Điểm tin ngân hàng ngày 15/5: Giảm lãi vay gói 120.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội
Giảm lãi vay gói 120.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội, đẩy mạnh giải ngân
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tiến độ thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, đến nay đã có 38/63 tỉnh, thành công bố 97 dự án đủ điều kiện vay vốn. Tổng số tiền đã giải ngân đạt khoảng 3.400 tỷ đồng, trong đó 550 tỷ đồng được giải ngân chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025.
![]() |
Ảnh minh họa |
Trong số này, khoảng 2.940 tỷ đồng được cho các chủ đầu tư 21 dự án vay, còn gần 460 tỷ đồng dành cho người dân mua nhà ở xã hội tại 19 dự án. Đáng chú ý, lãi suất vay đã được điều chỉnh giảm đáng kể nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.
Cụ thể, từ tháng 7/2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 5 lần giảm lãi suất gói tín dụng. Đối với chủ đầu tư, lãi vay đã giảm từ 8,7% xuống còn 6,6%/năm; với người mua nhà, giảm từ 8,2% còn 6,1%/năm. Mức giảm hơn 2% giúp giảm áp lực tài chính và tạo động lực thúc đẩy nhu cầu nhà ở xã hội.
Dù vậy, Bộ Xây dựng đánh giá tiến độ giải ngân vẫn chậm do nguồn cung nhà ở xã hội hạn chế và nhiều chủ đầu tư chưa đáp ứng đủ điều kiện vay vốn. Để khơi thông nguồn vốn, Bộ đề xuất tiếp tục rà soát, tháo gỡ vướng mắc, đôn đốc các địa phương công bố danh mục dự án đủ điều kiện vay.
Bộ cũng kiến nghị cho phép các khoản vay mua nhà ở xã hội không tính vào hạn mức tăng trưởng tín dụng ngân hàng, đồng thời sớm thành lập Quỹ nhà ở xã hội để tạo nguồn vốn dài hạn phục vụ phát triển lĩnh vực này.
Giá vàng biến động mạnh, Thủ tướng chỉ đạo thanh tra gấp, xử lý nghiêm vi phạm
Trước tình hình giá vàng trong nước biến động mạnh, chênh lệch với giá vàng thế giới gia tăng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện số 64/CĐ-TTg yêu cầu triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nhằm quản lý hiệu quả thị trường vàng.
Theo công điện, thời gian đầu tháng 4/2025, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới từng được kiểm soát ở mức 1-2%. Tuy nhiên, do những bất ổn địa chính trị toàn cầu cùng các yếu tố nội tại chưa được khắc phục triệt để, thị trường vàng đã xuất hiện diễn biến bất thường, ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô và tâm lý xã hội.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến thị trường, khẩn trương thực hiện các giải pháp bình ổn giá vàng, không để tác động xấu đến tỷ giá, lãi suất, an toàn tài chính quốc gia. Đồng thời, phải khẩn trương ban hành kết luận thanh tra các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh vàng theo quyết định từ tháng 5/2024 và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ hoàn thiện đề xuất sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo thủ tục rút gọn trong tháng 6/2025, nhằm tăng cường công cụ quản lý và phát triển thị trường minh bạch, bền vững.
Bộ Công an được giao chủ trì phối hợp xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, đầu cơ, thao túng thị trường vàng. Các cơ quan truyền thông được yêu cầu tăng cường cung cấp thông tin chính thức, minh bạch để ổn định tâm lý người dân.
Cổ phiếu VPBank tăng trần với thanh khoản kỷ lục trước ngày chốt quyền nhận cổ tức
Trong phiên giao dịch ngày 14/5, cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ghi nhận mức tăng trần 6,78%, lên 18.900 đồng/cổ phiếu, với thanh khoản đạt gần 95,6 triệu đơn vị – mức cao nhất kể từ khi cổ phiếu này niêm yết trên sàn chứng khoán. VPB cũng trở thành mã tăng mạnh nhất trong nhóm VN30 và dẫn đầu toàn thị trường về khối lượng giao dịch.
![]() |
Cổ phiếu VPBank tăng trần với thanh khoản kỷ lục trước ngày chốt quyền nhận cổ tức |
Diễn biến bứt phá của VPB diễn ra ngay trước ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt (15/5). Theo kế hoạch, VPBank sẽ chi hơn 3.967 tỷ đồng để trả cổ tức với tỷ lệ 5%/mệnh giá (500 đồng/cp), đánh dấu năm thứ ba liên tiếp ngân hàng thực hiện chính sách cổ tức tiền mặt. Tổng cộng trong ba năm qua, ngân hàng đã chi gần 20.000 tỷ đồng cho hoạt động này.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng khẳng định ngân hàng sẽ duy trì chính sách cổ tức tiền mặt đến năm 2027, tuy nhiên mức chi cụ thể sẽ phụ thuộc vào kết quả kinh doanh từng năm và nhu cầu vốn cho tăng trưởng dài hạn. Ông nhấn mạnh: “Cổ tức là để tri ân cổ đông, nhưng vẫn phải đảm bảo nguồn lực cho phát triển bền vững”.
