỷ đồng và lợi nhuận tăng hơn 20% so với năm trước. Ngân hàng cũng kỳ vọng sẽ hoàn tất niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE ngay trong quý 2/2025.

TP HCM nhận 2,4 tỉ USD kiều hối trong quý I/2025, tăng gần 20%

Ngày 18-4, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 cho biết, tính đến hết tháng 3/2025, TP HCM đã tiếp nhận khoảng 2,4 tỉ USD kiều hối, tăng 19,6% so với quý IV/2024. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy dòng vốn từ nước ngoài tiếp tục đổ mạnh về thành phố trong bối cảnh kinh tế phục hồi và phát triển ổn định.

Điểm tin ngân hàng ngày 19/4: Ngân hàng dùng gần nửa nguồn dự phòng để xử lý nợ xấu
Ảnh minh họa

Phó Giám đốc Nguyễn Đức Lệnh cho biết, khu vực châu Á tiếp tục là nguồn kiều hối lớn nhất, chiếm tới 48,7% tổng lượng kiều hối và tăng mạnh 46,1% so với quý trước, cao nhất trong các khu vực. Sự gia tăng đáng kể này phản ánh hiệu quả của các chính sách điều hành tiền tệ, ngoại hối, cải thiện môi trường đầu tư và hoạt động hiệu quả của các công ty kiều hối cũng như hệ thống ngân hàng thương mại.

Cụ thể, trong quý I/2025, lượng kiều hối chuyển qua các công ty kiều hối đạt 1,757 tỉ USD, còn qua hệ thống ngân hàng thương mại đạt 655 triệu USD. Trước đó, năm 2024, TP HCM ghi nhận mức kiều hối kỷ lục với khoảng 9,6 tỉ USD – cao nhất từ trước đến nay.

Các chuyên gia nhận định, với đà tăng trưởng kinh tế tích cực và môi trường đầu tư thuận lợi, kiều hối sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2025 và các năm tới, trở thành nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định tỷ giá và cải thiện cán cân thanh toán.

Huy Tùng (T/h)