Điểm tin ngân hàng ngày 1/4: Gần 3 triệu tỷ đồng bất động sản thế chấp tại Agribank
Gần 3 triệu tỷ đồng bất động sản thế chấp tại Agribank
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2024, với nhiều số liệu ấn tượng. Tính đến cuối năm 2024, Agribank đang nắm giữ khối tài sản thế chấp tổng cộng gần 3.196 triệu tỷ đồng, tăng 253.000 tỷ đồng so với năm 2023. Đặc biệt, tài sản bất động sản thế chấp tại ngân hàng này đạt 2.924 triệu tỷ đồng, chiếm gần 92% tổng giá trị tài sản thế chấp.
![]() |
Gần 3 triệu tỷ đồng bất động sản thế chấp tại Agribank |
Ngoài bất động sản, Agribank còn nhận thế chấp hơn 190.000 tỷ đồng động sản và gần 55.000 tỷ đồng giấy tờ có giá. Với quy mô này, Agribank hiện là ngân hàng có khối tài sản thế chấp lớn thứ ba trong hệ thống, chỉ sau BIDV và VietinBank, đồng thời giữ vị trí dẫn đầu trong khối tài sản bất động sản thế chấp, dự kiến sẽ là ngân hàng đầu tiên nắm giữ 3 triệu tỷ đồng bất động sản thế chấp vào năm 2025.
Trong năm 2024, Agribank đạt lợi nhuận trước thuế 27.575 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 22.067 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm trước, vươn lên thành ngân hàng có lợi nhuận cao thứ năm trong hệ thống, sau Vietcombank, VietinBank, BIDV và MB. Các mảng kinh doanh chính của ngân hàng đều ghi nhận sự tăng trưởng tích cực, đặc biệt là thu nhập lãi thuần tăng 19,3%, đạt 66.554 tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động của Agribank đạt gần 86.500 tỷ đồng, tăng 13,9% so với năm 2023, trong khi chi phí hoạt động chỉ tăng 4,3%. Nhờ đó, lợi nhuận của ngân hàng tiếp tục tăng trưởng, mặc dù phải trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 26.658 tỷ đồng, tăng 37,4% so với năm trước.
Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của Agribank đạt khoảng 2,235 triệu tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm 2023. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 11%, đạt 1,723 triệu tỷ đồng, và tiền gửi khách hàng tăng 5,4%, đạt 1,915 triệu tỷ đồng. Agribank cũng giảm được nợ xấu xuống còn 1,68%, thấp hơn so với 1,9% hồi đầu năm.
Thêm hai tổ chức nước ngoài nắm trên 1% vốn Sacombank
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã STB) vừa cập nhật danh sách các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ, với sự xuất hiện của hai tổ chức nước ngoài mới. Cụ thể, KIM Vietnam Growth Equity Fund đã sở hữu hơn 19,2 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 1,02% vốn điều lệ Sacombank. Người liên quan đến cổ đông này nắm giữ hơn 22,5 triệu cổ phiếu, tương đương 1,19%. Tổng tỷ lệ sở hữu của KIM Vietnam Growth Equity Fund và người có liên quan là 2,21%, tương ứng với hơn 41,73 triệu cổ phiếu.
KIM Vietnam Growth Equity Fund là một quỹ cổ phiếu mở, quản lý bởi Công ty TNHH Quản lý Quỹ KIM Việt Nam, được thành lập vào năm 2020 và thuộc sở hữu của Korea Investment Management (KIM).
Cùng với KIM Vietnam Growth Equity Fund, danh sách cổ đông của Sacombank còn có sự trở lại của Amersham Industries Limited - một quỹ thuộc nhóm quỹ Dragon Capital. Quỹ này sở hữu hơn 18,9 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 1%. Người liên quan đến quỹ này cũng sở hữu hơn 19 triệu cổ phiếu, chiếm 1,01%. Trước đó, Amersham Industries đã thoái vốn trong danh sách cổ đông cập nhật vào tháng 2/2025.
