Cơ sở kinh doanh xăng dầu "găm hàng" sẽ bị tước giấy phép vĩnh viễn

19:10 | 30/08/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường xử lý nghiêm minh, tước giấy phép vĩnh viễn cơ sở kinh doanh xăng dầu “găm hàng” trước tình hình mặt hàng xăng dầu có diễn biến phức tạp, một số cây xăng tại khu vực phía Nam có biểu hiện găm hàng không bán, gây dư luận không tốt.
7 doanh nghiệp xăng dầu sắp được hoàn trả giấy phép7 doanh nghiệp xăng dầu sắp được hoàn trả giấy phép
Hàng loạt doanh nghiệp xăng dầu đầu mối bị tước giấy phép kinh doanhHàng loạt doanh nghiệp xăng dầu đầu mối bị tước giấy phép kinh doanh

Mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, vì xăng dầu là ngành kinh doanh có điều kiện, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải thực hiện đúng các điều kiện quy định và thể hiện rõ trách nhiệm xã hội đối với Nhà nước, với thị trường, theo nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Cơ sở kinh doanh xăng dầu
Cơ sở kinh doanh xăng dầu "găm hàng" sẽ bị tước giấy phép vĩnh viễn/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Sáng 29/8, trong chỉ đạo khẩn, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nêu rõ, với các trường hợp báo hết hàng, đóng cửa, đề nghị các Cục (hoặc giao cho đội Quản lý thị trường) ban hành quyết định kiểm tra hoặc giám sát các cửa hàng này làm rõ lý do. Nếu vì các thương nhân cung ứng xăng dầu (thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý) không cung ứng đủ thì làm việc tiếp với các thương nhân này (nếu có trụ sở hoặc chi nhánh tại tỉnh).

Trường hợp ngoài tỉnh thì phối hợp với quản lý thị trường nơi có trụ sở của thương nhân cung ứng để làm rõ nguyên nhân. Nếu các thương nhân cung ứng xăng dầu có vi phạm phải được xử lý nghiêm, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Tổng cục Quản lý thị trường hoặc Bộ Công Thương để xử lý.

Tại các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nếu hết hàng, khi kiểm tra, giám sát phải “đo bồn” và đối chiếu hóa đơn mua bán hàng để xác định lượng hàng tồn kho. Nếu hết hàng do chủ quan của doanh nghiệp và các vi phạm khác phải xử lý nghiêm. Đảm bảo phải kiểm tra tất cả các vụ việc mà cửa hàng bán lẻ thiếu hàng, hết hàng, đóng cửa.

Đặc biệt, ông Trần Hữu Linh yêu cầu Đội Quản lý thị trường địa bàn phải có trách nhiệm phát hiện sớm, phải biết cửa hàng nào đóng cửa trước khi người dân hay báo chí phản ánh. Tổng cục Quản lý thị trường sẽ xử nghiêm nếu buông lỏng quản lý địa bàn.

Trước đó, ngày 08/3/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành công văn số 1155/BCT-TTTN yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Trong đó, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương về việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu và chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu. Đồng thời, thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu..., trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý nghiêm theo quy định.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (t/h)

vietinbank
ajinomoto