Dân “du mục” trên biển

19:25 | 20/12/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
“Thời điểm này đã hết bão vào vùng Nam Trung Bộ rồi, người dân đang chen nhau mua tôm hùm giống thả nuôi, mới có một tuần giá đã tăng thêm 30.000 đồng/con. “Siêu bão” năm 2017 san phẳng toàn bộ vùng nuôi trồng thủy sản trên vịnh Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), ai còn “sống sót”, cố gượng dậy và trở lại mạnh mẽ hơn, rút ra nhiều bài học từ bão. Cũng nhờ có giống tôm hùm ngoại nhập, giá giảm xuống hơn một nửa, người nuôi kiếm ăn được” - ông Lê Minh Huấn, ở xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, xởi lởi nói.
Dân “du mục” trên biển
Bè nuôi tôm hùm trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Hải Luận, https://dulich.petrotimes.vn

“Cứu cánh” từ tôm ngoại nhập

Ông Huấn đang nuôi trên 10.000 con tôm hùm thịt ở vịnh Vân Phong, tích cực làm thêm lồng để thả thêm mấy nghìn con tôm giống trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. “Trước đây, nguồn tôm giống hoàn toàn phụ thuộc vào đánh bắt ngoài tự nhiên, mỗi năm cũng chỉ có vài tháng, số lượng ít. Bây giờ, tôm hùm giống từ Philippines, Indonesia, Malaysia nhập về quanh năm, muốn bao nhiêu cũng có. Cứ 3 tháng bán tôm thịt “chốt lãi” một lần, rồi mua tôm nhỏ thả xuống nuôi gối đầu. Nhờ đó, nhiều hộ mở rộng quy mô nuôi trồng lớn, từ 30.000 - 50.000 con tôm, các hộ xếp hạng trung bình cũng từ 10.000 - 20.000 con. Lấy trung bình 1 con tôm thịt trị giá 1 triệu đồng (giá tôm thịt 1,8 triệu đồng/kg loại 1), nhân lên sẽ biết họ có bao nhiêu tỷ đồng” - ông Huấn bấm tay tính toán.

Khi chưa có giống tôm hùm ngoại nhập về, giá 1 con tôm nhỏ như con ruốc, có giá từ 200.000 - 250.000 đồng, thời điểm khan hiếm vào chính vụ nuôi, nhảy lên 300.000 đồng. Hiện nay, giá chỉ có 70.000 đồng/con. “Nếu như không có lượng tôm giống ngoại nhập về Việt Nam, tất cả vùng nuôi tôm hùm ở Phú Yên, Khánh Hòa dẹp tiệm hết rồi. Lúc đầu, giống tôm hùm từ nước ngoài nhập về chết ghê lắm, dân nuôi trồng sợ không dám đụng vào. Mấy ông bán tôm “chiều” hết cỡ, họ đưa tôm cho nuôi trước, đến khi nào tôm “thọ” được bằng ngón tay cái, mới kéo lưới lên đếm đầu con trả tiền” - ông Võ Văn Rể, ở xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, có thâm niên hơn 20 năm làm nghề mua bán giống tôm hùm, kể chi tiết.

Theo ông Rể, mấy năm trước, dân ở tỉnh Khánh Hòa sang tận Philippines, Indonesia, Malaysia… hướng dẫn người dân bên đó biết cách khai thác giống tôm hùm, vận chuyển về Việt Nam bằng đường hàng không. Ông Rể nói tiếp: “Bây giờ, mấy ông mua bán giống tôm hùm quốc tế đã có kinh nghiệm sử dụng nguồn nước sạch, kỹ thuật bơm oxy khi vận chuyển tôm đường dài. Tôm về đến sân bay Tân Sơn Nhất (thành phố Hồ Chí Minh), nối chuyến bay ra Cam Ranh, xe ô tô chở thẳng đến vùng biển thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An (Phú Yên) giao lại cho những người ươm tôm giống chuyên nghiệp. Tại đây, họ chăm sóc 2 tháng, tôm to bằng 5 đầu ngón tay, dân nuôi tôm thịt ở Vũng Rô (Phú Yên), Vân Phong, Cam Ranh (Khánh Hòa) ra mua lại, giá từ 120.000 - 160.000 đồng/con (trước đây giá tôm như thế này là 400.000 đồng/con)

Nghề nuôi tôm hùm hiện nay đã chuyên nghiệp hóa các khâu, thông thường những hộ ươm giống ở Phú Yên đã có mối mua sẵn, là chủ bè nuôi tôm thịt. Đầu vụ, chủ bè báo trước số lượng trong năm sẽ nuôi mấy nghìn con, thời điểm giao tôm giống tùy vào chủ bè bán được tôm thịt, giá bán theo kích cỡ của giống tôm. “Đầu vào” và “đầu ra” sản phẩm đã có địa chỉ rõ ràng, ai cũng có trách nhiệm cao từng công đoạn của mình làm. Làm theo cách này, các lái buôn nhỏ hết đường chen vào “ăn” khúc giữa.

