CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG được chấp thuận niêm yết trên HoSE

14:31 | 01/07/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Mới đây, CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG vừa được Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) chấp thuận niêm yết với hơn 90,9 triệu cp giá trị hơn 909 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (mã chứng khoán trên sàn UPCoM: SIP) được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ ban đầu là 250 tỷ đồng bởi bốn cổ đông lớn là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, CTCP Cao su Phước Hòa, CTCP Đầu tư Xây dựng Cao su và ông Trần Công Kha. Hiện tại, SIP có hai cổ đông tổ chức chính, bao gồm CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị An Lộc sở hữu 19,5% cổ phiếu (17,8 triệu cổ phiếu) và CTCP KCN Nam Tân Uyên sở hữu 9,02% cổ phiếu (7,16 triệu cổ phiếu).

CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG được chấp thuận niêm yết trên HoSE
Khu công nghiệp Phước Đông do CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG thực hiện/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Ngoài ra, SIP còn hai cổ đông lớn cá nhân là Chủ tịch HĐQT Trần Mạnh Hùng sở hữu 10,04% vốn (9,33 triệu cổ phiếu) và Tổng Giám đốc Lư Thanh Nhã sở hữu 7,36% vốn (6,83 triệu cổ phiếu). Vào năm 2019, SIP trở thành công ty niêm yết công khai và bắt đầu giao dịch trên sàn UPCoM vào ngày 6 tháng 6 năm 2019, với giá tham chiếu 17.200 đồng/cổ phiếu.

Theo tìm hiểu, CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG chuyên cung cấp các dịch vụ tiện ích như điện, nước và xử lý nước thải. Ngoài ra, công ty còn đầu tư và phát triển hạ tầng cho khu công nghiệp, bất động sản và khu dân cư. Các dự án của SIP có cơ sở hạ tầng xã hội thiết yếu bao gồm nhà ở, căn hộ, văn phòng, nhà hàng và trung tâm thương mại. SIP hoạt động chủ yếu tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam như TP HCM, Bình Dương và Tây Ninh.

SIP đang đầu tư và kinh doanh hạ tầng cho Khu công nghiệp (KCN) Đông Nam với diện tích 286,76 ha, KCN Lê Minh Xuân 3 với diện tích 220 ha tại TP HCM và KCN Phước Đông với diện tích 2.190 ha tại Tây Ninh. Công ty đã thu hút được nhiều nhà đầu tư như First Solar, Alpha, Worldon, Vinamilk tại KCN Đông Nam.

Về kết quả kinh doanh, doanh thu của SIP từ khi giao dịch trên UPCoM đến nay có xu hướng tăng, nhưng lợi nhuận ròng diễn biến không đồng đều. Trong năm đầu tiên sau khi giao dịch trên UPCoM, SIP đã tăng lợi nhuận ròng lên đến 72% vào năm 2020 (1.026 tỷ đồng), nhưng năm 2021 đã giảm 19% (còn 835 tỷ đồng) và năm 2022 tăng trở lại 17% (977 tỷ đồng).

Trong quý 1/2023, SIP đạt doanh thu thuần là 1.394 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt hơn 179 tỷ đồng, giảm 24%, đạt 24% so với kế hoạch lợi nhuận năm là 755 tỷ đồng. Lãi ròng đạt gần 166 tỷ đồng, thấp hơn 28% so với cùng kỳ.

Theo giải trình, giảm doanh thu được giải thích bởi việc phát sinh khoản chi phí lỗ từ hoạt động thoái vốn tại công ty con và chi phí lãi vay tăng tới 219%, dẫn đến giảm lợi nhuận trong quý I. Trên sàn UPCoM, cổ phiếu SIP đang giao dịch ở mức khoảng 113.000 đồng/cổ phiếu (phiên sáng ngày 30/6), tăng 72% so với đầu năm, với thanh khoản bình quân khoảng 65.000 cổ phiếu/ngày.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (t/h)