Điểm tin ngân hàng ngày 11/4: Ngân hàng cho vay vượt huy động gần 1,1 triệu tỷ đồng
Ngân hàng cho vay vượt huy động gần 1,1 triệu tỷ đồng
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số liệu huy động và cho vay tính đến cuối tháng 12/2024, cho thấy tình trạng "huy động 9 đồng, cho vay 10 đồng" đang tạo sức ép lớn lên hệ thống ngân hàng.
![]() |
Ảnh minh họa |
Cụ thể, đến cuối năm 2024, tổng tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế đạt 14,732 triệu tỷ đồng, trong đó tiền gửi dân cư là 7,065 triệu tỷ đồng, còn tổ chức kinh tế đóng góp 7,66 triệu tỷ đồng. Dù tăng trưởng tích cực trong tháng 12 với hơn 463.000 tỷ đồng được huy động thêm, số vốn này vẫn thấp hơn gần 1 triệu tỷ đồng so với tổng dư nợ tín dụng đã lên tới 15,7 triệu tỷ đồng.
Sang quý I/2025, theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến ngày 25/3, huy động vốn chỉ tăng 1,36%, trong khi tín dụng tăng 2,49%. Điều này khiến chênh lệch giữa cho vay và huy động toàn hệ thống đã nới rộng lên khoảng 1,1 triệu tỷ đồng.
Với quy mô GDP năm 2025 ước tính khoảng 12 triệu tỷ đồng, tỷ lệ dư nợ tín dụng hiện chiếm khoảng 135% GDP – mức cao đáng báo động, đặt hệ thống ngân hàng vào tình thế khó khăn trong việc đảm bảo thanh khoản và cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú, thừa nhận hiện tượng cho vay vượt quá huy động, buộc các ngân hàng phải dùng đến vốn tự có và nguồn tái cấp từ Ngân hàng Nhà nước để bù đắp thiếu hụt.
Trước áp lực thanh khoản ngày càng gia tăng, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ chủ động sử dụng các công cụ điều hành như tái cấp vốn, thị trường mở… nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, đảm bảo cung ứng vốn kịp thời, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay.
Người dân đổ xô mua USD khi tỷ giá lập đỉnh, thị trường ngoại tệ “nóng” trở lại
Ngày 10/4, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố tiếp tục tăng mạnh, lên mức 24.964 đồng/USD – cao hơn 28 đồng so với phiên trước đó. Giá USD giao dịch tại các ngân hàng thương mại dao động trong khoảng 25.580 – 25.970 đồng/USD. Trên thị trường tự do, giá USD thậm chí vượt mốc 26.200 đồng/USD, ghi nhận mức cao kỷ lục từ đầu năm đến nay.
Diễn biến này khiến thị trường ngoại tệ trở nên sôi động, nhiều người dân đổ xô gom USD với kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động. Tại phố Hà Trung (Hà Nội), nơi nổi tiếng với hoạt động thu đổi ngoại tệ, lượng khách ra vào mua bán USD tấp nập. Một số cửa hàng vàng cho biết, khách mua từ 20.000 USD trở lên thậm chí còn được phục vụ tận nhà.
Người dân chia sẻ, việc mua USD tại các điểm tự do dễ dàng hơn nhiều so với ngân hàng, nơi đòi hỏi phải chứng minh mục đích sử dụng và hạn chế số lượng mua.
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), áp lực tỷ giá trong ngắn hạn chủ yếu đến từ những bất định liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ và nhu cầu ngoại tệ trong nước tăng cao, đặc biệt từ hoạt động thanh toán nợ nước ngoài. Dù Việt Nam xuất siêu trong quý I, nhưng tăng trưởng nhập khẩu vẫn nhỉnh hơn xuất khẩu.
VCBS cảnh báo tỷ giá có thể tiếp tục biến động mạnh trong thời gian chờ đợi thông tin chính thức từ Mỹ. Tuy nhiên, nếu xuất khẩu duy trì đà tăng và hoạt động đầu cơ ngoại tệ không gia tăng, áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt.
Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, cân bằng mục tiêu ổn định tỷ giá với hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.
MB dự kiến góp 5.000 tỷ đồng vào MBV, thoái vốn tại MCredit và MBCambodia
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - mã chứng khoán: MBB) vừa công bố tài liệu trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025, dự kiến tổ chức ngày 26/4 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).
![]() |
MB dự kiến góp 5.000 tỷ đồng vào MBV, thoái vốn tại MCredit và MBCambodia/Ảnh minh họa |
Tại đại hội lần này, HĐQT MB sẽ trình cổ đông thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó đáng chú ý là kế hoạch góp tối đa 5.000 tỷ đồng vào MBV – đơn vị đang thực hiện phương án nhận chuyển giao bắt buộc (CGBB). MBV có thể được chuyển đổi thành ngân hàng TNHH hai thành viên trở lên, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoặc sáp nhập vào MB, tùy theo quy định pháp luật.
Đồng thời, MB cũng lên kế hoạch thoái vốn tại hai công ty con là Ngân hàng TNHH MB Cambodia (MBCambodia) và Công ty tài chính MB Shinsei (MCredit) thông qua việc chuyển đổi hình thức pháp lý và thay đổi tỷ lệ sở hữu, khiến hai đơn vị này không còn là công ty con của MB.
Ngoài ra, MB có kế hoạch thành lập ngân hàng con tại Lào (trên cơ sở chuyển đổi từ Chi nhánh MB tại đây) và mở rộng mạng lưới ra quốc tế, dự kiến mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan...
HĐQT MB cũng trình cổ đông thông qua việc sửa đổi quy chế quản lý tài chính, điều lệ ngân hàng, phát hành trái phiếu không chuyển đổi trong và ngoài nước, cũng như thành lập/mua lại các công ty, quỹ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo, tài sản số... phù hợp với chiến lược phát triển và quy định pháp luật hiện hành.