Cập nhật mới nhất cho thấy Pyn Elite Fund tiếp tục là tổ chức sở hữu nhiều nhất cổ phần tại Sacombank, với gần 111,4 triệu cổ phiếu, tương đương 5,91% vốn điều lệ của ngân hàng. Ngoài ra, các cổ đông lớn khác còn có Tianhong Vietnam Thematic Fund (QDII) với 24,2 triệu cổ phiếu (1,29%), SCB Vietnam Alpha Fund Not For Retail Investors với gần 29,6 triệu cổ phiếu (1,57%), và Norges Bank với gần 21,4 triệu cổ phiếu (1,13%).
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, là cổ đông cá nhân lớn nhất với gần 62,57 triệu cổ phiếu (3,32% vốn điều lệ), cùng với bà Dương Thị Liêm, em gái ông Minh, sở hữu 11,86 triệu cổ phiếu (0,63%).
Tính chung, bảy cổ đông này hiện nắm giữ gần 287,3 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 15,24% vốn điều lệ Sacombank.
Khoảng 17 triệu người Việt sở hữu tiền mã hóa
Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia có mức độ tiếp cận và quan tâm tới tiền mã hóa cao nhất thế giới. Theo báo cáo từ Chainalysis, Việt Nam đứng thứ năm toàn cầu về mức độ quan tâm tới tiền mã hóa và xếp thứ ba về mức độ sử dụng các nền tảng giao dịch quốc tế. Hiện có khoảng 17 triệu người Việt sở hữu tiền mã hóa, với tổng giá trị thị trường vượt 100 tỉ đô la Mỹ.
![]() |
Ảnh minh họa |
Tiến sĩ Chu Thanh Tuấn, Phó chủ nhiệm nhóm ngành Cử nhân Kinh doanh thuộc Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng, nếu áp dụng một cơ chế thuế hợp lý, Việt Nam có thể tạo nguồn thu ngân sách đáng kể từ thị trường này. Một hướng tiếp cận hiệu quả là đánh thuế giao dịch ở mức thấp, tương tự như thuế giao dịch chứng khoán. Theo ước tính của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, việc áp thuế 0,1% trên mỗi giao dịch tiền mã hóa có thể mang lại hơn 800 triệu đô la Mỹ mỗi năm mà không gây gián đoạn tới hoạt động của thị trường.
Bên cạnh thuế giao dịch, Chính phủ còn có thể cân nhắc đánh thuế thu nhập cá nhân đối với lợi nhuận từ đầu tư tiền mã hóa, hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Nếu tiền mã hóa được phân loại là tài sản đầu tư thì lợi nhuận từ giao dịch có thể bị đánh thuế tương tự như với chứng khoán hoặc bất động sản. Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành tiền mã hóa cũng có thể chịu thuế với mức 20% như các doanh nghiệp truyền thống.
Một nguồn thu tiềm năng khác cho Chính phủ là phí cấp phép hoạt động cho các sàn giao dịch tiền mã hóa. Nhiều quốc gia đã triển khai mô hình này, chẳng hạn như Dubai, nơi các dự án tiền mã hóa phải đóng phí cấp phép. Nếu Việt Nam áp dụng hệ thống tương tự, Chính phủ có thể vừa kiểm soát thị trường vừa tạo ra nguồn thu không đến từ thuế.
BIDV lùi thời gian họp Đại hội cổ đông thường niên 2025 đến ngày 26/4
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa thông báo điều chỉnh thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025, lùi từ ngày 4/4 sang ngày 26/4/2025. Tuy nhiên, các thông tin về hình thức, địa điểm tổ chức, nội dung và các vấn đề khác vẫn giữ nguyên như đã công bố trong nghị quyết ngày 17/2/2025.
Ngoài BIDV, vào ngày 26/4, sẽ có 6 ngân hàng khác cùng tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, bao gồm MB, Vietcombank, Viet A Bank, VietBank, Saigonbank và Techcombank.
