Điểm tin ngân hàng ngày 14/5: Vietcombank rao bán 5 bất động sản tại Quảng Ninh
Vietcombank rao bán 5 bất động sản tại Quảng Ninh
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa thông báo đấu giá 5 bất động sản (BĐS) tại Dự án nhà ở công cộng Vincom, phường Cẩm Bình, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, với tổng giá trị định giá hơn 30 tỷ đồng và giá khởi điểm từ 22 tỷ đồng.
![]() |
Vietcombank rao bán 5 bất động sản tại Quảng Ninh |
Cụ thể, hai BĐS thuộc tài sản bảo đảm (TSBĐ) của Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Thái Dương Cường gồm: PG02-16 có giá khởi điểm 5,96 tỷ đồng (định giá 9,2 tỷ đồng) và PG02-18 có giá khởi điểm 3,67 tỷ đồng (định giá hơn 5,27 tỷ đồng). Hồ sơ đấu giá được tiếp nhận từ ngày 8 đến 26/5/2025, phiên đấu giá dự kiến tổ chức ngày 29/5/2025.
Ba BĐS khác thuộc TSBĐ của Công ty TNHH XNK Khôi Nguyên Huyền cũng nằm trong cùng dự án. Trong đó, PG02-22 có giá khởi điểm 3,89 tỷ đồng (định giá 5,39 tỷ đồng); PG02-21 và PG02-17 có giá khởi điểm lần lượt 3,69 tỷ đồng, mỗi căn được định giá 5,29 tỷ đồng.
Ngoài Quảng Ninh, Vietcombank còn đang thanh lý nhiều BĐS tại các địa phương khác. Tại phường Bách Quang, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, ngân hàng đang rao bán 4 BĐS với tổng diện tích hơn 7.800m², giá khởi điểm hơn 39,7 tỷ đồng. Các tài sản gồm cả đất ở và đất trồng cây lâu năm.
Tại TP.HCM, Vietcombank cũng đang rao bán quyền sử dụng đất tại thửa số 736, tờ bản đồ số 5, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, với giá khởi điểm từ 14,4 tỷ đồng. Diện tích ghi trên giấy chứng nhận là 278,5m², theo hiện trạng là 295,1m². Đây là tài sản bị kê biên thi hành án, người trúng đấu giá sẽ tự thực hiện thủ tục pháp lý liên quan.
VietABank triển khai hệ thống phòng chống rửa tiền thế hệ mới
Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank – VAB) vừa chính thức đưa vào vận hành hệ thống phòng chống rửa tiền (AML) thế hệ mới, ứng dụng công nghệ hiện đại hàng đầu hiện nay. Đây là bước đi chiến lược nhằm tăng cường năng lực quản trị rủi ro và đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật trong nước và quốc tế về phòng chống rửa tiền.
Hệ thống AML mới được thiết kế theo mô hình “ba tuyến phòng vệ”, cho phép tự động phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro, giám sát giao dịch theo thời gian thực và đưa ra cảnh báo sớm đối với các giao dịch bất thường. Bên cạnh đó, hệ thống tích hợp các tính năng nổi bật như lưu trữ thông tin khách hàng (KYC), rà soát và báo cáo giao dịch đáng ngờ, cảnh báo thông minh và kết nối tự động với các nghiệp vụ ngân hàng, góp phần tối ưu hóa quy trình làm việc, nâng cao hiệu quả kiểm soát rủi ro và bảo vệ an toàn tài chính.
Tổng Giám đốc VietABank, ông Nguyễn Văn Trọng cho biết: “Việc triển khai AML thế hệ mới nằm trong chiến lược tổng thể của VietABank nhằm hiện đại hóa hoạt động, thích ứng linh hoạt với các yêu cầu pháp lý, nâng cao năng lực vận hành và phát triển bền vững”. Hệ thống cũng được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng một môi trường tài chính minh bạch, an toàn cho khách hàng và cộng đồng.
Năm 2025, VietABank đặt mục tiêu đạt tổng tài sản trên 128.000 tỷ đồng, huy động vốn trên 101.000 tỷ đồng và tín dụng tăng trưởng vượt 88.000 tỷ đồng, cùng với đó là lợi nhuận tăng trên 20% so với năm 2024 và vốn điều lệ đạt trên 11.500 tỷ đồng. Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, lấy khách hàng làm trung tâm và triển khai chiến lược chuyển đổi xanh toàn diện.
Đề xuất giảm 50% nhiều loại lệ phí, hỗ trợ doanh nghiệp hơn 3.000 tỷ đồng
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư về việc giảm một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp. Dự kiến chính sách này sẽ giúp tiết kiệm khoảng hơn 3.000 tỷ đồng cho các đối tượng thụ hưởng.
![]() |
Đề xuất giảm 50% nhiều loại lệ phí, hỗ trợ doanh nghiệp hơn 3.000 tỷ đồng |
Theo dự thảo, từ ngày 1/6/2025 đến hết ngày 31/12/2026, nhiều loại lệ phí sẽ được giảm tới 50%. Trong đó, đáng chú ý là lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng sẽ chỉ còn một nửa so với quy định hiện hành tại Thông tư 150/2016/TT-BTC. Các loại giấy phép liên quan đến chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện, trung gian thanh toán... cũng thuộc diện giảm.
