Điểm tin ngân hàng ngày 16/5: Tăng quyền xử lý nợ xấu, sửa quy định cho vay đặc biệt lãi suất 0%
Tăng quyền xử lý nợ xấu, sửa quy định cho vay đặc biệt lãi suất 0%
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng nhằm luật hóa các quy định quan trọng của Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu. Động thái này nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, hỗ trợ hệ thống ngân hàng xử lý hiệu quả các khoản nợ xấu đang gia tăng, từ đó góp phần ổn định và nâng cao an toàn hệ thống tài chính.
![]() |
NHNN đề xuất tăng quyền xử lý nợ xấu, sửa quy định cho vay đặc biệt lãi suất 0%/Ảnh minh họa |
NHNN cho biết, tỷ lệ nợ xấu hiện nay đang có xu hướng gia tăng, tạo áp lực lớn cho toàn ngành trong bối cảnh năm 2025 là năm bản lề để hoàn thành các mục tiêu phát triển giai đoạn 2021–2025. Nguyên nhân chính xuất phát từ khó khăn kinh tế trong và ngoài nước, sự phục hồi chậm của thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, cùng với năng lực quản trị hạn chế của một số tổ chức tín dụng. Ngoài ra, việc chưa luật hóa đầy đủ các quy định trong Nghị quyết 42 cũng gây khó khăn trong thu hồi nợ và phát triển thị trường mua bán nợ.
Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo sửa luật là đề xuất điều chỉnh quy định về thẩm quyền cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không cần tài sản bảo đảm. Quy định này nhằm đảm bảo việc hỗ trợ kịp thời các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, đồng thời đảm bảo an toàn, tránh tiêu cực và thất thoát tài sản nhà nước.
NHNN nhấn mạnh, các chính sách sửa đổi cần được xây dựng đồng bộ, đánh giá tác động cụ thể và đảm bảo tính khả thi cao trong thực tiễn thi hành. Dự thảo đang được hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua trong thời gian tới.
Nhiều ngân hàng đua nhau chốt quyền trả cổ tức tiền mặt và cổ phiếu trong tháng 5
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa thông báo ngày 26/5/2025 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức năm 2024, bao gồm cả tiền mặt và cổ phiếu. Theo đó, cổ đông sẽ được nhận cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10% (1.000 đồng/cổ phiếu), tổng giá trị chi trả dự kiến hơn 4.467 tỷ đồng, thanh toán vào ngày 5/6/2025. Đồng thời, ACB cũng sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%, tương ứng 100 cổ phiếu nhận thêm 15 cổ phiếu mới.
Tính từ đầu năm đến nay, ACB là ngân hàng thứ năm công bố ngày chốt quyền nhận cổ tức tiền mặt. Trước đó, LPBank thông báo chi cổ tức 25% bằng tiền mặt – mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng hiện nay, với tổng giá trị chi trả lên tới hơn 7.468 tỷ đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 20/5 và thanh toán dự kiến vào 28/5.
VPBank chốt quyền vào ngày 16/5, chi cổ tức 5% tương ứng 3.967 tỷ đồng, thanh toán vào 23/5. TPBank cũng thông báo chia cổ tức tiền mặt 10% vào ngày 23/5, với tổng số tiền dự chi khoảng 2.642 tỷ đồng. VIB đã thực hiện chốt quyền vào ngày 23/4 với tỷ lệ chi trả 7% và số tiền tương ứng 2.085 tỷ đồng.
Ngoài các ngân hàng trên, Techcombank, SHB, OCB và MB cũng đã thông qua kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2025, cho thấy xu hướng chia cổ tức bằng tiền mặt đang được nhiều ngân hàng lựa chọn trong bối cảnh hoạt động kinh doanh duy trì lợi nhuận tích cực.
Xe khách Sài Gòn lãi sụt giảm, loạt cổ đông lớn đồng loạt thoái vốn
Công ty Cổ phần Xe khách Sài Gòn (mã: BSG) đang chứng kiến làn sóng thoái vốn lớn từ các cổ đông chiến lược trong bối cảnh kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh.
![]() |
Xe khách Sài Gòn lãi sụt giảm, loạt cổ đông lớn đồng loạt thoái vốn/Ảnh minh họa |
Cụ thể, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Thành Đô – cổ đông lớn nhất tại BSG – vừa đăng ký bán toàn bộ gần 14,43 triệu cổ phiếu BSG, tương ứng 24,05% vốn điều lệ, với lý do giải quyết nhu cầu tài chính để mở rộng đầu tư. Cùng thời điểm, ông Phạm Anh Hưng và ông Nguyễn Văn Thành – hai cổ đông lớn có liên quan đến ông Trần Ngọc Dân, Ủy viên HĐQT của BSG – cũng đăng ký bán toàn bộ 9 triệu cổ phiếu (15%) và 4,5 triệu cổ phiếu (7,5%).
Giao dịch thoái vốn dự kiến diễn ra từ ngày 16/5 đến 13/6/2025 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Nếu thành công, cả ba cổ đông lớn nói trên sẽ không còn nắm giữ cổ phần tại BSG.
Động thái này diễn ra ngay sau khi Xe khách Sài Gòn công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 không mấy tích cực. Theo báo cáo tài chính, doanh thu đạt 111,3 tỷ đồng, giảm gần 25% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ đạt 1,23 tỷ đồng, giảm tới 87,5%; lợi nhuận trước thuế cũng giảm hơn 84%, chỉ đạt 1,5 tỷ đồng – mức thấp nhất kể từ quý II/2022.
So với kế hoạch năm 2025 (doanh thu 562,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 16,37 tỷ đồng), công ty mới hoàn thành khoảng 20% mục tiêu doanh thu và hơn 9% chỉ tiêu lợi nhuận sau quý đầu năm.
VietABank hoàn tất nâng cấp hệ thống phòng chống rửa tiền thế hệ mới
Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) vừa công bố đã hoàn thành triển khai hệ thống phòng chống rửa tiền (AML) thế hệ mới, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược nâng cao năng lực quản trị rủi ro và tuân thủ pháp lý toàn diện.
Hệ thống AML mới cho phép VietABank giám sát giao dịch theo thời gian thực, phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro, phát hiện và cảnh báo các hành vi bất thường. Hệ thống hoạt động theo mô hình ba tuyến bảo vệ, đảm bảo tuân thủ từ cấp phòng ban đến toàn ngân hàng, đồng thời tích hợp tự động với các nghiệp vụ ngân hàng nhằm tối ưu hóa quy trình vận hành.
Ngoài chức năng phát hiện rủi ro rửa tiền và xử lý giao dịch đáng ngờ, hệ thống còn được tích hợp khả năng lưu trữ thông tin định danh khách hàng (KYC), tăng tốc độ xử lý giao dịch và cải thiện độ chính xác trong quản lý tài chính.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Tổng Giám đốc VietABank, khẳng định: “Việc hoàn thành hệ thống AML thế hệ mới không chỉ giúp ngân hàng tuân thủ các quy định trong nước và quốc tế mà còn là nền tảng để thích ứng với các thay đổi pháp lý trong tương lai, bảo vệ khách hàng và tăng cường an ninh tài chính”.
Dự án này là một phần trong chiến lược chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản trị của VietABank. Ngân hàng đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt tổng tài sản hơn 128.000 tỷ đồng, huy động vốn trên 101.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng vượt 88.000 tỷ đồng và lợi nhuận tăng trên 20% so với năm trước. VietABank cũng dự kiến nâng vốn điều lệ lên hơn 11.500 tỷ đồng để phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững, chuyển đổi số và xanh hóa hoạt động ngân hàng.
Tổng tài sản của Sacombank tăng lên 757,093 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã: STB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 3.674 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả tăng trưởng ấn tượng này chủ yếu nhờ ngân hàng mạnh tay cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
![]() |
Tổng tài sản của Sacombank tăng lên 757,093 tỷ đồng |
Trong quý đầu năm, Sacombank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 6.863 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng mạnh 26%, đạt gần 728 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối ổn định với 308 tỷ đồng, nhưng hoạt động kinh doanh khác ghi nhận khoản lỗ 103 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động tăng 11%, lên mức 3.927 tỷ đồng, song lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn tăng 16%, đạt 3.869 tỷ đồng. Đặc biệt, chi phí dự phòng rủi ro chỉ còn 195 tỷ đồng, giảm tới 71%, góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế quý I. Với mục tiêu lãi trước thuế cả năm 2025 là 14.650 tỷ đồng, Sacombank đã hoàn thành 25% kế hoạch chỉ sau một quý.
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản Sacombank đạt 757.093 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 546.327 tỷ đồng, tăng 5%; tiền gửi khách hàng đạt 585.569 tỷ đồng, tăng 3%. Trong khi đó, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác giảm 13%, xuống còn 53.415 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu đến cuối quý I/2025 là 14.151 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng nhẹ từ 2,4% lên 2,51%, do nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn lần lượt tăng 5% và 12%.
Huy Tùng ( T/h)
-
Điểm tin ngân hàng ngày 15/5: Giảm lãi vay gói 120.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội
-
Điểm tin ngân hàng ngày 14/5: Vietcombank rao bán 5 bất động sản tại Quảng Ninh
-
Điểm tin ngân hàng ngày 13/5: Tăng tốc cuộc đua Private Banking phục vụ giới siêu giàu
-
Điểm tin ngân hàng ngày 12/5: Nhiều ngân hàng đua nhau tung lãi suất vay mua nhà ưu đãi
- Điểm tin ngân hàng ngày 15/5: Giảm lãi vay gói 120.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội
- Điểm tin ngân hàng ngày 14/5: Vietcombank rao bán 5 bất động sản tại Quảng Ninh
- Điểm tin ngân hàng ngày 13/5: Tăng tốc cuộc đua Private Banking phục vụ giới siêu giàu
- Điểm tin ngân hàng ngày 12/5: Nhiều ngân hàng đua nhau tung lãi suất vay mua nhà ưu đãi
- Điểm tin ngân hàng tuần qua: Ngân hàng nào có tỷ lệ CIR thấp nhất quý I/2025?