Tại ĐHĐCĐ, BIDV dự kiến trình kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 15 - 16%, phù hợp với giới hạn mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng từ 6% đến 10%, đạt mức từ 33.266 tỷ đồng đến 34.521 tỷ đồng. Nợ xấu dự kiến được kiểm soát dưới 1,4%.
Đại hội cũng sẽ bầu bổ sung một thành viên Hội đồng Quản trị và một thành viên Ban Kiểm soát, đồng thời xem xét các vấn đề như phương án tăng vốn điều lệ năm 2025, niêm yết trái phiếu BIDV phát hành ra công chúng, và các kế hoạch ngân sách, thu lao HĐQT, Ban Kiểm soát, quỹ thưởng cho người quản lý năm 2025.
Dự báo lợi nhuận quý I/2024 của BIDV ước đạt từ 8.000 - 8.500 tỷ đồng, tăng 8-15% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng ổn định và chi phí trích lập dự phòng giảm do nợ xấu giảm. MBS dự báo lợi nhuận BIDV sẽ tăng trưởng 10% trong quý I/2025 và 11% trong cả năm.
HDBank hoàn tất phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu
Ngân hàng TMCP Phát triển Tp.HCM (HDBank, mã chứng khoán: HDB) vừa công bố hoàn tất đợt phát hành trái phiếu ra công chúng đợt 1. Cụ thể, HDBank đã phát hành thành công 50 triệu trái phiếu, với tổng giá trị đạt 5.000 tỷ đồng. Trong đó, có hai mã trái phiếu chính: HDBC7Y253201 trị giá 2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm và HDBC8Y253301 trị giá 2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 8 năm.
![]() |
HDBank hoàn tất phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu |
Các trái phiếu này là nợ thứ cấp, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có bảo đảm. Chúng được phát hành để bổ sung vốn cấp 2, theo quy định của pháp luật hiện hành và sẽ được tính vào vốn cấp 2 của HDBank. Lãi suất của trái phiếu được tính theo lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 2,7%/năm đối với mã HDBC7Y253201 và 2,9%/năm đối với mã HDBC8Y253301. Lãi suất tham chiếu được xác định từ bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân tại các ngân hàng lớn như VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank.
Đợt phát hành trái phiếu này thu về tổng số tiền gần 5.644 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản không thành công và chi phí, HDBank thu ròng được khoảng 4.999 tỷ đồng từ đợt phát hành. Các trái phiếu sẽ được chuyển giao cho nhà đầu tư trong vòng 30 ngày sau khi kết thúc đợt chào bán, dự kiến vào ngày 24/3/2025.
Việc phát hành trái phiếu nhằm mục đích tăng cường nguồn vốn cấp 2 của HDBank, nâng cao các tỷ lệ an toàn tài chính theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời phục vụ nhu cầu cho vay của ngân hàng. Đợt 1 này là một phần của kế hoạch huy động tối đa 10.000 tỷ đồng từ hai đợt phát hành trái phiếu, với đợt 2 dự kiến triển khai vào quý II/2025.
Huy Tùng (T/h)
-
Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 2/4: Hà Nội yêu cầu xử lý hơn 700 dự án chậm triển khai, lãng phí đất đai
-
Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 1/4: Nhiều sai phạm tại Dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2
-
Điểm tin ngân hàng ngày 31/3: Cần cẩn trọng khi ứng dụng AI và blockchain vào hoạt động ngân hàng
-
Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 31/3: Khu công nghiệp 2.000 tỷ đồng ở Thái Bình sắp đi vào hoạt động
- Điểm tin ngân hàng ngày 31/3: Cần cẩn trọng khi ứng dụng AI và blockchain vào hoạt động ngân hàng
- BIC chi trả hơn 1,4 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm BIC Bình An cho khách hàng BIDV
- Điểm tin ngân hàng tuần qua: Giá bán USD vẫn tiếp tục giữ mức cao trên thị trường
- Điểm tin ngân hàng ngày 29/3: Dự báo nợ xấu có thể tăng nhẹ trong năm 2025
- Điểm tin ngân hàng ngày 28/3: Vietcombank xác lập kỷ lục mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam