Chứng khoán tuần mới (từ 17 đến 21/2): Lấy đà vượt đỉnh?

06:00 | 17/02/2025

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Tuần qua, thị trường tiếp tục giao dịch tích cực khi là tuần tăng điểm thứ 4 liên tiếp. Các chuyên gia dự đoán tuần tới chỉ số VN-Index có thể rung lắc khi chạm vùng cản mạnh 1300 điểm, song đây có thể là nhịp lấy đà để vượt đỉnh.
Chứng khoán tuần mới (từ 17 đến 21/2): Rung lắc để vượt đỉnh?

Chỉ số VN-Index kết thúc tuần vừa qua ở mức 1.276,08 điểm, tăng nhẹ 0,07% so với tuần trước, tiếp tục dao động trong vùng kháng cự 1.280 - 1.300 điểm. Thanh khoản thị trường cải thiện tốt, cho thấy dòng tiền vẫn duy trì ổn định dù khối ngoại bán ròng hơn 1.800 tỷ đồng trong tuần qua.

Ngân hàng tiếp tục là nhóm giữ nhịp cho thị trường, khi các cổ phiếu thay nhau lên tiếng. Nếu tuần trước là nhóm ngân quốc doanh thì lần này đến lượt SSB, BVB lên tiếng khi tăng hơn 4%. Đáng chú ý đây là đã tuần tăng liên tiếp thứ tư của cổ phiếu này, tổng mức tăng lến đến 25%. Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng giao dịch tích cực khi STB, LPB, TPB tăng hơn 2%.

Với những thông tin về thương chiến của Mỹ, nhóm cổ phiếu thép có một tuần tiêu cực khi các cổ phiếu lớn nhỏ như HPG, HSG, NKG, VGS, SMC giảm 2-4%.

Trong khi nhóm Bất động sản và chứng khoán đa phần đi ngang thì nhóm Cao su, hoá chất đồng loạt "khởi nghĩa" với PHR + 4,41%, DPR + 5,42%, GVR +3,23 %, DPM +3,58%, DCM +3,9%... Nhóm Dầu khí cũng giao dịch tích cực khi PVD, PVS tăng hơn 2%. Đặc biệt PVB cùng OIL bật mạnh hơn 5%.

Trao đổi với PetroTimes, bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, Chuyên gia tư vấn Công ty Chứng khoán VietCap đánh giá bối cảnh quốc tế tuần qua Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký một bản ghi nhớ chỉ đạo nghiên cứu áp thuế nhập khẩu đối ứng đối với các quốc gia đang đánh thuế cao lên hàng hóa Mỹ.

Mặc dù việc áp thuế chưa diễn ra ngay lập tức, nhưng động thái này có thể tạo ra áp lực lên các đối tác thương mại lớn của Mỹ, đặc biệt là Ấn Độ và Thái Lan – hai quốc gia đang có mức thuế nhập khẩu cao hơn khoảng 10% so với Mỹ. Những tác động này có thể làm dịch chuyển dòng thương mại và sản xuất toàn cầu, mang đến cơ hội cho những nền kinh tế ít bị ảnh hưởng như Việt Nam.

Ngoài ra, lạm phát tại Mỹ đang diễn biến khó lường khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và giá sản xuất (PPI) tăng nhanh, gây áp lực lên chi tiêu của người dân và làm chậm tiến trình đưa lạm phát về mức 2% như kỳ vọng. Điều này khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất, gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Sự không chắc chắn trong chính sách tiền tệ của Mỹ có thể khiến tỷ giá USD/VND tiếp tục biến động mạnh trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, các chỉ số kinh tế vẫn đang cho thấy những tín hiệu tích cực. Tăng trưởng tín dụng trong đầu năm 2025 tiếp tục diễn biến khả quan, nhờ sự hỗ trợ từ chính sách tiền tệ, lãi suất và các gói tín dụng ưu đãi. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2025 tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp hỗ trợ tăng 1,6%. Nhiều doanh nghiệp cho biết đơn hàng đã kín đến hết quý I/2025, đồng thời lượng đặt hàng từ các đối tác nước ngoài vẫn khả quan hơn so với năm trước. Điều này giúp tạo nền tảng tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt trong các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ và hàng tiêu dùng nhanh.

Dù vậy, nhà đầu tư vẫn cần theo dõi sát sao các tác động từ chính sách thuế của Mỹ. Nếu chính quyền Trump quyết định áp thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể chịu áp lực lớn. Mặt khác, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể dịch chuyển sang Việt Nam do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, giúp thị trường bất động sản khu công nghiệp hưởng lợi trong dài hạn.

Trong ngắn hạn, VN-Index nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục giằng co trong vùng kháng cự 1.280 - 1.300 điểm. Nếu thanh khoản được cải thiện và dòng tiền tiếp tục đổ vào nhóm cổ phiếu trụ cột, thị trường có thể bứt phá lên mốc 1.300 điểm trong các phiên cuối tuần. Tuy nhiên, nếu dòng tiền tiếp tục phân hóa mạnh sang nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, chỉ số có thể tiếp tục tích lũy thêm trước khi có sự bứt phá thực sự.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc một số nhóm ngành tiềm năng. Nhóm đầu tư công tiếp tục là điểm sáng khi kế hoạch giải ngân năm 2025 đang được đẩy mạnh, với những cái tên đáng chú ý như VCG, FCN, CTD. Nhóm bất động sản khu công nghiệp cũng có thể hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất, với các mã như KBC và BCM. Nhóm vận tải và logistics, vốn chịu ảnh hưởng bởi chính sách cấm vận của Mỹ trong các nhiệm kỳ trước, cũng đang thu hút sự quan tâm, với các mã như HAH, VOS, GMD. Ngành thép, mà cụ thể là cổ phiếu HPG, có thể là lựa chọn tốt trong dài hạn nhưng vẫn cần theo dõi thêm các diễn biến về thuế quan trước khi quyết định giải ngân.

Minh Khang