Ngoài ra, nhiều khoản phí và lệ phí khác cũng được đề xuất giảm 50%, như: phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn; phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy; lệ phí cấp giấy phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và quốc tế; lệ phí cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân...
Chính sách giảm phí, lệ phí lần này được thực hiện theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 56/TB-VPCP nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Từ ngày 1/1/2027 trở đi, mức thu sẽ trở lại theo các Thông tư gốc hoặc văn bản sửa đổi, bổ sung.
Việc điều chỉnh này được kỳ vọng sẽ giúp giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững trong giai đoạn tới.
Ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc được nâng room ngoại lên 49%
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 69/2025/NĐ-CP, cho phép các ngân hàng thương mại tham gia chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém được nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên tối đa 49% vốn điều lệ. Quy định có hiệu lực từ ngày 19/5/2025 và được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Theo nghị định, ngoại trừ các ngân hàng có sở hữu Nhà nước trên 50%, tổng mức sở hữu nước ngoài tại ngân hàng nhận chuyển giao có thể vượt trần 30% hiện hành, nhưng không quá 49%. Chính sách này nhằm tạo điều kiện để các ngân hàng huy động vốn, tăng cường năng lực tài chính phục vụ cho việc hỗ trợ ngân hàng yếu kém, đồng thời cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR), vốn thường bị ảnh hưởng do áp lực tăng trưởng tín dụng cao được cấp riêng cho các đơn vị nhận chuyển giao.
Một số ngân hàng như MBBank, VPBank và HDBank được đánh giá có tiềm năng tận dụng chính sách mới. Trong đó, HDBank được dự báo sẽ tiên phong nới room ngoại do chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài và nhu cầu tăng vốn cấp 1 đang ngày càng lớn.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), dù tác động ngắn hạn đến giá cổ phiếu có thể chưa rõ rệt, nhưng về trung và dài hạn, việc nới room lên 49% sẽ mở ra cơ hội thu hút dòng vốn quốc tế và cải thiện quản trị ngân hàng. Đồng thời, đây cũng là phép thử quan trọng để cơ quan quản lý đánh giá khả năng mở rộng chính sách nới room ngoại cho toàn hệ thống trong tương lai.
NCB được chấp thuận tăng vốn lên hơn 19.200 tỷ đồng
Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) tăng vốn điều lệ thêm 7.500 tỷ đồng thông qua phát hành 750 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của NCB sẽ tăng từ 11.780 tỷ đồng lên 19.280 tỷ đồng.
![]() |
NCB được chấp thuận tăng vốn lên hơn 19.200 tỷ đồng |
Nguồn vốn huy động từ đợt phát hành sẽ được NCB sử dụng để tăng cường năng lực tài chính, bổ sung vốn cho hoạt động tín dụng đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế theo định hướng của Chính phủ. Đồng thời, việc tăng vốn là bước đi quan trọng trong quá trình tái cơ cấu toàn diện, gắn với chiến lược phát triển mới "Digital Wealth", kết hợp giữa quản lý tài sản và số hóa dịch vụ ngân hàng.
Dự kiến đợt phát hành sẽ diễn ra trong quý II đến quý IV/2025. Đây là lần tăng vốn thứ ba liên tiếp của NCB kể từ năm 2022. Trước đó, tháng 11/2024, NCB đã phát hành hơn 617 triệu cổ phiếu để nâng vốn lên 11.780 tỷ đồng.
Năm 2025, NCB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 135.500 tỷ đồng, dư nợ cho vay vượt 96.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước phương án tái cơ cấu đạt 59 tỷ đồng. Bên cạnh tăng trưởng kinh doanh, NCB tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong trong chuyển đổi số khi là ngân hàng đầu tiên cho phép mở tài khoản qua VNeID và triển khai hệ thống phê duyệt tín dụng trong 5 phút.
Huy Tùng ( T/h)
-
Điểm tin ngân hàng ngày 13/5: Tăng tốc cuộc đua Private Banking phục vụ giới siêu giàu
-
Điểm tin ngân hàng ngày 12/5: Nhiều ngân hàng đua nhau tung lãi suất vay mua nhà ưu đãi
-
Điểm tin ngân hàng tuần qua: Ngân hàng nào có tỷ lệ CIR thấp nhất quý I/2025?
-
Điểm tin ngân hàng ngày 10/5: Ngân hàng dẫn đầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp
- Điểm tin ngân hàng ngày 13/5: Tăng tốc cuộc đua Private Banking phục vụ giới siêu giàu
- Điểm tin ngân hàng ngày 12/5: Nhiều ngân hàng đua nhau tung lãi suất vay mua nhà ưu đãi
- Điểm tin ngân hàng tuần qua: Ngân hàng nào có tỷ lệ CIR thấp nhất quý I/2025?
- Điểm tin ngân hàng ngày 10/5: Ngân hàng dẫn đầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp
- Điểm tin ngân hàng ngày 9/5: Nhiều vướng mắc trong xử lý sở hữu chéo