Rút ra những bài học từ “siêu bão”

Khởi đầu nghề nuôi tôm hùm lồng đầu tiên ở tỉnh Khánh Hòa từ những năm 1990, hơn 30 năm, người dân nuôi tôm hùm phải trải qua bao nhiêu “trận chiến” sinh tử về kinh tế, sinh mạng. Hàng chục người nhảy vào cuộc chơi, theo kiểu làm ăn nhỏ, rồi âm thầm rút lui vì thất bại. Từ khoản đóng “học phí” trên biển, nhiều người phải trả bằng những căn nhà đang ở, những đàn bò đang nuôi, để đổi lấy quy trình nuôi tôm hùm tương đối hoàn chỉnh như ngày hôm nay.

“Đã có nhiều nhà khoa học của viện nghiên cứu, trường đại học “bám” theo ngư dân để nghiên cứu con tôm hùm ở vịnh Vân Phong. Nhiều năm, tôm hùm bị chết do bệnh, thiệt hại đến 50% tổng số lượng nuôi. Dân nuôi trồng đứng trước nguy cơ sụp đổ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải “cầu viện” quốc tế, mời chuyên gia về vùng nuôi tôm tìm hiểu để giúp cho ngư dân, rồi cũng thua cuộc. Tất cả vẫn chưa hiểu hết “tính nết” con tôm hùm” - ông Nguyễn Điền, ở xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, được xem là “chuyên gia” nuôi tôm tùm 30 năm nay, chia sẻ với chúng tôi.

Dân “du mục” trên biển
Giống tôm hùm nhập từ nước ngoài về Việt Nam, được người dân ươm nuôi tại huyện Tuy An, Phú Yên, bán lại cho chủ bè nuôi tôm thịt. Ảnh: Hải Luận, https://dulich.petrotimes.vn

Trước năm 2017, mấy cha con ông Điền có gần 15.000 con tôm hùm, khi “siêu bão” đổ bộ vào Vân Phong, sóng biển đánh bè của ông biến mất, không tìm ra xác bè ở đâu. Ông Điền phải cắn răng bán lô đất để “khởi nghiệp” lại lần hai. Nay ông xấp xỉ 70 tuổi, giao cho con trai “đứng mũi chịu sào” ở ngoài biển, tổng lượng tôm đã gây lại trên 10.000 con.

Bão lớn đã “dạy” cho ngư dân biết cách phòng vệ hơn, họ sắm những sợi dây neo của Nhật Bản sản xuất, giá cao gấp 4 lần so với dây sản xuất trong nước, neo cố định dưới đáy biển to hơn, bè được gia cố thêm nhiều cây gỗ. Ông Điền tâm sự: “Trước đây, dân nuôi tôm hùm thường để bè bám sát bờ, sát đảo cho an toàn. Mức nước để lồng quá cạn, tôm nuôi bị chết nhiều, phải di chuyển bè ra giũa dòng chảy lớn, chịu trận trước sóng biển lớn để “hứng” dòng nước sạch. Nghe tin ở vùng bè của ai nuôi tôm không bị chết, bắt đầu lục đục kéo bè đến gần bè của họ, rồi phải kéo bè đi trốn bão, quanh năm phải di chuyển giống như dân “du mục” trên biển. Bây giờ, dân sáng kiến nuôi tôm bằng lồng treo (chiều cao của lồng chỉ 2 mét), thả chìm sâu xuống 12 - 15 mét (năm 2015 vẫn còn nuôi ở mức nước 5 - 7 mét, lưới cao lên khởi mặt nước). Làm theo cách này giảm được 70% tiền lưới, đặc biệt mùa hè tôm ở độ sâu nước mát, ít sinh bệnh, tôm phát triển tốt hơn. Nếu có bão đổ bộ vào Vân Phong, sóng biển cũng khó đánh phá được những lồng ở dưới sâu”.

“Nguồn tôm hùm giống bắt ngoài tự nhiên ở nước ta gần như bị cạn kiệt, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có công trình nghiên cứu cho tôm hùm mẹ đẻ trứng, nuôi tôm giống, nhưng chưa thành công. Giống tôm hùm nhập từ nước ngoài về Việt Nam, đa số đánh bắt ngoài tự nhiên, người dân đã nuôi tôm đạt trọng lượng từ 1 - 1,3kg/con. Về mặt chất lượng, tôm ngoại nhập tương đương tôm hùm đánh bắt tại vùng biển Nam Trung Bộ nước ta” - Tiến sĩ Mai Duy Minh, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, thông tin thêm.

https://dulich.petrotimes.vn

bienphong.com.vn