Ngân hàng sẵn sàng triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư hạ tầng, công nghệ số
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tổ chức cuộc họp với các ngân hàng thương mại nhằm thống nhất triển khai gói tín dụng ưu đãi 500.000 tỷ đồng theo chỉ đạo của Chính phủ, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số. Đây là động thái thể hiện sự chủ động của ngành ngân hàng trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nhiều biến động.
Tại cuộc họp, các ngân hàng như Vietcombank, VIB, Agribank... đều bày tỏ sẵn sàng tham gia chương trình. Cụ thể, VIB dự kiến triển khai gói tín dụng 5.000 - 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn khoảng 1% so với thị trường. Vietcombank đề xuất xây dựng cơ chế góp vốn, chia sẻ lợi ích thay vì chỉ cho vay truyền thống nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng cũng kiến nghị làm rõ trách nhiệm và cơ chế khi cho vay để yên tâm triển khai. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng đề xuất áp dụng các biện pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế mới của Mỹ như cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất, phí.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú ghi nhận sự đồng thuận và cam kết từ phía các ngân hàng. Ông nhấn mạnh chương trình này là chủ trương đúng đắn, cấp bách trong bối cảnh khó khăn hiện nay, và yêu cầu các ngân hàng triển khai với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Các khoản vay trong gói tín dụng này vẫn phải đảm bảo điều kiện tín dụng, nhưng sẽ có hỗ trợ về lãi suất, thời hạn, cơ chế đồng tài trợ. Các ngân hàng lớn được khuyến khích đóng vai trò dẫn dắt. Thời hạn giải ngân kéo dài đến năm 2030 hoặc đến khi giải ngân hết gói tín dụng. NHNN yêu cầu các ngân hàng công khai mức lãi suất, chủ động tuyên truyền để doanh nghiệp tiếp cận chính sách kịp thời.
Eximbank đặt mục tiêu tăng lợi nhuận 24%, khóa "room" ngoại ở mức 6%
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) vừa công bố tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025, với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến kế hoạch kinh doanh, sở hữu nước ngoài, nhân sự và thay đổi trụ sở.
![]() |
Eximbank đặt mục tiêu tăng lợi nhuận 24%, khóa "room" ngoại ở mức 6% |
Theo kế hoạch, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 5.188 tỷ đồng, tăng gần 24% so với năm trước. Ngân hàng dự kiến tổng tài sản đạt 265.000 tỷ đồng, tăng 11%; huy động vốn 206.000 tỷ đồng, tín dụng 195.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 15,5% và 16,2%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Lợi nhuận chưa phân phối năm 2024 là 2.431 tỷ đồng, nhưng Eximbank dự kiến không chia cổ tức để tăng cường tiềm lực tài chính.
Đáng chú ý, Eximbank đề xuất khóa tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ở mức tối đa 6% vốn điều lệ, nhằm ổn định cơ cấu cổ đông và hướng đến thu hút nhà đầu tư chiến lược. Hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng mới đạt 3,74%, tương đương "room" còn lại hơn 489 triệu cổ phiếu.
Tại đại hội sắp tới, Eximbank sẽ bầu mới HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ VIII (2025–2030) với 5 thành viên HĐQT (2 người độc lập) và 5 thành viên BKS. Đồng thời, ngân hàng sẽ trình chấm dứt kế hoạch xây dựng trụ sở chính tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm (TP.HCM) và chuyển địa điểm trụ sở chính ra Hà Nội, tại địa chỉ mới: số 27–29 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm.
ĐHĐCĐ thường niên Eximbank dự kiến diễn ra vào ngày 29/4/2025 tại Hà Nội.
Huy Tùng (T/h)
-
Điểm tin ngân hàng ngày 9/5: Nhiều vướng mắc trong xử lý sở hữu chéo
-
Điểm tin ngân hàng ngày 8/5: 9 ngân hàng dự chi kỷ lục hơn 33.000 tỷ đồng trả cổ tức tiền mặt
-
Điểm tin ngân hàng ngày 7/5: Nợ xấu ngân hàng vượt 1 triệu tỷ đồng, tỷ lệ thu hồi còn thấp
-
Điểm tin ngân hàng ngày 6/5: Khắc phục khoảng trống pháp lý, thúc đẩy xử lý nợ xấu
- Điểm tin ngân hàng ngày 9/5: Nhiều vướng mắc trong xử lý sở hữu chéo
- Điểm tin ngân hàng ngày 8/5: 9 ngân hàng dự chi kỷ lục hơn 33.000 tỷ đồng trả cổ tức tiền mặt
- Điểm tin ngân hàng ngày 7/5: Nợ xấu ngân hàng vượt 1 triệu tỷ đồng, tỷ lệ thu hồi còn thấp
- BIDV triển khai định danh điện tử dành cho khách hàng tổ chức
- Điểm tin ngân hàng ngày 6/5: Khắc phục khoảng trống pháp lý, thúc đẩy xử lý nợ xấu
- Điểm tin ngân hàng ngày 5/5: NHNN đang nghiên cứu tiền kỹ thuật số, khẳng định không cấp phép sàn Forex
- Điểm tin ngân hàng tuần qua: Tăng lá chắn bảo vệ người dùng trong giao dịch số
- Bám sát kế hoạch năm 2025, VPBank ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý I
- Điểm tin ngân hàng ngày 3/5: Nhiều ngân hàng chốt thời hạn ngừng giao dịch thẻ từ ATM
- Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 2/5: Dự án bến du thuyền trăm tỉ của Vũ "nhôm" đối diện nguy cơ thu hồi