Theo báo cáo tài chính quý I/2025, VPBank hiện là ngân hàng tư nhân có quy mô tài sản lớn nhất hệ thống, với tổng tài sản đạt hơn 994.000 tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2024. Ngân hàng kỳ vọng đạt mốc 1 triệu tỷ đồng tài sản trong quý II/2025.
HDBank bổ nhiệm nhân sự cấp cao, triển khai chiến lược phát triển giai đoạn 2025-2030
Ngày 14/5/2025, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank, mã chứng khoán: HDB) chính thức công bố việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo cấp cao, nằm trong kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển giai đoạn 2025-2030.
Theo đó, Hội đồng Quản trị HDBank đã thống nhất bầu ông Phạm Quốc Thanh, hiện là Thành viên HĐQT, giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027. Với quyết định này, ông Phạm Quốc Thanh sẽ rời vị trí Quyền Tổng Giám đốc để đảm nhiệm vai trò mới trong Ban lãnh đạo.
Đồng thời, HDBank bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Đặng làm Tổng Giám đốc ngân hàng kể từ tháng 5/2025. Ông Nguyễn Hữu Đặng là một lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng – tài chính, từng giữ nhiều vị trí quản lý chủ chốt trong hệ thống HDBank.
Theo đại diện ngân hàng, việc thay đổi nhân sự lần này là bước đi quan trọng trong quá trình xây dựng mô hình HD Financial Group – tập đoàn tài chính ngân hàng đa năng, hiện đại và phát triển bền vững. Chiến lược này được HDBank định hướng thực hiện trong 5 năm tới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng hệ sinh thái tài chính và phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng.
Thông qua việc kiện toàn nhân sự cấp cao, HDBank thể hiện quyết tâm chuyển mình mạnh mẽ để hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những định chế tài chính hàng đầu tại Việt Nam và khu vực.
Tỷ giá USD, thế giới phục hồi nhẹ, thị trường trong nước giảm giá
Sáng 15/5, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố giữ nguyên ở mức 24.973 VND/USD so với phiên liền trước. Trong khi đó, thị trường quốc tế ghi nhận sự phục hồi nhẹ của đồng bạc xanh sau chuỗi phiên điều chỉnh.
![]() |
Ảnh minh họa |
Cụ thể, chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường sức mạnh của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), tăng 0,07%, lên mức 101,02 điểm. Động thái này phản ánh tâm lý tích cực của nhà đầu tư trước triển vọng hạ nhiệt căng thẳng thương mại toàn cầu, nhất là sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận tạm thời về thuế quan.
Tuy nhiên, áp lực điều chỉnh vẫn hiện hữu khi dữ liệu lạm phát mới tại Mỹ thấp hơn kỳ vọng. Đồng USD giảm giá so với Yên Nhật (giảm 0,89% còn 146,16 Yên) và bảng Anh (giảm 0,1% còn 1,3291 USD). Đồng Euro cũng giảm nhẹ 0,06%, giao dịch ở mức 1,1177 USD.
Tại thị trường trong nước, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm. Vietcombank hiện niêm yết ở mức 25.730 – 26.120 VND/USD, giảm 20 VND ở cả hai chiều mua vào – bán ra. Tại Sở giao dịch NHNN, tỷ giá mua vào – bán ra lần lượt là 23.775 – 26.171 VND/USD.
Trên thị trường tự do, giá USD “chợ đen” sáng nay giảm nhẹ với mức 26.466 VND ở chiều mua vào và 26.566 VND ở chiều bán ra, giảm lần lượt 3 VND và 31 VND so với phiên trước.
Đáng chú ý, trong khi tỷ giá USD giảm, tỷ giá EUR và Yên Nhật tại Sở giao dịch NHNN lại điều chỉnh tăng, lần lượt đạt mức 26.556 – 29.351 VND và 161 – 178 VND mỗi đơn vị.
Huy Tùng ( T/h)
- Điểm tin ngân hàng ngày 14/5: Vietcombank rao bán 5 bất động sản tại Quảng Ninh
- Điểm tin ngân hàng ngày 13/5: Tăng tốc cuộc đua Private Banking phục vụ giới siêu giàu
- Điểm tin ngân hàng ngày 12/5: Nhiều ngân hàng đua nhau tung lãi suất vay mua nhà ưu đãi
- Điểm tin ngân hàng tuần qua: Ngân hàng nào có tỷ lệ CIR thấp nhất quý I/2025?
- Điểm tin ngân hàng ngày 10/5: Ngân hàng dẫn đầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp