Đề xuất thêm dữ liệu ADN, giọng nói vào Căn cước công dân

10:15 | 29/06/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Trong báo cáo tổng kết Luật Căn cước công dân (CCCD) của Bộ Công an, cơ quan chức năng đưa ra 4 đề xuất, kiến nghị theo hướng hướng sửa đổi, bổ sung luật này để mang lại nhiều tiện ích hơn cho người dân khi sử dụng căn cước gắn chip.
Triển khai thí điểm sử dụng Căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh BHYTTriển khai thí điểm sử dụng Căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh BHYT
Đề nghị sửa Luật Căn cước công dân hướng đến mục tiêu phục vụ công dân sốĐề nghị sửa Luật Căn cước công dân hướng đến mục tiêu phục vụ công dân số

Theo Bộ Công an, công dân hiện nay có nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau như CCCD, thẻ BHYT, sổ BHXH, giấy khai sinh, giấy phép lái xe, thẻ học sinh, sinh viên, thẻ hành nghề... Việc có quá nhiều loại giấy tờ như vậy gây khó khăn cho lưu trữ, sử dụng, nhất là khi thực hiện các thủ tục hành chính, đặc biệt không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý nhà nước.

Đề xuất thêm dữ liệu ADN, giọng nói vào Căn cước công dân
Đề xuất thêm dữ liệu ADN, giọng nói vào Căn cước công dân/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Vì vậy, Bộ Công an kiến nghị bổ sung, tích hợp một số thông tin khác của công dân vào CCCD để thay thế, bỏ đi một số loại giấy tờ đã được tích hợp.

Bộ Công an cho biết, hiện dữ liệu của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu CCCD mới chỉ thu thập các nhóm thông tin về nhân thân như họ, tên, năm sinh. Điều này gây khó khăn khi triển khai Đề án 06 của Thủ tướng về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Do đó, Bộ Công an đề xuất chỉnh lý quy định về Cơ sở dữ liệu CCCD, bổ sung các nhóm thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD gồm: Thông tin sinh trắc học (mống mắt, ADN, giọng nói); thông tin về người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam (người gốc Việt được sinh ra tại Việt Nam hoặc người gốc Việt sinh ra tại nước ngoài nhưng đã trở về Việt Nam sinh sống liên tục từ 5 năm trở lên), báo Phụ nữ Việt Nam đưa tin.

Bộ cũng đề xuất bổ sung vào cơ sở dữ liệu các thông tin gồm: Số chứng minh nhân dân của công dân, ngày cấp, nơi cấp; người giám hộ, người được giám hộ; thông tin về diện chính sách; tài khoản định danh điện tử của công dân.

Ngoài ra, Bộ Công an cho biết hiện nay, theo quy định của Luật Căn cước công dân thì người từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước công dân. Loại giấy tờ này phải đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Do đó, để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho công dân, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định cấp thẻ CCCD gắn chip cho công dân là trẻ em dưới 14 tuổi, đồng thời, bổ sung quy định giải quyết vướng mắc trong cấp thẻ căn cước cho người không có nơi thường trú, không đầy đủ một số thông tin cá nhân khác như ngày, tháng sinh, quê quán, có thông tin kê khai về dân tộc, tôn giáo khác không nằm trong danh mục quy định của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành.

Đáng chú ý, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận căn cước cho người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam (người gốc Việt được sinh ra tại Việt Nam hoặc người gốc Việt được sinh ra tại nước ngoài nhưng đã trở về Việt Nam sinh sống liên tục từ 5 năm trở lên).

Ngoài ra, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục để thu thập, tích hợp thông tin; bổ sung quy định về hình thức tích hợp, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện tích hợp thông tin...

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (t/h)

vietinbank
ajinomoto